Chiến công thuộc về nhân dân
|
(Tiếp theo kỳ trước)
Trong đêm thứ năm - đêm cuối cùng, Thanh Khối bò vừa chạm hàng rào thứ 7 gặp một tên lính đi tuần, trên tay cầm điếu thuốc. Đến chỗ ông, đột nhiên hắn dừng lại, quăng điếu thuốc, đái xè xè. Điếu thuốc rớt ngay trên lưng ông Khối. Ông nằm im, điếu thuốc ngún cháy, nóng nhảy dựng, nghe mùi mỡ chảy khen khét, ướt mỡ điếu thuốc tắt cái xèo, tên lính cũng vừa quay lưng đi. Hú vía.
Sau khi điều nghiên, các ông dự định sẽ mở cửa phía đông nam. Vì mặt này ít mìn, điểm nữa, đây là hướng từ tỉnh đường lên, hướng bất ngờ.
Xong phần chuẩn bị chiến trường, các ông trở lại Kỳ An, báo cáo tình hình, lui vào phía chân núi lên sa bàn tập luyện ba ngày. Xuất quân! Lính đặc công trang bị gọn nhẹ. Mỗi chiến sĩ giắt trong lưng sáu lựu đạn, sáu bộc phá, mang một AK với mấy trăm viên đạn. Đi ba mươi hai người, chia làm hai mũi, Đại đội trưởng Vĩnh chỉ huy chung, Thanh Khối phụ trách mũi thọc sâu, đánh chỉ huy sở. Từ hướng đông nam các chiến sĩ đặc công V16 âm thầm xâm nhập vào bên trong hàng rào. Sau ít phút, tất cả đội hình đã tiếp cận vị trí được phân công.
Đúng giờ G. Thanh Khối ném quả bộc phá hai cân vào chỉ huy sở. Bắn pháo lệnh! Lựu đạn, bộc phá nổ tới tấp. Các chiến sĩ đặc công V16 tấn công vào mục tiêu đã định sẵn như vũ bảo. Trong đêm tối, bọn địch mất phương hướng chống trả, la hét, chạy tán loạn, bị các tay súng đặc công thiện xạ hạ sạch. Chỉ trong vòng 10 phút, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Bảo an, các chiến sĩ V16 khẩn trương thu chiến lợi phẩm, theo lệnh nhanh chóng rút ra phía đông nam. Địch nã pháo tới tấp chặn đường. Pháo trượt hết qua đầu, rơi xuống phía tây, tây bắc. Ta chẳng thiệt hại chi mấy.
Sau trận Chồi Sũng, Tỉnh đội rút Đại đội trưởng Vĩnh về làm Phó Trưởng ban Đặc công, Thanh Khối đảm nhiệm vị trí đại đội trưởng. Ông lại nhận lệnh đi vùng đông Tam Kỳ chuẩn bị chiến trường hạ đồn Núi Cấm.
Cùng các trung đội trưởng Trung và Thành, Thanh Khối vượt đường 1 xuống Kỳ Anh, qua sông Trường Giang đến làng chài Tỉnh Thủy. Ở đó vài hôm, du kích Kỳ Phú lên đón các ông sang Tam Ấp gửi ở nhà bà Tơ, ông Thành. Ông Thành, bà Tơ đưa cả nhóm ra nằm trong ghe nò trên sông Trường. Đến đêm, các ông ngụy trang, bơi ghe sang bờ tây, vượt cánh đồng sát, băng ngang thôn Tư (Phú Quý), lội nổng cát, men mé phía nam thôn Ngọc Mỹ, tiếp cận chân đồn Núi Cấm.
Núi Cấm là cứ điểm cứng nhất án ngữ phía đông nam, cách Tỉnh đường Quảng Tín chừng ba cây số theo đường chim bay. Đỉnh đồi cao độ 75 mét, trên đó địch san bằng xây lô cốt, dựng trại, đóng một tiểu đoàn bộ binh, đặt 3 khẩu pháo 105 và 125 ly... Cứ điểm này là chỗ dựa cho Đại đội Biệt lập của Nguyễn Vĩnh Liệu ở phía Kỳ Trung. Bọn lính biệt lập này thường xuyên hành quân càn quét vùng giải phóng Kỳ Phú, Kỳ Anh gây nhiều tội ác với nhân dân. Còn tiểu đoàn lính cộng hòa này là còn chỗ dựa cho bọn biệt lập tàn bạo. Còn 3 khẩu pháo đó là còn mối họa lớn của dân vùng đông. Dân đang ăn cơm, pháo nã tới chết; dân đang kéo lưới, pháo nã tới chết; dân đang bơi đò, pháo nã tới chết... Cái chết đến với bà con vùng đông Tam Kỳ từng giờ từng phút. Bà con vùng đông nhìn Núi Cấm mà rợn người. Núi Cấm nhô lên giữa vùng cát Kỳ Phú, Kỳ Anh như đầu con quỷ dữ. Phải san bằng cho được cái đồn này.
Các ông Khối, Trung, Thành nằm lỳ tại vùng đông. Chiến trường vùng này vô cùng ác liệt, các ông phải chui rúc lách tránh mỗi khi địch càn tới và tức anh ách khi tận mắt chứng kiến dân mình chết oan mà không thể chiến đấu bảo vệ họ. Không được ra mặt đánh địch, phải bảo toàn tính mạng để thực hiện nhiệm vụ; không được để tình cảm chi phối kế hoạch quan trọng; át chủ bài phải ra quân đúng lúc. Đó là mệnh lệnh, là kỷ luật quân đội. Dẫu có đánh, chắc chi đã được. Sức mạnh của lính đặc công là mật tập, là bí mật bất ngờ chứ đánh chống càn giữa vùng cát trắng, lại chỉ có ba tay súng thì chọi chi nổi cả trung đội, đại đội địch có máy bay, pháo binh yểm trợ. Các ông là quân đội của nhân dân, nhưng ở trong cái thế đó họ đành nuốt nước mắt để mưu cầu việc lớn hơn.
Còn nữa, dân vùng đông rất quý bộ đội, nhưng các ông ở vùng giải phóng mà vẫn “mồ côi dân”. Hàng ngày các ông chỉ tiếp xúc với bà Tơ, ông Thành. Cái khó chịu nhất của người lính làm nhiệm vụ trinh sát đặc công là ở chỗ này. Không được để lộ tung tích, tuyệt mật là một nguyên tắc cốt tử trong lúc đi làm nhiệm vụ. Ở núi lâu ngày rất thèm cá tươi, ông Thành, bà Tơ già rồi không làm biển, chạy chợ được. Nghèo nhưng nhịn miệng nuôi bộ đội. Dân làng thì có thấy mặt các ông đâu mà cho. Về ở sát biển mà ít khi thấy biển, từ đêm này qua đêm khác các ông luôn căng mắt với mìn, hàng rào thép gai và các mục tiêu; ban ngày tranh thủ chợp mắt, ban đêm lại bôi đen người, lẫn vào bóng tối. Rất cô đơn.
Sau hai tháng, khảo sát rất kỹ đường đi nước bước ở các hướng đông - tây - nam - bắc và tất cả mục tiêu, các ông về lại phía tây Tam Kỳ, lên chân núi Dương Ba Đầu tập luyện nhuần nhuyễn mới xuất quân. Các ông Túc, Vĩnh ở Ban đặc công Tỉnh đội về tực tiếp chỉ đạo tập luyện. Trận đánh này rất quan trọng lại phải đưa quân xuống tận vùng sâu, ở đó thế rất cô nên Tỉnh đội phái hẳn ông Vĩnh trực tiếp chỉ huy. Theo kế hoạch, vào trận, ông Vĩnh phụ trách hai trung đội đánh từ hướng tây, tây bắc xuống, ở hướng này có chỉ huy sở và ba khẩu pháo; ông Khối chỉ huy trung đội tăng cường tiểu đội, đánh từ hướng đông, đông nam lên.
Một đêm tối trời của mùa hè năm 1966, toàn quân theo sa bàn đã luyện tập lặng lẽ xâm nhập đồn giặc.
0 giờ 30 phút. Đúng giờ G, mũi ông Vĩnh chỉ huy nổ bộc phá đánh vào sở chỉ huy địch. Hai mũi đồng loạt tấn công. Sau 20 phút, mũi ông Vĩnh gặp ổ đề kháng. Quá nhiều ổ hỏa lực của địch đặt ở hướng đó, mà ta chưa kịp tiêu diệt trong loạt nổ bộc phá đầu tiên. Một khẩu đại liên đặt trong lô cốt nhả đạn như mưa vào phía đội hình mũi ông Vĩnh đang di chuyển đánh các ổ điểm. Chín đồng chí hy sinh, năm sáu đồng chí bị thương, ông Vĩnh chỉ huy đánh quyết liệt nhưng chưa thể hạ được. Từ phía đông, Thanh Khối đánh xốc tới, cho lính bò sát vào cái lô cốt đang nã đạn về phía tây, ném liên tiếp mấy quả lựu đạn vào lòng lô cốt. Khẩu đại liên tắt lịm. Hai mũi cùng đánh xáp tới. Sau hơn một tiếng đồng hồ, các mũi quân tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn lính cộng hòa, phá hủy ba khẩu pháo, thu chiến lợi phẩm, rút lui về hướng đông bắc, qua Ngọc Mỹ, Kim Đới. Tưởng ta lui quân về các thôn Vĩnh Bình, Thạch Tân - tây Kỳ Anh, pháo địch từ Tuần Dưỡng nã tới tấp vào hướng bắc Núi Cấm. Các chiến binh V16 đến bến đò chợ Kim Thành đã 4 giờ sáng. Ghe của dân chờ sẵn đưa toàn quân thẳng ra Bình Hải. Trận đánh thắng lợi nhưng ta cũng hy sinh đến mười mấy đồng chí. Không thể ở vùng đông lâu, tối hôm sau toàn quân băng đường 1, quãng Ngọc Khô, vòng phía đầu trên Bình Quế vào Sơn Cẩm Hà, chỉnh quân, xốc lại đội hình chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.
Truyện ký của PHẠM THÔNG
(Còn nữa)