Chuyện dưới chân đồi Đất Đỏ

NGÔ PHÚ THIỆN 24/01/2018 09:05

Trên đường vào thôn Hòa Xuân, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, cô văn thư xã bất ngờ hỏi tôi: “Anh có biết ở Hòa Xuân này có chi độc đáo bậc nhất không?”. “Thì… nơi đây là quê Thủ Thiệm và cả phần mộ của ông cũng nằm đây!”. Tôi chắc mẩm là mình đúng. Nhưng cũng tò mò muốn biết cô gái đánh đố việc gì, tôi hỏi lại: “Thế nào cô văn thư? Vùng này tôi biết quá rồi mà!”. Cô gái dừng xe, đáp từ tốn: “Đúng đây là quê hương của Thủ Thiệm, nhưng không trúng ý em muốn hỏi. Anh thử nhìn lên ngọn đồi kia kìa, có thấy chi khác lạ không?”.

“Đúng, mà… không trúng!”. Tôi cười mỉm. Chợt nhìn theo ngón tay cô gái chỉ, tôi kịp giật mình nhận ra ngọn đồi kia độc đáo thật. Một mỏm đồi khoảng chừng 5ha trồng keo lá tràm nhưng bên dưới có màu đất đỏ quạch. Trong khi chung quanh khu đồi và cả vùng ven sông Trường Giang này chỉ toàn thấy cát trắng mịn. Đến lượt tôi chất vấn: “Vậy theo cô, cái khác lạ này do đâu?”. “Em hổng biết!”. Cô gái đáp cộc lốc. Dừng một chút, cô lại bảo: “Nhưng nghe bà con ở đây nói, nó có nhiều thứ độc đáo lắm!.. Em sẽ đưa anh đến gặp một người, có thể người ấy “giải mã” hết những bí mật của ngọn đồi Đất Đỏ này”.

Chúng tôi tìm đến nhà bác Ba Hoàng, như lời cô văn thư giới thiệu. Đó là ngôi nhà cấp bốn còn khá mới, nhưng trông có vẻ vắng lạnh, nằm trong khu vườn nhỏ ở cạnh sườn nổng cát thôn Hòa Xuân, xã Tam Hòa. Được biết, Ba Hoàng (tức Bùi Xuân Hoàng) là một “cố cựu” của đội du kích xã Kỳ Vinh suốt thời chống Mỹ và “trụ bám” với mảnh đất này cho đến bây giờ. Bác Ba Hoàng sống một mình. Hỏi vì sao tuổi già lại sống có một mình? Bác khoát tay bảo: “Có được năm người con, nhưng chúng ra riêng cả rồi. Còn tui phải trụ đây, để giữ lại mấy thứ trên bàn thờ!”.

Tôi lặng người, nhìn theo ánh mắt của chủ nhà. Trên điện thờ, ngoài bức chân dung Hồ Chủ tịch đặt trang trọng bên trên, phía dưới là 6 di ảnh (hình họa lại) với 5 tấm bằng liệt sĩ! Phía đầu cột bên phải điện thờ treo tấm bằng “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Bác Hoàng giải thích: “Cả nhà này đều tham gia kháng chiến. Cha mẹ tui, người bị bọn bảo an giết; người bị lũ an ninh xã chôn sống, chỉ một thằng em út chết trận; còn hai đứa em - một trai, một gái - cũng bị địch bắt, rồi đem ra bắn ở nổng cát gần đây. Lúc ra đi, chẳng ai kịp để lại tấm ảnh riêng tư nào. Chỉ có vợ tui, trước kia làm Bí thư Chi bộ hợp pháp ở xã này, sau một thời gian thì bị lộ, phải chuyển lên huyện công tác. Bà ấy mới qua đời sau ngày miền Nam giải phóng”.

Nghe bác nói mà lòng tôi nghẹn ngào. Ngồi im một lúc, tôi ra hiệu với cô văn thư muốn xin từ biệt bác Hoàng, vì không muốn gợi lại nỗi đau, mất mát quá lớn của gia đình. Đứng dậy, tôi chưa biết nói gì lúc này, bỗng bác Hoàng níu tay tôi, bảo: “Ngồi đây chuyện trò chút cho vui. Nhà này vắng khách lắm… Mà nghe cô này bảo cháu muốn tìm hiểu chuyện về đồi Đất Đỏ của xã Tam Hòa, kia mà!”.

*
*             *

Không ai gợi mở, chuyện đời của hơn sáu mươi năm trước chợt ùa về với bác Ba Hoàng. Ngôi nhà trống vắng của bác hôm nay lại vang lên những âm thanh lạ, lúc cao hứng dồn dập; lúc u trầm, da diết. Sức dồn nén cảm xúc tưởng đã ngủ yên trong lòng người lính già, bỗng sống dậy một cách mãnh liệt, cụ thể. Bác Bùi Xuân Hoàng mở đầu từ câu chuyện của đời mình: “Số phận của Ba Hoàng này hầu như vướng vít, quẩn quanh với Đội công tác của xã Kỳ Vinh cũ! Từ xưa tới giờ, mái nhà nhỏ của gia đình bác vẫn “bám” dưới chân đồi Đất Đỏ này, mặc dù có bận chẳng còn ai ở đây. Thuở trước gia đình đông con, bác là con thứ hai mà người ta quen gọi là Ba Hoàng. Có chị Hai đầu nhưng mất sớm, rứa là bác trở thành anh trưởng của năm anh em. Nếu không có chiến tranh thì…”.

Giọng bác Ba Hoàng chùng xuống, mắt đỏ hoe. Mãi một lúc bác mới bình tâm, nhớ lại: “Ngay sau ngày Hiệp định Giơnevơ ký kết (1954), cả vùng quê dọc theo sông Trường Giang này đều chịu cảnh ác nghiệt lắm. Không biết bao nhiêu lần, từ đội quân Liên hiệp Pháp đến lính Bảo an của ngụy quyền về vùng này truy lùng Việt Minh, giết hại người dân nhiều vô kể. Khi Ngô Đình Diệm công khai chống lại Hiệp định đình chiến, thành lập chính quyền ở miền Nam thì ngụy quyền cũng phân chia lại địa giới hành chính của các xã ở đây. Địa bàn xã Tam Hòa ngày nay, từ năm 1962 chính quyền ngụy gộp phần lớn vào xã Kỳ Chánh, thuộc quận Lý Tín”.

Bác Ba Hoàng cho biết, ba thôn vòng theo bờ Trường Giang là Hòa - Vinh - Thạnh, từ đầu năm 1949 chính quyền cách mạng lập thành xã mới, gọi là An Xuân. Đến khi ta thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, phần lớn cán bộ tập kết ra Bắc thì chính quyền ngụy tràn vào chiếm đóng An Xuân. Chúng chia địa bàn này thành 7 ấp, thuộc xã Kỳ Chánh. Đại đội Bảo an của quận Lý Tín kéo về đóng đồn trên ngọn đồi Đất Đỏ này. Thế là từ đầu năm 1955 đến 1960, bọn lính Bảo an kết hợp với bọn “Công dân vụ” ở xã về vùng này, tha hồ bắt bớ, truy bức nhân dân. Bọn chúng phân loại dân trong vùng làm 3 hạng để giám sát. Hạng một là loại “dân quốc gia”; còn hạng hai và ba là loại có cảm tình với Việt Minh - cộng sản thì thẳng tay đàn áp. Hàng ngày chúng đi lùng bắt những người có thân nhân đi tập kết, gọi là “cộng sản nằm vùng” để đưa về đồn Đất Đỏ tra tấn, thủ tiêu…

“Cha mẹ bác chủ yếu sống dựa vào sông nước. Nhờ con cá, con tôm của sông Trường Giang này mới kiếm đủ gạo nuôi cả đàn con nheo nhóc. Thế mà bọn chúng nghi ngờ là làm tiếp tế cho cộng sản. Bữa nọ, mẹ mua được ang gạo ngoài chợ gánh về nhà. Vừa đặt gánh trước cửa, bọn Bảo an ùa đến, nói là “bắt được quả tang, mang gạo tiếp tế”. Thế rồi chúng vào nhà lục tung đồ đạc và bắt luôn hai vợ chồng già lên nhốt trên đồi Đất Đỏ… Cháu nghĩ, làm sao mà không uất ức được!” - bác Ba Hoàng nói. Rồi kể tiếp: “Một tuần sau đó, chúng thả song thân bác về nhưng người ngợm thâm tím. Thấy vậy, bác bảo: “Thôi, cha mẹ cố nhịn nhục ở nhà, để con vào du kích”. Cha nghe nói vậy, can ngăn: “Mày còn nhỏ, biết gì. Phải lo mà học mấy chữ để năm sau còn lên thị trấn, gắng theo đèn sách với người ta”. Ngờ đâu, sau cái bận đó cha bác giấu mọi người, tham gia du kích bí mật. Cuối năm 1955 bác cũng lặng lẽ nhận làm liên lạc cho ông Đỗ Thế Chấp, rồi Huỳnh Hà, đến năm 1959”…

Cũng theo lời bác Ba Hoàng, giai đoạn cuối năm 1959 đầu 1960, dân tình ở đây uất hận lắm! Chính quyền Diệm thực thi Luật 10/59 với chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, chúng không chừa một ai. Nhiều người ở Hòa - Vinh - Thạnh bị bắt giải lên xã, lên quận rồi chúng đem thủ tiêu ở đâu mất tăm. Cha bác Ba Hoàng cũng bị bắt, nhưng bọn chúng chuyển lên tận lao xá Tam Kỳ một thời gian rồi thả về. Ai dè, về đến nơi lại bị bọn an ninh xã đón đường, đem ổng ra nổng cát… chôn sống!

(Còn nữa)

NGÔ PHÚ THIỆN

NGÔ PHÚ THIỆN