Bà mẹ Kỳ Sanh (Tiếp theo và hết)
|
Sau nửa tiếng đồng hồ, cẩn trọng từng bước chân, các đồng chí đã lọt ra khỏi rừng Mây. Theo hướng dẫn của anh Mai, tất cả bò qua mấy đám thổ, tụt xuống lòng suối, lội xuôi suối, ngang qua cánh đồng đi về hướng đông. Ra giữa cánh đồng, mỗi người nhận một vắt cơm, theo Kim, Tám quay ngược lên phía tây đến thôn Bảy, rồi men rìa đông Hòn Rơm vào núi Con Heo. Thoát khỏi địch, nhưng chao ôi đường đi lại vô cùng hiểm hóc. Trời tối mịt, đá cục lô nhô, nhiều người vấp ngã nhào đựng, đi cả đêm, mãi 5 giờ sáng mới tới đỉnh dốc Đồng Súy, giáp Quảng Ngãi. Tám Túc ra mật khẩu, giao liên Quảng Ngãi ra đón vào rừng. Các đồng chí ôm Kim, Tám nói lời cám ơn trong nước mắt trào dâng, trước khi tiếp tục vật lộn với đói đau, hùm beo, muỗi, vắt, lội trăm núi nghìn đèo để đến Bồng Sơn, Bình Định - Vùng có thời hạn tập kết 300 ngày. Biết bao hiểm nguy còn chờ phía trước, hai thanh niên cầu chúc cho các anh, các chú ấy đi trót lọt...
Trong khi đó, ở khu vực rừng Cấm, trời vừa hửng sáng, tên chỉ huy lính “sáu túi” hô: “Tấn công!”. Bọn lính đẩy dân tấp vào phát hàng chục đường luồn xuyên rừng. Gặp bụi mây rậm, chúng ném lựu đạn nổ bung. Lựu đạn nổ vang trời, gạt phăng nỗi sợ hãi thần linh. Thêm nữa, chúng thừa biết sau hiệp định đình chiến, cán bộ Việt Minh không được sử dụng vũ khí đánh lại đối phương. Tay không thì địch chi nổi súng ống. Nhiều tên lính “sáu túi” bươn bổ vào Thổ Miếu, hòng lập công đầu. Nhưng Thổ Miếu lạnh tanh. Thằng chỉ huy la hét om sòm, đấm đá tên C. Hắn còn rút súng dọa bắn. Tên C. van xin. Bọn Quốc dân đảng địa phương hết lời can ngăn. Tên C. thoát chết. Tên chỉ huy gầm gừ, tức tối lệnh rút lui...
Giữa năm 1956, tại các xã vùng thấp Trà My ứ lại cả trăm cán bộ chờ đi đường núi ra Bắc. Cơ sở ở đồng bằng hầu hết bị địch đánh vỡ, đồng bào dân tộc đói kém, đường tiếp tế lương thực bị cắt đứt từ mọi phía. Không có chi ăn, các đồng chí đói quá mò ra kiếm ăn bị địch bắt giết. Giữa tình hình đen tối ấy, Huyện ủy Tam Kỳ đề nghị bà Phụng dốc hết lúa gạo cung cấp. Bà ngó trong nhà còn 500 ang lúa, huy động con cháu, bà con cơ sở xúc gánh xay giã. Điều cốt tử là phải đảm bảo tuyệt mật. Địa bàn thôn Tám - Tịnh Sơn đến thời điểm này còn khá trong sạch. Có vài thằng phản, nhưng đã lộ mặt cả rồi. Giữ là giữ kín với mấy thằng cha đó. Chỉ trong vòng nửa tháng xay giã, gánh gạo mang lên căn cứ đã vắt sạch lúa nhà bà. Của đống, ăn đông cũng hết. Bảy Phú, Út Bích than: “Mẹ làm thế thì tụi con còn chi mà ăn. Bà nạt: “Còn Đảng, còn cách mạng, còn đồng chí…, gia đình mình còn. Các con không được nghĩ vậy, nói vậy, mấy ông anh bay nghe được buồn chết”.
Bà Phụng nói cứng là vậy, nhưng sau vụ ni cũng lo vì chẳng còn hạt lúa nào đong cho người làm. Lâu nay bà lấy lúa, lấy ruộng, trâu bò, rẫy tranh, rẫy chuối để gọi là giàu chứ có tích lũy được gì đâu. Nhà giờ lại thiếu vắng lao động chính, mấy người con trai, con gái lớn đi hết trọi. Cái nhà ni cả con, dâu rể đi tập kết hết 6 người. Còn bà với hai đứa con gái, một con trai, hai con dâu ở nhà thì bị bắt, bị quản thúc liên miên. Thời bình, bà ngán chi. Bà xoay được tất. Ngặt một nỗi, gặp cái loạn ni bà không kham trọn. Bà quyết định bán chục sào đất hạng nhứt ở đồng bằng, chỉ giữ mấy mẫu ruộng hố ở Đồng Cố. Giữ ruộng trên đó là để vừa đóng trại sản xuất vừa thuận liên hệ các đồng chí nằm vùng. Nghĩ mà thắt ruột. Bán ruộng nhứt của ông bà khai khẩn là mắc tội bất hiếu. Nhưng, vì cái nghĩa lớn hơn, phải bán.
