Oai hùng một trang sử
Về thôn Phong Lục Nam, xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn vào một ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi được nghe người làng kể về những tấm gương can trường, anh dũng của quê hương những năm kháng chiến. Trong đó, chiến sĩ cách mạng Đỗ Như Oai là một trong những tấm gương ngời sáng đã in đậm trong tiềm thức người cùng thời.
Đỗ Như Oai sinh năm 1952, trong một gia đình truyền thống cách mạng. Từ nhỏ ông đã mồ côi mẹ, cha từng là du kích thời chống Pháp. Anh trai và chị gái đều tham gia cách mạng. Nhà ông là cơ sở của Ban chỉ huy xã đội Điện Thắng. Bấy giờ, Phong Lục Nam cũng như bao làng quê khác, lửa chiến tranh không một ngày ngơi nghỉ, quân thù rình rập khiến bao gia đình tan nát, đau thương. Cảm nhận nỗi đau của quê nhà, mới 14 tuổi Đỗ Như Oai đã xin các chú, các anh vào đội du kích mật. Cậu bé Oai được Ban chỉ huy xã đội dìu dắt, huấn luyện làm nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình các địa điểm đóng quân của địch. Trong thời gian này, Đỗ Như Oai cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh lập chiến công vang dội như trận đánh đồn Hoang, đồn An Tự, đồn nhà Chánh Sở, ở thôn Đông; cắt vành đai mở đường đánh bọn Mỹ kép ở xóm Chay, thôn Thanh Quýt. Ông nhiều lần được tặng Danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.
Năm 1970, Đỗ Như Oai được cấp trên giao làm Xã đội phó. Tháng 6 năm đó, ông phối hợp cùng đồng đội tổ chức đánh tiêu diệt đại đội biệt kích Mỹ khi chúng đi dã ngoại. Không may, trong trận này ông bị địch bắn gãy chân. Dẫu bị trọng thương nhưng ông cố lê lết, rồi ẩn mình vào bụi rậm, tránh được sự vây bắt của địch. Qua một ngày không thấy ông, đồng đội đi tìm. Lúc đó ông đã tự băng bó vết thương. Do máu ra nhiều nên khát nước, ông phải cắn chuối cây hút nước cầm hơi. Khi đồng đội tìm thấy, tính chuyển ông lên cứ để điều trị, nhưng đường đi bị địch bao vây gắt gao nên đành giấu ông ở một căn hầm bí mật tại thôn Thanh Tú. Tại đây, ông được gia đình mẹ Lê Thị Xảo cưu mang…
Bao ngày trông chờ không thấy bóng con, một lần gặp mẹ Xảo, cha của Đỗ Như Oai tâm sự: “Nghe tin thằng Oai con tôi bị thương, nhưng giờ không biết họ đưa nó đi đâu. Tôi nhớ nó quá! Vì thương nhớ nó mà tôi lâm bệnh. Bởi tôi chỉ còn mình nó là con trai. Hai anh của nó đã hy sinh”. Mẹ Xảo tần ngần mà lòng thương cảm cho người cha của Oai. Nhưng vì bí mật cách mạng nên mẹ không thể thổ lộ mà chỉ dùng lời lẽ để động viên: “Nó bị thương thì có đồng đội và nhân dân lo, ông yên tâm mà giữ sức khỏe”. Tối đó, mẹ Xảo đem chuyện kể cho Đỗ Như Oai nghe. Nước mắt chứa chan, lòng ông quặn thắt trong nỗi thương cha vô bờ. Rồi ông dặn mẹ Xảo: “Thím đừng tiết lộ, cha biết con ở đây thế nào ông cũng tìm đến thăm thì lộ đấy”.
Sau đó, Đỗ Như Oai được đồng đội chuyển lên cứ điều trị vết thương. Tổ chức tính đưa ra miền Bắc an dưỡng, nhưng ông từ chối, quyết tâm ở lại để cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. Thời gian sau, Đỗ Như Oai về lại địa phương dù sức khỏe chưa hồi phục hẳn. Thời gian này, nhờ có nhân dân và gia đình mẹ Xảo cưu mang chăm sóc nên sức khỏe ông dần hồi phục, nhanh chóng trở về đơn vị, tiếp tục phối hợp tổ chức đánh địch.
Đến tháng 6.1971 ông được phân công làm Xã đội trưởng. Nhận nhiệm vụ mới, ông xây dựng đội du kích mật thiếu niên, với phương châm tác chiến “lấy súng đạn của địch để đánh địch” hoạt động khá mạnh mẽ. Để có vũ khí chiến đấu, đội du kích mật bò vào vành đai điện tử của địch tháo gỡ hàng trăm trái mìn ba càng và mìn díp. Đến tháng 2.1972, ông được phân công làm Bí thư Đoàn xã Điện Thắng, thay cho chị Tân bị địch bắt. Đầu năm 1973, ông được phân công làm Trưởng ban an ninh xã. Lúc này ở Điện Thắng, bọn ác ôn, chỉ điểm cài cấy gián điệp vào nội bộ ta. Trước tình hình ấy, ông sáng suốt xử lý từng tình huống, cương quyết đấu tranh với kẻ thù.
Năm 1974, ở Điện Bàn bọn địch ra sức thực hiện âm mưu tiến công xóa bỏ thế “xen kẽ da báo”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta, đưa dân vào khu tập trung. Chúng tập trung lực lượng thực hiện âm mưu theo từng chiến dịch, ở từng vùng, từng xã trọng điểm… Bà Nguyễn Thị Cùng - nguyên cán bộ Đoàn thanh niên xã Điện Thắng nhớ lại: “Thời gian này, tại xã Điện Thắng, Mỹ ngụy đánh phá rất ác liệt, bắt bớ dân làng tra tấn dã man, ngày đêm càn quét, thanh lọc, khui hầm bí mật. Anh em cán bộ, chiến sĩ hy sinh rất nhiều. Cơ sở bí mật của làng Bồ Mưng bị bật ra ngoài. Đội du kích và cán bộ đoàn của xã Điện Thắng quyết liệt trụ bám trong lòng địch. Ban đêm địch rút về đồn thì chiến sĩ cách mạng ta về gây dựng củng cố hoạt động phong trào”.
Cũng theo lời kể của bà Cùng, vào ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Dần (1974), bọn chỉ điểm, chiêu hồi phản bội dẫn địch về phá cơ sở cách mạng, bắt bớ đồng chí ta. Bị đánh đập tra tấn dã man, một đồng chí chịu không nổi đã khai báo với địch. Tin được báo về. Ngay đêm đó mọi người họp bàn tìm cách phân tán lực lượng, tổ chức mở đường để về cánh Gò Nổi. Tuy nhiên, địch đã bao vây các ngả đường nên mọi người phải tìm hầm bí mật cũ của những đồng chí đã hy sinh để trú ẩn, tìm cơ hội thoát đi. Vào thời điểm đó, cả nhóm 8 người được bố trí trú ở 2 hầm, cách nhau 300m. “Chúng tôi xuống hầm, mỗi tổ mang theo 4 đòn bánh tét của các chị phụ nữ xã tiếp tế. Khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi lên miệng hầm, phát hiện có khoảng trung đội cảnh sát đặc biệt của Mỹ ngụy dẫn theo đồng chí của ta bị bắt tiến về phía hầm bí mật chúng tôi đang ẩn nấp. Lúc này, chúng tôi biết là hầm đã lộ và bị địch bao vây. Anh Oai bình tĩnh thủ tiêu tất cả tài liệu có liên quan đến an ninh, không để lộ bí mật của cách mạng. Xong, anh dũng cảm nhảy lên đánh 2 quả lựu đạn về phía địch để mở đường cho các đồng chí khác thoát đi. Địch tập trung hỏa lực bắn như mưa về phía chúng tôi. Nhờ sự chiến đấu kiên cường của anh Oai mà có 4 người thoát ra được. Còn anh cùng 3 người khác dù đã bị thương nhưng vẫn quyết liệt chống trả đánh địch. Mặc dù hết sức cố gắng nhưng anh Oai và các đồng chí Bạn, Lai, Láng đều bị thương nặng, bị địch bắt sống. Chúng khiêng các anh lên đường 1 hành hạ, cũng vừa là để ra oai. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng anh Oai và đồng đội kiên quyết không khai, tiếp tục chống cự quyết liệt cho đến hơi thở cuối cùng”.
Sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng Đỗ Như Oai đã thắp lên ngọn lửa về lòng yêu nước và tô đậm trang sử vàng quê hương Điện Thắng anh hùng.
HỮU DŨNG