Tám Quy trong căn cứ lõm (Tiếp theo và hết)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 15/09/2016 09:12

Số phận của những chiến sĩ cách mạng hoạt động trong cái căn cứ lõm Kỳ Xuân này như “chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao”. Bọn Mỹ ngụy tại Kỳ Xuân chẳng cần chứng cứ, chúng muốn bắt muốn giết họ lúc nào cũng được. Hằng ngày hằng giờ các anh, các chị phải căng thẳng đầu óc để đối phó với chúng, lơi lỏng một tí là mất mạng, là tù tội mọt xương. Sau vụ người yêu hy sinh, Tám Quy bị bắt nhiều lần, nhưng kẻ địch không khai thác được điều gì ở chị, buộc chúng phải thả.

  • Tám Quy trong căn cứ lõm (Tiếp theo kỳ trước)
  • Tám Quy trong căn cứ lõm
  • Tám Quy trong căn cứ lõm (Tiếp theo kỳ trước)

Đầu năm 1969, sau khi bị bắt giam 2 tháng, Tám Quy ra tù. Về nhà, chị đến ngay Hội đồng xã xin xã trưởng cho giấy thông hành vào Nam Bộ làm ăn. Nhưng chị không vào Nam mà nhảy ngược lên núi gặp bí thư huyện ủy đề nghị cho thoát ly. Hiện giờ, chi bộ hợp pháp Kỳ Xuân thiếu người lãnh đạo, mặt khác qua tin tình báo nội tuyến thì Tám Quy chưa hề bị lộ. Huyện ủy xin ý kiến Tỉnh ủy bổ sung Phạm Thị Quy vào cấp ủy huyện, đưa ngược trở lại về quê làm bí thư chi bộ hợp pháp, thay cho bà Cường đang bị địch giam giữ.

Đây là thời kỳ địch thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Lính Mỹ thôi đóng đồn, rút khỏi Kỳ Xuân, thay vào đó chúng đưa về bọn lính ngụy và đoàn bình định nông thôn do Lê Quang Phận làm đoàn trưởng. Bọn này có kinh nghiệm chống chiến tranh du kích, đánh phá phong trào quần chúng cách mạng hơn lính Mỹ. Chúng dùng mọi thủ đoạn bôi đen nội bộ nhân dân, ép quần chúng gia nhập các đảng phái; tát dân vào các khu dồn; tăng cường lùng sục, phục kích các ngả đường hòng đánh trốc các cơ sở cách mạng, tách đối phương ra khỏi quần chúng. Tám Quy làm bí thư chi bộ chỉ có 5 đảng viên, trong một giai đoạn đen tối nhất. Nhưng chị đã quyết tâm lãnh đạo chi bộ trụ vững, tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng trong các xóm lẻ và ngay trong các khu dồn, giữ mối liên lạc thường xuyên với cấp trên.

Đầu năm 1970, chị Quy cùng các đảng viên trong chi bộ hợp pháp vận động, bố trí cơ sở nòng cốt, thanh niên nòng cốt, đội du kích B chèo ghe qua Khương Đại, Khương Vĩnh - Kỳ Khương vận chuyển vũ khí, đưa đón đội 10 - bộ đội đặc công nước về đứng chân trên đất Kỳ Xuân tiến công cảng Kỳ Hà, đánh chìm một tàu trọng tải 5.000 tấn và một chiếc 10.000 tấn. Sau trận đánh này, bọn ngụy quân ngụy quyền biết chắc trên đất Kỳ Xuân vẫn còn hiện diện Việt cộng, chúng ra sức lùng sục, xăm tìm hầm bí mật, quản thúc vô cùng khắc nghiệt nhân dân, phục kích khắp nơi gây cho ta nhiều tổn thất. Trước tình hình phức tạp, khó khăn đó thì tại Kỳ Xuân lại xuất hiện Nguyễn Thanh từ chiến khu chạy về chiêu hồi. Vụ này khiến quần chúng thêm hoang mang, không dám nuôi giấu cán bộ trong nhà, lấp nhiều hầm bí mật. Đội công tác do Võ Tấn Long làm đội trưởng rất quả cảm nhưng cũng không thể bám được trong dân, chi bộ hợp pháp hạn chế triển khai hoạt động. Nguyễn Thanh đã gặp Tám Quy trên chiến khu, mặc dầu Thanh không chỉ điểm, nhưng thế hợp pháp coi như đã mất. Để đảm bảo an toàn, tuyệt mật, cấp trên chỉ đạo bàn giao nhiệm vụ bí thư chi bộ cho bà Mai Thị Cường, điều chị về chiến khu.

Về chiến khu, chết sống rất vô thường nhưng dù sao cũng dễ thở hơn hoạt động trong vùng lõm. Tám Quy được phân công làm Hội trưởng phụ nữ, Huyện ủy viên Huyện ủy Nam Tam Kỳ; Phó ban Đấu tranh chính trị... Thân gái dặm trường, chị lặn lội khắp các xã Kỳ Sanh, Kỳ Khương, Kỳ Thạnh, Kỳ Yên, Kỳ Chánh, Kỳ Bích... vượt qua biết bao hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao.

Ngày 20.3.1975, Tám Quy ở trong đoàn gồm 27 cán bộ chủ chốt của các xã Kỳ Hòa, Kỳ Hà, Kỳ Vinh, Kỳ Trung, từ Kỳ Thạnh xuất quân về vùng đông, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương. Đoàn sẽ vượt qua quốc lộ 1 quãng ngoài chợ Trạm. Quen đường, chị dẫn mọi người băng qua Khương Nhơn, men chân đồn ông Sầm, tiến xuống đường 1. Trên đoạn này địch gài mìn dày đặc, sơ suất vướng một tí là toi mạng. Đang nín thở lần dò từng bước, đồng chí Xuân - lính trinh sát của đơn vị 409 không theo hướng dẫn bước trái qua bên. Ầm! Mìn nổ! Đồng chí Xuân và đồng chí Tình - đội trưởng đội công tác Kỳ Hà đi sau chị ngã ngay tại chỗ. Tám Quy bị một mảnh phạt ngang chân. Các anh trong đoàn băng bó, cõng chị lui về phía núi. Ngày 24.3, địch ở Tam Kỳ, Lý Tín, sân bay Chu Lai vỡ trận bỏ chạy ra Đà Nẵng. Quê hương Kỳ Xuân, Nam Tam Kỳ được giải phóng hoàn toàn. Nhưng, trong thời khắc ấy Tám Quy mất một chân, nằm mê man trong bệnh xá ở chiến khu. Chỉ còn một tí nữa thôi là Tám Quy chạm đích chiến thắng. Thế nhưng trong giờ phút vinh quang, hạnh phúc ấy chị không thể trực tiếp chứng kiến.

Sau ngày hòa bình, chị đi an dưỡng sức khỏe dần hồi phục. Năm 1976, dù đã mất một chân chị vẫn cố gắng theo học bổ túc văn hóa kiếm thêm cái chữ, có thêm chút ít trình độ để phục vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Năm 1978, học hết lớp 9/10, trở lại công tác tại Hội Nông dân tập thể huyện Tam Kỳ. Năm 1982, chị tự nguyện làm đơn xin về nghỉ mất sức vì thương tật. Về sau có chính sách người nghỉ mất sức vì thương tật thì hưởng một trong hai chế độ: thương binh hay là hưu non. Hiện giờ chị chỉ được hưởng chế độ thương binh.

Nhưng, trời không cho ai tất cả mà cũng không lấy đi của ai tất cả. Về mất sức sớm, không phải là cán bộ đương chức, còn tuổi sinh đẻ chị Tám mạnh dạn vượt qua tiếng đời tự túc được đứa con gái. Bây giờ, trong một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường từ thị trấn Núi Thành về Tam Giang (Kỳ Xuân năm xưa) chị Tám Quy đang nương cậy tuổi già bên đôi nạng gỗ và đứa con gái duy nhất. Mẹ con chị nắm níu nhau làm ăn, buôn bán lẻ, kiếm ít đồng lời cộng với tiền thương binh để sống qua ngày.

Hôm tôi vào nhà chị Tám, nhắc lại chuyện kháng chiến năm xưa, mắt chị sáng hẳn lên, ăn nói rành mạch, suôn sẻ như khi làm cán bộ phụ nữ, cán bộ dân vận thời son trẻ. Bỗng, giọng chị trầm lại nhớ về anh Nhỏ, người yêu đầu đời: “Giá như cái đêm hôm ấy, tôi tìm được anh Nhỏ, biết đâu bây giờ dẫu có tàn tật thì nhất định chúng tôi cũng sống bên nhau. Nhưng thôi, chiến tranh là mất mát, là đau thương”. Chị ôm đứa cháu ngoại đang đứng bên cạnh hóng chuyện của bà từ sớm đến giờ: “Có được chút này là quý rồi. Năm xưa tôi không mạnh dạn vượt tiếng đời như vượt qua cái chết thời chiến thì làm chi có được chút cháu ngoại này”. Chị lại tươi cười nhìn lên tấm bằng Huân chương Độc lập rồi lại ôm chặt cháu ngoại: “Không lẽ tôi mãi ôm niềm tự hào trong cô đơn. Phải không chú!”.

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG