Chuyện dưới chân đồi Đất Đỏ (Tiếp theo kỳ trước)

NGÔ PHÚ THIỆN 25/01/2018 09:15

Tin liên quan

  • Chuyện dưới chân đồi Đất Đỏ

Bác Bùi Xuân Hoàng - Ba Hoàng cho hay, đến cuối năm 1960, hầu hết cơ sở cách mạng ở Kỳ Chánh bị vỡ. Ai sống sót được đều phải “nhảy núi”. Mãi đến giữa năm 1961, các tổ đảng mới được nhen nhóm trở lại. Khi có tổ chức đảng, phong trào cách mạng trong quần chúng phát triển lại rất mạnh. Sang đầu năm 1964, cả xã Kỳ Chánh xây dựng được 2 đội du kích. Đội du kích của 4 thôn dọc theo sông Trường đặt tên là Đội du kích Kỳ Vinh. Việc đầu tiên, du kích Kỳ Vinh quyết tâm phục bắt bằng được tên Bí thư Quốc dân đảng Đoàn Văn Khương, ác ôn khét tiếng ở địa bàn này. Trong ngày Tết Đoan ngọ năm ấy, du kích đã tóm được tên Khương và nhân dân kéo về bao vây Hội đồng xã đóng ở Đông Thạnh. Cả “mâm” hội đồng tá hỏa, bỏ chạy lên chợ Cây Trâm. Thế là 4 thôn: Phú Vinh, Bình An, Hòa Xuân, Đông Thạnh được giải phóng đầu tiên ở vùng cửa sông này và du kích đưa tên Khương ra đình Phú Vinh xử tội công khai.

Nhưng 4 thôn vùng này mới được giải phóng một ngày đêm, bọn bảo an cùng lính địa phương quân trên quận kéo về, đánh chiếm lại. Lực lượng du kích trang bị còn thô sơ, không thể cầm cự nổi số đông bọn chúng. Các tổ đảng, du kích ở đây phải rút chạy lên tận xã miền núi Kỳ Thạnh để nương náu… “Ngày 29.8.1964, tại xã Kỳ Thạnh, Đội công tác Kỳ Vinh được chính thức thành lập. Huyện ủy phân công Đoàn Cầm làm Đội trưởng và bác làm Phó Bí thư xã đội. Đến ngày 5.4.1965, chúng tôi kéo về giải phóng toàn bộ địa bàn thuộc xã An Xuân cũ. Bốn thôn: Phú Vinh, Hòa Xuân, Bình An, Đông Thạnh lập thành một xã mới, theo tên Đội công tác xã Kỳ Vinh. Chính quyền cách mạng ở xã nhanh chóng được tái lập. Đồng chí Đoàn Cầm làm Chủ tịch xã; đồng chí Lê Gai giữ chức Bí thư Chi bộ và bác làm Phó Bí thư kiêm Xã đội trưởng. Lúc này “ban bệ” của xã Kỳ Vinh mới làm việc năng nổ lắm, nên nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng” - bác Ba Hoàng nhớ lại.

Cũng theo lời kể của bác Ba Hoàng, từ năm 1965 đến cuối năm 1970, Kỳ Vinh trở thành xã điểm về phong trào cách mạng. Một xã mà thành lập được đại đội du kích xã với hơn 100 người và 3 trung đội du kích thôn có tổng số 90 người. Chính quyền xã xây dựng được 4 Ban tự quản của 4 thôn và đầy đủ các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân… Chỉ trong vòng 2 năm đầu (1965-1966), Kỳ Vinh đã vận động gần 1.000 thanh niên tòng quân để bổ sung cho Huyện đội và Tỉnh đội. Suốt thời gian này, khu đồn bót của địch trên đồi Đất Đỏ đã biến thành “đại bản doanh” của Đội công tác, do chính bác chỉ huy… Trong vòng 5 năm (1965-1970) củng cố chính quyền, xã Kỳ Vinh đã thực hiện được nhiều việc lớn, ngoài sức tưởng tượng. Trong khi các xã lân cận, như Kỳ Xuân (ở phía nam), Kỳ Trung (ở phía bắc), địch càn phá liên hồi, ác liệt thì Kỳ Vinh vẫn vững vàng là “lãnh địa bất khả xâm”. Đại đội Biệt lập khét tiếng của Nguyễn Vĩnh Liệu ở Kỳ Trung mấy phen vượt sông mò sang đây, nhưng rồi bị đánh bật lại. Bọn chúng căm phẫn lắm, nhưng chẳng làm chi được!

