Nhớ ngày ở Hạ Lào - Bài cuối: Những cuộc đời trở về

LÊ QUÂN 04/08/2017 09:31

Bây giờ, họ đã là những ông lão bà lão. Có ai vào thăm, nhắc chuyện ngày cũ, sẽ như cùng với họ sống lại cả một trời oanh liệt…

Tin liên quan

  • Nhớ ngày ở Hạ Lào - Bài 2: Nghĩa tình với nhân dân
  • Nhớ ngày ở Hạ Lào - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt
Ông Lương Văn Nhơn và vợ bên Huân chương Tự do của Chính phủ Lào trao tặng năm 1993. Ảnh: LÊ QUÂN
Ông Lương Văn Nhơn và vợ bên Huân chương Tự do của Chính phủ Lào trao tặng năm 1993. Ảnh: LÊ QUÂN

“Mẹ ơi, là con…”

Một vùng đất mang dáng dấp trung du. Những cụm đồi nối nhau thoai thoải. Làng xóm nằm kề chân ruộng ven đồi. Đi thiệt sâu vào cuối con đường làng mới gặp nhà ông Lương Văn Nhơn, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (ở huyện Phú Ninh). Đã qua rồi cả một chặng dài của đời người. Nhưng cái dáng nét một con người tinh anh, cương nghị, đi qua bao nhiêu gian khổ chiến trường vẫn còn đó. Trong hình dung của một cụ già tuổi đã 80, ngày tháng cũ vẫn len lỏi đâu đó trong mỗi buổi chiều ngồi trước hiên nhà. Gần 5 năm công tác liên tục trên đất bạn Lào, ông Nhơn bây giờ vẫn còn kể làu làu từng con đồi, đường dốc ở Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông). Trong căn nhà dày đặc những huân chương, bằng khen, trong đó có Huân chương Tự do của Chính phủ Lào trao tặng. Ông Nhơn nói, cuộc đời mình hạnh phúc nhất là giây phút cách đây đã hơn 40 năm, khi trở về nhà, ngay xóm Tây Yên cũ này, nằm bên hiên nhà ngắm mẹ quét dọn lá khô ngoài sân.

Dòng ký ức ông Nhơn chạy về với hình ảnh anh bộ đội giải phóng về làng, đứng bên kia mảnh ruộng nhỏ nhìn mẹ mình tựa cửa ngóng sang. Mẹ không thể nhận ra thằng con trai đi bộ đội khi 18 tuổi, rồi biền biệt tin tức, đến lúc đất nước hoàn toàn giải phóng, trở về tuổi đã 45. Gần 30 năm chinh chiến, sống trong khói đạn sương gió, làm sao hình dung ra dáng cũ. Cầm tờ giấy in roneo ố vàng ghi tên tuổi, thành tích trong quân ngũ, chàng lính pháo cao xạ Lương Văn Nhơn sinh ra ở đồng làng chưa hết bùi ngùi lúc đứng trên quê hương. “Tôi về đi qua làng, không ai nhận ra. Đến nhà, tôi đi thẳng vào, mẹ hỏi đứa nào đó bây? Tôi không nói gì, vào nhà kiếm chiếc chiếu ra trải nằm trước hiên. Mẹ nói cậu là ai đây, nằm đây con tôi về la chừ. Tôi vẫn nằm im như vậy. Mẹ tôi chẳng biết làm gì hơn, lắc đầu bỏ đi, lấy chổi quét sân. Tôi nằm ngắm mẹ quét sân xong đã cuối chiều. Mẹ ra vườn sau, tôi bật dậy chạy theo ôm bà nói mẹ ơi, là con, thằng Nhơn đây” - ông Nhơn kể.

Ngôi nhà nhỏ thơm lừng mùi mít từ vườn của ông Nhơn vẫn như không gian cách đây hơn 40 năm ông kể. Vợ ông - người phụ nữ gặp trong lần ông tập kết ra Bắc vẫn chờ từ ngày đó cho đến giải phóng mới cưới nhau. Cuộc đời người cựu binh này như thể gắn với từng mốc sự kiện của cuộc chiến tranh nhân dân. Năm 1954, đơn vị của ông Nhơn từ Lào trở về Việt Nam sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Ông từ Lào về Quảng Nam rồi lại ngược ra Thanh Hóa. Ở Thanh Hóa, ông Nhơn làm nhiệm vụ huấn luyện pháo cao xạ 37 ly cho đến năm 1960 được điều động ngược vào Nghệ An nhận nhiệm vụ tại một đơn vị pháo binh. Năm 1965, khí thế cách mạng dâng cao, ông Lương Văn Nhơn theo đoàn quân trở lại miền Nam, đóng ở Thừa Thiên Huế. “Ở đây, B52 dội phủ đầu nhưng kinh nghiệm từ chiến trường Hạ Lào đã giúp mình không dính phải nó” - ông Nhơn hóm hỉnh nói. Ông bảo, ra đi từ năm 1949 cho đến khi giải phóng trở về quê nhà, từng ấy năm ông không một dòng thư gửi về gia đình, vì phải di chuyển liên tục. Gia đình cứ nghĩ ông đã hy sinh.