Sau luật 10/59, trong một cuộc khủng bố vô cùng tàn bạo của địch, có người đàn bà tên L., ở xã dưới không chịu nổi đòn tra tấn của giặc, khai bà Phụng là cơ sở của Mười Chấp, Huỳnh Sự, từng dẫn lên căn cứ gặp Huỳnh Sự.
Lần này, tai họa ập xuống nhà bà Phụng thật. Bọn chúng bắt toàn bộ người lớn, tịch biên ruộng đất, dắt 8 con trâu, dỡ sạch nhà cửa. Tám Túc thì đã nhảy núi theo các ông Mười Chấp, Ngô Độ rồi, ở nhà chỉ còn đàn bà. Chúng bắt hết. Bà Phụng, hai con gái, một con dâu đều bị tống vào tù. Bị cầm tù, bị khai thác, nhưng những ngón đòn tra tấn hiểm ác của kẻ địch không thể khuất phục được họ. Bà Phụng bị địch giải đi khắp các nhà tù Tam Kỳ, Hội An... Cuối năm 1963, Diệm bị lật đổ, chính sách đối với tù chính trị của chế độ Sài Gòn nới lỏng chút ít, bà Phụng ra tù. Lãnh đạo Huyện ủy Tam Kỳ lo bà Phụng về sẽ bị bọn ác ôn địa phương đón đường chôn sống. Các đồng chí bố trí người dẫn bà lên luôn Tứ Mỹ, Phương Đông. Khi ấy bà đã hơn 60 tuổi, nhưng bà quyết chí theo Đảng theo Bác Hồ, cùng các con các cháu nằm gai nếm mật kháng chiến đến cùng.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, con cháu bà Phụng lại lao vào cuộc sống mới, công tác tứ tán khắp nơi. Riêng già Phụng đã hơn 75 tuổi nhưng nhất quyết: “Tau không ở với đứa nào hết. Con trai, con gái, cháu nội tau cũng không ở. Tau phải quay về quê thờ cúng, có chết cũng được nằm bên tổ tiên, dòng họ”. Bảy Phú, Tám Túc buộc lòng phải đưa bà về với cái nền nhà khuất lấp gai bụi, cỏ tranh um tùm.
Ba mẹ con đứng giữa vườn cũ hoang vu, bà Phụng chỉ xuống mặt đất chai sần: “Tau sinh ra từ đất này, nuôi bọn bay lớn lên cũng từ đất này để ra đi làm cách mạng. Đất nước đã sạch bóng quân thù, làng quê mình yên bình rồi, giờ đây dẫu chỉ còn hai bàn tay trắng mẹ cũng sống được ở đất này. Không còn thằng nào đè đầu cởi cổ, bắn giết mình nữa, không phải ngủ hầm, không sợ bom đạn, có đói tau cũng thỏa mãn. Mà đổi được cái giấc ngủ yên này phải bằng cái giá thiệt là lớn quá các con ơi. Thằng Tám, con Bảy ngó lại đi. Gia đình mình đi hết cả nhà, đi hết ba thế hệ. Mà đi chiến đấu chứ có đi trốn tránh mô đâu thế mà vẫn còn sống cả. Anh Bốn, anh Sáu, chị Năm bây tập kết cũng quay lại chiến trường, anh Ba thì ở lại luôn trong chiến khu Đ ròng rã hai chục năm, thằng Công, con Tấn cháu nội tau cũng đều là du kích Kỳ Sanh... Chỉ tội nghiệp con gái út và con dâu đầu của tau... không về nữa”. Bà nghẹn ngào, nhìn qua vườn nhà bên cạnh: “Còn như nhà anh Cảnh. Tội nghiệp cho lão Cảnh con ông bác bây quá! Lúc cả nhà mình đi tù, rồi cả nhà mình thoát ly sạch trọi, lão nhận nuôi thằng Công, con Tấn con của Bốn Hân cháu nội tau, mà bây giờ 7 đứa con của lão đều hy sinh hết. Còn cái lớp trai cùng với bọn bây hồi ở rừng Mây giờ có còn ai đâu: Mai, Trinh, Vân, Kim đều đã hy sinh... Cái thôn Tám này hàng trăm người ngã xuống. Và bây giờ bây ngó đi, có còn vách nhà cũ mô đâu, bom đạn hủy diệt sạch hết rồi...”.
Nghe bà Phụng còn sống trở về, dân thôn Tám, Kỳ Sanh mừng lắm. Họ chạy đến kẻ góp tranh người góp tre, dọn vườn, ban đất, sau vài ngày đã dựng xong ngôi nhà đơn sơ trên vườn cũ cho bà tá túc trong những năm tháng cuối đời...
Và giờ đây, bà Phụng đã yên nghỉ bên người chồng trong nghĩa trang gia tộc trên sườn đồi Hóc Tú ở phía đầu làng Tịnh Sơn - thôn Tám, Kỳ Sanh.
Truyện ký của PHẠM THÔNG