Đằng sau anh đồng đội xung phong (Tiếp theo và hết)

ĐÌNH HIỆP 27/07/2017 10:04

Tin liên quan

  • Đằng sau anh đồng đội xung phong (tiếp theo)
  • Đằng sau anh đồng đội xung phong

Vào lúc 5 giờ 30 phút sáng 23.7.1974, lực lượng cứu viện của địch đã kéo tới.

Địch cho máy bay lượn vòng trên bầu trời gầm rú và điên cuồng ném bom. Trước sự phản kháng mạnh mẽ của quân chi viện địch, quân ta quyết định rút lui.

Lúc này có hai chiếc máy bay L19 và 2 chiếc trực thăng quần đảo trên bầu trời Điện Hồng xả súng xuống mặt đất khi quân ta rút lui. Đạn pháo từ trận địa Bồ Bồ của địch cũng liên tục bắn sang cứ điểm ngã ba Trùm Giao hòng tiêu diệt các chiến sĩ giải phóng.

Trên đường rút lui, có gần 90 chiến sĩ của quân ta bị kẹt lại trên đường 100 (đi qua xã Điện Hồng, Điện Bàn). Lúc này trời đã sáng, các chiến sĩ không thể băng qua đường, tình thế vô cùng căng thẳng.

Từ phía Vĩnh Điện, địch cho quân ráo riết lùng sục.

Nhân dân Điện Hồng đã nhanh trí tiến hành chiến tranh tâm lý, chặn các toán tuần tra của địch lại ở đầu đường và khuyên can rằng: “Các chú đừng có vào đây, đêm qua cộng sản vừa đánh một trận lớn chưa từng có ở vùng đất này và xong trận đánh thì cộng sản biến đâu mất không tăm hơi, không bóng dáng, không còn kịp nhìn thấy một ai, lúc này các chú vào đấy thì dễ bị phục kích, e rằng nguy hiểm lắm”. Nghe thấy vậy, bọn địch hoang mang lo sợ, dè chừng không dám tiến vào sâu.

Theo kế hoạch, sau khi trận đánh kết thúc, dù chốt lại cứ điểm hay rút lui, tôi vẫn phải về trực chỉ huy tiểu đoàn. Ở tiểu đoàn hiện chỉ có đồng chí Quý (nguyên tiểu đoàn trưởng) bị liệt một cánh tay đang chờ ngày ra Bắc.

Sau 6 giờ sáng, tôi về đến tiểu đoàn thì nhận được nhiều tin tình báo từ các nơi nói về sự phản kháng của quân địch. Trong đó đáng lưu ý nhất là việc Trung đoàn 57 của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã áp sát Điện Hồng. Trước tình thế đó, ở tiểu đoàn chỉ còn những người bị thương, đau ốm không trực tiếp tham gia trận đánh cứ điểm đêm qua. Thêm vào đó, chúng ta có một số chiến sĩ đã kịp trở về đơn vị. Tôi điện xuống các đại đội nắm số quân đang có mặt để chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chống trả sự phản kháng của quân địch.

Dù đã có một đêm không ngủ, sáng hôm đó tôi vẫn không tài nào chợp mắt. Đồng chí Quý nói với tôi: “Anh đã thức suốt đêm qua, sáng nay anh để tôi đưa quân đi đánh địch”. Mặc dù đang bị thương nhưng đồng chí Quý vẫn nhận một lực lượng nhỏ các chiến sĩ cùng với du kích địa phương tiếp tục lên phương án đánh địch. Đồng chí Quý dẫn quân ra phía đường 100 để chặn bước tiến của Trung đoàn 57 địch, trong khi tôi được phân công ở lại cứ địa của ta để tập trung nắm mọi nguồn tin về tình hình địch và lên phương án chiến đấu. Đồng thời kiểm tra toàn bộ số lương thực thực phẩm trong kho dự trữ, thứ nào ngon nhất, tốt nhất thì ưu tiên giành cho những chiến sĩ còn bị mắc kẹt trong chiến trận. Nhân dân Điện Hồng đã cùng lực lượng du kích hóa trang qua mặt địch để mang lương thực vào tiếp tế cho các chiến sĩ. Một số du kích đóng giả làm dân thường đi cày ruộng mang theo quang gánh trong đó có giấu lương thực mang ra cứu đói cho các chiến sĩ còn bị mắc lại bên kia đường. Nhân dân cũng mang hết đường sữa có sẵn ở trong nhà để tiếp tế.

Lúc đó đang là tháng 7, nông dân phơi rơm rạ phủ kín 2 bên đường. Tận dụng địa thế đó, đồng chí Quý dẫn quân ra, cho các chiến sĩ phủ rơm kín lên người để phục kích địch. Đợi tới lúc Trung đoàn 57 địch đi qua, các chiến sĩ đã bất ngờ nổ súng đánh vào đoàn xe hậu cần chở nhu yếu phẩm, cắt đứt sự tiếp tế khiến cho toàn quân địch hỗn loạn. Trước sự tấn công dữ dội của quân giải phóng, địch không tài nào nắm rõ được tình thế nên đành phải rút lui phòng thủ.

Đêm 24.7.1974, đồng chí Phan Hoan (Tư lệnh mặt trận 4) đã cho lực lượng đến mở đường máu để cứu các chiến sĩ còn bị mắc kẹt an toàn rút về vị trí đóng quân của tiểu đoàn.
Sau mỗi lần đánh trận trở về, sau những mệt mỏi tôi vội vàng treo quần áo còn nhuốm đầy bụi đất lên giá treo để tranh thủ chợp mắt vài phút, khi tỉnh dậy thì thấy số quần áo bẩn ấy đã được ai đó mang đi. Tò mò hỏi các đồng chí chiến sĩ vệ binh thì mọi người đều lắc đầu không biết. Đến ngày hôm sau thì lại phát hiện ra số quần áo mất tích đó đã được giặt sạch sẽ và xếp lại cẩn thận nằm gọn trong ba lô của mình. Sự việc đó cứ liên tục diễn ra cho đến một hôm... sau khi từ đại đội trở về, vừa bước vào chỉ huy sở thì tôi nhìn thấy một cô gái (về sau được biết cô gái này ở tiểu đoàn thông tin, người Điện Bàn) đang cặm cụi gập quần áo cho mình. Nhìn thấy tôi, cô gái ấy bẽn lẽn đứng dậy ôm lấy bọc quần áo vừa gập tiến lại đặt vào tay tôi. Hai ánh mắt gặp nhau. Mắt cô gái rơm rớm lệ, nói: “Anh ơi, em làm thế này có tội chị em phụ nữ miền Bắc không anh?”. Nói rồi cô gái bỏ chạy ra khỏi sở chỉ huy. Trong cái lúc ấy lý trí và cảm xúc thay nhau lên tiếng. Giữa lúc đó cái lý tưởng chiến đấu hết mình cho mảnh đất này cho những con người ấy dội về mạnh mẽ, khiến tôi không cho phép mình có bất cứ một sự vị kỷ cá nhân nào có thể ảnh hưởng không tốt, có thể đẽo gọt bớt đi cái lý tưởng chiến đấu trên mảnh đất đang từng ngày sục sôi.

Trước tình hình gay cấn, căng thẳng của chiến trận tôi cũng không có đủ thời gian để đi tìm lại cô gái và nói lời cảm ơn. Dù rằng điều đó tôi mãi ghi nhớ trong cuộc đời chiến binh của mình.

Những gì đã qua hãy để nó ngủ yên, nước trên dòng sông năm xưa vẫn cứ chảy, rả rích mãi trong lòng. Cứ thế... cứ thế... trôi về phía trời xa.

Hai mươi tám năm sau cuộc chiến ấy, tôi cùng đồng chí Tư lệnh Phan Hoan, Chính ủy Lê Công Thạnh cùng một số đồng chí trong trận đánh ngã ba Trùm Giao năm nào đã về gặp gỡ, giao lưu cùng nhân dân Điện Hồng. Khi biết tôi đã từng tham gia trận đánh năm ấy, một bà mẹ Điện Hồng nói trong rơm rớm nước mắt: “Trong ban chỉ huy trận đánh có một người quê ở Hà Nội còn rất trẻ không biết bây giờ anh ấy còn hay không?”. Tôi mỉm cười và trả lời: “Tất cả người dân Điện Bàn vẫn còn đây, những người từng chiến đấu trên mảnh đất này vẫn còn đấy”.

Tất cả mọi thứ như vừa mới diễn ra.

Hóa ra là thế, sau bao nhiêu năm chiến đấu trên mảnh đất ấy, sau bao tháng năm lập lại hòa bình, rời xa mảnh đất ấy, những con người ấy, những kỷ niệm ấy thì cái tình còn đọng lại vẫn da diết cồn cào gợi lên những hồi ức đẹp đẽ về năm tháng chiến đấu không mỏi mệt trên mảnh đất anh hùng.

ĐÌNH HIỆP

ĐÌNH HIỆP