Những cánh đại bàng xứ Quảng - Kỳ 1: Bay lên từ vùng cát
Trong lịch sử Không quân Việt Nam, ít người biết rằng những phi công sinh ra từ vùng đất Quảng Nam, ngay từ đầu đã là thành phần nòng cốt của lực lượng này.
Cựu phi công Hồ Văn Quỳ bên những trang sách về Không quân Việt Nam. Ảnh: XUÂN THỌ |
Được đào tạo bài bản
Cựu phi công Hồ Văn Quỳ năm nay đã 83 tuổi, hiện sống ở số nhà 26, đường Nguyễn Tri Phương, TP.Đà Nẵng. Ông Quỳ quê ở xã Bình Hải, Thăng Bình, vùng đất tương đối ác liệt trong thời chiến. Năm 14 tuổi, ông Quỳ tham gia du kích địa phương, làm văn thư. Đến năm 1954, khi đủ 19 tuổi, ông vào bộ đội; năm 1955 tập kết ra miền Bắc, được cho đi học bổ túc văn hóa. Năm sau, ông trúng tuyển vào không quân, sau đó được đưa sang Trường Không quân Trung Quốc học lái máy bay. “Có lẽ từ nhỏ đã sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nên chúng tôi học được cách vượt qua khó khăn và quan trọng hơn, luôn giữ cho mình một tinh thần thép, mà ngay cả khi ở chuyến bay thực chiến đầu tiên, phi công đối phương phải hốt hoảng vì điều đó” - cựu phi công Hồ Văn Quỳ chia sẻ.
Bên cạnh giải pháp cấp bách là đào tạo phi công ở biên giới Trung Quốc, hiểu được tầm quan trọng của không quân trong tương lai, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng thời tiến hành lựa chọn những nhân tố tiêu biểu để đưa sang Liên Xô đào tạo và xây dựng lực lượng nòng cốt của Không quân Việt Nam. Một trong những nhân tố tiêu biểu được lựa chọn lúc bấy giờ là chàng sinh viên Đặng Xây, quê ở vùng cát Điện Nam, Điện Bàn. Ông Đặng Xây tập kết ra miền Bắc từ năm 10 tuổi (năm 1954) theo diện con bộ đội. Sau khi học hết năm 2 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì có chương trình tuyển phi công và ông hội đủ tiêu chuẩn. Tháng 6.1965, ông Đặng Xây trở thành lính không quân. Đến tháng 7.1965 ông được đưa đi Liên Xô học cho đến năm 1968.
Về khoảng thời gian được đào tạo ở Liên Xô, ông Đặng Xây kể, ban đầu học viên được cho học lái máy bay L29 - loại máy bay phản lực của Tiệp Khắc. Nếu hoàn thành tốt khung chương trình, học viên được chuyển sang học bay MiG 21 - loại máy bay chiến đấu có tốc độ cao và mang theo tên lửa. Nếu thành tích học tập đối với L29 không ấn tượng, học viên sẽ được chuyển sang học lái MiG 17 trước khi nâng cấp lên MiG 21. Với học viên Đặng Xây, ông tỏ rõ là một phi công cừ khôi trong tương lai khi hoàn thành tốt giáo trình học lái L29 để thẳng lên học lái MiG 21. Ông Xây cho rằng, sở dĩ mình lái tốt là nhờ được đào tạo rất bài bản, nhất là thời gian thực hành rất nhiều. “Trong khóa học, học viên được trang bị các kỹ năng như bay tập kích, bay tập phóng rốc-két xuống đất, bay chặn kích” - ông Đặng Xây nói. Khi sắp hoàn thành chương trình, ông được đưa đến trường bắn ở thành phố Astrakhan gần cuối sông Volga. Đây là trường bắn lớn nhất nhì của Liên Xô lúc bấy giờ. Đến đây, đầu tiên học viên tập bắn tên lửa tầm nhiệt, loại tên lửa chỉ lao vào mục tiêu phát nhiệt. Giáo viên người Liên Xô sẽ thả một quả cầu lửa, phi công lái máy bay dùng ra đa và mắt thường để phát hiện mục tiêu và bắn tiêu diệt. Mặc dù có tính chính xác cao, nhưng do tên lửa dành cho học tập nên tính sát thương thấp; điều đó yêu cầu học viên phải bắn cực kỳ chính xác mới có thể hạ mục tiêu. Vượt qua thử thách này, một tổ lái gồm 4 người sẽ thực hiện bài tập bắn hạ một máy bay không người lái. Cứ thế, hoàn thành chương trình này, các học viên được đào tạo nâng lên cấp độ cao hơn, nếu không qua sát hạch sẽ phải bắt đầu lại khung chương trình huấn luyện.
Từ học viên thành giáo viên
Tròn 20 năm kể từ ngày nghỉ hưu, đến bây giờ ông Nguyễn Ngọc Huân (82 tuổi, hiện ở số 8, đường Sông Thương, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 918, vẫn không quên những chuyến bay ngang dọc bầu trời năm nào. Ông vốn quê ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc. Sống trong vùng địch tạm chiếm, ông thường xuyên chứng kiến cảnh kẻ thù cướp bóc, bắt bớ, sát hại người vô cớ nên trong lòng rất căm phẫn. Khi Pháp bắt đi lính, ông bỏ trốn sang vùng tự do để đi học. Đầu năm 1953, lúc này ông 17 tuổi, khi nghe tin bộ đội tuyển quân, ông đăng ký tham gia nhưng không được nhận do chỉ cao 1m50, cân nặng 45kg. Lòng tự ái trỗi lên, ông bảo “nếu không nhận vào bộ đội thì sẽ đi lính cho Pháp...”. Nói xong, ông quay lưng bỏ đi thì có người trong ban tuyển quân kêu lại và nhận nhập ngũ.
Sang năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đơn vị của ông Huân tiến vào phía Nam để tiếp quản. Đến năm 1956, tại Bình Định, ông cùng đồng đội lên tàu tập kết ra miền Bắc, được phiên vào Sư đoàn 324 - một đơn vị vừa được thành lập. Đến năm 1958, Sư đoàn 324 chia tách thành Sư đoàn 324 A (đóng tại miền Bắc) và Sư đoàn 324 B (vào đóng tại miền Nam). Ông Huân ở lại Sư đoàn 324 A và được đưa đi học ở Lạng Sơn. “Học hết lớp 10, tôi dự định vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì có đoàn không quân về khám sức khỏe. Cả 2.000 người chỉ lấy được 20 người trong đó có tôi. Cũng may là trong thời gian quân ngũ tôi chăm chỉ luyện tập nên đã cao to chứ không thấp bé như trước. Đến năm 1960 tôi được chọn đi học lái máy bay” - ông Huân kể. Sau đó, ông được đưa về Trường Hàng không (Trung đoàn Không quân 910) ở Cát Bi, Hải Phòng.
Theo lời ông Huân kể, trong những năm đầu ông được học chính trị, rèn luyện, bồi dưỡng sức khỏe và học lý thuyết về máy bay. Đến năm 1963, ông được bay huấn luyện trên chiếc Z18 - loại máy bay nhỏ 1 động cơ của Liên Xô, có 2 chỗ ngồi, ghế trước cho học viên và ghế sau cho giáo viên hướng dẫn. Một năm sau, ông tốt nghiệp với quân hàm thiếu úy và được giữ lại trường làm huấn luyện viên dạy bay cho học viên mới. “Đó là điều tuyệt vời. Từ những vùng cát khô cằn của xứ Quảng mình, đã có những cú đạp đất đầy uy lực, rồi đập cánh bay lên không trung, góp vào những dòng sử chói lọi của Không quân Việt Nam” - ông Huân bày tỏ.
______
Kỳ 2: Từ trận không chiến đầu tiên
XUÂN THỌ