Trên mảnh đất đi đầu diệt Mỹ - Bài cuối: Chí thép Mậu Thân

DUY HIỂN 01/02/2018 10:22

Tin liên quan

  • Trên mảnh đất đi đầu diệt Mỹ - Bài 2: Sẵn sàng cho cuộc nổi dậy
  • Trên mảnh đất đi đầu diệt Mỹ - Bài 1: Những cuộc tập dượt

Ở Kỳ Khương, ngay trong đêm 30.1.1968, quần chúng cách mạng đã tập hợp về tại trường Khương Đại để tổ chức đội hình chuẩn bị xuống đường đấu tranh. Tuy nhiên bọn dân vệ địa phương đã phát hiện, bắn vào đám đông; du kích xã đã đánh trả khiến 2 tên bị chết, 2 tên bị thương, số khác bỏ chạy. Bên ta đồng chí Huỳnh Thị Lâm, Huyện đội phó Nam Tam Kỳ anh dũng hy sinh. Tuy cuộc tập kích của địch làm công tác chuẩn bị có phần gián đoạn nhưng cuộc nổi dậy của quần chúng vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Đội công tác và du kích cải trang giấu súng trong người cùng đi với quần chúng các mũi. Bà Nguyễn Thị Thuấn - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Kỳ Khương nhớ lại: “Mũi tấn công đồn Ông Sầm, nơi có trận địa pháo 105 của Mỹ gồm nhân dân các thôn Khương Phú, Khương Nhơn, Khương Hưng. Đoàn đấu tranh đã khiêng một cây thông noel bên trong giấu truyền đơn lên cổng đồn. Lính Mỹ trên đồn ném lựu đạn cay xuống, đồng chí Trịnh, binh vận khu 5 liền dùng loa kêu gọi lính Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân miền Nam, chúng chấp thuận, nhận cây thông noel và không có hành động cản trở nào”.

Binh vận thắng lợi tại đồn Ông Sầm, mũi Kỳ Khương quay về tham gia cuộc đấu tranh vào quận lỵ Lý Tín. Đi đầu là hai chị Nguyễn Thị Trinh và Nguyễn Thị Trí cầm băng rôn; nhân dân cầm cờ Mặt trận giải phóng vác gậy gộc, bồ cào, rựa… kéo theo. Khi các đoàn biểu tình của xã Kỳ Khương sắp đến địa bàn thôn Khương Bình, nơi rào thép gai bảo vệ quận lỵ thì ngụy quyền Lý Tín đã cho quân ra chốt chặn. Chúng lập tức nổ súng bắn chết chị Trinh và chị Trí rồi tìm cách bắt cán bộ, du kích hợp pháp. Cuộc giằng co bắt đầu nổ ra quyết liệt; chị Nguyễn Thị Bảng đã cầm rựa chặt đứt cánh tay tên lính đang tìm cách bắt sống đồng chí Nguyễn Khách - Bí thư Chi bộ xã Kỳ Khương. Địch bắn chị bị thương nhưng đồng chí bí thư đã kịp thời trốn thoát. Mặc dù ta dùng lý lẽ đấu tranh nhưng địch vẫn ngoan cố nổ súng làm nhiều người chết, bị thương. “Các đồng chí du kích mật như Huy, Nghĩa, Trần Hợi tuy mang theo vũ khí nhưng chấp hành mệnh lệnh không nổ súng, vẫn dùng lời lẽ đấu tranh và chấp nhận hy sinh. Nếu các đồng chí ấy mà nổ súng tự vệ thì địch càng có cớ để tàn sát nhân dân” - ông Nguyễn Văn Lời, nguyên Xã đội trưởng Kỳ Khương nhận định.

Đêm giao thừa Mậu Thân 1968, ở Kỳ Sanh đội quân đấu tranh chính trị không tập hợp toàn xã mà tập trung tại từng thôn, hợp đồng giờ giấc để tiến về huyện lỵ. Nhân dân các thôn 4, 5, 6, 7, 8 với gậy gộc, dao rựa, giơ cao băng cờ kéo xuống quận Lý Tín đấu tranh chính trị. Cán bộ và du kích trang bị vũ khí nhưng giấu kín trong người để sử dụng khi thật cần thiết. Khi đến đồn Hố Giang quần chúng đã bao vây đồn, đồng chí Diệu - cán bộ binh vận khu 5 dùng loa nói tiếng Anh kêu gọi quân Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân miền Nam. Lính Mỹ đồn trú tại đây nghe vậy cũng án binh bất động. Động thái này của quân Mỹ bước đầu đã tạo thuận lợi cho ta. Đoàn quân khởi nghĩa tiếp tục kéo về chợ Cà Đó rồi xuống quận Lý Tín  dự định cùng với lực lượng đấu tranh chính trị các xã bạn, bao vây quận lỵ… Sau những giây phút bất ngờ, quân ngụy phản kích quyết liệt. Chúng chặn đoàn biểu tình, xả súng vào đám đông. Cán bộ và nhân dân Kỳ Sanh hy sinh 13 người, một số bị địch bắt.