Từ cuốn hồi ký

Trong suốt cuộc chuyện trò của người viết với một số cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nếu không có cuốn hồi ký của ông Phạm Bạch Đằng (SN 1929, quê Tiên Phước, hiện sống tại TP.Tam Kỳ) thì có lẽ khó thể nào hình dung về một cuộc chiến đấu rất khác, ở phía bên kia những cánh rừng Trường Sơn. Cuốn hồi ký mỏng thôi, nhưng chuyện kể tự nhiên và thiệt thà. Ông Phạm Bạch Đằng coi đây như vật báu cuộc đời mình. Cuốn hồi ký là tư liệu mộc, không hề được nhào nặn, pha chế. Nó là cuộc đời ông - trong những ngày tuổi trẻ và là chuỗi ngày đặc biệt. Trong cuộc chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, mọi vết dấu để lại đến thời điểm này đều vô cùng quý giá. Quý giá cả trong mỗi cuộc gặp gỡ của những người đồng đội cũ. Họ nói, tưởng hòa bình rồi, về ở đất Quảng này sẽ dễ dàng gặp nhau hơn. Nhưng hóa ra vẫn khó, vì nhiều thứ, và vì hầu hết khi trở về tuổi họ đã ở phía bên kia triền dốc cuộc đời. Như ông Lê Văn Lộc - Phó ban Chủ nhiệm Ban liên lạc cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào tỉnh Quảng Nam bảo, ông bây giờ đã 80 tuổi mà được coi là “người trẻ” trong số những người còn lại.

Trong cuộc chiến đấu vô cùng khắc nghiệt, mọi vết dấu để lại đến thời điểm này đều vô cùng quý giá. Quý giá cả trong mỗi cuộc gặp gỡ của những người đồng đội cũ. Họ nói, tưởng hòa bình rồi, về ở đất Quảng này sẽ dễ dàng gặp nhau hơn. Nhưng hóa ra vẫn khó, vì nhiều thứ, và vì hầu hết khi trở về, tuổi họ đã ở phía bên kia triền dốc cuộc đời.

Gần như mỗi ngày, ông Đằng đều dành thời gian ghi lại những ký ức trong suốt từng ấy năm tham gia đánh Pháp, đánh Mỹ của mình. Ông nói ghi lại đó, như để có cái cho mấy đứa nhỏ biết về lịch sử. Thời mới giải phóng, ông làm đủ mọi công chuyện do Nhà nước giao nên không có thời gian, về già mới rỗi mới có cơ hội nhớ và ghi. Không hiểu sức đâu mà một người đi ròng rã gần 30 năm trên các chiến trường lại bền bỉ đến như vậy. Ông về làm Khu lương thực Trung Trung Bộ rồi giữ những trọng trách khác cho đến ngày về hưu. Bây giờ, người lính già với khuôn mặt gầy và nụ cười hiền đã nặng tai lắm rồi. Trong cuốn hồi ký, có chương ông viết về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, tất cả là 5 lần, ở 5 địa điểm khác nhau. Mỗi lần như vậy, ông nói, nhớ cái siết tay thật chặt Bác dặn người chiến sĩ tình nguyện, rằng “giúp bạn cũng là giúp mình”.

Ký ức đẹp đẽ về một thời lý tưởng cứ cuộn chảy, như những cuốn phim từng đoạn một gợi lại cả quãng đời của họ. Bây giờ, có những người vẫn sống ở Lào, như một mối cơ duyên, như ông Bô Nhơn - Lê Việt Muồn (quê Hội An), đang sinh sống ở bản Nôn Mi Sai, huyện Lạ Màm, tỉnh Sê Kông. Hay những ràng rịt tình nghĩa đang tiếp nối ở thế hệ sau, như cả gia đình người con trai nuôi ở Lào của ông lão Phạm Bạch Đằng thỉnh thoảng vẫn đi thăm gia đình người cha nuôi ở Việt Nam. Cả ông Lương Văn Nhơn, sống gần di tích Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ, hằng năm đều có những đoàn cán bộ, chiến sĩ Lào tìm về thăm. Ông Nhơn nói, tình nghĩa đó, làm sao mà quên cho được.

Và chắc chắn rồi, mỗi cuộc đời trong câu chuyện mênh mông của những cuộc chiến khốc liệt sẽ không bao giờ quên lãng. Bởi chính những số phận, những cuộc đời này đã làm nên phần lịch sử của một câu chuyện bang giao thấm đầy nghĩa tình.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN