Chuyện của ngày hôm qua (Tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 22/12/2016 09:36

  • Chuyện của ngày hôm qua

Cuộc tra tấn thập tử nhất sinh đã để lại di chứng nặng nề trên thân xác Đỗ Thế Vĩnh. Nhờ sức trai anh mới trụ nổi. Hơn một tháng sau, địch đưa Vĩnh ra nhà thương Tam Kỳ, đốc Dõng kết luận anh bị loạn nhịp tim. Do ông Chi là người được ta cài vào làm y tá xã đã mớm trước nên đốc Dõng ghi kèm vào bản bệnh án của Vĩnh “vùng não có di chứng chấn thương”. Ông Chi còn bí mật đưa thuốc cho Vĩnh uống tan máu bầm, sức khỏe của anh dần hồi phục. Thấy Thế Vĩnh đã đi lại được, bọn công an di lý anh ra Khu Trung. Vì hồ sơ trống trơn, Đỗ Thế Vĩnh được tha bổng tại chỗ.

Được trớn mang danh ngang tàng, dở dở ương ương lại có giấy chứng nhận của đốc Dõng về “chấn thương thần kinh”, Thế Vĩnh giả khùng. Suốt ngày không mũ, không nón, bận mỗi quần đùi, lưng trần đen nhẻm, Thế Vĩnh bươn đồng, lội sông nơm cá bắt cua. Miệng lảm nhảm những câu nói không đâu... Trong mắt bọn địch, Vĩnh đã là kẻ bỏ đi. Và ở cái làng Vĩnh An này chỉ có mẹ, vợ cùng một số cơ sở tin cậy biết con người thật của Thế Vĩnh. Nhiều người bà con cũng tưởng anh bị địch tra tấn đến hóa dại. Có lẽ trên đời không có gì cực, khó và đau đớn hơn là phải sống giả ngây giả ngô với người thân yêu, bà con chòm xóm của mình. Nhưng người đau khổ nhất vẫn là bà Nụ, mẹ anh. Bà nhìn con vật vờ ngoài đồng ngoài bãi mà như muối xát vào lòng.

Giả khùng để tồn tại đã khó, giả khùng để hoạt động cách mạng trong không gian rộng lớn đầy rẫy những cặp mắt cú vọ tinh ranh càng khó vô cùng. Cạm bẫy giăng khắp nơi mà thời gian giả dại của Vĩnh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Trong lúc tình hình vô cùng đen tối này có ai trả lời được đất nước bao giờ thống nhất, cuộc đấu tranh này sẽ kéo dài đến bao lâu. Và ngay hiện tại, có ai trả lời được câu hỏi rất thực tế: “Làm sao để Thế Vĩnh không bị bại lộ?”. Số phận của anh thật mong manh. Nhưng Thế Vĩnh quyết không sợ. Cơm gạo cha mẹ, vợ nuôi để anh suốt ngày lang thang khắp các làng Vĩnh An, Phú Hưng, Tịch Đông, Phú Khê, Phú Hòa, Thạch Kiều, Bích Ngô, Trường An, có khi vượt sông Trường Giang qua vùng đông.... Gặp cơ hội thuận lợi là anh tọt ngay vào nhà cơ sở nào đó để nhận hoặc trao đổi thông tin cần thiết.

Cuối năm 1955, Mười Chấp giao cho anh một chuyến công tác xa. Ra ngã ba Cây Cốc, cơ sở đã chuẩn bị sẵn gánh muối để Thế Vĩnh gánh đi bán dạo. Nhiệm vụ của anh là tìm gặp cho được ông Hai Chế (Nguyễn Tiến Chế) - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình. Lúc này cơ sở Thăng Bình đã bị vỡ sạch, ông Chế chạy vào vùng chợ Minh Huy ẩn náu. Anh gánh muối đi bán cầm chừng để kéo dài thời gian rảo khắp các làng quê tìm ông Chế. Anh Vĩnh phải qua mấy lần bắt ám hiệu khác nhau mới gặp được Nguyễn Tiến Chế. Từ chợ Minh Huy, Vĩnh đưa ông Chế theo đường dây vào Bình Quế, đổ xuống Tam Thành, Tam An, qua Tam Dân vào Ngọc Nha tạt qua Trường Cửu gặp Mười Chấp. Ông Hai Chế được Mười Chấp giữ luôn ở lại Nam Tam Kỳ theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Còn Thế Vĩnh, khi đến Trường Cửu trở lại làm người dở dại, qua Trường An vào Bích Ngô, Thạch Kiều đổ xuống Vĩnh An quê anh.

