Về sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ

LÊ NĂNG 18/08/2016 09:29

Ngày 15.8.1933, tại rừng Định Phước, nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập. Sự thành lập của Phủ ủy Tam Kỳ là mốc son chói lọi trong phong trào cách mạng của Tam Kỳ, và để đánh dấu mốc son đó là cả một hành trình.

  • Phần đời của phố...
Rừng Định Phước, xã Tam Nghĩa, nơi thành lập Phủ ủy Tam Kỳ ngày 15.8.1933. Ảnh: tinhuyquangnam.vn
Rừng Định Phước, xã Tam Nghĩa, nơi thành lập Phủ ủy Tam Kỳ ngày 15.8.1933. Ảnh: tinhuyquangnam.vn

Vài dòng về danh xưng

Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cùng với sự thay đổi về địa lý, thể chế chính trị, Tam Kỳ cũng có những thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Vùng đất Tam Kỳ trước thế kỷ XV vốn là vùng đất Chiêm Động của Chămpa, đến thời Hồ Hán Thương (1403), vùng đất này thuộc lãnh thổ Đại Việt. Đến thời vua Lê Thánh Tông (1471), cùng với việc ra đời của đạo Thừa tuyên Quảng Nam huyện Hà Đông được thành lập thuộc phủ Thăng Hoa (sau đó đổi thành phủ Thăng Bình). Năm Thành Thái thứ 18 (1906), nhà vua ra đạo dụ đổi huyện Hà Đông thành phủ Hà Đông, sau đó đổi tên thành phủ Tam Kỳ. Năm 1920, thực dân Pháp cắt một số xã phía tây của phủ Tam Kỳ, sáp nhập với các xã vùng thấp của Trà My để thành lập huyện Tiên Phước. Phủ Tam Kỳ có 7 tổng (An Hòa, Đức Hòa, Đức Tân, Phú Quý, Chiên Đàn, Vĩnh Quý và Phước Lợi) với 178 xã.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các đơn vị hành chính trước đây là phủ, huyện đều gọi chung là huyện - huyện Tam Kỳ, trong đó có thị trấn, thị xã Tam Kỳ được thành lập năm 1951. Thời kỳ tạm chiếm của Mỹ - ngụy, Tam Kỳ chia thành 3 đơn vị hành chính: quận Tam Kỳ, quận Lý Tín và xã Châu Thành, sau đổi là thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín. Đối với ta, để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ tháng 4.1963, Tam Kỳ được chia thành 3 đơn vị cấp huyện: Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 10.1975 huyện Tam Kỳ được thành lập lại, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, có 21 xã và thị xã Tam Kỳ. Tháng 12.1983, theo Quyết định số 144 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), huyện được tách thành hai đơn vị hành chính: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Thị xã Tam Kỳ có 13 xã và 8 phường nội thị. Ngày 5.1.2005, Chính phủ ra Nghị định số 01, thành lập huyện Phú Ninh có 10 xã tách ra từ thị xã Tam Kỳ. Ngày 29.9.2006, theo Nghị định số 113/2006/NĐ-CP, thị xã Tam Kỳ được nâng lên thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

Hình thành tư tưởng cách mạng

Năm 1927, phong trào cách mạng toàn tỉnh đã phát triển mạnh, nhất là sau cuộc bãi khóa tại Huế. Đồng chí Đỗ Quang (người huyện Quế Sơn), cán bộ dự khóa huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc) về đã đứng ra vận động thành lập Ban vận động Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam. Tiếp thu tinh thần và phong trào toàn tỉnh, đầu năm 1928, tại Tam Kỳ, đồng chí Khưu Thúc Cự, Nguyễn Thế Khải, Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh… thành lập nhóm thanh niên hoạt động cách mạng theo tôn chỉ, mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Thông qua tủ sách “Chiêu anh thư quán” tại thị trấn Tam Kỳ, nhóm thanh niên đã tích cực truyền bá tư tưởng vô sản trong lớp thanh niên tiên tiến và những người lớn tuổi đã từng hoạt động trong các phong trào yêu nước trước đó, chuẩn bị cho việc thành lập chính thức tổ chức của hội.

Bên cạnh hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ở huyện còn có tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Tân Việt. Hoạt động của Đảng Tân Việt không ảnh hưởng bằng Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Sự hoạt động và ảnh hưởng của Thanh niên Cách mạng ở nội ô thị trấn Tam Kỳ đã lan rộng và phát triển mạnh đến vùng An Hòa (một số xã phía đông của huyện Núi Thành ngày nay). Năm 1929, Hồ Đắc Thành, Phan Cự Hải lập ra nhóm thanh niên hoạt động cách mạng tại Bàn Than (thôn Hòa Thuận, xã An Hòa, nay là thôn Thuận An, xã Tam Hải, Núi Thành), gồm các ông Võ Minh, Trần Học Giới, Lương Hợp Phố. Sau khi ra đời, nhóm thanh niên dựa vào các tổ chức biến tướng như hội trồng dừa, hội bóng đá, hội truyền bá văn thơ của các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… tổ chức tuyên truyền, khêu gợi lòng yêu nước và tư tưởng cách mạng theo học thuyết Mác - Lênin. Đến năm 1932, nhóm cách mạng này chuyển thành nhóm Cứu tế đỏ.

Những năm 1927 - 1929 ở địa phương còn xuất hiện nhóm hoạt động yêu nước của Nguyễn Kế, Nguyễn Chỉ, Võ Dương, Trần Xán, Đào Quang Hiển… là những người tích cực trong các phong trào đấu tranh yêu nước, có tư tưởng cách mạng quốc gia, từng bị tù dưới chế độ thực dân do tham gia cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916). Các cụ đã lập ra các hội buôn bán nông lâm sản và thông qua hội để liên kết những người yêu nước, vận động nhân dân đấu tranh chống chế độ thống trị của bọn thực dân Pháp. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hầu hết thành viên của nhóm đều nhanh chóng chuyển theo đường lối cách mạng vô sản và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng lãnh đạo duy nhất

Năm 1929, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh và huyện có chiều hướng phát triển. Đầu tháng 6.1929, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhận được tin, trong đại hội của Tổng hội Việt Nam Cách mạng thanh niên có sự phân liệt, nhiều nơi xuất hiện truyền đơn kêu gọi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và hô hào hội viên Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên gia nhập.

Ngày 28.3.1930, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam ra Thông cáo về việc thành lập Đảng bộ và công bố: Từ nay chỉ có một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường cho công nhân, nông, binh, nhân dân bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh được thành lập gồm 3 đồng chí: Phan Văn Định, Phạm Thâm và Nguyễn Thái, do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư.

Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin đã được tuyên truyền khá sâu rộng trong phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đặc biệt, sự ra đời của Đảng bộ tỉnh đã giúp cho các địa phương, các tầng lớp nhân dân, nhất là những thanh niên yêu nước, những đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên kịp thời nắm bắt chủ trương, chuyển hướng hoạt động, thành lập các tổ chức đảng cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh hưởng ứng phong trào đấu tranh 1930 - 1931. Để hòa chung với phong trào cả nước, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1.5.1930, Đảng bộ tổ chức treo cờ búa liềm, rải truyền đơn, tổ chức mít tinh ở Hội An, Đà Nẵng…, sau đó ra báo Lưỡi cày và cùng với tờ báo Bẻ xiềng của Xứ ủy Trung kỳ được lưu hành rộng rãi. Cùng với công tác tuyên truyền, đảng bộ đã tổ chức duy trì hoạt động của các hội quần chúng, tổ chức công hội, nông hội, cứu tế.

Tháng 5.1930, tại Chùa Ông (Phước Hòa, Tam Kỳ), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Tam Kỳ được thành lập, gồm 3 đồng chí: Hồ Bằng, Phan Kỉnh và Tư Định, do đồng chí Tư Định làm Bí thư, sau đó phát triển thêm đồng chí Khưu Thúc Cự và Hồ Đắc Thành.

(Còn nữa)

LÊ NĂNG

LÊ NĂNG