Nhớ ngày ở Hạ Lào - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt

LÊ QUÂN 02/08/2017 09:28

Bản Toọc, Mường Mày, Đắc Chưng - Sê Kông, Sầm Nưa, Phong-sa-lỳ… Mỗi cái tên là một kỷ niệm, với những người từng tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Câu chuyện của họ, có khi không còn nhớ đích xác ngày tháng, và ký ức đôi lúc nhớ quên, nhưng luôn lấp lánh…

Ông Phạm Bạch Đằng, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (giai đoạn 1948 - 1954) lục tìm câu chuyện ký ức. Ảnh: LÊ QUÂN
Ông Phạm Bạch Đằng, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (giai đoạn 1948 - 1954) lục tìm câu chuyện ký ức. Ảnh: LÊ QUÂN

BÀI 1: NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

Trên hành trình đi tìm những con người của một giai đoạn lịch sử đặc biệt, chúng tôi không chỉ thu về cho mình những câu chuyện. Hơn hết, chúng tôi nghĩ, là bóng dáng của những con người, những cuộc đời. Đi qua hết những lớp bụi thời gian, người còn, người mất. Nhưng chắc rồi, họ chưa bao giờ lặng lẽ…

Lấp lánh tinh thần tuổi trẻ một thời

Ngang những chuyện của những người cùng chung kỷ niệm - cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào giai đoạn 1948 - 1954, lấp lánh tinh thần tuổi trẻ một thời, tinh thần cho chỉ duy nhất lý tưởng sống vì Tổ quốc. Và có những con người đặc biệt, với một nhiệm vụ đặc biệt: sang nước bạn Lào, chiến đấu cho một nền tự do chung. “Một sáng tháng 5.1950, tôi giấu gia đình đi khám sức khỏe để đăng ký nhập ngũ. Khi tôi đến Tam Dân nhập ngũ, một người trong đội xét tuyển hỏi ai tình nguyện sang Lào chiến đấu. Tôi đưa tay xung phong và được đồng ý. Lúc đó cùng với hơn 10 đồng chí khác, chúng tôi được đưa vào danh sách riêng và nhận lệnh vào Quảng Ngãi, đóng quân tại Đức Phổ. Ở đó chúng tôi học tập chính trị và quân sự, ngoài ra còn học thêm về chữ viết, văn hóa, phong tục của Lào. Đến tháng 6.1952, chúng tôi thuộc Đại đội 3 nhận nhiệm vụ sang hoạt động ở chiến trường đông bắc Hạ Lào và Campuchia. Chúng tôi lên đường” - ông Phạm Bạch Đằng kể.

Ông lão tuổi đã ngấp nghé 90, quệt tay ngang mày mắt. Nước mắt có đâu nữa. Nó đã khô vì tuổi già. Nhưng kỷ niệm thì còn động đậy mỗi lần ai đó kiếm tìm. Ông Phạm Bạch Đằng (SN 1929, quê Tiên Phước, hiện sống tại TP.Tam Kỳ) nói, Hạ Lào bây giờ chắc cũng vừa mùa mưa…

Nếu lấy mốc từ năm 1947, khi quân đội Việt Nam bắt đầu những hoạt động chuẩn bị cho các đoàn quân tình nguyện sang chiến đấu ở nước bạn Lào, đến nay đã 70 năm. Từng ấy thời gian, câu chuyện kỷ niệm cứ dài ra theo quãng đời của những chiến sĩ quân tình nguyện thuở nào. Ông Lê Văn Lộc - hiện là Phó Ban chủ nhiệm Ban liên lạc cựu quân tình nguyện Việt - Lào tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trước đây Ban liên lạc tìm kiếm và tập hợp được chừng 210 người trên toàn tỉnh, nhưng hiện tại con số này còn khoảng 160 người. “Phần lớn cựu quân tình nguyện bây giờ đã ở tuổi 80, 90, quá già yếu. Mỗi năm họp mặt lại thấy thiếu vắng vài người. Ngay ở Tam Kỳ, mỗi khi họp mặt cũng chỉ có con cái họ thay mặt cha mẹ đến tham gia” - ông Lộc nói.

