Mảnh đất tình sâu nghĩa nặng
(QNO) - Nguyễn Minh Hòa sinh năm 1948, quê ở thôn 3, Điện Vinh (nay là khối phố Hà Dừa, phường Điện Ngọc, Điện Bàn). Mới 14 tuổi, Minh Hòa ước mong vào bộ đội, được ông Lý Trân (tức Lý Quý) người cán bộ trung kiên quê ở Điện Nam, bấy giờ là Huyện ủy viên về “chấm” rằng “cậu này lanh lẹ, có thể làm trinh sát được”. Vậy là Hòa được ông Lý Trân dẫn theo làm liên lạc, sau chuyển qua làm cần vụ cho ông Hứa Tiến Nam, Huyện đội trưởng Điện Bàn. Vì ông Nam thường đứng chân ở Điện Thắng (cũ) nên Minh Hòa cũng gắn bó với vùng đất tình sâu nghĩa nặng ấy.
Tin liên quan
|
Bia ghi danh anh hùng liệt sĩ Bồ Mưng (Điện Thắng). Ảnh: N.Đ.N |
Điện Thắng (nay là 3 xã Điện Thắng Bắc - Trung - Nam) là vùng xung yếu nằm sát nách địch, nên chúng đóng đồn bót dày đặc, năm 1967-1968 thì thiết lập thêm hàng rào điện tử. Trên tuyến cắt ngang Điện Thắng, địch thiết lập 4 chốt điểm quan trọng từ thôn Đông lên đồn xã Tượng, cồn Chè (giáp Điện Hòa). Để giữ được đường dây từ phía tây Điện Thắng xuống vùng đông, ta phải tìm những cán bộ giàu kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch, nắm rõ địa bàn. Nguyễn Minh Hòa cùng đại đội 1 Điện Bàn thường xuyên về Điện Thắng để bám sát phong trào, cùng quân dân Điện Thắng tìm cách tiêu hao sinh lực địch, khai thông hành lang của ta xuống vùng đông và ra Đà Nẵng.
Không thể kể hết hàng trăm trận đánh lớn nhỏ có sự góp mặt của Minh Hòa, chỉ điểm một số trận tiêu biểu mà nhiều người Điện Thắng còn nhớ. Như vào năm 1967 có trận đánh “Mỹ cõng” để đời. Chiến thuật “Mỹ cõng” của bọn Mỹ nhằm để đối công với chiến thuật du kích chiến của ta. Theo đó, cứ một tên địch cõng một tên đi ra điểm phục kích, rồi sau đó giả vờ rút đi, để lại một nửa lực lượng nằm lót ổ. Nếu chỉ đếm theo số lượng ban đầu và thấy chúng rút đi, ta triển khai hoạt động thì sẽ lọt vào ổ phục kích của địch. Chiến thuật này ban đầu gây ra nhiều thiệt hại cho ta. Nhưng sau ta phát hiện thì dùng “gậy ông đập lưng ông” truy sát bọn Mỹ cõng nằm phục lại. Trận đánh Mỹ cõng ở bến đò Khách, gần máy nước ông Hai Nuôi, do Minh Hòa và du kích xã Điện Thắng thực hiện. Theo đó, sau khi phát hiện bọn Mỹ hành quân đến rồi đi, ém lại khoảng một tiểu đội Mỹ, anh Hòa, anh Phúc, anh Quán chỉ huy phối hợp bộ đội cùng du kích chia các mũi tiến công. Anh Hòa chỉ huy tổ bộ đội vượt sông từ xóm Chín Chủ, anh Phúc và Quán chỉ huy du kích yểm trợ phía cánh dưới lên. Đến điểm bố trí, anh Hòa cho phát hỏa lực mạnh phủ đầu bọn địch ở bến đò Khách. Bọn Mỹ nằm phục kích lộ diện, bị du kích áp sát tấn công. Trận này, ta tiêu diệt và làm bị thương nặng 7 tên địch, còn một tên chạy thoát về đồn Trảng Nhật gọi máy bay oanh tạc và lấy xác đồng bọn.
Trong chiến dịch hè thu năm 1969, lực lượng phối hợp do Nguyễn Minh Hòa cùng một số bộ đội và anh Đỗ Phúc xã đội trưởng chỉ huy du kích Điện Thắng, tổ chức đánh đồn An Tự. Đây là một cứ điểm do bọn lính 51 đóng để bảo vệ vành đai điện tử. Trận này các anh tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 1 tiểu đội địch, bắt sống 3 tên. Kể từ đó, đồn An Tự cùng các đồn thôn Đông, đồn Hoang, coi như bị bứt rút, ta đi lại dễ dàng hơn.
Tháng 3.1970 có trận đánh phục kích nhớ đời. Một trung đội Mỹ hành quân ra phục kích gần chùa Châu Phong, ở khu vực gò mả. Nguyễn Minh Hòa và một tổ bộ đội cùng anh Hà Huề phối hợp du kích tấn công bọn Mỹ. Giữa mùa vừa gặt xong, ruộng được cuốc đất bệ (đất rang), nên bọn lính Mỹ không biết chạy trốn vào đâu, nên chạy ra đồng vấp ngã chổng vó. Bộ đội dùng B40 và tiểu liên truy kích khiến địch chết lăn lóc phải gọi 2 chiếc máy bay đến chở xác. Sau trận này, bọn Mỹ trở lại truy kích ta. Chúng vào chùa Châu Phong truy vấn sư bà trụ trì. Sư bà Từ Hạnh bình tĩnh đấu lý với chúng, rằng chùa chỉ là nơi che chở cho dân tị nạn bị thương đau vì đạn bom, còn không chấp chứa kẻ gây chiến bạo lực.
Làng quê Điện Thắng hôm nay. Ảnh: N.Đ.N |
Năm 1972-1973, tình hình Điện Thắng vẫn căng thẳng, nhiều tuyến đường dây của ta bị phá vỡ. Như tuyến xuống vùng C qua ngõ Giáp Ba (Điện An, hay tuyến xuống Thanh Quýt 4, gần Gò Phật, thường bị lính địch phục kích). Ta tìm cách xoi đường nhiều nơi nhưng không thành. Nguyễn Minh Hòa được huyện đội cử về đứng chân ở Điện Thắng, điều nghiên tình hình và quyết định xoi một tuyến bất ngờ qua Bồ Mưng. Đây là tuyến sát nách địch, kẹp giữa hai đồn lớn, phía trong là đồn Ngũ Giáp, ngoài là đồn Bác Kiến, lại rất gần Ngã ba Lầu Sụp nơi bọn lính thường hành quân qua lại. Tổ du kích do chị Nguyễn Thị Cùng chỉ huy bám trụ ở Bồ Mưng đã được anh Hòa hỗ trợ nên rất yên tâm tổ chức đường dây cơ sở. Lúc này, bọn chỉ điểm, gián điệp cũng đánh hơi được nên ráo riết bắt nhiều cơ sở trung kiên của ta, có thời điểm 24 công sự mật bị bọn chiêu hồi chỉ điểm phá vỡ, song tổ công tác cùng anh Hòa vẫn đứng vững ở địa bàn, chuẩn bị cho đợt giành dân, giữ đất trước Hiệp định Paris được ký kết. Đứng chân ở Bồ Mưng, anh Hòa ngày ở hầm bí mật, đêm thì cùng du kích tổ chức diệt ác để mở đường dây. Anh cũng tổ chức các trận đánh nhằm dằn mặt bọn địch không để chúng tự do đi lại qua tuyến đường dây. Có trận giữa ban ngày, anh cải trang mặc đồ lính đi từ nhà bác Ngại theo bờ găng đến vị trí phục kích địch mà theo cơ sở báo tin là có xe chở bọn thám báo đem tiền đi phát lương. Khi địch lọt vào tầm ngắm, Hòa phát hỏa quả B40 bắn thẳng vào chiếc xe jeep, xe bốc cháy khiến 3 tên thám báo chết ngay, còn 1 tên bị thương nặng. Tiền bay tứ tung nhưng bà con ở gần đó không dám ra nhặt. Sau đó, bọn lính ở đồn Ngũ Giáp và bọn lính đồn Bác Kiến ra tiếp viện lấy xác.