Qua nhiều thử thách cam go dài lâu, Huyện ủy Tam Kỳ quyết định kết nạp Đảng cho Đỗ Thế Vĩnh. Giữa đêm giá lạnh của ngày 1 tháng 10 năm 1958. Đồng chí Võ Ngọc Hải (Võ Để, Tư Chuyển) cùng với Đỗ Thế Vĩnh hẹn gặp tại mả vôi ông Vệ nằm trong một nghĩa địa thuộc làng Vĩnh An để tiến hành lễ kết nạp Đảng. Ông Để lấy từ túi xách vải xi-ta ra một tấm ảnh Bác Hồ nhỏ bằng bàn tay, hai miếng giấy học sinh có vẽ lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng đặt trên nóc mộ, bấm pin đọc quyết định kết nạp Đảng cho Đỗ Thế Vĩnh. Trong đêm tối mịt, giữa chốn linh thiêng, vắng vẻ, một mình đồng chí Võ Để - Huyện ủy viên Tam Kỳ tuyên bố kết nạp và chứng kiến lời thề của đảng viên mới Đỗ Thế Vĩnh. Tại thời điểm này, giữa một nghĩa địa hoang vu, tất cả đều tối và buồn: trời đất tối, tình hình tối, đường đi tối cùng với tiếng ếch nhái côn trùng kêu rả rích dưới bầu trời đêm và gió mùa đông bắc lạnh căm. Chỉ có niềm hy vọng, niềm tin thiêng liêng của hai đảng viên cộng sản rực sáng. Thực hiện lễ kết nạp xong, Võ Để ôm Thế Vĩnh: “Đồng chí là một trong những đảng viên vô cùng hiếm hoi được kết nạp tại huyện Tam Kỳ trong giai đoạn cách mạng vô cùng khó khăn này. Đảng tin đồng chí. Chúc mừng đồng chí!”.

Sang năm 1959, địch tăng cường đánh phá khốc liệt, quyết cắt đứt toàn bộ các mối quan hệ của của Việt cộng trong dân chúng, bắt sạch cán bộ nằm vùng, cầm tù và tịch biên toàn bộ tài sản của những ai dám chứa chấp cộng sản. Cảnh thê lương bao trùm các làng quê. Tại Kỳ Hưng, bọn tề ngụy liên tục mở các đợt học tập cải huấn, tố cộng, tung tin chia rẽ nội bộ nhân dân; cơ sở cách mạng vỡ gần hết, cán bộ thoát ly chỉ còn vài người nhưng cũng rất khó tìm nơi đứng chân. Địch đã đánh hơi được Thế Vĩnh là Việt cộng giả dại. Một người là cơ sở nội tuyến nằm trong Trung đội dân vệ Kỳ Hưng chạy đến báo cho Vĩnh: “Kỳ này bọn công an quận và Hội đồng xã Kỳ Hưng mở đợt tố cộng với quy mô lớn chưa từng có. Riêng anh lần này chúng sẽ bắt và thủ tiêu. Chúng đã lên kế hoạch rồi. Anh mau mà trốn đi”. Ngay đêm hôm đó Võ Để lần đến nhà đưa Thế Vĩnh nhảy núi.

Chuyện rất gấp, nhưng Thế Vĩnh không thể đi cùng Võ Để trong đêm, hẹn sáng mai gặp nhau ở hộp thư dốc Ông Mạnh - núi Bà Ty. Ông Để vừa đi thì Thế Vĩnh đến nhà Nguyễn Đức Chung và Bùi Sanh. Nhà hai người cùng ở xóm Khuôn. Anh Vĩnh chuyển ý kiến của Võ Để: “Ngày mai hai đồng chí cùng đi với tôi để bàn giao hai hộp thư”. Sáng sớm, bà Nụ dọn cơm cho 3 người cùng ăn để đi núi. Chuyện Vĩnh thoát ly hôm nay chỉ có một mình bà Nụ biết, ngay cả vợ mình Vĩnh cũng không cho hay. Ăn xong 3 người cầm rựa, vác đòn xóc lên núi Bà Ty “cắt lá về vô khoai”. Giữa đường gặp một đám gặt, trong đó có tên dân vệ người làng Vĩnh An, hắn xáp mặt hỏi: “Các ông đi đâu trên này, sao không ở nhà học tố cộng?”. Chuyện đã vỡ lỡ, các anh đánh tên dân vệ một trận rồi cả ba cùng theo Võ Để thoát lên núi.

Ba người theo ông Để lội qua đầu nguồn sông Bà Bầu, men sườn đông dãy Năm Đồi vào suối Ồ Ồ, đồng Trận, ngang qua trại ông Toàn, đạp núi lên hố Hạ gần nóc Ông Dũng của đồng bào dân tộc Co. Đây là nơi cơ quan Huyện ủy Tam Kỳ đóng với vài chục người. Nói là cơ quan chứ đâu có nhà cửa chi, từ lãnh đạo đến lính treo võng nằm dọc suối, hoạt động theo phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG