Tám Quy trong căn cứ lõm (Tiếp theo kỳ trước)
|
Ở phía tiền sảnh nhà chùa đã có các vị chức sắc và mâm Hội đồng xã gồm các ông: Lương Giác vừa thay Nguyễn Huy Chương làm xã trưởng, Phan Hường xã phó và một đám lâu la thôn xã cùng bọn nghĩa quân lăm lăm súng ống đứng chờ sẵn. Qua những lời đối đáp căng thẳng của Tám Quy với bọn hội đồng cùng với những tiếng hô đanh thép lên án hành động ngang ngược dã man của bọn tề ngụy vang lên từ hàng trăm quần chúng, bà con phật tử cộng với những ý kiến đầy thuyết phục của các thầy chùa, tên Trần Văn Hường phải đứng ra chấp nhận đơn. Trần Văn Hường lớn tiếng xin lỗi nhân dân, hứa đền bù thiệt hại. Cuộc đấu tranh thắng lợi, quần chúng truyền nhau mật lệnh ra về. Ngay trưa hôm ấy tất cả chị em cốt cán tập trung tại nhà chị Võ Thị Thanh họp rút kinh nghiệm. Tại cuộc họp chị Võ Thị Đoát đánh giá cuộc đấu tranh đã đưa lại kết quả hữu hiệu, buộc kẻ địch phải nhượng bộ, chấp nhận các điều kiện do quần chúng đưa ra.
Trong nhiều năm sau đó, các cuộc đấu tranh trực diện với quy mô lớn nhỏ, thậm chí ngay ở từng nhóm gia đình nổ ra liên tục, nhưng bọn địch cũng chỉ quy được đó là các cuộc chống đối vì quyền dân sinh, dân chủ tự phát chứ không thể tìm ra tổ chức đứng phía sau. Cùng với đó là các cuộc tiến công diệt ác ôn của du kích diễn ra công khai giữa lòng địch; rồi cả các hầm bí mật nằm dày ở trong chuồng bò, bụi dứa, hàng tre, bờ thổ... nhưng kẻ địch không thể truy tìm, phát hiện. Nhân dân vùng lõm Kỳ Xuân thuần khiết lắm, bộ máy chính quyền thôn xã do chúng dựng lên thì hầu hết là người ngoại lai đưa tới. Chúng không thể nắm được lòng dân.
Trong thời kỳ này ở Kỳ Xuân nổi lên Huỳnh Tống, người đào hầm bí mật như một huyền thoại. Huỳnh Tống bị tàn tật bẩm sinh. Đôi chân teo tóp, anh phải đi lại bằng đôi tay. Hai bàn tay anh nắm chặt hai cái đà trệt dùng làm nạng tì vào mặt đất nâng người lết tới. Bọn địch cho anh tàn tật thì làm được việc gì. Chúng chả cần để ý tới. Nhưng trong cơ thể tàn tật ấy chứa đựng một ý chí sắt thép và lòng quật cường vô song. Hai tay và phần người phía trên của anh rất khỏe. Một mình anh với các dụng cụ đặc biệt do anh tự làm thích hợp với cơ thể mang bên mình tiện lợi. Anh đào hầm bí mật! Đêm đêm anh nghe ngóng tình hình, theo sự chỉ đạo của đội công tác và chi bộ hợp pháp đến những địa điểm bí mật, đào hầm. Từ năm này qua tháng khác, một mình anh lặng thầm trong đêm tối khoét đất bỏ vào sọt, một mình anh trườn đi giấu đất, một mình anh xóa dấu vết. Cái khó nhất là dùng cây, đá, tre đan phên chống đất sụp. Thế nhưng cũng chỉ mình anh kiên trì, tỉ mỉ qua mắt địch, bảo đảm bí mật đưa vật liệu tới để hoàn thành hàng trăm hầm. Điều quan trọng hơn cả là hầm bí mật của Huỳnh Tống đào chưa hề bị lộ trong suốt hàng chục năm truy tìm của địch. Biết bao nhiêu du kích, cán bộ, bộ đội được hầm của Huỳnh Tống che chở. Chuyện đào hầm của anh trở thành câu chuyện truyền miệng của người dân Tam Giang sau này. Nhắc đến anh là dân làng gọi ngay biệt danh “Huỳnh Tống đào hầm bí mật”.
