Biểu tượng của ý chí

VÂN TRÌNH 01/04/2016 08:28

Từ giữa năm 1965, trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Cuối năm 1965, kế hoạch phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 của Mỹ được tiến hành với mục tiêu “tìm diệt” và “bình định” nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, củng cố vùng chúng chiếm đóng, khai thông các tuyến giao thông, ngăn chặn sự sụp đổ của ngụy quyền tại miền Nam Việt Nam. Tính chất của chiến tranh diễn ra ác liệt và quy mô lớn hơn trước. Quân Mỹ trở thành lực lượng chính, nòng cốt đánh phá chiến trường.

Năm 1966, ở Đại Lộc, sau thất bại của trận càn vào vùng B (từ ngày 28.1 đến 25.2.1966), quân viễn chinh Mỹ quyết định mở trận càn vào xã Lộc Vĩnh (Đại Hồng ngày nay) với ý đồ lấn chiếm và bình định vùng giải phóng, cô lập và khóa chặt hành lang tuyến giữa căn cứ miền núi với đồng bằng. Đồng thời giải tỏa áp lực tấn công của ta vào căn cứ Thượng Đức - “cánh cửa thép” bảo vệ TP.Đà Nẵng về phía tây nam. Lúc này, đường bộ từ Ái Nghĩa lên Thượng Đức bị ta cắt đứt, hàng tuần địch phải dùng máy bay thả lương thực và vũ khí tiếp tế; du kích ta liên tục bắn tỉa khiến chúng phải co cụm trong cứ điểm.

Ông Nguyễn Thái Nam - nguyên Xã đội phó du kích xã Lộc Vĩnh phác thảo lại sơ đồ chiến thuật chống càn năm xưa. Ảnh: H.L
Ông Nguyễn Thái Nam - nguyên Xã đội phó du kích xã Lộc Vĩnh phác thảo lại sơ đồ chiến thuật chống càn năm xưa. Ảnh: H.L

Trong các ngày 28 & 29.3.1966, Huyện ủy Đại Lộc nhận được nguồn tin địch sẽ càn lớn bằng bộ binh lên Đại Lộc nhưng chưa rõ chính xác lúc nào. Vào lúc 10 giờ ngày 30.3.1966, nguồn tin của cơ sở mật cung cấp là địch sẽ đổ bộ xuống Lộc Vĩnh. Ngay lập tức, Huyện ủy Đại Lộc có cuộc họp khẩn với Huyện đội tại thôn Mỹ Hảo, xã Lộc Tân (nay là xã Đại Phong) để chỉ đạo tập trung lực lượng vũ trang toàn huyện sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời chỉ đạo chuẩn bị lực lượng để đấu tranh chính trị và binh địch vận làm hạn chế bước tiến của kẻ thù. Lúc 13 giờ 30, Huyện đội triệu tập toàn Ban chỉ huy Đại đội 1 họp giao nhiệm vụ chiến đấu. Đến 18 giờ ngày 30.3, Đại đội 1 cấp tốc hành quân từ Lộc Tân lên Lộc Vĩnh để chuẩn bị địa bàn chiến đấu. Ngày 1.4.1966, Ban chỉ huy Đại đội họp bàn kế hoạch phối hợp tác chiến với du kích xã Lộc Vĩnh. Sau cuộc họp, các đồng chí chỉ huy đã trực tiếp nghiên cứu địa hình, chọn nơi có lợi thế bố trí phục kích. Ta nhận định: mũi trọng yếu mà địch có khả năng tấn công là thôn Hà Vy và thôn 2, thôn 3 nên đã bố trí lực lượng bộ đội địa phương huyện đảm nhiệm để chặn địch tràn vào làng, tiêu hao sinh lực địch; những mũi còn lại từ các thôn Lục Nam, Phước Lâm, Lập Thạch do du kích thôn, xã đảm nhận với nhiệm vụ không cho địch tiến lên, giam chân chúng giữa cánh đồng trống để dễ dàng tiêu diệt.

Sáng 2.4.1966, địch cho máy bay L19 bay dọc theo sông Vu Gia quan sát vùng Lộc Vĩnh. Sau đó, chúng bắn pháo cấp tập vào thôn Hà Vy và thôn 2, thôn 3. Máy bay F105 cũng đánh bom ác liệt xuống hai thôn này. Đến 9 giờ 30, địch cho 19 máy bay trực thăng HU-1B từ Đà Nẵng bay dọc sông Vu Gia đến Thượng Đức rồi quần lại Lộc Vĩnh, đổ một đại đội thủy quân lục chiến xuống bãi nà thôn Hà Vy và đổ thêm một đại đội ở sát bờ sông Vu Gia để tấn công vào làng.

“Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “ở gần đánh gần” là các phương châm đánh địch đã được Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc phối hợp với du kích Lộc Vĩnh thực hiện khá hoàn hảo khi đối phó với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Ta chủ động đợi địch đến gần mới nổ súng. Điều này chẳng những hạn chế thương vong cho bộ đội, du kích mà còn tăng hiệu quả tiêu diệt địch vì đã vô hiệu hóa được các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ, nhất là pháo binh và không quân. Ngay phút đầu tiên địch vừa đổ quân, bộ đội và du kích đã chặn đánh một cách quyết liệt. Ngay loạt đạn đầu, ta đã tiêu diệt hơn 20 tên địch, khiến chúng bất ngờ, buộc chúng phải tháo chạy ra bờ sông yêu cầu lực lượng trợ chiến và tiếp tục tổ chức tấn công vào khu vực giữa thôn Hà Vy cùng thôn 2, thôn 3. Trước tình hình địch tăng quân và tấn công ào ạt, đồng chí Lê Văn Thanh - Đại đội trưởng Đại đội 1 chủ trương dùng toàn bộ hỏa lực của cối 60 tấn công vào đội hình quân Mỹ, mũi tấn công từ thôn Lập Thạch, thôn 2 và thôn 3 thọc xuống ngăn chặn không cho địch chạy thoát ra sông Vu Gia; các mũi còn lại bao vây dồn chúng vào cánh đồng trống để tiêu diệt.

Quân ta dựa vào lợi thế của hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu để sử dụng chiến thuật “phục kích - vận động”. Việc tổ chức lực lượng đón đánh địch ở nhiều hướng và nhịp nhàng chi viện cho nhau khiến đối phương vô cùng lúng túng, bị động và hoảng loạn khi sa vào thế “thiên la địa võng”. Đáng chú ý là với phương châm “gậy ông đập lưng ông”, ta đã sử dụng ngay những vũ khí hiện đại của Mỹ - những chiến lợi phẩm thu được từ các trận đánh Mỹ ở Phú Bắc - Lộc Chánh (Đại Hiệp ngày nay) và Bàu Mưng - Lộc Quang (nay là Đại Đồng), nhất là đại liên cực nhanh M60 và cối cá nhân M79 để đánh lại quân Mỹ, khiến chúng bất ngờ và chịu nhiều thương vong. Địch phải dùng trực thăng rút tàn quân bại trận về căn cứ.

Sau một ngày ngoan cường chiến đấu, bộ đội và du kích đã diệt gọn một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại hai đại đội khác, thu 28 súng, trong đó có 1 đại liên M60; bắn rơi 2 trực thăng, bắn bị thương 1 trực thăng khác. Đây là trận thu nhiều súng nhất trong các trận chống càn trên chiến trường Quảng Đà.

Với chiến công vang dội này, Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc và du kích xã Lộc Vĩnh đã được Tỉnh ủy - Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Đà biểu dương, tổ chức trao đổi kinh nghiệm cho các lực lượng vũ trang học tập tinh thần quyết tâm đánh Mỹ. Lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc còn vinh dự được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn khu 5 lần thứ 2 vào tháng 12.1966, phát động học tập trong toàn khu. Đại đội bộ đội địa phương huyện được Đại hội tuyên dương là một trong những ngọn cờ tiêu biểu: “đơn vị diệt nhiều Mỹ nhất của tỉnh Quảng Đà năm 1966”. Du kích xã Lộc Vĩnh được Bí thư Khu ủy 5 - Võ Chí Công khen ngợi: “Ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, biết cách đánh thắng giặc Mỹ trong điều kiện lực lượng ít, mang về cho đại hội món quà vô giá”.

Năm mươi năm đã đi qua, thời gian càng làm ngời sáng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Hà Vy. Đây là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí đánh Mỹ, thắng Mỹ của quân dân Đại Lộc, góp phần đánh bại kế hoạch phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 (1965 - 1966) của Mỹ. Nếu Chiến thắng Núi Thành ngày 26.5.1965 đã giải quyết được tư tưởng sợ Mỹ, trả lời cho câu hỏi: “Có đánh được Mỹ hay không?” thì Chiến thắng Hà Vy ngày 2.4.1966 đã góp phần giải đáp các câu hỏi lớn và khá hóc búa lúc bấy giờ: “Đánh Mỹ bằng cách nào?”, “Vũ khí gì?”, “Quy mô ra sao?”... Đồng thời có thể khẳng định: “Một đại đội bộ đội địa phương cấp huyện phối hợp với du kích sở tại hoàn toàn có đủ khả năng đánh thắng quân Mỹ đổ bộ đường không ở ngoài công sự và được phi pháo yểm trợ tối đa giữa ban ngày”. Thực tế này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược không chỉ của quân dân Đại Lộc mà còn của cả tỉnh và khu 5.

VÂN TRÌNH

VÂN TRÌNH