Tuy là cán bộ huyện đội nhưng Nguyễn Minh Hòa thường về bám trụ với du kích Điện Thắng, hang cùng ngõ hẻm nào cũng thông thuộc, nên nhiều trận bị địch phục kích anh vẫn thoát. Song, chiến tranh ác liệt làm sao bom đạn tránh người mãi được. Rồi trong một chuyến công tác Nguyễn Minh Hòa bị thương nặng. Khi phát hiện anh ở gần đình Bồ Mưng, bọn lính địch vãi đạn như mưa găm vào lưng anh, làm gãy mấy đốt xương, có viên găm vào xương sống. Người cùng đi công tác giúp anh Hòa nắm tình hình là chị Nguyễn Thị Bửu cũng bị địch bắn gãy chân. Chị Nguyễn Thị Cùng, cùng tổ du kích Bồ Mưng lần theo tìm dấu anh Hòa và chị Bửu. Phát hiện ra anh, chị Cùng đưa vào cây rơm nhà ông Hồ để giấu. Sau đó sợ địch đi lùng sục không bắt được anh sẽ tức tối đốt đống rơm, nên chị Cùng và chị Chung khiêng anh Hòa xuống giấu trong hầm nhà bà nội chị. Đến tối, các chị lại đưa anh Hòa ra cho y tá băng bó vết thương, nấu cháo bồi dưỡng. Chị Cùng đưa anh Hòa vào lại hầm và nấu cơm vắt, lấy bình đông đựng nước để sẵn cho anh. Sau đó đưa anh xuống Điện Ngọc. Phải mất cả tuần khi địch rút thì giao liên đường dây mới xuống được để chuyển anh Hòa lên căn cứ. Riêng chị Bửu được du kích đưa ra giấu ở ao tưới thuốc bỏ hoang, chị khát nước quá phải bò ra dùng tay bứt cỏ nhai, sau đó được đường dây đưa lên căn cứ. Ghi nhớ cái ơn cứu tử này, Nguyễn Minh Hòa nói không có những người du kích dũng cảm và những bà mẹ ở cơ sở Điện Thắng kiên trung thì anh không có ngày trở về sau cuộc chiến. Nguyễn Minh Hòa lên căn cứ rồi được đưa ra miền Bắc chữa trị, vết thương vừa lành anh lại xung phong trở về Nam chiến đấu.
Trong ký ức của những người cán bộ và du kích kiên trung của Điện Thắng, Nguyễn Minh Hòa là tấm gương quả cảm, anh dũng đánh địch trong mọi tình huống, lập nhiều chiến công xuất sắc. Những chiến công cá nhân cùng với tập thể đại đội 1 (đơn vị nhận danh hiệu anh hùng ngay ngày đầu giải phóng), lẽ ra đủ để anh Hòa được phong tặng anh hùng rồi. Nhưng anh Hòa chỉ tâm niệm mình còn sống là may trong khi biết bao người đã hy sinh. Quê hương Điện Thắng đã cứu sống anh trong nhiều tình huống thập tử nhất sinh. Ít nhất có 3 lần Nguyễn Minh Hòa bị thương rất nặng và được các mẹ chị Điện Ngọc, Điện Thắng cứu chữa. Vì thế, trong buổi gặp mặt đồng đội cũ nhân kỷ niệm ngày giải phóng quê hương tại nhà ông Nguyễn Lương Cụng (cựu Bí thư Đảng ủy Điện Thắng những năm 1970), Nguyễn Minh Hòa xúc động nói: “Còn sống ngày nào tôi vẫn xem mình là người con của mảnh đất Điện Thắng anh hùng đầy nặng nghĩa tình”.
NGUYỄN ĐIỆN NAM
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Minh Hòa, nguyên đại đội trưởng C1, trợ lý quân báo huyện đội Điện Bàn và một số cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ ở Điện Thắng)