Trong khi đó, phương án nổi dậy tại Kỳ Xuân gồm 2 phần: một bộ phận sẽ giành chính quyền tại địa phương, một cánh vượt sông sang phối hợp với các xã kéo về quận lỵ Lý Tín giành quyền làm chủ. Mũi đấu tranh chính trị của Kỳ Xuân lên quận lỵ Lý Tín tập trung tại cảng cá An Hòa bây giờ. Bà Phạm Thị Quy kể: “Tôi nhớ ta tổ chức đi 12 chiếc ghe, bắt đầu xuất quân khoảng 3 giờ sáng. Khi chúng tôi cập ghe vào bến chợ Trạm, một số người chuẩn bị băng cờ thì tôi, bà chị tôi có chồng làm trong quận đạp xe bảo thôi đừng vô nữa, lính bắn chết rất nhiều người từ Kỳ Sanh, Kỳ Khương kéo vô quận. Ông Nguyên, người vừa mới đi tù về nói: “Cứ đi, cứ đi”. Ông ấy nói vừa dứt thì đã thấy lính kéo ra. Tôi bảo đem hết cờ băng, rựa, bồ cào, cuốc giấu đi hết. Bọn lính ào tới vây chúng tôi lại, đưa về quận”. Một cánh quân khác của Kỳ Xuân không vào quận được cũng quay trở về, khi đến ngã tư An Hòa thì bị lính ngụy chặn lại, bắn chết anh Võ Đăng Bối, người cầm cờ đi đầu, một số người khác bị thương.

Tại trung tâm xã Kỳ Xuân, nhân dân dưới sự lãnh đạo của một số đảng viên và quần chúng cốt cán trang bị gậy gộc băng cờ kéo đến bao vây trung đội Mỹ. Đồng chí Hoàng Dự phụ trách tổ binh vận nói tiếng Anh kêu gọi lính Mỹ không can thiệp vào chuyện nội bộ của người Việt Nam và rút quân về nước. Bị bất ngờ trung đội Mỹ án binh bất động, anh Dự đã kéo cờ Mặt trận lên. Bọn ngụy quân, ngụy quyền thấy lính Mỹ làm ngơ nên hoảng loạn bỏ chạy, ta hoàn toàn làm chủ tình hình. Tuy nhiên đến trưa quân Mỹ từ Chu Lai đổ trực thăng xuống tiếp viện. Bọn ngụy thấy vậy quay trở lại lùng sục, bắt bớ người dân tham gia khởi nghĩa. Cũng trong thời gian này đoàn quân đấu tranh chính trị các xã Kỳ Trà, Kỳ Yên… rầm rập kéo qua địa phận Kỳ Bích (xã Tam Xuân 1 hiện nay), mặc dù bị địch phục bắn nhưng đoàn quân vẫn dũng cảm vượt qua, chỉ để lại một bộ phận nhỏ cứu chữa người bị thương. Tuy nhiên sau đó đoàn biểu tình đã bị trực thăng Mỹ từ Chu Lai bay ra đàn áp khốc liệt. Chúng xả đại liên vào những người dân không tấc sắt đang đi bên dưới làm rất nhiều người bị chết.

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Núi Thành 1954-1975, tổng kết con số thương vong, riêng mũi đấu tranh chính trị trong đợt nổi dậy xuân Mậu Thân, Nam Tam Kỳ đã hy sinh 66 cán bộ và quần chúng, 81 người bị thương; rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân bị địch bắt đưa đi giam cầm tại các nhà lao trong và ngoài tỉnh, một số khác bị lộ phải thoát ly lên vùng căn cứ… Dù không thành công, cuộc nổi dậy ở Núi Thành trong mùa xuân 1968 vẫn là trang sử chói lọi. Bất chấp sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã đã nhất tề nổi dậy đấu tranh trực diện làm cho địch khiếp sợ. Điều đó cho thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân.

Núi Thành vùng đất đi đầu diệt Mỹ năm xưa nay cũng là địa phương đi tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở xứ Quảng. Xây dựng quê hương Núi Thành ngày càng giàu đẹp, đấy cũng là sự tri ân đối với bao đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống đất này.

DUY HIỂN

DUY HIỂN