Ngày ấy trên địa bàn xã Kỳ Vinh, chỗ nào cũng có công sự, cạm bẫy, hầm chông của nhân dân và dân quân du kích. Ngoài việc Đội công tác trực chiến ở điểm cao của đồi Đất Đỏ, nhân dân còn xây dựng được 3 tuyến địa đạo sâu trong lòng cát ở 3 hướng để phòng thủ: thôn Hòa Xuân 1km; Bình An 1km, Thanh Long 1km. Khi xã vừa hoàn thành hệ thống địa đạo, bẫy chông thì bọn địch “đánh hơi” biết được. Tháng 8.1965 - sau hơn 3 tháng im tiếng súng, Đại đội Bảo an phối hợp với Thiết đoàn chiến xa của Mỹ, bất ngờ rầm rộ kéo xuống Kỳ Vinh. Dưới đất, chúng tiến quân hai mũi xuống thôn 2 và 3; đồng thời dùng xe tăng, xe lội nước vượt qua sông Trường Giang. Trên trời, 2 phi đội F.5E tập trung đánh bom xuống đồi Đất Đỏ và thôn Bình An; tiếp sau là hàng đàn trực thăng, theo từng tốp đổ quân trên cánh đồng phía tây. Trên đỉnh đồi Đất Đỏ, Đội công tác đã kịp quan sát những hướng tiến công của địch, nên báo động để các đơn vị của ta kêu gọi nhân dân, rút xuống công sự và địa đạo.

Trong ngày đầu, bọn chúng tiến chiếm được quá nửa xã Kỳ Vinh mà không gặp sự kháng cự nào. Pháo tầm xa và bom lân-tinh của Mỹ hủy diệt hầu hết nhà dân ở hai thôn Hòa Xuân và Bình An. Đồi Đất Đỏ cũng bị máy bay địch bắn phá tan tành, rồi đổ quân chiếm giữ. Nhưng đến quá nửa đêm hôm sau, lợi dụng địch đắc thắng chủ quan, ta đồng loạt phản kích. Trong đêm tối, Đội công tác bò theo giao thông hào trở lại bao vây đồi Đất Đỏ. Ở đây, chúng chưa kịp củng cố lại hầm hào đã bị phá; còn quân ta thì quá rành những điểm chúng có thể đặt pháo cối và đại liên. Trung đội du kích dùng mìn phát hỏa làm hiệu. Quả mìn tự chế bằng khối thuốc TNT nổ vang trên đỉnh đồi. Cả ụ súng cối và lều bạt của quân Mỹ bốc cháy dữ dội. Hỏa lực địch trên đồi Đất Đỏ chỉ còn bắn thưa thớt. Dưới các hầm, hào ngoài nổng, quân ta “đội cát” xung phong!

Cuộc phản công quyết liệt của quân và dân ta kéo dài đến sáng. Xe thiết giáp chạy ra nổng cát bị lùi, đành quay đầu trở lại. Mỹ dùng trực thăng tăng cường xuống, bắn rốc kết để mở đường cho bộ binh rút quân. Ta phải xuống lại các địa đạo để tránh tầm đạn của máy bay trực thăng và pháo cối. Đến 8 giờ, ca-nông địch ngừng bắn để chúng chuyển thương và thi thể của đồng đội về tập trung dưới chân đồi Đất Đỏ. Đến 12 giờ trưa, toàn bộ xe tăng và bộ binh của địch đều rút về hướng Kỳ Chánh. Quân và dân ta trở lại làm chủ địa bàn, lo cứu chữa người bị thương và cùng nhân dân dựng tạm lại nhà cửa. Đây chính là trận đầu tiên Đội công tác Kỳ Vinh và du kích thôn “thử lửa” với cả quân Mỹ lẫn ngụy…

*  
*                *

Kể đến đây, bác Ba Hoàng nhắc câu chuyện cách đây chưa xa: “Có lần đi viếng hương ở nghĩa trang xã, một người đồng chí, đồng đội của bác là Huỳnh Ngọc Phường đã nói về ngọn đồi kỳ lạ này: Nghĩ đến xã Kỳ Vinh cũ là nhớ ngay đồi Đất Đỏ; ngọn đồi nhỏ nhưng chứa đựng nhiều “sự tích” lớn của quân dân trong xã này... Có lẽ đúng như vậy!”. Bác Ba Hoàng cho hay, Huỳnh Ngọc Phường là mũi trưởng đặc công của V20, tham gia chiến đấu kể từ năm 1966. Sinh ra ở Kỳ Vinh, sau khi gia nhập bộ đội huyện, Huỳnh Ngọc Phường lại trở về chiến đấu với Đội công tác xã. Mà duyên phận thế nào, cứ chuẩn bị đánh đồn Đất Đỏ là thấy có Huỳnh Ngọc Phường. Hiện nay nhiều đồng đội của Huỳnh Ngọc Phường ở V20 và Đội công tác vẫn nằm lại ở nghĩa trang, dưới chân ngọn đồi này…

Bác Ba Hoàng kể, có một mẩu chuyện vui liên quan đến Huỳnh Ngọc Phường, đó là khi lần đầu đồng chí được đơn vị V20 điều về xã. Gặp cậu liên lạc của Kỳ Vinh, Phường nói nhỏ: “Cho tui lên đồi gặp anh Ba Hoàng để liên hệ công tác”. Cậu liên lạc của du kích thôn lên giọng “chỉnh” ngay: “Anh em chi ở đây! Phải gọi là đồng chí Hoàng - Xã đội trưởng”. Phường ôm súng luống cuống: “Dạ, dạ… đúng rồi! Đồng chí Bùi Xuân Hoàng. Tui lỡ lời!”.

(Còn nữa)

NGÔ PHÚ THIỆN

NGÔ PHÚ THIỆN