Tám Quy, qua nhiều lần thử thách trong phong trào cách mạng của một vùng đất đã từng mang tên vị lão thành cách mạng - Nguyễn Chỉ năm xưa; chị lại được đàn chị: Đoát, Cường, Hạnh, Trung... dìu dắt, từng bước trưởng thành, được chi bộ hợp pháp kết nạp vào Đảng. Đặc biệt, chị được sự tiếp sức của Huỳnh Nhỏ là người bạn đời, người đồng chí kiên trung. Quy và Nhỏ - cặp đôi trai tài gái sắc mà tình cảm được nảy sinh trong khói lửa chiến tranh, nảy sinh qua những tháng ngày cố kết tương thân trong hoàn cảnh mà sự sống và cái chết luôn cận kề. Yêu nhau vô cùng tha thiết, nhưng Huỳnh Nhỏ phải thoát ẩn thoát hiện. Anh chị tìm mọi cách né tránh sự rình mò của kẻ thù mới gặp được nhau trong chốc lát. Giữa cuộc chiến sống nay chết mai, ai mà chắc được anh chị có trụ nổi để giữ vững được lời nguyện nước thề non kia không. “Chiến tranh này còn dài lắm em ơi!”.
Trong chiến dịch Mậu Thân, lực lượng tại chỗ của Kỳ Xuân bộc lộ khá rõ, kẻ thù điểm mặt được một số người liên can Việt cộng. Lẽ ra Tám Quy đã bị địch bắt cùng hàng trăm người dân Kỳ Xuân tại chợ Trạm khi chị cùng một số cơ sở cốt cán dẫn đầu đoàn biểu tình hôm Mùng một Tết Mậu Thân. Nhưng chị và chị Huyền đã lập kế lừa địch thoát chạy băng qua trảng cát, bơi sông Trường Giang, trốn về Kỳ Xuân. Hai chị chạy về tới nhà mệt lử, quần áo rách tả tơi. Sau một ngày, bọn tề ngụy địa phương ập tới bắt chị đưa lên nhà lao Lý Tín rồi di lý ra nhà lao Quảng Tín tại Tam Kỳ. Nhờ lời khai khôn khéo, chị chỉ bị giam giữ hơn một tháng thì được trả tự do. Tám Quy lại tiếp tục hoạt động.
Sau Tết Mậu Thân, tình hình cách mạng tại xã Kỳ Xuân lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Lực lượng cốt cán hợp pháp bị địch bắt gần hết, khí thế quần chúng suy giảm. Vào một đêm của tháng 3.1966, Huỳnh Nhỏ - Đội trưởng đội công tác Kỳ Xuân triệu tập cuộc họp bí mật tại nhà ông Huyễn nhằm bàn kế hoạch củng cố phong trào. Cuộc họp gồm các đảng viên hợp pháp: Huỳnh Thị Huyền, Phạm Thị Quy, Huỳnh Thị Chung và một vài người khác nữa. Có hai du kích là anh Thưởng cảnh giới phía sau nhà, anh Liễu cảnh giới phía trước sân. Nhưng do lơi lỏng, mất cảnh giác, bọn Mỹ đi phục kích ban đêm ập vào, bà Huyễn ở phía sau bếp chỉ kịp kêu: Ông Mỹ! Ông Mỹ! Mọi người chạy ra phía trước sân. Huỳnh Nhỏ xông thẳng về phía sau đánh lạc hướng để mọi người ở phía trước có thời gian chạy thoát. Chúng nổ súng bắn theo, Huỳnh Nhỏ bị thương nặng, cố trườn đến một bờ thổ nằm ở đó. Tám Quy linh cảm có chuyện không lành đối với người yêu, trong đêm chị lách mình bươn bả tìm anh, mãi tới sáng chị tìm thấy thì anh đã tắt thở, vì mất máu quá nhiều.
Huỳnh Nhỏ - một trong những người hùng của đất Kỳ Xuân đã hy sinh, bỏ lại Tám Quy với một tình yêu đương thì nồng thắm. Tưởng chừng như Tám ngã quỵ, nhưng chị cố gượng dậy bước tiếp trên những chặng đường mà người yêu, đồng đội, đồng chí, bà con dòng họ và cả quê hương của chị đã và đang sẵn sàng cống hiến đến giọt máu cuối cùng.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG