Những cô gái can trường - Kỳ cuối: Đi qua "dao cắt lửa nung"

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/07/2017 08:42

Tin liên quan

  • Những cô gái can trường - Kỳ 2: Nữ du kích Bồ Mưng
  • Những cô gái can trường - Kỳ 1: Từ đội quân tóc dài

Ở Viêm Tây (Điện Thắng cũ) có nhiều cô gái tham gia hoạt động cách mạng như Trần Thị Dũng, Ngô Thị Ký, Trần Thị Chua, Lê Thị Luận, Lê Thị Tám, Ngô Thị Cúc… Dũng, Ký, Chua là những đội viên du kích chiến đấu ngoan cường; đặc biệt Trần Thị Dũng đã có sự trưởng thành vượt bậc để sau này tham gia phụ trách phong trào thanh niên ngoại thành của Quảng Đà.

Hai chị em Lê Thị Luận - Lê Thị Tám cũng để lại những ký ức không phai về một thời tranh đấu. Gia đình chị em Luận rất nghèo lại đông con, nhà toàn con gái. Trong đó Năm Luận sớm tham gia hoạt động cách mạng, vận động đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Đến năm 1966, đánh đồn Ngũ Giáp giữa ban ngày, Năm Luận cùng các cô chú hoạt động hợp pháp như cô Bảy Tha, chị Tranh, cô Huynh, chị Sắt, chị Tê kéo xe bò phân ngụy trang để đưa quân ta áp sát đồn địch. Trận đánh này do đồng chí Trần Kỳ chỉ huy. Sau Mậu Thân 1968, Năm Luận được tổ chức điều động ra Đà Nẵng hoạt động, làm Bí thư Chi bộ 2. Năm Luận xây dựng gia đình với anh Ngô Lũy, cán bộ an ninh của huyện Điện Bàn. Khi hai gia đình tổ chức cưới cho anh chị thì lúc này tình hình địch o ép quá Ngô Lũy không về được, vì thế đám cưới rước dâu không có chú rể. Rồi anh Lũy cũng tranh thủ được chút ít thời gian về thăm nhà. Năm Luận có thai được 5 tháng thì nghe anh Lũy hy sinh trong một trận càn của địch vào năm 1969. Năm Luận cắn răng nén chịu đau thương, vừa mang thai vừa hoạt động cách mạng trong lòng địch. Đến khi sinh con được 2 tháng tuổi thì chị bị địch phát hiện, bắt giam. Năm Luận bồng con vào tù và chịu mọi đòn tra tấn dã man. Mẹ chị vào thăm không cầm được nước mắt đã giằng co với địch để đem cháu về nuôi. Còn Luận ở tù, bị chuyển hết lao này sang lao khác. Đến năm 1975, Luận trở về nhưng đau ốm liên miên vì vết thương cũ tái phát dẫn đến cặp mắt bị mù suốt 2 năm liền. Bệnh tình trầm trọng nên chị qua đời, khi chưa hưởng được chế độ chính sách gì, chỉ để lại cái lý lịch đảng viên. Em của Năm Luận là Lê Thị Tám, lúc còn nhỏ không biết chị mình làm gì nhưng đến năm  12 tuổi thường được chị Năm Luận cử đi cảnh giới. Những lúc chị Luận cùng các chú, các anh bàn bạc công việc trong nhà, Tám phải ra ngõ ngó chừng bọn lính đi tuần. Rồi chị Luận vận động cha mẹ cho anh em du kích đào công sự trong nhà để nuôi giấu cán bộ, Tám cùng mẹ canh chừng, mỗi khi có địch đến là đậy nắp hầm bí mật. Nhiều lần Tám bị địch tình nghi bắt rồi được thả. Tám được kết nạp Đảng lúc 18 tuổi, làm Bí thư Chi bộ thôn Viêm Tây, sau cũng bị địch bắt tra tấn tàn khốc. Năm 1973, Tám được tổ chức đưa lên núi Hòn Tàu dự lớp đào tạo rồi làm trong cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng Quảng Đà. Tám được xuống các vùng ác liệt nhất để làm công tác phụ vận, tổ chức đấu tranh chính trị với địch, trụ bám sản xuất, kiên trì chịu đựng đối đầu với ác liệt, đạn bom. Tháng 3.1975, Đà Nẵng giải phóng, Lê Thị Tám trở về trong đoàn quân tiếp quản và tiếp tục tham gia công tác phụ nữ, nay làm công tác từ thiện nhân đạo giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh không may bất hạnh.

Trong những cô gái Điện Thắng một thời tranh đấu có thể nhắc thêm hai người đang sống ở làng Phong Lục Tây là Nguyễn Thị Tân và Đoàn Thị Cạt. Nguyễn Thị Tân (tức Liên, Hồng), sinh năm 1952, từ nhỏ đã được bảo bọc trong một gia đình “cách mạng nòi” với bà nội, cha và chú bác tham gia kháng chiến. Mười hai tuổi Tân đã được bà nội sai ra canh chừng, đưa cơm canh cho cán bộ trú ẩn trong căn hầm sau nhà. Tân sớm tham gia đội thiếu niên góp phần nhỏ bé trong đợt rào làng chiến đấu ở Phong Lục. Còn nhỏ nhưng Tân đã biết vận động các bạn vót mỗi người 10 chông tre, để dành tiền trả công rèn 1 chông sắt để góp cho các chú rào làng. Năm 1967, Tân được kết nạp vào đoàn thanh niên cách mạng; năm 1969 được kết nạp Đảng; năm 1970 được phân công phụ trách công tác thanh niên, vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã (lúc này đồng chí Nguyễn Lương Cụng làm Bí thư). Tân năng nổ hoạt động, nhiều trận bị địch bắt cầm tù đánh đập ở quận Điện Bàn và nhà lao Hội An nhưng đều giữ kín bí mật cơ sở cách mạng. Tháng 2.1972, bị chỉ điểm nên địch bắt, Tân khai là Nguyễn Thị Hồng, khai sụt tuổi sinh vào năm1954. Vì vậy, sau khi đưa ra kho đạn thì địch đưa Tân vào nhà tù thiếu nhi Đà Lạt. Ở đó, Tân tham gia đấu tranh kiên cường và sau tháng 6.1973, nhà tù thiếu nhi Đà Lạt giải thể, Tân trở về móc nối và làm công tác thanh vận cho đến ngày giải phóng.

Còn chị Đoàn Thị Cạt là mẫu hình về người chịu đựng gian khổ trên con đường giao liên cách mạng. Đoàn Thị Cạt, từ cuối 1963 đầu 1964 đã làm giao liên; năm 1965 được rút lên làm giao liên cho đội du kích tập trung của xã; 1967 lên làm giao liên cho huyện. Làm giao liên trong chiến tranh là công việc cực kỳ nguy hiểm vì thường bị địch rình rập, khám xét, có khi rơi vào ổ phục kích. Có thể nói “đường thư trong chiến tranh là đường máu”, đảm bảo cho mạch máu kháng chiến và phải trả bằng xương máu của chiến sĩ giao liên. Năm 1969, có kẻ chiêu hồi chỉ điểm nên Đoàn Thị Cạt bị địch bắt, đưa vào nhà lao Hội An, sau chuyển vào giam ở Tân Hiệp, Thủ Đức. Năm 1973, chị được trao trả tù binh ra Sầm Sơn. Lúc đó, người chị chỉ còn da bọc xương, cân chưa tới 30 ký lại bị bệnh nặng. Vậy mà chị vẫn cố gắng đi học bổ túc rồi sau giải phóng về làm công nhân nhà máy in. Cách đây 15 năm chị nghỉ hưu, tự túc một đứa con, rủi thay cháu bị bệnh xương thủy tinh, chạy chữa mãi không hết.

Làm sao có thể kể hết câu chuyện về các cô gái Điện Thắng, đã góp nên một phần lịch sử đấu tranh của mảnh đất này. Chỉ có thể điểm xuyết trên đây một số gương mặt nhờ có được chút ít tư liệu và nhân chứng cung cấp. Tuy vậy, với bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ minh chứng sự can trường của những người con gái ở vùng quê này. Một thời họ đã sống hết mình cho lý tưởng, khát vọng tuổi trẻ đấu tranh vì nền độc lập cho Tổ quốc. Chưa đạt đến mức anh hùng như chị Lý, chị Vân - những người con gái quê hương Điện Bàn nổi tiếng, nhưng họ đều đã từng đối mặt với lửa đạn quân thù, có những người ngã xuống hoặc kiên cường chịu cảnh “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” để đi đến ngày thắng lợi.
Nước mắt và nụ cười. Khổ đau và hạnh phúc. Những nếm trải từ chiến tranh đến đời thường khiến cho những cô gái can trường của đất Điện Thắng đã đang và sẽ là hình ảnh làm xúc động lòng người. Như câu thơ của một thời lửa đạn còn vang mãi: “Những mảnh đất anh hùng quyến rũ/ Phút giây đầu đã ràng buộc đời em/ Như tự lọt lòng từng biết mấy thân quen/ Em nhỏ giao liên, mẹ hiền trụ bám/ Cô du kích dịu dàng dũng cảm/ Sông Thu Bồn hằng xao động tâm tư…”. (Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly)

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Cùng - cán bộ đoàn, du kích xã Điện Thắng thời kháng chiến chống Mỹ)

NGUYỄN ĐIỆN NAM