Ngôi làng "thế phát" Duy tân

LÊ THÍ 07/01/2018 11:53

Làng Gia Cốc (nay là thôn Đông Gia, xã Đại Minh) là một trong 6 làng cổ của huyện Đại Lộc. Làng nổi tiếng không chỉ bởi là ngôi làng “duy tân” tiêu biểu vào đầu thế kỷ với đầy đủ nông hội, thương hội mà còn bởi là nơi diễn ra lễ “thế phát”(cắt tóc) cho các nhà duy tân hàng đầu của Quảng Nam do chính Phan Châu Trinh chủ trì.

Làng Gia Cốc ngày nay.  Ảnh: Trương Điện Thắng
Làng Gia Cốc ngày nay. Ảnh: Trương Điện Thắng

Lịch sử làng

Không phải là làng tiền hiền của xứ Quảng như Cẩm Sa, Khánh Sơn, Đồng Tràm… nhưng Gia Cốc là làng cổ của đất Quảng. Theo TS.Huỳnh Công Bá trong “Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở bắc Quảng Nam” thì làng Gia Cốc được thành lập khoảng đầu thế kỷ 16, cùng một lượt với các làng Phiếm Ái, Ô Da (Đại Lộc), Hương Quế, Mông Lĩnh (Quế Sơn), Bảo An, Thi Lai (Điện Bàn)… Tài liệu trên cho biết, tiền hiền của làng - thỉ tổ của các tộc Trần và Phạm là những di dân từ Nghệ An.

Tài liệu cổ nhất nói về các làng xã của Quảng Nam là sách Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc và lập thành năm 1553 cho biết, Gia Cốc là một trong  66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong dưới thời nhà Lê và là một trong 6 làng của huyện Điện Bàn nằm trên địa phận huyện Đại Lộc ngày nay (đó là: Ô Da, Bàng Trạch, Ái Đái, Phiếm Ái, Quảng Huế và Gia Cốc).

Không hiểu vì sao dưới thời các chúa Nguyễn, Gia Cốc lại mang tên khác. Trong tất cả phủ huyện của Quảng Nam trong Phủ biên tạp lục (viết năm 1776) lại không tìm thấy tên Gia Cốc dù các làng xã lân cận như Phiếm Ái, Quảng Huế, Giáo Ái… lại có đầy đủ. Dưới thời nhà Nguyễn, Địa bạ Gia Long soạn năm 1812 chỉ cho biết vài thông tin ngắn ngủi về ngôi làng đặc biệt này: “Xã Da Cốc thuộc tổng An Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên. Đông giáp xã Ô Da, tổng Quảng Đại Thượng (lấy bờ ruộng làm giới). Tây giáp xã Ô Kha (lấy bờ ruộng làm giới). Nam giáp xã Phú Thuận, châu Lâm An Đông Tây, Lâm An Trung, Lâm An Bắc, châu Đông Phúc Tam (thuộc Hoa châu). Diện tích toàn xã là 472 mẫu 9 sào, 3 thước…”. Sách Đồng Khánh địa dư chí viết trong thời kỳ 1887 - 1890 cho biết, Gia Cốc là một trong 20 làng thuộc tổng An Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, một số làng ở phía tây Duy Xuyên được sáp nhập vào huyện Đại Lộc, trong đó có làng  Gia Cốc và trực thuộc xã Đại Minh. Giai đoạn 1954 - 1975, Gia Cốc là một trong 6 thôn của xã Lộc Phước, quận Đại Lộc. Đến sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975) làng mới trở lại xã Đại Minh như  thời trước 1954.

Ngôi làng Duy tân

Làng Gia Cốc nằm gần tuyến đường sông nối Vu Gia với Thu Bồn sau đó xuôi về Hội An, ngày trước là tuyến huyết mạch đưa nguồn nông lâm thổ sản và khoáng sản phục vụ xuất khẩu. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã nói về sự giàu có của nguồn Ô Da: “Các sách Ô-da, Ỷ xanh, hàng năm nộp sáp ong 60 bát (mỗi bát cân nặng 3 tiền 30 đồng). Nguồn Ô Da hàng năm tiền thuế 550 quan, song (mây) 20 cuộn, mây sắt 3.500 sợi, đèn cảm lãm (nhựa trám) 3.700 chiếc, dầu vừng 13 chỉnh…”; “Nguồn Ô Da không có lệ thuế sản xuất vàng rất nhiều, nhưng đầu nguồn đường xa, nhiều ác man, người buôn chỉ lấy ở sông…” (Nxb KHXH, 1971, trang 232, 249).

