Gò Cấm và trận chiến 3 ngày đêm

NGÔ HÀ PHƯƠNG 17/04/2017 08:44

Thôn An Bằng xã Lộc Sơn (nay là xã Đại Thạnh, vùng B huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là cửa ngõ chính của khu căn cứ Bàn Cờ, và cũng là đầu mối các con đường đi lên Tí, Sé, Bản Mực, Thạnh Mỹ và thông xuống vùng đồng bằng Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, đồng thời là hậu cứ của cơ quan Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang xã Lộc Sơn. Cấm An Bằng là một gò thấp nằm trấn giữ giữa thôn 4 trở thành điểm địa hình chiến thuật quan trọng. Do vậy trong chiến lược tìm diệt của địch, xã Lộc Sơn mà đặc biệt là thôn An Bằng, là mục tiêu địch liên tục chà đi, xát lại và gò Cấm ở An Bằng là điểm chúng chốt giữ.

Trung đoàn 38 Mặt trận 4 là đơn vị chủ lực mới được bổ sung vào chiến trường Quảng Đà cuối tháng 2.1969. Hai tiểu đoàn K7 và K8 được phân xuống hoạt động ở vùng B Đại Lộc với nhiệm vụ tiêu diệt địch, bảo vệ vững chắc căn cứ của Mặt trận 4 và đặc khu Quảng Đà.

Ngày 6.6.1969, sau một ngày càn quét từ Giảng Hòa qua Phú Thuận, Phú Xuân Nam lên Lộc Sơn, chiều đến địch đóng quân tại gò Cấm.

Đêm 6.6, Đại đội 2 thuộc K8 được lệnh tổ chức tập kích địch. Được du kích xã Lộc Sơn dẫn đường, dưới ánh pháo sáng của địch, ba tổ trinh sát của ta điều nghiên địa hình. Đến 0 giờ 30 ngày 7.6.1969, các mũi trinh sát mới nắm chắc từng điểm trú quân của địch, sau đó gỡ mìn và rải lộ tiêu bằng bẹ chuối, rồi về báo cáo Ban chỉ huy đại đội do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Nguyện và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiều chỉ huy. Sau khi bàn bạc phương án tác chiến, Ban chỉ huy chia 3 trung đội của đại đội thành 3 mũi. Mũi 1 đảm nhiệm mục tiêu trung tâm, nơi có máy bộ đàm, có khả năng đó là Ban chỉ huy địch. Mũi 2 đánh cụm nhà bạt ở sườn nam. Mũi 3 đánh cụm nhà bạt ở sườn tây bắc. Giờ G là 4 giờ.

1 giờ 30 ngày 7.6.1969, trinh sát hồi báo đội hình đóng quân của địch không có gì thay đổi. Các mũi bình tĩnh rê quân áp sát mục tiêu đã được phân công.

4 giờ ngày 7.6.1969, trời mùa hè nên phía đông đã rạng hồng. Đúng lúc địch đổi gác phiên cuối, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Nguyện phát lệnh tấn công. Hai quả thủ pháo của mũi 1 cùng lúc ném vào nhà bạt có máy bộ đàm. Lựu đạn, thủ pháo ở các mũi cùng lúc ném vào điểm trú quân của địch.

Bị đánh úp bất ngờ, quân địch hỗn loạn đội hình. Sau khoảng 5 phút chúng mới hoàn hồn và bắt đầu chống trả. Tuy nhiên đến lúc này địch đã không còn bao nhiêu sức để kháng cự nên trận chiến nhanh chóng ngã ngũ.

4 giờ 30 ngày 7.6.1969, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Nguyên phát lệnh thu quân. Trong trận chiến này quân ta không tổn thất người nào, thế nhưng trên đường rút lui do đạp phải mìn, có 2 chiến sĩ của ta đã hy sinh.

Sau chiến thắng ở gò Cấm, trung đoàn nhận định, bị thua đau, chắc chắn địch sẽ tìm cách rửa hận. Trung đoàn trưởng Lê Đinh Thước quyết định sử dụng K8 thiếu Đại đội 1 tổ chức mật phục tại khu vực các thôn 5, 6 và An Bằng, quyết không cho chúng thực hiện ý đồ bịt chặt cửa khẩu chính của ta.

Đêm 8.6.1969, K8 được tăng cường 2 khẩu 12,7 ly và 2 cối 82. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Vinh nhận định, rất có thể ngày mai địch sẽ càn lên thôn An Bằng nên yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo công sự, giao thông hào và ụ chiến đấu thật kiên cố, ngụy trang thật kín đáo.

Đúng như dự đoán, trời vừa hửng sáng, máy bay trinh sát của địch đã lượn vòng trên bầu trời.

9 giờ 9.6.1969, quân ta vừa ngụy trang xong những mét hào cuối cùng thì trinh sát trung đoàn thông báo, từ Lộc Thành cách thôn An Bằng về phía bắc khoảng 1km (bây giờ là xã Đại Chánh) có một đại đội địch khoảng 150 tên đang tiến về nơi trận địa Đại đội 2 mai phục.

Khoảng 15 phút sau, trinh sát tiểu đoàn phát hiện từ gò Rèn cách gò Cấm An Bằng về phía đông khoảng 500m có một đại đội Mỹ cài lá ngụy trang kín người cũng đang tiến vào trận địa Đại đội 3 mai phục.

Như vậy địch sử dụng hai gọng kìm hòng tiêu diệt quân ta. Chúng đi thưa và rất chậm, không có vẻ gì là đã phát hiện ra trận địa của ta.

9 giờ 45 ngày 9.6.1969, được máy bay trinh sát và trực thăng dẫn đường, một mũi quân địch từ Lộc Thành chia làm nhiều tốp vừa đi vừa sục sạo hướng thẳng vào trận địa của tiểu đoàn bộ đứng chân ở gò Cấm.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Vinh lệnh Đại đội 2 sẵn sàng vận động đánh tạt sườn địch.

Toán đi đầu của địch chỉ còn cách tiểu đội trinh sát ta chừng 50m, tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Cừ lệnh cho tiểu đội chờ địch vào tầm lựu đạn mới nổ súng. Bất ngờ đội hình địch khựng lại rồi rẽ ngoặt sang trái, hướng thẳng về hướng Đại đội 2.

Khoảng 20 phút sau, Đại đội 2 nổ súng. Ngay từ loạt đạn đầu, hàng chục tên địch tốp đầu đã bị diệt gọn. Trong gần 20 phút chiến đấu, địch bị tổn thất khá nặng, chúng lùi lại và nhường trận địa cho trực thăng vũ trang. Sau đó là các trận pháo từ Đức Dục, Núi Lở, Bồ Bồ thi nhau bắn vào. Du kích Lộc Sơn phát hiện địch co cụm ở phía thôn 5, tiểu đoàn lệnh cho cối 82 bắn vào ngay giữa đội hình địch, gây nhiều thiệt hại cho chúng. Một tốp lính Mỹ bị Đại đội 2 đánh bật ra, chạy thẳng vào khu vực tiểu đoàn bộ nhưng chúng đã bị tiểu đội trinh sát tiêu diệt. Thế nhưng, vì bị phát hiện nên tiểu đoàn bộ đã bị bom, pháo và trực thăng bắn phá dữ dội.

Ở hướng Đại đội 3, địch đã phát hiện ta và nổ súng trước. Đại đội trưởng lệnh chỉ nơi nào địch phát hiện và nổ súng thì mới đánh trả, còn nơi khác cứ nằm im, không được để lộ lực lượng. Tưởng lực lượng ta nhỏ, các mũi của địch hò nhau xông lên. 30m… 20m… 10m. Bất ngờ, từ dưới công sự, chiến sĩ ta bật dậy ném lựu đạn tới tấp; AK, RPD và B40… quét tới. Quân địch bị đánh cho tơi tả. Bộ binh địch bị hất ngược trở lại. Thay vào đó là lũ máy bay cường kích lao vào.

Đến 11 giờ ngày 9.6.1969 địch tổ chức tấn công đợt 2. Sau đợt bom pháo, Đại đội 2 thương vong gần một phần ba. Tình hình cực kỳ nguy cấp, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Vinh cùng đồng chí liên lạc xách AK lao về phía Đại đội 2. Gặp địch giữa đường, hai người chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đồng chí liên lạc hy sinh, đồng chí Vinh bị thương bò được vào một hầm của dân, nhưng không có người cứu chữa nên đã hy sinh sau đó.

Chống tấn công đợt hai, lực lượng phòng không của ta bắn rơi hai máy bay trực thăng và một chiếc bị thương cũng chúi xuống gò Ông Đầu thôn An Bằng. Một ngày chiến đấu đầy cam go, ta hy sinh 24, bị thương 39 đồng chí. Có thể nói đây là trận chiến đấu tiểu đoàn bị thương vong nhiều nhất trên chiến trường Quảng Đà.

Nhìn lại trận chiến ở gò Cấm (An Bằng), trong 3 ngày ta đã đánh hai trận khiến quân thù tơi tả, tiêu diệt cả trăm tên địch, giữ được cửa ngõ chính, mở ra con đường thông suốt và căn cứ Mặt trận 4 cùng Đặc khu Quảng Đà được bảo vệ vững chắc.

_________________
(Bài viết dựa trên tư liệu của đồng chí Nguyễn Tường Tộ, nguyên trợ lý quân lực Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 38 Mặt trận 4 Đặc khu Quảng Đà)

NGÔ HÀ PHƯƠNG

NGÔ HÀ PHƯƠNG