Chuyện Bốn Cân ở Kỳ Sanh (tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 18/01/2018 08:39

Tin liên quan

  • Chuyện Bốn Cân ở Kỳ Sanh
  • Chuyện Bốn Cân ở Kỳ Sanh (tiếp theo kỳ trước)

Trong đêm tối, Bốn Cân dẫn du kích Thương và ông Khái cán bộ tuyên huấn đã lớn tuổi từ Hố Ngựa lần xuống thôn Tám, thôn Tư. Từ đây muốn qua thôn Ba phải lội sông. Nước lớn, chảy xiết không lội sông được, Bốn Cân quyết định qua đường cầu. Đi đường cầu rất nguy hiểm, địch thường phục ngay phía bên kia đầu cầu, chờ đối phương qua giữa cầu là nổ súng, không thoát được.

Trong phương án tác chiến, qua cầu là phương án 2, rất mạo hiểm. Bốn Cân mang khối thuốc 10 ký áp sát người trên mặt cầu bò trước, Thương theo sau cách 5 mét rồi tới ông Khái tuyên huấn. Hết người rồi mới để ông Khái đi. Thiệt tội cho ông, già rồi hơi chậm chạp nhưng rất quyết tâm. Qua khỏi cầu là đã thành công một nửa. Ba người lần vào một cái miếu hoang, lúc này là 11 giờ Hà Nội ứng với 12 giờ Sài Gòn. Bốn Cân nhắc mọi người chui vào miếu, nằm kín trong bụi rậm để kiểm tra lại toàn bộ các phương tiện gây nổ. Mọi việc xong, ba người cũng vẫn cách nhau 5 mét, lần vào địa điểm cơ quan hội đồng. Chung quanh công trình đang xây này địch đã đào giao thông hào, bắt đầu trồng tre. Chúng có ý định lên phương án phòng vệ cái trụ sở này giống như đồn Bà Đợi ở Kỳ Trung. Tương lai sẽ thiết kế một hàng rào tre xanh dày đặc, bắn đạn B40 không lọt. Ý định là thế, còn bây giờ trụ sở đang xây dựng nên chúng chưa kịp rào giậu, ba người tiếp cận ngôi nhà đang xây quá dễ dàng. Nhưng quan trọng hơn là ta có nội tuyến trong trung đội Tân trang. Tối hôm nay trúng phiên gác của các anh Tài, Mỹ, Cần, Minh, Kìa là người thôn Tám, thôn Tư Kỳ Sanh cả. Các đồng chí nội tuyến ấy đã lừa lọc đủ cách để bọn địch bố trí phiên gác này rặt là người của ta. Đúng giờ hẹn, các anh ấy kéo hết qua chơi bài ở nhà bà Kiểu cách nơi  gác 70 mét, bỏ ngỏ công trình trụ sở.

Bốn Cân đặt khối thuốc nổ 5 ký ở gian giữa, anh Thương đặt khối thuốc nổ 3 ký ngay góc tường, ông Khái đứng cảnh giới bên ngoài. Hai người bật kíp hẹn giờ cùng lúc, rồi cả ba rút êm về phía thôn Tám. Lên tới xóm 3 thôn Tám, nghe súng nổ giòn phía quận lỵ Lý Tín, kế tiếp là hai tiếng ầm, ầm dữ dội cùng với hai cột lửa bốc lên sáng rực phía thôn Ba... Cái trụ sở hội đồng chưa xây xong đã bị đánh tan hoang. Thương nghe súng nổ, hỏi Bốn Cân: “Có chuyện gì mà súng nổ phía Lý Tín dữ dội vậy chị?”. Thương là lính nên hoàn toàn không biết trận đánh anh vừa thực hiện là trận đánh phối hợp trên địa bàn. Lính mà, đâu có được biết nhiều. Chị Cân trả lời: “Ừ, mình đã hoàn thành nhiệm vụ phá nát cơ quan Hội đồng Kỳ Sanh, đồng thời vừa phối hợp với trận đánh Lý Tín”. Bốn Cân ngẫm trong bụng: “Các ông ấy phân công trực tiếp chỉ huy trận này có lẽ thử thách mình, đáng ra đồng chí Thạnh xã đội trưởng là người chỉ huy đánh mới phải”.

