Bệnh xá C12 ngày ấy

HỒNG VÂN 01/05/2016 16:19

(QNO) - Cứ 3 năm một lần, vào tháng 4, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Bệnh xá C12, Cục Hậu cần Quân khu 5 lại tổ chức gặp mặt truyền thống. Lần này, kỷ niệm 54 năm ngày thành lập đơn vị, do sức khỏe, quân số ở Đà Nẵng và các tỉnh về dự chỉ được trên 30 người. Nhưng không vì thế mà buổi hội ngộ kém phần xúc động.

CBCS Bệnh xá C12 trong ngày gặp mặt vừa qua. Ảnh: H.V
CBCS Bệnh xá C12 trong ngày gặp mặt vừa qua. Ảnh: H.V

Đại tá, Anh hùng LLVTND Huỳnh Thúc Bá, quê Duy Tân (Duy Xuyên), Chính trị viên Bệnh xá ngày ấy, nay cầm trịch các buổi gặp gỡ. Công tác tại C12 chỉ 4 năm nhưng ông nhớ vanh vách từng con người ở đây. Năm 1962, trước yêu cầu của chiến trường, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định thành lập Bệnh xá nội tuyến C12 tại Nước Là, Trà My (Quảng Nam) với nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa CBCS 3 cơ quan Quân khu là Bộ Tham mưu, Cục Chính trị và Cục Hậu cần. Lúc này Bệnh xá chỉ có 8 người, trong đó 3 bác sĩ từ miền Bắc vào. Tính ra 13 năm, đã có 110 lượt CBCS phục vụ ở đây, lúc cao nhất có đến 40 bác sĩ, y tá, nhân viên. Đơn vị đã chăm sóc, cứu chữa gần 5.000 lượt bệnh binh, thương binh. Những người lính đã có 15 cuộc hành quân di chuyển cơ quan, không chỉ trong tỉnh Quảng Nam mà có khi vào đến Quảng Ngãi. Bác sĩ, y tá không sợ đói, mà chỉ sợ thiếu máu. Máu khô từ miền Bắc gửi vào đi thời gian lâu nên đến nơi thường hết hạn, buộc phải đi xin máu tươi từ các đơn vị kể cả người bị sốt rét. Ngày đó gần như ai cũng bị bệnh này, nếu không xin máu từ những người vừa bị sốt rét thì chẳng có máu tiếp cho bệnh nhân. Thiếu thốn đủ bề nhưng bác sĩ Bệnh xá C12 làm được những việc phi thường. Nhiều thương binh bị bắn thủng ruột đã được mổ cứu sống.

Y tá Nguyễn Thị Vân được giao chăm sóc đồng chí Sự của Cục Chính trị mắc bệnh về máu. Anh vào Bệnh xá trong tình trạng suy kiệt, bạch cầu xuống thấp nhất. Vậy mà suốt 3 tháng ròng, với sự chung tay, tiếp tế của đơn vị, y tá Nguyễn Thị Vân đã kiên trì dùng sâm Cao ly chưng cất, rồi kiếm phấn hoa bồi dưỡng, theo dõi truyền máu kỹ lưỡng từng giờ. Bệnh nhân Sự vượt qua được cửa tử, bạch cầu tăng trở lại và hiện nay vẫn khỏe mạnh. Y tá Vân sau thành tích này đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Ông Nguyễn Xuân Mai - Trung đội trưởng Trung đội vận tải ngày ấy vẫn không quên hình ảnh đồng chí Nguyễn Thọ đi lấy gạo cho thương binh ở Lộc Tân, Đại Lộc bị trúng bom, tử vong. Đồng đội đã chôn cất liệt sĩ trên đường hành quân với nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ngoài ra trong chuyến đi đó, đồng chí Nguyễn Miều bị thương nặng, đưa về phẫu thuật cũng không qua khỏi.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, y tá và là người có mặt đầu tiên của Bệnh xá vẫn nhớ như in những đợt di chuyển. Mỗi lần nghe tin địch càn, ném bom hoặc có lệnh cơ động theo các chiến trường là mỗi lần đơn vị vất vả, gian truân. Ban chuyên môn, hậu cần đi trước sắp xếp vị trí, cắt tranh tre, nứa lá lợp nhà hoặc lán trại. Trung đội vận tải dùng cáng, dìu thương binh, bệnh binh đi sau cùng. Một lần địch ném bom B52, đồng chí Nguyễn Nga bị sập hầm hy sinh tại chỗ. Bà Hoàng kể rằng, những năm chiến tranh, gạo rất hiếm, chỉ để dành cho thương, bệnh binh. Bệnh xá phải tự túc lương thực nuôi sống mình, chủ yếu đánh vật với sắn, bắp, rau rừng. Chỉ tiêu mỗi năm trồng 50.000 gốc gắn khiến quanh trạm chỗ nào cũng thấy toàn sắn. Địch đánh hơi rải chất độc hóa học làm củ sắn sượng chát. Vậy mà mọi người vẫn đem xuống suối rửa sạch, nấu ăn. Chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Thế Thoáng sau này bị nhiễm độc mất sớm, con cái cũng bị nhiễm chất độc da cam như cha, trông rất thương tâm.

Cuộc gặp mặt không chỉ nhắc nhau những kỷ niệm một thời khốc liệt mà còn dịp để những người lính C12 tự hào về đơn vị mình. Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Chủ nhiệm Quân y Quân khu 5 trưởng thành từ chiếc nôi Bệnh xá. Con trai bác sĩ Vũ Thành, Bệnh xá trưởng ngày ấy nay là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng. Cậu bé Phan Văn Thanh được sinh từ C12, con bác sĩ Phan Văn Minh, nay là Phó Chủ nhiệm Khoa Nội 4, Bệnh viện Quân y 17. Có mặt trong buổi gặp gỡ, bác sĩ Thanh nhiều lần cảm ơn các cô chú, đồng nghiệp của cha đã dành tình thương cho mình ngày thơ bé.

Đã 54 năm, kỷ niệm vẫn còn đầy ắp trong hoài niệm những người lính Bệnh xá C12. Họ hẹn nhau nếu còn sống, khỏe mạnh lại tiếp tục gặp gỡ để những năm tháng ở Trà My, Quảng Nam không bao giờ bị quên lãng.

HỒNG VÂN

HỒNG VÂN