Những cô gái can trường - Kỳ 1: Từ đội quân tóc dài

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/07/2017 08:52

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Những cô gái của vùng quê Điện Thắng (nay là 3 xã Điện Thắng, thuộc thị xã Điện Bàn) đi vào cuộc chiến đánh giặc giữ làng với biết bao gian khổ hy sinh. Nhưng mất mát lớn nhất không chỉ là cái chết mà còn ở phía chông chênh cuộc đời, những khao khát bình thường sâu lắng phải nén lòng quên đi khi mái tóc thanh xuân nhuộm mùi thuốc súng…

Những gương mặt nữ trong Đại hội xã đoàn Điện Thắng ngay sau ngày giải phóng.  (Ảnh tư liệu)
Những gương mặt nữ trong Đại hội xã đoàn Điện Thắng ngay sau ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Điện Thắng (gồm địa bàn của 3 xã Điện Thắng Bắc - Trung - Nam ngày nay) là vùng đất ven đô, giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Ở cửa ngõ phía nam đô thị lớn thứ hai của miền Nam trước năm 1975, Điện Thắng chịu nhiều đau thương khốc liệt khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên đổ bộ các đội quân viễn chinh xâm lược. Khi gót giày xâm lăng của ngoại bang đặt chân vào cửa Hàn thì không bao lâu chúng ập đến vùng đất này, gây nên cảnh đạn bom, khói lửa ngút trời. Xóm làng bị biến thành ấp chiến lược, thành khu dồn, trại tập trung, bóp nghẹt dân lành vào cảnh cá chậu chim lồng trong hàng rào thép gai như đâm nát cả trời chiều máu lệ. Đau thương và uất hận đã khiến người Điện Thắng phải đứng lên cầm súng đánh giặc. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương, và truyền thống cách mạng đã bùng cháy thành ngọn lửa kháng chiến, từ đồng khởi phá kèm, tiến công và nổi dậy khắp các làng quê, áp sát bao vây căn cứ quân sự Đà Nẵng với thế trận “thiên la địa võng”, với căn cứ địa lòng dân kiên trung bám đất giữ làng, nuôi dưỡng chở che cho những người đánh giặc. Vì thế, Điện Thắng trở thành lũy thép, đặc biệt có hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ và Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi nổi tiếng năm châu.

Đi qua các làng quê Điện Thắng, nghe kể lại nhiều câu chuyện về một thời tranh đấu, đâu cũng thấy hiện lên hình ảnh những cô gái can trường tuổi mới vừa dậy thì đã lên đường đi đánh giặc.

Có lẽ đầu tiên phải kể là chuyện tham gia “đội quân tóc dài” do các mẹ chị dẫn đầu đi đấu tranh với địch. Làng nào của Điện Thắng, từ Viêm Tây, Bồ Mưng, Thanh Quýt, An Tự, Thanh Tú, Phong Ngũ, Phong Lục đều có những người mẹ là vợ của “đảng viên can cứu” hoặc có chồng con đi tập kết, thoát ly. Những người mẹ ấy, trong cuộc đấu tranh với sự thanh lọc, thanh trừng của địch sau Hiệp định đình chiến đã dẫn theo con gái vừa đôi ba tuổi vào cuộc giằng co với giặc để bảo vệ xóm làng. Khi công cuộc chống Mỹ đi vào giai đoạn cam go, ác liệt, nhất là lúc quân viễn chinh của Mỹ đổ bộ vào miền Nam năm 1965, thì những bé gái sinh sau năm 1950 vừa thành thiếu nữ. Ký ức về những ngày theo mẹ lên khu dồn, nhìn thấy cảnh bắt bớ, tù tội, giết người man rợ trong đêm đen khi địch thực hiện Luật 10/59 vẫn còn ám ảnh nhiều cô gái quê. Cho nên khi được tổ chức dẫn đường, họ lập tức tham gia làm giao liên, đào hầm bí mật để che giấu và tiếp tế cho những cán bộ nằm vùng, các anh chị du kích. Đặc biệt, họ tham gia “đội quân tóc dài”, đấu tranh với địch, chống cày ủi xóm làng, chống phi pháo giết người vô tội.

Nổi bật như cuộc đấu tranh vào tháng 7.1965 còn lưu trong sử sách. Câu chuyện bắt đầu khi chị Nguyễn Thị Diệp, người Bồ Mưng, đi gặt lúa ở Gò Quán thì bị hai tên lính địch thách nhau chọn chị làm bia để bắn. Hậu quả là chúng bắn chết chị lúc 4 giờ chiều. Được tin cấp báo của đồng bào, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Điện Thắng hội ý nhanh và quyết định vận động nhân dân đứng lên đấu tranh. Ngay sáng hôm sau, đồng chí Trần Hân - Bí thư Đảng ủy xã đến gia đình chị Nguyễn Thị Diệp đề nghị cho đem thi hài chị lên quận Điện Bàn để quần chúng đấu tranh chống địch vô cớ bắn giết đồng bào. Đảng ủy cũng phân công chị Nguyễn Thị Chung làm một mũi trực tiếp trong cuộc đấu tranh này. Công tác tổ chức cuộc đấu tranh được tính toán chu đáo, phân công người hô khẩu hiệu, người đứng ra binh vận. Chị Nguyễn Thị Chung được giao đóng vai chị ruột nạn nhân.

Cuộc đấu tranh diễn ra với đoàn biểu tình tuần hành. Lực lượng tham gia phần đông là chị em phụ nữ, thanh thiếu niên, ông già, bà lão… với tổng số hơn 500 người từ Điện Thắng kéo lên quận Điện Bàn.  Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn ác ôn!”, “Hoan hô anh em binh sĩ đồng tình ủng hộ nhân dân!”. Khi vào đến Vĩnh Điện, đoàn biểu tình đông thêm vì được nhân dân dọc hai bên đường đồng tình ủng hộ. Chẳng mấy chốc, đoàn người ùa vào quận đường Điện Bàn. Chị Nguyễn Thị Chung, trong vai chị ruột của chị Nguyễn Thị Diệp, vừa khóc lóc, kể lể thảm thương, vừa đập bàn làm việc của bọn địch la hét dữ dội. Đồng thời chị kêu gọi đồng bào lên án bọn giết người. Trước khí thế bừng bừng phẫn nộ của quần chúng, bọn địch đành phải nhượng bộ, cam kết bồi thường cho nạn nhân 50.000 đồng và 300kg gạo, hứa từ nay trở đi không bắn giết bừa bãi dân lành. Chúng còn giả nhân giả nghĩa đề nghị để chúng điều xe chở thi thể nạn nhân về Điện Thắng nhưng đồng bào kiên quyết không chịu. Lúc này, bà con đã bao quanh thi hài chị Nguyễn Thị Diệp, vừa đưa về vừa tranh thủ thời gian hô vang khẩu hiệu trên đường đi “Đả đảo bọn giết người!”.

Cuộc đấu tranh chính trị vào tháng 7.1965 kết thúc thắng lợi đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân. Trước đây, khi địch cho xe cán lúa, phá mồ mả, bà con cũng nhiều lần nổi lên đấu tranh chống lại hành động của địch. Nhưng, đó là những cuộc đấu tranh có quy mô nhỏ, ảnh hưởng không lớn. Còn cuộc biểu tình đấu tranh lần này thực sự là cuộc biểu dương sức mạnh của quần chúng, của đội quân tóc dài xã Điện Thắng.


NGUYỄN ĐIỆN NAM

(Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Cùng - cán bộ đoàn, du kích xã Điện Thắng thời kháng chiến chống Mỹ)
------------------
Kỳ 2:  Nữ du kích Bồ Mưng

NGUYỄN ĐIỆN NAM