Với tầm nhìn chiến lược, Phan Thúc Duyện, người phụ trách mảng kinh tế của phong trào Duy tân đã cho xây dựng ở làng Gia Cốc những cơ sở Duy tân quan trọng. Năm 1906, khi tháp tùng Phan Châu Trinh đi thăm các cơ sở Duy tân, Phan Khôi cho biết: “Tại đó (Phong Thử), tôi gặp thêm cụ cử Mai Dị nữa, rồi bốn người chúng tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tốn, ông này có mở một tiệm buôn và một sở vườn trồng quế, trồng chè gần đó mời chúng tôi đến chơi” (Lịch sử tóc ngắn, Báo Ngày Nay số 149  ra ngày 15.2.1939).

Cũng theo Phan Khôi trong bài báo trên, tại làng Gia Cốc vào thời điểm đó, bằng mấy câu nói “khích”, Phan Châu Trinh đã “xúi” hai ông cử nhân (Mai Dị, Nguyễn Bá Trác) và một ông tú tài (Phan Khôi) - là những thành viên của phong trào Duy tân, cắt phăng búi tóc củ hành, dứt khoát đoạn tuyệt với khoa cử Nho học để làm nhà Duy tân. Phan Khôi cũng cho biết sau đó vài ngày thì hàng loạt lãnh đạo của phong trào Duy tân cũng cắt tóc ngắn.

Qua bài báo trên cũng hé lộ một thông tin thú vị, người ta vẫn tưởng Nguyễn Bá Trác, Mai Dị, Phan Khôi là 3 người cắt tóc ngắn đầu tiên ở Quảng Nam (dĩ nhiên là sau Phan Châu Trinh) nhưng thực ra trước đó cụ Học Tốn và người nhà của cụ ở làng Gia Cốc đã cắt tóc ngắn. Mời đọc lại lời Phan Khôi nói về nhà cụ Học Tốn hôm đó: “Một nếp nhà chòi đóng sơ sài trên đồi, bốn phía cây cối um tùm giữa mùa đông lạnh và vắng vẻ. Vào nhà rồi, một điều nhận thấy lấy làm lạ mắt nhất: từ chủ nhà đến người làm công, kẻ tôi tớ, cả nhà hết thảy chừng hai chục đầu người, đều không có tóc dài như ba chúng tôi…”. Gia Cốc đích thị là làng đầu tiên có người cúp tóc ngắn của Quảng Nam, trước cả các sĩ phu giác ngộ hàng đầu của phong trào Duy tân.

Đến năm 1908, cuộc biểu tình kháng sưu cự thuế nổ ra đầu tiên ở làng Phiếm Ái cạnh làng Gia Cốc (có sự tham gia chỉ huy của Học Tốn, chủ nhân của “tiệm cắt tóc” mà Phan Khôi đề cập) lại gắn liền với việc cắt tóc ngắn, làm cho nhiều tờ báo ở Pháp gọi đó là “loạn đầu bào” hay “cuộc phiến loạn của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus).

Tại Gia Cốc, năm 1908 cũng diễn ra một cuộc bạo động đáng tiếc (nằm ngoài ý đồ của phong trào vốn chủ trương bất bạo động), đó là việc Chánh tổng Trần Quát bị bắt dìm sông cho đến chết. Việc này Châu bản triều Duy Tân viết: “Kết nghĩ về vụ án Nguyễn Cương rủ mưu nịch sát Chánh tổng Trần Quát… Bọn Nguyễn  Cương, Nguyễn Dực và Phan Tham thừa lúc hạt dân náo động ban ngày rủ đảng vây bắt phái viên nịch sát, tính rất hung hãn, đã bị quan binh hành tại thám nã, đem xử trọng tội, thật chẳng oan. Cần án điều lệ khích biến lương dân. Vậy Nguyễn Cương xin xử trảm bêu đầu. Nguyễn Dực và Phan Tham đều xử trảm quyết…” (Phong trào kháng thuế miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, Nxb Văn Học, 2008, trang 37, 38).

LÊ THÍ

LÊ THÍ