Chuyện của ngày hôm qua (Tiếp theo và hết)
|
Lúc này đã có Nghị quyết 15 của Trung ương, Đội vũ trang tuyên truyền của huyện manh nha hình thành. Đỗ Thế Vĩnh cùng với Út Sơn, Tám Túc, Dương Tiên, Tùng (Mai), Lâm Cao Chí (Duy),... từ đồng bằng mới thoát ly được các đồng chí Nguyễn Hiền và Hai Huệ là cán bộ tập kết miền Bắc về huấn luyện. Sau thời gian luyện tập, ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý, tranh thủ lúc đông đảo người dân đi chợ chuẩn bị đón Tết Tân Sửu, Đỗ Thế Vĩnh tháp tùng bảo vệ Mười Chấp diễn thuyết tại chợ Trạm. Để gây thanh thế và dằn mặt kẻ thù trước khi diễn thuyết, Đỗ Thế Chấp chỉ đạo tổ vũ trang của ta đột nhập Hội đồng xã Kỳ Khương cắm lá cờ Tổ quốc chính giữa cổng. Việc cắm cờ và cuộc diễn thuyết công khai của Mười Chấp là thông điệp chứng tỏ lực lượng cách mạng đã lớn mạnh. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước bằng phương châm “hai chân ba mũi giáp công” đã bắt đầu trên đất Tam Kỳ.
Cùng trong đợt ra quân triển khai các hoạt động chính trị chào mừng sự kiện ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20.12.1960), Đỗ Thế Vĩnh được phân công làm mũi trưởng tiến đánh tiêu diệt Trung đội bảo an đóng tại cầu Bà Bầu. Về ngay quê đánh địch, Thế Vĩnh đã ngụy trang khá kỹ để người địa phương khó nhận diện. Thế nhưng vẫn có kẻ nhận ra anh, báo với bọn tề ngụy Kỳ Hưng. Lập tức chúng đến xóm Khuôn bắt bà Nụ. Chúng đã đánh chết mẹ anh ngay tại cơ quan xã để trả thù và đe dọa dân làng.
Nghe tin mẹ bị bọn tề ngụy Kỳ Hưng đánh chết. Càng thương mẹ bao nhiêu, lòng căm thù kẻ địch càng dâng cao bấy nhiêu. Nước mắt và lòng căm thù đã biến thành hành động cách mạng kiên quyết, Đỗ Thế Vĩnh rủ Hoàng Tuấn, Út Sơn xuống Khương Đại nằm mấy ngày để điều nghiên hành tung của tên Thảnh - một tên chống cộng khét tiếng tại Kỳ Khương. Tên này đã nhiều lần gây tội ác đối với dân Kỳ Hưng, quê anh. Anh biết trong vụ mẹ bị đánh chết, có bàn tay tội ác của Thảnh. Sau hai đêm phục kích ở khu vực nhà tên Thảnh, cuối cùng Thế Vĩnh cũng đợi được hắn về. Tên Thảnh vào nhà, vừa cởi súng ngắn bỏ xuống phản, Thế Vĩnh đạp cửa xông vô lia một băng tiểu liên. Diệt tên Thảnh trong nháy mắt, Vĩnh cùng đồng đội rút lui về căn cứ ngay trong đêm.
Năm 1961, Đỗ Thế Vĩnh được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy, đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng kiêm Đội trưởng Liên đội công tác vùng Trung Tam Kỳ. Cuối năm 1962, chính quyền Sài Gòn chia tách Tam Kỳ thành hai quận Tam Kỳ và Lý Tín. Về phía ta cũng chia huyện Tam Kỳ thành các huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Ông Mười Chấp làm Bí thư, Đỗ Thế Vĩnh làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Bắc Tam Kỳ. Những đồng chí được phân về huyện Bắc Tam Kỳ hành quân ra đóng tại thôn Tiểu Tây thuộc xã Kỳ Quế, nằm phía sườn nam núi Chúa. Năm 1965, Đỗ Thế Vĩnh được điều lên Văn phòng Tỉnh ủy, phụ trách công tác tổng hợp và đổi tên thành Đỗ Viết Can.
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Đỗ Viết Can đề đạt nguyện vọng chuyển sang công tác bên Ban Binh vận tỉnh và được phân công làm Phó ban Phụ trách công tác nội tuyến, đứng chân tại huyện Nam Tam Kỳ. Đây là nhiệm vụ xây dựng và phát triển cơ sở trong nội bộ binh lính đối phương, trên một địa bàn xung yếu, có căn cứ quân sự Chu Lai, có tổng số binh lính đông gấp nhiều lần so với các nơi khác. Tại huyện Nam Tam Kỳ, trong số hàng trăm cơ sở binh vận được Đỗ Viết Can cùng Ban Binh vận huyện xây dựng cài cắm, có một người là con gái út của ông giáo ở thôn Tám Kỳ Sanh, gọi là cô Út. Cô Út tham gia công tác ở địa phương rất sớm, bị địch bắt nhốt tù Quảng Tín mới được thả về. Sau khi xem xét mọi bề, Đỗ Viết Can trao đổi với ông Lê Tư Đặng - Phó Bí thư, Trưởng ban An ninh huyện đề nghị chuyển cô Út sang làm cơ sở cho Ban Binh vận tỉnh. Nhiệm vụ của cô Út rất bí mật. Bí mật là điều cốt tử để có thể hoạt động lâu dài, nhưng bí mật cũng là điều tai họa cho cô. Quần chúng, du kích trong làng xã không thể biết cụ thể công việc của cô Út. Thấy cô thân thiện, đôi khi có chút lả lơi với lính ngụy, họ gai mắt, nghi ngờ làm chỉ điểm cho giặc.
Tháng 2.1975, giữa lúc ta mở chiến dịch tấn công ở khắp các chiến trường, tại Nam Tam Kỳ lực lượng cách mạng cũng chuẩn bị cho chiến dịch lớn đó, theo lệnh cấp trên cô Út khẩn trương cùng với toàn mạng lưới cơ sở binh vận địa phương chuẩn bị tổ chức cho binh lính đứng lên khởi nghĩa, làm binh biến góp phần vào đại cuộc. Bất ngờ, cô bị công an vũ trang huyện Nam Tam Kỳ thọc vào khu dồn bắt dẫn về căn cứ. Theo nguồn tin nào đó, các ông ấy nghi cô chỉ điểm cho địch phục bắn người của ta trên đường đi công tác về thôn 5, Kỳ Sanh. Oan ức kêu không thấu trời… Cũng may có người trong cuộc biết chuyện, đề nghị tổ chức điều nghiên cụ thể trở lại vụ án mới được kết luận và trực tiếp xuống Kỳ Sanh xem xét lại mọi tình tiết. Xét thấy cô Út ngoại phạm hoàn toàn, người này về lại huyện báo cáo và lệnh thả cô Út được ký. Nhưng cô Út đã bị dẫn lên căn cứ cả nửa tháng, không thể trở về dưới vùng địch chiếm nên được điều chuyển qua bộ phận lương thực của huyện. Biết tin phía ta bắt cô Út, Đỗ Viết Can từ Kỳ Quế, Bắc Tam Kỳ băng núi vào Nam Tam Kỳ thì cô đã được giải oan rồi. Ông mừng hú vía: “May! Nếu xử lý không đúng về một con người trong mạng lưới binh vận tỉnh do mình phụ trách thì Đỗ Viết Can này sẽ ân hận suốt đời!”.
*
* *
Thời gian hun hút trôi, Đỗ Thế Vĩnh thời trai trẻ bây giờ là ông già Đỗ Viết Can đã ngoài 80 tuổi. Trong cuộc đời của mình, điều khiến ông đến bây giờ vẫn còn đau đáu là chuyện về cô Út, năm nay đã 76 tuổi, sống tại Núi Thành, tham gia Đội công tác Kỳ Sanh từ năm 1960, có 4 năm hoạt động trong mạng lưới binh vận tỉnh do ông phụ trách, cũng từng bị giặc bắt 6 lần vào tù ra tội, bị lính Mỹ tra khảo vô cùng dã man và nhốt tại đồn CC 3 tháng. Vậy mà giờ đây cô Út không có một cái giấy nào của chính quyền các cấp để ghi nhận công lao. Hôm bữa nhờ người bạn chở vào thăm cô Út, gặp nhau ông nghẹn lời:
- Ngày xưa, cách mạng miền Nam ai làm nấy biết. Trong khói lửa chiến tranh, ta và địch ở thế cài răng lược, sự đánh giá về con người nằm trong các mối quan hệ đan xen vô cùng phức tạp, vì thế không thể tránh khỏi có một số trường hợp làm công tác binh vận mà phải chịu oan khúc. Như trường hợp cô Út đây, ngay cả người có lý lịch chính trị như tôi và hơn thế cũng đành bất lực. Chúng tôi thật có lỗi với cô Út, với bác giáo...
Truyện ký của PHẠM THÔNG