Xứ Quảng trong mùa thu cách mạng

LÊ NĂNG ĐÔNG 18/08/2017 09:13

Nhờ sự nhạy bén và linh hoạt, khi thời cơ đến, khắp nơi trên mảnh đất xứ Quảng đã vùng lên mạnh mẽ trong mùa thu cách mạng.

Lực lượng vũ trang và nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.Ảnh tư liệu
Lực lượng vũ trang và nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.Ảnh tư liệu

Chớp thời cơ

Trong không khí sôi sục của những ngày đầu tháng 8.1945, ngày 12 và 13.8.1945, Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà ông Tòng (Khương Mỹ, Tam Xuân, Núi Thành) để bàn việc chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp đang tiến hành thì chiều 13.8.1945, từ Đà Nẵng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vào cấp báo “Nhật Hoàng đã đầu hàng đồng minh”. Nhận thấy thời cơ nghìn năm có một, ngay lập tức cuộc họp Tỉnh ủy chuyển xuống nhà ông Nguyễn Chiến cũng tại thôn Khương Mỹ trong đêm 13 và ngày 14.8.1945. Nhờ quán triệt Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng về khả năng cuộc khởi nghĩa của ta có thể nổ ra giành thắng lợi, cuộc họp Tỉnh ủy đã đi đến quyết định vô cùng quan trọng: Phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền.

Đêm 17.8, nhận thấy tình hình biến chuyển thuận lợi, Thường trực Ủy ban bạo động báo cáo và được Thường trực Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An. Đêm 17 rạng sáng 18.8.1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An thắng lợi. Tin tỉnh lỵ Hội An giành chính quyền đã khích lệ mạnh mẽ lực lượng khởi nghĩa các phủ, huyện tiến lên giành chính quyền.

Bia chứng tích tại phường An Mỹ, nơi cách đây 70 năm đã diễn ra cuộc đấu tranh cướp chính quyền của nhân dân Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bia chứng tích tại phường An Mỹ, nơi cách đây 70 năm đã diễn ra cuộc đấu tranh cướp chính quyền của nhân dân Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trước đó, nhờ nắm được chủ trương, các phủ huyện trên địa bàn Quảng Nam khẩn trương đẩy mạnh việc chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đón thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Tại tổng Chiên Đàn, phủ ủy Tam Kỳ, ngày 17.8.1945, Ban bạo động tổng Chiên Đàn được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Du, Đinh Ích, Bùi Khánh. Đồng chí Nguyễn Du được phân công phụ trách các làng (xã nhỏ) Chiên Đàn, Mỹ Thạch, Phương Hòa. Đồng chí Đinh Ích phụ trách Thạnh Mỹ, Phú Trạch, Xuân An, Trung Định. Đồng chí Bùi Khánh phụ trách Hòa Tây, An Mỹ Đông, An Mỹ Tây, Long Phước. Chiều 17.8, các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa các xã đi vận động nhân dân chuẩn bị khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng, gậy gộc, giáo mác, trống mõ chuẩn bị khởi nghĩa khi có lệnh.

Sáng 18.8.1945, Ban bạo động tổng Chiên Đàn phát lệnh khởi nghĩa. Ở Thạnh Mỹ, đồng chí Nguyễn Tráng tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, lý trưởng Trương Mân (xã Tùng) bàn giao hồ sơ, sổ sách. Sau đó, đoàn quân khởi nghĩa tiếp tục kéo đến Phú Trạch hỗ trợ các đồng chí Võ Quang (Bá), Võ Dõng (Mai), rồi đến Xuân An hỗ trợ các đồng chí Nguyễn Chánh, Võ Ngõa (Siêu) lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Ở làng Chiên Đàn (thuộc tổng Chiên Đàn), trước đông đảo quần chúng nhân dân, đồng chí Nguyễn Du tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Sau khi giành chính quyền ở các làng, Ban bạo động tổng Chiên Đàn huy động lực lượng đón đoàn tự vệ vũ trang do đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nễ từ Hội An vào hỗ trợ khởi nghĩa giành chính quyền ở Tam Kỳ.

Cũng trong sáng 18.8.1945, Ban bạo động khởi nghĩa phủ Tam Kỳ phát lệnh khởi nghĩa, nhân dân 7 tổng trong phủ nhất tề xuống đường với cờ, khẩu hiệu, đội ngũ chỉnh tề, hô vang: “Đả đảo chính phủ bù nhìn!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Rạng sáng 19.8.1945, đội quân khởi nghĩa nhanh chóng bao vây phủ đường, buộc Phủ trưởng Trần Kim Lý đầu hàng, giao nộp toàn bộ tài liệu và con dấu cho đồng chí Khưu Thúc Cự - đại biện Ban bạo động khởi nghĩa.

Thế nước vỡ bờ

Tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, hồi ký của Trung tướng Đặng Hòa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, người con của quê hương Đại Hiệp có ghi: “14 giờ ngày 17.8.1945, trong lúc đồng chí Lê Cao Phong đi nhận lệnh khởi nghĩa ở huyện chưa về thì Phủ ủy Điện Bàn dưới sự chỉ đạo của đồng chí Cao Sơn Pháo đã cử đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) sang gặp tôi, Đặng Khiết và Đặng Tôn để phổ biến lệnh khởi nghĩa. Cuộc họp chi bộ ngay sau đó, tôi được cử làm Trưởng ban bạo động xã kiêm phụ trách quân sự. Sau khi triệu tập được 10 quần chúng cốt cán là tổ trưởng các tổ cứu quốc, tôi thay mặt Ban bạo động xã phổ biến kế hoạch khởi nghĩa, phân công người đi may cờ, chuẩn bị vũ khí và huy động quần chúng biểu tình, tuần hành. Sáng 18.8.1945, khắp nơi trong xã đã vang tiếng trống, mõ tập hợp nhân dân tuần hành thị uy. Chỉ trong buổi sáng, quần chúng nhân dân đã bắt lý trưởng, thu triện đồng và các loại giấy tờ khác. Không dừng lại ở đó, tôi dẫn đầu đoàn biểu tình tiếp tục kéo sang các làng lân cận như An Mỹ, Hải Châu, Đông Phú, Phú Luận để hỗ trợ nhân dân nổi dậy. Trước khí thế cách mạng như nước vỡ bờ, đại diện chính quyền phong kiến tại các làng đã hoảng sợ giao nộp toàn bộ sổ sách và ấn triện cho chính quyền cách mạng. Như vậy, chỉ trong một ngày, toàn bộ chính quyền ở các làng nay thuộc xã Đại Hiệp đã về tay nhân dân, chính quyền cách mạng được thành lập”. Sau đó, đồng chí Đặng Hòa tham gia giành chính quyền tại huyện đường Đại Lộc, tước vũ khí lính Bảo an ở đồn Bến Hiên (nay là huyện Đông Giang).

Hội tụ lòng dân
“Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đúc kết bài học quý về quy tụ nhân tâm, quy tụ lòng người; bài học về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp hài hòa “ý Đảng với lòng dân”, như một quy luật lịch sử tất yếu khách quan. Tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu nhân tâm là truyền thống quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta…
Trong đáy lòng, ký ức mỗi người dân Việt, Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện diệu kỳ của lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản, mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng cao đẹp, là kết quả của sự phát huy các nguồn lực con người, trí tuệ và của cải của chính nhân dân, nhằm giải phóng bản thân; là sự hội tụ các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử…”.
(PGS-TS. Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng)

Tại xã Tam Hiệp (nay thuộc huyện Núi Thành), sau khi dự Hội nghị Tỉnh ủy, chiều 17.8.1945 đồng chí Phan Quang Trọng về lại Thọ Khương, nổi trống tập hợp quần chúng và đội tự vệ về tại chợ Trạm. Nghe lệnh, hàng trăm người dân và tự vệ với băng cờ khẩu hiệu, biểu tình thị uy từ chợ Trạm đến Thọ Khương lên chợ Cà Đó (nay là thôn 4, xã Tam Mỹ Tây). Sáng 18.8.1945, Đội tuyên truyền xung phong và tự vệ các thôn đã bắt tất cả lý hương, cường hào, mật thám chỉ điểm đưa về tập trung tại trường tiểu học Vân Trai, Ủy ban bạo động tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Cũng ngay chiều tối 18.8.1945, lực lượng tự vệ của xã dưới sự chỉ huy của đồng chí Phan Quang Trọng và Huỳnh Thanh chia làm 2 cánh: cánh thứ nhất cùng với tự vệ các xã Diêm Trường, Xuân Quang kéo về bao vây chiếm đồn thương chánh Hiệp Hòa; cánh thứ hai chia thành nhiều đội, một đội do đồng chí Nguyễn Tắc chỉ huy đi chiếm ga An Tân và một đội đi chi viện việc chiếm và bảo vệ phủ lỵ Tam Kỳ, một đội ở lại canh gác những nơi xung yếu trong địa bàn xã.

Như vậy, chỉ trong hai ngày 17 và 18.8.1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phủ ủy và Mặt trận Việt Minh phủ Tam Kỳ, nhân dân Tam Hiệp đã đứng lên làm cuộc khởi nghĩa lật đổ hoàn toàn chính quyền tay sai thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Tam Hiệp là một bộ phận thắng lợi của cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám ở phủ Tam Kỳ, Quảng Nam và cả nước. Đến ngày 26.8.1945, Đà Nẵng là địa phương cuối cùng trên đất Quảng khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Nhờ sự nhạy bén và linh hoạt, chỉ trong thời gian rất ngắn, từ ngày 18 đến ngày 26.8.1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã hoàn toàn thắng lợi. Quảng Nam cùng với Bắc Giang, Hải Dương và Hà Tĩnh là những địa phương giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất và hoàn thành Cách mạng Tháng Tám trong toàn tỉnh nhanh gọn, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

LÊ NĂNG ĐÔNG

LÊ NĂNG ĐÔNG