Mênh mông tình mẹ

NGUYỄN SỸ LONG 30/04/2017 08:42

“Giữa quân thù áo mẹ mong manh/ Nhưng sức sống như rừng xanh măng mọc/ Sống tần tảo, mẹ cưu mang/ Nuôi giấu cán bộ không màng lợi danh” (Trích “Mẹ và quê hương”- Lê Tấn).

Minh họa: NGUYỄN DŨNG
Minh họa: NGUYỄN DŨNG

Chiến tranh đã lùi xa, Hội Mẹ chiến sĩ Điện Xuân năm xưa nay người còn, người mất. Có mẹ đã được vinh danh, có mẹ lui về với cuộc sống đời thường vui vầy cùng cháu con. Nhưng mỗi khi nhắc đến những tháng năm “lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình” thì dường như dấu vết thời gian lặn sâu trong từng nếp gấp của người trong cuộc lại giãn ra, đưa họ về với tuổi đôi mươi ngời ngời khí tiết cách mạng. Ngày ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Kỳ Tân - năm 1966 đổi thành Điện Xuân (nay thuộc xã Điện Hồng, Điện Bàn) vùng lên giữa nanh vuốt kẻ thù, giải phóng quê hương ngay từ khi Mỹ chưa đổ quân lên chiến trường miền Nam.

1. Thiếu tá Phạm Duy Tân, cán bộ xã đội giai đoạn 1964-1966, bồi hồi nhớ lại: “Công lao của các mẹ chiến sĩ lớn lắm! Ở đâu thành lập được Hội Mẹ chiến sĩ là ở đấy phong trào phát triển mạnh mẽ”. Bấy giờ, thực hiện âm mưu ly khai, xóa nhòa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng trong lòng nhân dân, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho quân hãm hiếp hoặc bắt những người vợ, người em của các gia đình có con đi tập kết lấy lính ngụy. Trước đòn thù của địch, nhiều mẹ vẫn kiên trung một lòng chờ chồng ngày tái ngộ như mẹ Sĩ, mẹ Chánh… Dẫu biết rằng đào hầm bí mật, nuôi cán bộ như “đặt quả bom nổ chậm trong nhà”, tiếp tế cho Cộng sản nếu địch phát hiện được thì gia đình chỉ có nước ly tán, tù đày, thậm chí là chết chóc, nhưng các mẹ đâu có từ nan. Mẹ Hai Cừ (thôn Giáo Ái) quyên góp, mua sắm được hàng chục bộ quần đùi, áo lót. Mẹ Thái Thị Ba (Ba Sĩ), mẹ Võ Thị Lưỡng… vừa làm công tác phong trào, vừa trực tiếp đi tiếp tế cho mặt trận. Năm 1964, Kỳ Tân giải phóng, các tổ chức ban ngành được thành lập, Hội Mẹ chiến sĩ xã Kỳ Tân cũng ra đời. Hội đặt dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã, do mẹ Lê Thị Chánh (sau này được tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng), là Ủy viên Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã, làm hội trưởng. Ở mỗi thôn, ban chấp hành hội thường có từ 3 đến 5 mẹ, do một mẹ là đảng viên phụ trách, chịu trách nhiệm vận động, giúp đỡ và báo cáo lên trên về tình hình hoạt động, điều kiện của hội viên.

Để huy động mọi nguồn lực, của cải trong nhân dân ủng hộ kháng chiến, xã Kỳ Tân còn thành lập Quỹ đảm phụ quốc phòng, kêu gọi mọi người dân trong vùng địch đóng góp ủng hộ Mặt trận, Quân giải phóng; nòng cốt của quỹ này chính là Hội Mẹ chiến sĩ. Các mẹ đi đến từng nhà vận động, quyên góp, móc nối với người thân trong vùng địch để mua lương thực, thuốc men. Khi đã đủ số lượng, khoảng 5 giờ chiều, các mẹ, các chị và số thanh thiếu niên chưa thoát ly tập trung tại thôn 3 để đóng gạo, thuốc men… vào bao hoặc quang gánh, mỗi người khoảng 40kg. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của du kích xã, đoàn tiếp tế hành quân qua thôn 6, sang Lộc Thành, bơi qua sông Bình Phước, qua Đại Hiệp (Đại Lộc) để lên căn cứ. Hiểm nguy dọc đường chất chứa, nhưng sợ nhất là pháo địch bắn cầm canh. Chúng biết mình thường đi hướng đó, ta cũng biết để tránh, song không may có quả thụt tầm rơi vào đội hình; hoặc khi qua đường 100, đường 14B, khu vực cầu Chánh Cửu, đây là nơi địch thường phục kích… Vì vậy, quãng đường chỉ hơn chục cây số, nhưng không ít hôm đoàn phải đi gần hết đêm mới về. Thông thường, khi đến bìa núi, đặt lương thực tại trạm giao liên, bàn giao cho cán bộ Ban An ninh lương thực tỉnh là đoàn quay về ngay, nhưng dù dọc đường suôn sẻ cũng phải đến 1 giờ sáng mới tới nhà.

2. Chiến tranh cần huy động cao độ sức người sức của, trong khi địch kìm kẹp khiến cuộc sống của người dân hết sức khó  khăn, số hộ đủ ăn trong xã không nhiều. Trước tình trạng đó, xã tổ chức phong trào “hũ gạo tiết kiệm”. Các mẹ chiến sĩ lại xắn tay vào nhận vai trò chủ chốt. Mỗi gia đình đặt một cái hũ ở vị trí thuận lợi nhất. Đến bữa nấu cơm, chủ nhà lấy gạo vào nồi như thường ngày, khi đi qua hũ, bốc vài nắm bỏ vào. Cuối tuần, các mẹ đi góp lại, sau đó về phân chia. Một phần dành nuôi bộ đội, du kích, một phần chuyển lên xã để dự trữ phục vụ các đơn vị về đứng chân.

Khi Mỹ-ngụy thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, quân Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Điện Xuân lúc này là vùng tự do nên bộ đội địa phương, bộ đội tỉnh và du kích thoát ly thường xuyên về đứng chân. Mỗi mẹ nhận nuôi 2 đến 3 chiến sĩ. Nhà nào có điều kiện kinh tế khá hơn thì được xã đội phân công nhiều, nhà khó khăn thì phân công ít. Áo anh rách vai, mẹ vá. Cơm mẹ nấu, đến bữa các con chỉ việc đến ăn, sau đó trở về đơn vị công tác. Nghe tin đứa con nào ốm đau, mẹ vội vàng chạy đến thăm và mang theo đường, sữa, hột gà. Với những người mắc bệnh ngoài da, mẹ xin thuốc về thoa, giặt quần áo rồi hơ trên lửa để diệt vi khuẩn… “Chúng tôi đi chiến đấu, được các mẹ chăm sóc như con đẻ của mình nên luôn vững chắc tay súng, cảm giác như đang ở ngay nhà mình” - Thiếu tá Phạm Duy Tân xúc động nói. Khi đơn vị tham gia chiến dịch, mẹ bịn rịn nhìn theo các con, lòng không khỏi âu lo sau trận đánh liệu có đứa không trở về. Chiến tranh, điều mẹ lo lắng là không tránh khỏi. Thực tế đã không ít mẹ quàng tấm khăn cho con, tiễn con lên đường rồi không có ngày gặp lại. Nếu bị thương, vết thương nặng phải chuyển đi bệnh xá quân y. Vết thương nhẹ, các con lại về trong vòng tay mẹ chăm sóc cho đến ngày trở về đơn vị. Nhà thiếu thốn, mẹ đi xin nhà này con gà, nhà kia cân thịt về bồi dưỡng cho con chóng lại sức.

Dù đã hơn 50 năm nhưng ông Tân không thể nào quên lần đi trinh sát đồn Trường Giảng vào tháng 10.1964 cùng với 3 đồng chí bộ đội Điện Bàn là Trọng, Lương và Kình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường rút ra, không may 3 đồng chí bộ đội bị trúng mìn địch. Trong đó, hai người bị thương nặng được chuyển lên căn cứ, còn đồng chí Lương được cơ sở đưa về nhà mẹ Tĩnh, mẹ Dương chăm sóc.

3. Nghĩa tình sâu nặng của mẹ chiến sĩ đối với bộ đội, du kích không thể nào nói hết bằng lời. Nhưng cũng không nhiều người biết rằng trước khi tham gia hoạt động cách mạng, mẹ Dương, mẹ Khoan, mẹ Lê Thị Tám (tên thường gọi là Tám Ngô, sau này được tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng)… xuất thân từ gia đình địa chủ. Và trong số các mẹ, không phải mẹ nào cũng có con theo cách mạng. Một số mẹ có con đi lính cho địch, mẹ phải binh vận cho con về theo Quân giải phóng, đừng có theo giặc mà về phá làng, hại dân… Bằng tình thương người mẹ và sự giác ngộ của các con, mẹ Minh ở thôn Lộc Thành Bắc (sau này được tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng) đã vận động hai con trở về, trong đó một người lên làm xã đội trưởng. Mẹ Ngãi ở thôn Giáo Ái vận động con trai phản chiến kéo một trung đội về diệt tên xã trưởng, người con khác của mẹ đang làm trung đội trưởng ngụy cũng quay về với Quân giải phóng giữ chức trung đội trưởng. “Hai người con của mẹ Ngãi đã hy sinh khi Tổ quốc chưa kịp thống nhất” - ông Phạm Duy Tân bùi ngùi chia sẻ.

Cuộc trường chinh của dân tộc không thể thiếu vắng hình ảnh, tình thương của người mẹ. Trao con cho cách mạng, mẹ không dám tin ngày con trở về. Với chiến sĩ, mẹ may tấm áo, vá manh quần, nhét vội gói xôi trước khi lên đường vào trận và thầm mong các con bình yên trở lại. Xót xa thay, bom đạn địch đâu chỉ có giết người trai nơi khói lửa, máu các mẹ đã đổ xuống cho đất nước bình yên. Mẹ Dương, mẹ Tám, mẹ Võ Thị Sum… và nhiều bà mẹ khác đã không còn được thấy lá cờ Tổ quốc tung bay khi hai miền Nam - Bắc một nhà.

Quê hương Điện Xuân xưa, Điện Hồng nay đang từng ngày thay da đổi thịt, nhưng hình bóng những bà mẹ chiến sĩ năm xưa vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng được các mẹ nuôi dưỡng, vì các mẹ là một phần lịch sử của vùng đất kẹp giữa hai sông (xã Điện Hồng được bao bọc bởi sông Thu Bồn và một nhánh sông Vu Gia).

NGUYỄN SỸ LONG

NGUYỄN SỸ LONG