Tiếng đàn cò trên thuyền rớ ông Đô (Tiếp theo và hết)
Sau khi tái lập xã Kỳ Xuân, sự kìm kẹp của tề ngụy địa phương có nới lỏng chút ít, đồng thời Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời như một tia sáng soi rọi đến những hầm sâu trong vùng địch hậu như cái ốc đảo này. Lập tức nơi đây xuất hiện những chàng trai tiên phong. Có 11 thanh niên Kỳ Xuân bứt nhà nhảy núi, tham gia xây dựng những nhóm nhỏ lực lượng vũ trang tuyên truyền đầu tiên của tỉnh, của huyện trong thời chống Mỹ.
|
Giữa lúc kẻ địch vây ráp tứ bề, từ một đảng bộ có hàng chục ngàn đảng viên trong thời Việt Minh, đến lúc này cán bộ thoát ly của huyện Tam Kỳ chỉ còn mười mấy người. Để bảo tồn lực lượng, mưu cầu cho công cuộc kháng chiến trường kỳ, các đồng chí phải lùi sâu về phía núi xa tít, mà đi trót lọt tới trên đó đâu phải chuyện dễ. Ông Đô, ông Diệu được tổ chức phân công chèo ghe đưa đám thanh niên thoát ly. Ông Đô có chiếc thuyền rớ to đùng và chiếc ghe ngao nhỏ xíu, không thể chở được mười mấy người. Phải lấy chiếc ghe ngang của ông Diệu mới được. Trong đêm tối 11 thanh niên, mỗi người vác một chiếc đòn xóc giả dạng người đi mua tranh, cắt lá, từ biệt gia đình, lẩn vào đêm tối xuống bờ sát, nhảy lên ghe. Ông Đô chèo lái, ông Diệu chèo giữa, thanh niên thoát ly nằm sát dưới mạn thuyền. Hai Đô ngồi phía trước cầm cây đàn cò kéo lên những khúc nỉ non, chiếc vợt xúc cá nằm dọc theo đầu mũi thuyền. Đã quá quen với tiếng đàn cò của ông Đô và con gái, địch chẳng chút nghi ngờ. Ra khỏi tầm kiểm soát của địch, theo đường dây bố trí trước, ông Đô cho chèo thuyền quật ngược về phía cồn Ngao - Kỳ Vinh, nơi bãi vắng mênh mông sẽ có người đón. Các anh xuống ghe, chuyển tiếp qua Kỳ Chánh, băng quốc lộ đoạn trong chợ Cây Trâm, lên Kỳ Thạnh, lách địch đi tiếp cả ngày đường tới mật khu gặp các ông Mười Chấp, Hồ Truyền, Ngô Độ, Tư Chuyển...
Sau đợt thanh niên thoát ly hàng loạt, tên Lê Quang Phận, theo dõi an ninh khu Nam Tam Kỳ tức tối ra lệnh bắt nhiều người tình nghi đánh đập, nhốt tù. Qua đợt khủng bố trắng này chi bộ Kỳ Xuân mất liên lạc với cấp trên. Nhưng những cơ sở trung kiên như ông Đô, bà Cường... phải nằm yên, chờ cơ hội tiếp tục nuôi giấu, giúp đỡ cách mạng.
Tháng 11 năm 1959, Huyện ủy Tam Kỳ phân công đồng chí Nguyễn Quang (Thiều), cán bộ tập kết vào Nam về quê Kỳ Xuân gầy dựng lại phong trào cách mạng. Chiếc ghe ngao của ông Đô lại thường xuyên đưa ông Thiều và đội công tác từ Khương Đại, Khương Vĩnh về xâm nhập gây dựng cơ sở.
Ông Thiều nhỏ tuổi hơn ông Đô, nhưng đã cùng hoạt động cách mạng từ thời trước 1945 và suốt trong 9 năm kháng chiến tại đất Nguyễn Chỉ (Kỳ Xuân). Xa cách bao năm trời, bây giờ ông Thiều trở lại quê hương gặp ông Đô, nhiều hôm trú ngụ trên thuyền rớ ông Đô, được cả gia đình ông Đô che chở, đưa đón. Tình bạn giữa hai người càng trở nên thân thiết. Lúc này ông Đô sinh được thằng con trai thứ tám, ông nói với vợ: “Tui đặt tên nó là Thiều bà nghe. Anh Thiều là người thoát ly, là cán bộ cách mạng sống nay đây mai đó. Mai mốt anh đi khỏi thì mình gọi tên con là nhớ đến ảnh, nhớ cách mạng bà nghe...”. Thằng con tên Thiều ấy là biểu tượng, là hiện thân tình bạn, tình đồng chí giữa hai chiến sĩ cách mạng đã được cố kết, tôi luyện trong những tháng năm cùng sinh cùng tử trên sông nước quê hương.
Thời cơ đã chín muồi, đúng 13 giờ chiều ngày 7 tháng 11 năm 1964, được sự hỗ trợ của lực lượng trên, Đội công tác Kỳ Xuân do ông Trần Xuân Thư làm Đội trưởng đã phát động nhân dân nổi dậy giải phóng quê hương. Đêm trước ngày nổi dậy, ông Đô dỡ luôn mui thuyền rớ, dỡ luôn giàn rớ lấy ghe đưa đón bộ đội, cán bộ trên về. Cơ sở trong các làng xóm chuẩn bị hầm bí mật, nhận kế hoạch nuôi giấu cán bộ, không khí tự giải phóng nung nấu hừng hực trong từng thôn xóm, từng gia đình, từng ghe thuyền trên khúc sông nước này. Nhưng kẻ địch không hề hay biết.
Chi bộ mật do ông Đô làm bí thư, bà Cường, bà Đoát làm chi ủy viên nhận lệnh của đồng chí Võ Thứ - Phó Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ và đồng chí Trần Xuân Thư - Bí thư xã Kỳ Xuân chỉ đạo các đồng chí cơ sở nội tuyến rủ trung đội nghĩa quân vào quán ăn nhậu. Đến lúc chúng say mèm, bí mật thu hết súng. Bộ đội, du kích phục sẵn xông vào bắt gọn.
Toàn dân nổi dậy, các ngả đường trên ốc đảo Kỳ Xuân đều bị du kích, bộ đội ngăn chặn, toàn bộ bọn ngụy quyền từ xã đến thôn đành phải quy hàng, đền tội. Kỳ Xuân được giải phóng, nhân dân Kỳ Xuân vô cùng phấn khởi, khí thế cách mạng dâng cao ngút trời.
Ngày hôm sau, địch đưa quân tái chiếm Kỳ Xuân. Trong trận giao tranh với địch đầu tiên trên đất Kỳ Xuân mới giải phóng, ông Đô bị thương, được chuyển về chiến khu điều trị. Lúc này ông đã lớn tuổi, không thể xông pha như thời trai trẻ ở tuyến trước, phải ở lại chiến khu, chịu đựng gian khổ tiếp tục tham gia kháng chiến. Bốn người con của ông Đô cũng thoát ly lên chiến khu, nhưng bà Đô và người con gái thứ sáu của ông vẫn tiếp tục vừa bơi chiếc ghe ngao đi thả lưới kiếm sống vừa bí mật dùng chiếc thuyền rớ và tiếng đàn cò để che mắt địch, đưa đón cán bộ cách mạng đi và về vùng căn cứ lõm Kỳ Xuân cho mãi tới ngày toàn thắng.
Kết thúc chiến tranh, ông Đô đã cập kề tuổi sáu mươi. Ngoảnh lại, ông Đô đã dành hơn nửa đời người cho cuộc chiến. Cả nhà ông cũng vét sạch người cho kháng chiến. Bây giờ ông Đô đã trở thành người thiên cổ, nhưng trên đất Tam Giang anh hùng, trong tâm trí của lớp người kháng chiến Tam Giang vẫn còn lưu giữ ký ức về “tiếng đàn cò tín hiệu” đưa đón cán bộ của thuyền rớ ông Đô trên sông nước Trường Giang, trong những năm tháng cách mạng đen tối nhất...
Truyện ký của PHẠM THÔNG