Dấu chân cha

Ký HỒ DUY LỆ 25/03/2016 19:42

Không thể trụ lại được để cùng với nhân dân đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Genève năm 1954, không dám nán lại ăn Tết Ất Mùi, chia tay vợ con, Hai Giáo nói với cha, phải đi ngay không thì bị bắt. Rời ngôi nhà tranh trên đồi cát, xuống bến lên chiếc thuyền con nép sát bụi tre cạnh bờ sông Trường Giang, chèo qua bên kia sông, băng cát xuống thôn Sáu xã Bình Dương...

Hai hôm sau, vừa chạng vạng, một người lái đò ghé lại nhà báo cho ông Xã Giáo biết là hai con trai ông đã qua khỏi vùng biển Quảng Nam. Biết con đi trót lọt, ông Xã Giáo bớt lo đêm đêm có người rình rập quanh nhà, lo làm ăn, giúp con dâu nuôi mấy đứa con của Hai Giáo. Lo đứa cháu nội đích tôn của ông mới hơn hai tuổi, cha hắn đặt tên cho thằng út “hũ mắm treo đầu giàn bếp” là Đ. Cái tên quá xấu theo tục lệ để dễ nuôi, khó kêu quá, ông đặt cho cháu tên mới là Trụ - Phan Vũ Trụ. Hiệp định ghi hai năm hiệp thương, tuyển cử, nhưng thấy cán bộ cấp xã mà cũng bí mật bỏ làng, ông Xã nhận ra con đường thống nhất hai miền Nam - Bắc xa xăm, mịt mờ. Ông đặt cho cháu cái tên Trụ là muốn gửi gắm tình yêu và tinh thần của ông vào đứa cháu nội, hy vọng cháu hãy cùng ông trụ vững trong thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương.

Những mùa đông trôi qua thật buồn, ông Xã Giáo thấy ngày gặp lại các con dường như xa thêm. Rồi một đêm đen lạnh, tháng Chạp năm Canh Tý  - 1960, ông thao thức nghĩ về con, biết đâu tết ni, hy vọng chúng sẽ về. Đang trằn trọc thì giật mình nghe tiếng đập cửa: Con đây, cha của thằng Đ. đây. Tiếng gọi nhỏ, giọng quen làm ông lạnh xương sống, không còn bán tín bán nghi nữa, ông liền hất tấm mền, ngồi dậy. Không thằng Hai Giáo thì ai vô đây, ngoài mẹ nó biết cái tên cúng cơm cháu nội đích tôn của ông. Ông đẩy cửa bước ra thì Hai Giáo ôm ông, thì thào: Con về đây cha. Hai Giáo đây cha. Ông nắm bàn tay lạnh ngắt của con trai kéo vào nhà, kéo cái cửa sau lại, đưa con trai vào buồng. Gió bấc mùa biển động, thêm lo sợ bọn tố Cộng rình mò, bỗng cái lạnh thấu xương tan biến dần khi hai cha con bên nhau trong căn buồng phên tre tối mịt.

Khi rời Hà Nội trở lại miền Nam, Hai Giáo lấy tên Tám Giáo. Về đến vùng núi Quảng Nam rồi mà sau hai năm mới mò ra lối đi, rời vùng núi Tiên Phước, Tám Giáo về vùng đông thì bị địch vây, kẹt lại không bắt được liên lạc để lên núi. Nằm lại, mà chưa dám về nhà cha mẹ, sợ chúng phục, ở trong thổ của ông Cự, ông Niên. Ban ngày đào cái hục xuống nằm, lấy gai tre che ở trên, đêm mò vào xóm kiếm ăn. Đến ngày thứ 16 thì ông Mễ đưa một tiểu đội từ núi xuống tìm Tám Giáo. Ông Mễ (tức Phan Dễ, còn có tên Thái) nhớ, đến nơi khát nước khô họng mà uống một bát nước chè tươi của bà Cửu Trâm ở An Đông ngon như uống mật ong. Sau khi hỏi thăm tình hình, ông Mễ ra nhà ông bà Xã Nguyên, thì Võ Văn Thắng, con trai thứ sáu của Xã Nguyên đưa ông Mễ ra nhà Xã Giáo. Đến ngoài bờ rào nhà Xã Giáo thì gọi… Bà Lương Thị Đề - vợ của Hai Giáo, khi đã ở tuổi chín mươi, không thể nào quên đêm ấy: “Nghe tiếng soạt soạt ngoài rào, tôi dậy đi tiểu, nghe ai gọi, tôi bước lại chỗ bờ rào thì ông Mễ lên tiếng. Dễ đây! Cô! Ông Dễ đưa ba, bốn người cùng vào nhà. Trong lúc họ nói chuyện thì tôi làm thịt con gà nấu cháo, sẵn bánh trái cúng trên bàn thờ đem xuống, dọn cho mấy ổng ăn, đến khuya thì họ đi hết”.

Lên 11 tuổi, Phan Vũ Trụ tham gia tổ du kích mật của xã, đặt tên mới cho anh em du kích gọi là Phan Tấn Tuyền. Tháng 3.2016, anh vừa nghỉ hưu với chức danh Chánh thanh tra TP.Đà Nẵng, Trụ vẫn ôm chặt trong ký ức đầy tự hào về ông nội tuyệt vời và về người cha gan dạ, với nỗi nhớ thương, biết ơn và kính trọng: “Khu vườn  ông nội rộng. Ông nuôi gà, nuôi heo, nuôi một bầy vịt. Lạ là, hôm nay thấy ông nội vun cái vồng lên trồng sắn, mấy hôm sau ông nội lại lấy cái vồng trồng sắn chưa mọc lên cây ấy trồng khoai mài, rồi vun cái vồng khác trồng sắn.

Nhớ một buổi sáng ngủ dậy, hôm ấy không đi học ông thầy Mười Vũ, nghỉ lễ ba ngày, mẹ ôm tôi nói nhỏ: Hồi hôm cha mi về. Tôi hỏi cha đâu rồi. Mẹ nói cha đi hồi khuya. Tôi hỏi đi ngõ mô. Mẹ nói đi lối sau hè nhà. Lội ra sau nhà, tôi thấy dấu chân đi trên cát, dấu chân còn mới  in trên cát ướt đi qua cái hàng rào gai tre. Vào nói chuyện với mẹ thấy dấu chân cha… Mẹ bụm miệng tôi bảo nói nhỏ. Thấy hai mẹ con thầm thì, ông nội bước lại xoa xoa đầu tôi, nói: Chớ dại dĩ hơi! Giết cả nhà. Ông nói nhỏ đủ hai mẹ con nghe nhưng đầy nghiêm khắc, tôi thấy đôi lông mày rậm của ông nội nhíu lại khi nói “giết cả nhà”. Tôi biết đây là lời dặn dò cho chính tôi, cho cả mẹ tôi - một thiếu phụ mới ngoài tuổi ba mươi. Buổi sáng ấy, khi ông nội xách dù đi thăm họ hàng, tôi sẹ sẹ ra bờ rào nhìn dấu chân cha lần nữa thì không thấy dấu chân cha đâu. Hỏi, mẹ nói chắc ông nội xóa rồi. Mẹ là đối tượng Hội đồng xã triệu đi họp, đi học tập tẩy não.  Mẹ chấp hành nghiêm, tuy nhiên, ban ngày mẹ nắm tình hình địch để  báo cho cha tôi hoặc cán bộ về ở lại trong nhà như  Hồ Trượng, Phan Dễ… Ban đêm, khi các ông đi thì mẹ đưa ra khỏi hàng rào ấp chiến lược, xóa hết các dấu chân, thì thầm dặn mọi người nên đi theo  hướng nào thì an toàn.  Tôi chưa hiểu hai từ dĩ hơi  nhưng, chớ dại, giúp tôi hiểu cha tôi về là chuyện vô cùng hệ trọng, phải giữ bí mật, không được hé răng cho bất cứ ai. Nếu lộ ra, thì hắn “giết cả nhà”.

Không nhớ một hay hai ngày sau đó thì một đêm cha tôi lại về nhà. Đây là một mùa xuân đầu tiên tôi gặp cha. Đêm trước, ông về, sáng ra tôi chỉ thấy dấu hai bàn chân cha in trên cát ướt. Lần này, trong ánh sáng đèn dầu lửa, cha bồng tôi, hôn mặt tôi, nhìn tôi đăm đăm một hồi lâu. Tôi thấy trên tay cha có cái đồng hồ hiện ánh sáng xanh. Đêm ấy, cha tôi mặc cái áo cổ vuông, cái quần đùi xam xám, đeo cái súng ngắn chỗ hông trông rất oai. Thấy tôi sổ mũi, mẹ xức dầu, nói dầu của ba cho, mẹ giải thích, để không ai nhận ra đó là loại dầu cù là sản xuất ở miền Bắc nên cha cho dầu vào lọ penicillin. Khi cha tôi đi rồi, từ buổi sáng mất dấu chân cha trên cát cạnh bờ rào sau hè nhà, sau một thời gian tôi mới hiểu mấy vồng khoai, vồng sắn ông nội vun trong vườn là cách ông nội ngụy trang “đất mới”. Khi đào hầm bí mật trong bụi tre sau nhà, hay trong chuồng heo, đưa cát ra làm thành vồng thì không làm ai nghi ngờ, nhất là bọn người xấu đặt câu hỏi đất ở đâu ra? Lớn khôn hơn, tiếp xúc người này, người kia, không ít lần họ hỏi cha mi ở đâu, cha mi có về không? Tôi lại nhớ lời ông nội: Chớ dại… Gặp người tốt thì nói cha tôi đi tập kết, gặp người không tin thì nói cha chết hồi mô rồi. Đến khi mẹ tôi có mang thằng Tý,  mẹ lúng túng khi ai đó nhìn cái bụng mẹ hỏi: “Ổng dề hồi mô?” Mẹ làm thinh. Gặp người tò mò hỏi cha hắn là ai? Mẹ nói bị ông lính hành quân xuống ở lại trong nhà! Thằng Tý là sản phẩm của cha tôi và mẹ tôi tạo ra khi cha tôi về chuẩn bị giải phóng vùng đông của tỉnh. Khi rời núi lọt được xuống vùng địch đang kiểm soát, cha tôi ở những nhà cơ sở vừa móc nối xây dựng được, nhà ông nội là địa điểm tin cậy nhất. Mỗi khi lọt qua được mấy lớp hàng rào ấp chiến lược, qua được lớp rào tre gai vườn ông nội, vào nhà, hôm nào thấy yên thì cha tôi nằm trong buồng, mẹ lót chiếc chiếu dưới gầm giường cho cha nằm, đêm nào nghe tiếng chó sủa xóm trên, chó tru xóm dưới, có động tĩnh coi bộ không yên thì mẹ sè sẹ ra giở cái máng cho heo ăn để cha rúc xuống hầm...

Khi về giải phóng vùng đông thì tóm cả mâm Hội đồng xã Bình Giang giam trong nhà thờ tộc Võ ở An Đông, xóm Bàu. Xét thấy trong cái mâm Hội đồng xã, chưa ai gây nợ máu bị nhân dân lên án, và phần lớn là bà con trong họ Phan, bấy giờ Tám Giáo đang giữ chức Trưởng ban An ninh Huyện ủy Thăng Bình, thực hiện nghiêm túc chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giáo dục là chính, thực thi nghiêm  túc chính  sách  khoan  hồng của Mặt trận, hy vọng những người vì hoàn cảnh này nọ làm tay sai cho địch sẽ hồi tâm suy nghĩ thì thả về làm người công dân tốt, không thể làm như chính quyền tay sai “giết lầm hơn bỏ sót” sẽ là họa cho dân tộc. Không may, mới giam một đêm, qua ngày hôm sau, quận trưởng Thăng Bình lệnh đưa quân xuống đánh giải vây. Giữa tình huống cấp bách, tổ vũ trang không thể chần chừ, quyết định chạy thoát thân dưới làn đạn địch bắn theo, chúng giải thoát cả mâm Hội đồng. Đây là một tình huống thường xảy ra trong thời chống Mỹ làm cho các tổ bảo vệ bối rối trong xử lý: Để sẩy tội phạm thì bị kỷ luật, trừng trị tội phạm không có cáo trạng để kịp thoát thân trước khi địch đến thì vi phạm nguyên tắc chiến trường và lương tâm cắn rứt. Trận này, ông Tám Giáo bị Huyện ủy kiểm điểm tội hữu khuynh, nặng tình bà con. Ông cảm thấy oan, nhưng lặng thinh đến chết.  

Nhân dịp lễ kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng quê hương, tôi gửi lời chúc mừng, hỏi lâu nay có về vườn xưa thăm “dấu chân cha” không? Tuyền nói, năm nào cũng vậy, hai mươi bốn tháng Chạp giỗ ông già, ngày tết, ngày kỷ niệm giải phóng quê hương, thì đưa con, cháu về quê thắp hương mồ mả ông bà, thăm bà con, bạn bè, đồng chí một thời đạn bom, cũng là dịp cho các cháu vui chơi, thưởng thức hương vị quê nhà yêu dấu.

Ký HỒ DUY LỆ

Ký HỒ DUY LỆ