Đúng như suy nghĩ của Bốn Cân, sau trận đánh một thời gian thì nhận quyết định trở về lại Kỳ Sanh, giữ chức Bí thư xã. Bốn Cân làm Bí thư xã mà ngó trước ngó sau chỉ còn mấy người, dân trụ bám được mấy chục gia đình, làng xóm xác xơ, lau lách phủ hết các lối mòn, ruộng đồng hoang hóa, Đội công tác không có chỗ ở ổn định, nay ở xóm này, hố này mai ở xóm khác, hố khác, hóc khác. Tối ngủ, treo võng đâu thì ông Phố phải cài mìn, lựu đạn chung quanh đề phòng địch tập kích bất ngờ. Gạo mắm phải trông cậy bà con trong các khu dồn bí mật tiếp tế. Tình hình đã đến đỉnh điểm ác liệt, căng thẳng. Lực lượng như thế này thì khó tổ chức đánh đấm gì, chỉ làm được việc dẫn đường, hỗ trợ cho lực lượng trên về đánh hoặc tiềm nhập vào vùng địch để thi hành án, diệt những tên ác ông đầu sỏ...

Nhưng là chiến tranh nhân dân thì lực lượng đâu chỉ ở du kích, Đội công tác mà sức mạnh chính là nằm ở lòng dân, trong cơ sở quần chúng. Dân còn tin, còn theo cách mạng thì cách mạng sẽ thành công. Xác định như vậy, Bốn Cân lãnh đạo Đội công tác xâm nhập vào các khu dồn xây dựng cơ sở hợp pháp; xây dựng Đội du kích B, bí mật thực hiện những trận đánh bất ngờ trong lòng địch; xây dựng cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch, đợi thời cơ đứng lên khởi nghĩa diệt ác ôn, phá banh khu dồn, làm chủ hoàn toàn trở lại quê hương. Tại thời điểm này, trên chiến trường Quảng Nam nói riêng và miền Nam nói chung đều rơi vào tình thế rất khó khăn, nhưng tất cả đều quyết tâm trụ vững, không ngừng tiến công, vừa đánh vừa tích lũy lực lượng chuẩn bị cho những đòn phản công giành thắng lợi quyết định...

Cuối năm 1972, phong trào Kỳ Sanh vừa có bước phát triển trở lại, đồng chí Thạnh xã đội cũng đã cứng cáp hơn về kinh nghiệm lãnh đạo phong trào cách mạng toàn diện tại một địa bàn cơ sở, đủ sức đảm nhận vai trò bí thư xã, huyện rút Bốn Cân về giữ chức Phó ban Tổ chức Huyện ủy. Từ đó Bốn Cân tiếp tục công tác cho mãi tới ngày toàn thắng.

Hồi còn chiến tranh, ở chiến khu tài sản của mỗi người nằm gọn trong chiếc ba lô với vài bộ quần áo, tấm tăng che mưa, chiếc võng, đôi dép su và vài thứ vật dụng cần thiết mang theo người. Bây giờ thời bình, người nào cũng có chồng con, gia đình. Với đồng lương ít ỏi, lại phải nuôi ba đứa con thơ, túng bấn, năm 1981 Bốn Cân quyết định xin về hưu non chạy chợ nuôi con, để một mình chồng theo đuổi công việc nhà nước. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn, chiến tranh ác liệt như vậy còn chịu đựng được, bây giờ thanh bình rồi mà phải dứt gánh giữa đường, xót lắm nhưng vì con, vì chồng nên phải hy sinh.

Bây giờ đã quá tuổi bảy mươi, nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Cân - Bốn Cân sống cùng chồng con, cháu nội trong căn nhà cấp bốn giản đơn với đồng lương hưu khiêm tốn. Tâm sự với tôi, chị chia sẻ:

- Bây giờ thế hệ chúng tôi đã là người cổ lai hy. Điều còn lại của chúng tôi là mong ước. Mong ước cho con cháu có ăn, có học, thành đạt; mong ước đất nước trường tồn trong thanh bình và phát triển. Được thế thì có nhắm mắt xuôi tay chúng tôi cũng yên lòng.

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG