Ký ức Trường Sơn Tây
Chia tay học trò và đồng nghiệp, tạm biệt mái trường thân yêu, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 27.1.1982 tôi khoác ba lô nhập ngũ.
Chiếc xe đò “cũ mèm” nổ như máy cày đưa chúng tôi vượt qua chặng đường dài. Con đường nhấp nhô bởi ổ gà, ổ voi, đất đá lởm chởm vòng vèo qua sườn núi. Gió tràn vào cửa xe mang theo hơi nóng của bụi đường phả vào mặt khô khốc, mồ hôi nhớp nháp. Những cây săng lẻ, những rừng le, rừng nứa… dần dần xuất hiện phía trước. Người chỉ huy ngồi cạnh tài xế cho biết đã đến đất bạn Lào.
Chúng tôi được đưa về đơn vị huấn luyện tại bản Cha Ki. Cái nóng của mùa khô ở đây thật khó chịu. Con suối cạn cất tiếng róc rách làm tăng thêm nỗi nhớ nhà. Tiếng chim bìm bịp, tiếng tắc kè thảng thốt trong đêm thanh vắng càng não nề. Cầu Cha Ki vừa mới đổ xong bê tông, đang còn nham nhở. Ván cốp pha, cọc chống ngổn ngang cạnh những chiếc xe tăng, xe bọc thép nòng gãy dập xuống đất gợi lại cảnh ác liệt chiến trường xưa. Những ngày đầu mới biên chế đơn vị thật bỡ ngỡ, thiếu thốn trăm bề… Chúng tôi vào rừng chặt gỗ, nứa, cắt tranh… làm doanh trại. Vất vả chưa quen lao động chân tay. Mỗi buổi nghỉ, chúng tôi sảng khoái ngụp lặn trên dòng Sê Pôn trong xanh, tận hưởng cái mát mẻ của dòng nước lững lờ. Rồi chuyền nhau những lá thư nhà như truyền cho chúng tôi thêm sức mạnh.
Chúng tôi tham gia huấn luyện 2 tháng thì bắn đạn thật. Đồng chí chỉ huy cho biết, nếu bắn 3 vòng 10 thì đơn vị cho phép 10 ngày về thăm nhà. Tôi được 29. Vậy là không có hy vọng. Tôi cứ trách mình vì không tham gia luyện tập tốt. Những bài tập trong khóa huấn luyện năm nào ở trường tôi chẳng được học. Bài bắn súng tôi thuộc lòng. Tôi còn hướng dẫn cho đồng đội, nào là “áp má, kề vai, nín thở, bóp cò…”.
Tôi được điều về đơn vị làm cầu, đóng cách bản Đông (huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào) khoảng chừng cây số. Gọi là bản Đông nhưng dân cư ở đây thưa thớt, tuy nhiên so với các bản thì sầm uất hơn vì nơi này có chợ, cửa hàng tạp hóa, có quán cà phê nên ngày đêm rộn ràng nhộn nhịp. Các cô gái dân bản quanh vùng váy đỏ, váy hồng thổ cẩm rực rỡ đi mua sắm làm cho chúng tôi thấy đỡ nhớ nhà hơn.
Rồi một ngày dân bản đốt rẫy. Lửa bốc ngùn ngụt. Lửa tràn qua mỏm đồi. Lửa thốc vào doanh trại. Cả đơn vị đều đi công trường. Tiếng báo động inh ỏi. Tiếng kẻng gióng giả vang lên. Lửa bò lên mái nhà… hừng hực hung dữ. Nhà bốc cháy. Đơn vị hối hả tranh nhau với lửa. Người xách ba lô, người xách súng… Tiếng hò hét cứu cháy làm huyên náo cả một góc rừng. Gió thông thốc làm cho “thần lửa” thêm sức mạnh. Cả dãy nhà trong chốc lát chỉ còn đống tro tàn. Người tôi ướt sũng. Đồ dùng cá nhân không kịp tranh với lửa nên chẳng còn sót lại thứ gì.
Suốt một tuần sau đó tôi sốt li bì. Vì yếu, vì đẫm nước, vì bị muỗi đốt. Đồng đội tất bật dựng lại doanh trại. Tiểu đội trưởng bảo tôi “gặp may”, vì bệnh nên đỡ phải lăn lộn với cái nắng, cái đói… Không thể chịu được, chưa hết sốt, tôi cũng cố “xung phong” đi bứt tranh. Mấy ngày đầu không sao. Đến ngày thứ ba tôi lên cơn sốt không kịp gánh tranh về. Người nóng hầm hập, run bần bật chẳng còn ai để “cứu trợ” vì đồng đội đã về hết. Tôi gồng mình cho cơn sốt qua đi. Tôi khát, mệt, bò đến ruộng dưa của đồng bào để may ra còn gặp ai đó… Vắng vẻ. Tôi vừa đưa tay chuẩn bị hái quả dưa thì có tiếng người: “Ê! Bộ đội xấu lắm, lấy của đồng bào mình mà không xin”. Tôi ngoảnh lại cất tiếng: “Xăm-bai-đi-phò” (chào bố)! Con bị sốt nên khát quá, chẳng thấy có ai mà xin cả”. Hai người đàn ông lực lưỡng, một già một trẻ đen nhẻm đi về phía tôi, tay sờ trán, miệng kêu lên: “Bộ đội pên-khậy (sốt rét) thật rồi!”. Người trẻ gánh tranh, người già dắt tôi đi theo sự chỉ dẫn. Về đến đơn vị, mọi người chạy ra mừng rỡ và không quên “khop chay-phò “(cảm ơn bố). Họ cũng đang chuẩn bị đi tìm tôi.
Sau đợt hỏa hoạn, mọi nền nếp sinh hoạt nhanh chóng vào guồng trở lại. Ông đại đội trưởng tôi nghiêm lắm. Anh em thường gán là “ông hắc xì dầu”. Ông người Hà Nội gốc, thư sinh nhưng rắn rỏi. Tôi thấy ở ông toát lên tính kế hoạch công việc của người từng trải. Công việc chính của đại đội chúng tôi là làm cầu. Dựa vào kinh nghiệm, ông phân công việc rạch ròi. Lính dân Nam Hà bố trí cưa gỗ làm cốp pha, dân Thanh Hóa lắp giàn giáo, Quảng Bình, Quảng Trị đóng cốp pha, người Hải Phòng thì làm sắt trụ… Nói chung ông bố trí công việc hợp lý đến mức anh em lính không thể cãi lại, không có thể ngồi chơi được. Tháng nào đại đội cũng hoàn thành nhiệm vụ và vượt kế hoạch. Hôm nào giao ban về, bếp có thêm thịt hộp, cá khô… là anh em biết đại đội được khen.
Rồi một ngày tiểu đoàn giải tán, đại đội trực thuộc trung đoàn. Tôi được điều động về Ban tham mưu, phụ trách nuôi quân kiêm quản lý bếp ăn của trung đoàn bộ. Mọi người mừng cho tôi vì sức tôi không thể chống chọi nổi với bê tông cốt thép. Bởi tôi gốc gác là anh thư sinh gõ đầu trẻ.
Bếp ăn của trung đoàn bộ chỉ có một “anh”, còn lại là “chị” nuôi. Họ bắt tôi gọi như vậy mặc dầu tuổi xấp xỉ hoặc tôi lớn hơn, nhưng vì tôi là lính “mới tò te”. Không sao. Được làm bạn bếp núc với mấy “ả” là tôi vui lắm rồi. Những người lính khác giới dù sao họ vẫn có những tình cảm khác biệt, phụ nữ họ quan tâm chúng tôi. Tôi cứ nhớ mãi cái hôm đi nhận nhu yếu phẩm cho đơn vị về, một “chị” chạy ra hỏi: “Kin khậu lẹo bò?”. Nghe đến đây tôi nổi đóa lên… Nhưng cô cũng kịp giải thích là muốn hỏi tôi đã ăn cơm chưa. Tôi thành thật xin lỗi vì vốn tiếng Lào của mình ít ỏi.
Tôi được ưu ái hơn một số bạn cùng đi. Tôi say mê công việc. Tăng gia tích cực, chịu khó chăn nuôi, hái măng mau lẹ… Nói chung, ngoài cân gạo, cấp cá, thịt hộp… cho bếp, cấp nhu yếu phẩm cho đơn vị, thì việc gì tôi cũng làm tuốt.
Mùa mưa đến. Mưa nẫu ruột. Những cơn mưa xối xả không ngừng. Con suối đầu doanh trại như đang gào thét, quặn lòng những bụi cây đất đá xung quanh bờ. Không biết làm gì, chỉ biết đánh tú-lơ-khơ quẹt nhọ nồi. Tội nghiệp cho mấy em thua nhiều “mọc râu” đầy cằm như Trương Phi. Trời tạnh thì sân bóng chuyền, bóng đá rộn ràng lên.
(Còn nữa)
NGUYỄN ĐẠI DUẪN