Nếu bây giờ họ đã là những ông bà cụ có phần nghễnh ngãng, thì những năm tháng cách mạng sục sôi, họ là những người trẻ chưa bao giờ nề hà cuộc đi nào. Những chặng đường mà như nhiều cựu binh chia sẻ, rừng già thăm thẳm đầy hiểm nguy bởi bom đạn, thú rừng, núi cao vực thẳm. “Chúng tôi cứ nhắm thẳng đường lên dốc Tăng Đam vượt núi sang Lào. Đường lên dốc phải băng rừng lội suối, gai đâm, vắt cắn. Những lúc mỏi mệt, chúng tôi mang ba lô ngồi nghỉ ngay lưng chừng núi, không dám cởi bớt hàng ra. Trong đoàn có đồng chí sức yếu không chịu nổi, cả đoàn san sẻ hành lý, rồi phân công hai người khiêng anh cố gắng vượt qua núi cao” - ông Phạm Bạch Đằng nhớ lại. Còn lão cựu binh Lương Văn Nhơn (hiện ở tại Phú Ninh) thì gợi nhắc cái cảm giác khi lên đến đỉnh núi, nhìn về Tổ quốc Việt Nam “mà rưng nước mắt dặn lòng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để sớm tới ngày độc lập, đoàn tụ gia đình”.

Ngày đầu trên đất bạn

Đội của ông Phạm Bạch Đằng có tất thảy 30 chiến sĩ cùng gùi hành lý lên đường sang Lào vào ngày 11.6.1952. Ông Đằng nói đội của mình có nhiệm vụ làm công tác dân vận nên phải qua trước. Rồi ông bảo, nếu cái đoạn từ Việt Nam mình bám dốc Tăng Đam đã khó tới trần ai, thì cái đoạn từ đỉnh núi đi xuống phía bên Hạ Lào càng khổ gấp bội. Đường dốc thẳng đứng, phải đi lùi từng bước, tay bám lấy cây, chân dò đường ngược xuống núi. Người đi sau có khi đạp lên đầu người đi trước. “Chúng tôi cố bám chặt lấy cây, vắt cứ thế nhảy ra khắp tay mà cắn. Trời chập choạng chiều, đoàn tới chân núi. Vẫn còn một ít cơm nắm, chúng tôi chia nhau ra tìm rau rừng về nấu thêm ăn để tiết kiệm. Một số đồng chí tìm lá tàu bay mà không hay đã phạm vào rẫy của đồng bào bộ tộc Lào. Người dân phát hiện và đòi phạt một con trâu. Bộ đội ta đành góp quần áo đổi lấy một con heo nộp phạt, dân mới cho đi” - ông Đằng nhớ lại kỷ niệm ngày đầu tiên đặt chân đến nước bạn. Ngay tối hôm đó, cả đội lấy cây làm sạp, ngủ một đêm ngoài rừng. Đêm, sương xuống lạnh cóng da thịt…

Cựu quân tình nguyện Việt Nam tham gia lao động sản xuất cùng nhân dân các bộ tộc Lào. (ảnh tư liệu do ông Phạm Bạch Đằng lưu giữ)
Cựu quân tình nguyện Việt Nam tham gia lao động sản xuất cùng nhân dân các bộ tộc Lào. (ảnh tư liệu do ông Phạm Bạch Đằng lưu giữ)

Vậy là họ đã “xuất ngoại” sau những ngày dằng dặc chống chọi với hiểm nguy của núi rừng. Sau đêm ngủ ở rừng, đoàn tiến vào bản làng thuộc huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông). “Gặp mùa mưa nên đường trơn trượt, hành lý lại nặng rất dễ bị ngã. Mỗi người phải chặt cành cây làm gậy chống đi. Đến bản đầu tiên, chỉ thưa thớt vài nhà sàn, tuy nhiên trước cửa nhà cắm lá, đại ý đang kiêng đón khách nên chúng tôi tiếp tục lên đường” - ông Đằng kể. Cả đội đi thêm một ngày nữa thì đến bản Toọc. Tại đây, họ cắm chốt phân thành 3 tổ ở cùng với dân, sống trong lòng dân để làm công tác vũ trang tuyên truyền. “Thời gian đầu bộ đội Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Khắc phục tình trạng này, ban ngày chúng tôi sinh hoạt làm việc cùng nhân dân, đêm đến lấy nhựa cây đốt lên làm đèn học chữ, học tiếng Lào” - ông Đằng nói.

 Và những người lính Việt Nam trở về từ Hạ Lào đều chung một cảm xúc khi nói về nhân dân nước bạn: họ giản dị lắm. Những người dân vô danh. Như chính những người dân Việt Nam âm thầm trong lửa đạn chiến chinh.

--------------------
Bài 2: Nghĩa tình với nhân dân

Sau đoạn trường lửa đạn binh biến, những câu chuyện của tình quân dân ở bên kia Trường Sơn bao giờ cũng cháy trong lòng những người trở về…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN