Cuộc trùng phùng kỳ diệu (Tiếp theo và hết)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 25/12/2017 08:54

Tin liên quan

  • Cuộc trùng phùng kỳ diệu
  • Cuộc trùng phùng kỳ diệu (Tiếp theo kỳ trước)

Anh em Cát chuyện trò, nước mắt chảy ròng. Cả hai cùng hướng về quê, về mẹ với lời cầu khẩn mong manh và hy vọng: “Bao giờ được gặp lại mẹ! Chiến tranh ngày càng khốc liệt, mong không có chuyện chi xảy ra với mẹ của chúng con!”. Trong cuộc chiến này người người trong từng thời khắc đối mặt với hiểm nguy, nhưng họ không lo cho mình mà nơm nớp, bồn chồn gan ruột mỗi khi nghĩ tới chuyện rủi may của người thân.

Cát nằm lặng yên nuốt từng lời về chuyện nhà, chuyện quê. Anh em gặp nhau giữa chiến khu là một cơ duyên không dễ có. Cát để em kể hết thảy mọi thứ, những gì trông đợi mấy năm nay, thỉnh thoảng mới hỏi về những điều cần biết. Nghe chuyện rồi, Cát suy nghĩ. Cát nghĩ không biết cần phải dặn dò thằng Dương em mình điều gì và phải bắt đầu từ đâu, một khi đã đặt chân vào con đường kháng chiến vạn dặm. Em  còn quá nhỏ, thân xác non tơ, chuyện đạn bom không thể tránh trớ, may nhờ rủi chịu, nhưng chuyện ốm đau, sông nước thì có thể được. Cát rỉ rả truyền cho em một ít kinh nghiệm đã từng:

- Mình dân biển lên núi nên dễ “ngã nước”, sốt rét dữ lắm. Anh đi mấy năm toàn uống nước nấu sôi để nguội, bí bách lắm mới uống một miếng nước lạnh, ngủ bọc võng, giữ rứa mà vẫn sốt trọc đầu. Khó nhất là giữ muỗi ban ngày, bận quần đùi vào rừng chặt cây hái rau thì dễ bị muỗi đốt, bận quần dài áo dài tay thì mau rách, kiểu chi cũng khó. Giữ cho được vài năm đầu, thường xuyên thủ lọ thuốc ký ninh trong ba lô, nghe dún dún người là uống liền, kỵ nhất là sốt ác tính, nguy hiểm lắm. Sốt rét rừng là bệnh lưu cữu khó tránh khỏi, giữ được chừng nào tốt chừng ấy.

Thứ nữa là chuyện nước non, vượt sông, vượt lũ. Tuy là dân biển, biết bơi biết lội nhưng em sức còn yếu, không có kinh nghiệm qua nước ở miền núi. Mùa đông lũ ở các sông suối dữ tợn lắm, anh Bốn suýt chết đuối sông Trường Trà My đây này. Mình nằm đây là gần sát bờ sông Trường. Nhất là sau cơn sốt, phải cẩn trọng đừng vượt sông ẩu. Anh hồi đó sắp đuối là do mới sốt dậy, người yếu khô. Biết bơi thì ít sợ chỗ nước sâu, sông rộng, nước ít chảy; nguy hiểm là chỗ nước cạn, nước chỉ ngang bụng nhưng chảy như thác, khó cự lại. Mấy anh thanh niên, mạnh, qua nước ưng gùi nặng đằm chân, lội dễ hơn. Cỡ như em yếu, nước xô nhấc hỏng chân, lăn cù theo thác. Đã có rất nhiều trường hợp như thế rồi, bạn anh là anh Thắng ở Kỳ Quế năm ngoái đi chiến dịch, trôi mất tích ở sông Nước Bui cũng trên đất Trà My này.

Còn những chuyện lặt vặt nhưng rất cần cho người ở núi như đi đường phải thủ bật lửa trong túi, không hút thuốc cũng phải có. Lỡ khi một mình giữa rừng, có đầy đủ dao găm, hăng gô, gạo muối, lương khô, nhưng không có bật lửa thì cũng chịu nhịn đói. Anh đã từng bị rồi, cái nòi mình hay quên, lạc đôi ba ngày là đói vàng mắt.

Nếu em không ra Bắc, chắc theo mấy chú ở dưới tỉnh. Ờ mà chú dẫn em đi đây ở Ban Giao vận Quảng Nam, chú thu nhận thì em cứ về đó. Mấy năm ni em có học thêm được lớp nào nữa không? Có chút chữ đỡ lắm. Nhiều chuyện cần biết tính toán, biết chữ như kế toán, y tá, bên giao vận hình như có khảo sát làm đường xe thồ, đường ô tô, thanh niên miền Nam thoát ly ít người có chữ, cấp hai là khá rồi. Lính Bắc vào mới có trình độ nhưng hầu hết ở bên bộ đội, cho đến giờ bên dân chính rất ít, nếu có thì ở các cơ quan lớn xung quanh Khu ủy, Tỉnh ủy chứ chưa có nhiều ở các đơn vị lẻ. Như cơ quan anh, nhà in của khu mà chỉ có mấy người Bắc vào mới hết cấp III, lính miền Nam đôi ba người hết cấp II, bom đạn thế này ai mà học cho nhiều.

Nghe đến chuyện học, Dương kể:

- Dạo anh với chị Ba đi rồi, quê mình có mở trường cấp II dạy cho con em vùng giải phóng. Mấy anh chị lớn thì lên Kỳ An, Kỳ Phước học lớp 6, lớp 7, bọn em bắt đầu học lớp 5 tại trường vùng đông. Học cực lắm, ban đêm mới họp lớp, nay học nhà ni mai học nhà khác, đâu có chỗ cố định, sợ địch chấm tọa độ cân pháo đến. Rứa mà học được, em học hết lớp 5 và lớp 6 trong hai năm 1966, 1967. Trên bom dưới đạn mà học sinh cố vượt qua hiểm nguy để kiếm cho được cái chữ, còn người thầy là chiến sĩ cách mạng. Các thầy hy sinh lớn lắm, ăn cơm nhà đi dạy, không lương bổng, phụ cấp, dân góp gạo nuôi thầy qua ngày. Công ơn người thầy kháng chiến thật to lớn, cái chữ mớm cho học sinh vùng giải phóng phải bằng máu xương, có thầy chết ngay trên bục giảng vì bom pháo. Cuối năm ngoái tất cả trường nghỉ học, cả thầy trò trường cấp II huyện Bắc Tam Kỳ xung phong đi bộ đội, bọn em còn quá nhỏ, nay trộng xác hơn một tí em mới có thể nhảy núi. Hồi đó thấy em nhỏ quá mấy ông cán bộ không cho đi, các ông nói chưa đủ tiêu chuẩn không đơn vị nào nhận. Đi theo cách mạng chứ đi làm quan tướng chi mà phải tính tiêu chuẩn. Chắc mấy ông sợ chịu không nổi bỏ chạy, còn lâu bọn này mới chạy, người lớn chịu được thì bọn em chịu được. Dù sao nhà mình cũng đã vắt sạch người cho kháng chiến rồi, con nhà nòi răng không tin được.

Nghe thằng Dương tâm sự, Cát không ngờ chỉ xa hơn ba năm mà em mình lớn hẳn về suy nghĩ, có lẽ hoàn cảnh buộc phải vậy. Cát đã ngã lòng để Dương ở lại miền Nam tập làm cách mạng như mình từ ba năm về trước.

Sáng hôm sau, trước khi chia tay Cát không có gì cho em, đi công tác chỉ mang theo chiếc võng, cái hăng gô với mấy lon gạo, chút lương khô. Cát nhìn Dương rớt nước mắt. Dương lấy trong ba lô ra tặng anh trai cái áo sơ mi vải ny lon sọc xanh, Cát mặc hơi chật nhưng là chính tay mẹ may. Cát ôm Dương hôn từ biệt. Hy vọng ngày gặp lại....

Thế rồi, anh em Cát mỗi người một hướng. Chia tay mà không thể hẹn ngày tái ngộ, Cát để lại địa chỉ cho em trai: “Nhà in Báo cờ Giải phóng Trung Trung Bộ, biệt danh C.9, Làng Tuyên, Vinh Quang” và chỉ cho em trai cái dãy núi cao cao phía bờ bắc sông Tranh “anh về ở chỗ đó”. Còn Dương, chưa biết sau này sẽ về đâu giữa trùng trùng núi non hiểm trở kia...

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG