Chiến công thuộc về nhân dân
"Những chiến công của tôi có được đều mang dấu ấn sâu xa tấm lòng và lý tưởng của mẹ tôi và của biết bao người mẹ ở khắp các miền quê trên đất nước này. Những chiến công tôi kể cho anh nghe, trước tiên thuộc về những người mẹ vĩ đại, thuộc về những đồng chí tiền bối cách mạng, thuộc về đồng đội và nhân dân”. Ông Nguyễn Thanh Khối (hiện ở tại xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành), chiến sĩ đơn vị đặc công V16 Tỉnh đội Quảng Nam năm xưa đã chia sẻ với tôi như thế khi kể về quãng đời trận mạc, trong lần gặp gỡ tại TP.Tam Kỳ.
* *
*
Một ngày đầu mùa hè năm 1958, trong lúc Nguyễn Thanh Khối thả bò ăn dọc theo các chân ruộng hố, có người chạy đến báo tin: “Bọn dân vệ Kỳ Sanh đang lùng sục tìm bắt con trai lớn của bà Về, nhà ở gò Cây Sơn, thôn Tư. Mi có phải con trai bà Về thì trốn đi. Nhanh lên! Nghe nói thằng Nhỏ em mi đã nhảy núi, tụi nó biết nên lùng bắt mi đấy...”. Thanh Khối cầm roi bò, từ thôn Tư băng núi, băng đồng chạy lên xóm Cà Lơ thuộc thôn Tám gặp ông Mai (Tùng), ông Điểu xin theo cách mạng. Ông Mai biết bà Về là đảng viên hồi kháng chiến chín năm, hiện giờ bà cũng là một cơ sở vững vàng. Ông tin ngay, trực tiếp dẫn Thanh Khối lên căn cứ Hố Dứa đề nghị đồng chí Ngô Độ thu nhận bổ sung cho lực lượng cách mạng. Từ đây, Nguyễn Thanh Khối thực sự dấn thân vào cuộc chiến với trùng trùng hiểm nguy, gian khó đang chờ phía trước.
Sau Nghị quyết 15, tiếng súng diệt những tên ác ôn đầu sỏ đã vang lên, tiếp đến là sự kiện giải phóng thôn 10 Kỳ Sanh - Tứ Mỹ. Chiến tranh du kích đã bắt đầu tại vùng bán sơn địa phía tây xã Kỳ Sanh này rồi. Thực sự rèn luyện trong cuộc chiến vũ trang, Thanh Khối từng bước trưởng thành, khả năng quân sự bẩm sinh dần bộc lộ, cấp trên tin cậy giao đảm nhiệm Đội phó Đội công tác xã phụ trách các thôn cánh nam; ông Dôn - Đội trưởng Đội công tác phụ trách chung, đồng thời trực tiếp chỉ huy lực lượng du kích giải phóng các thôn cánh bắc Kỳ Sanh.
Giữa năm 1962, được sự hỗ trợ của bộ đội huyện, Đội công tác Kỳ Sanh từ vùng giải phóng thôn 10 (Tứ Mỹ) tiến về diệt ác phá kìm, phát động nhân dân đứng lên tiếp tục giải phóng các thôn 9, 8, 7, một phần thôn 6 và thôn 3 nằm sâu hơn về phía đồng bằng. Từ đó du kích Kỳ Sanh đã chiến đấu ngoan cường, đánh lui hàng trăm trận càn lớn nhỏ, giằng co, tranh chấp với địch từng gò đất, thửa ruộng, ngọn đồi, làm chủ vùng giải phóng, giữ vững phong trào cách mạng địa phương.
Riêng Nguyễn Thanh Khối đã chỉ huy đội công tác về sau là đội du kích xã bí mật luồn sâu vào vùng địch hậu tiêu diệt nhiều tên ác ôn, thám báo, gián điệp, phản bội… Trong đội du kích Kỳ Sanh có một người tên C. ngầm phản bội, mách báo cho địch bắn pháo trúng đội hình, gây cho ta nhiều tổn thất. Các anh theo dõi hiện tượng khác thường của hắn. Hắn thấy động, bỏ chạy vào vùng địch. Các anh quyết tâm phải bắt sống cho bằng được tên này. Nguyễn Thanh Khối thuyết phục một phụ nữ ở gần nhà tên C. theo dõi. Ông bảo chị ấy: “Khi phát hiện tên C. về nhà một mình, chị đội cái nón lá đi ra cánh đồng phía trước, tôi triển khai tiếp cận nó ngay”. Hàng ngày ông leo lên cây cổ thụ quan sát từ xa. Một hôm ông bắt được tín hiệu, tụt ngay xuống gốc cây nhanh chóng tiến đến nhà tên C. Ông luồn nhanh về phía mục tiêu. Hắn vào sân, nghe động quay ngược lại thấy ông Khối giương súng nhằm thẳng vào người. Hắn tái nhợt, run cầm cập. Ông lệnh: “Đi theo tau! Chạy tau bắn vỡ sọ! Mi về trên đó thành khẩn nhận tội, cách mạng sẽ khoan hồng”. Không có cách nào khác, tên C. phải theo ông Khối lên vùng giải phóng thôn Tám, Kỳ Sanh thú nhận toàn bộ tội lỗi. Bắt được tên C. là trừ khử được một mối họa nguy hiểm. Nhưng, cái lớn hơn là giải đáp được các mối hoài nghi trong nội bộ của ta. Đây là lý do chủ yếu mà Thanh Khối phải trực tiếp bắt cho được tên C. để lấy lời khai.
Cuối năm 1962, Nguyễn Thanh Khối rời Kỳ Sanh về huyện đảm nhận chức Trung đội trưởng Trung đội 20 đặc công, trực thuộc huyện đội. Anh rất lo lắng về nhiệm vụ mới này. Cả huyện chỉ có một trung đội đặc biệt, anh thì chưa qua một khóa tập huấn nghiệp vụ đặc công nào cả. Ông chỉ có thể đánh bằng kinh nghiệm học mót từ người đi trước hoặc từ những cán bộ đặc công của tỉnh, của khu khi trước đây từng dẫn đường cho họ chuẩn bị chiến trường. Cứ thế ông cùng đồng đội vừa xung trận vừa học, vừa sáng tạo những kiểu đánh mang dấu ấn riêng của đơn vị. Về huyện, chiến trường rộng hơn, đánh trận lớn hơn, Nguyễn Thanh Khối liên tiếp lập công. Trung đội do ông chỉ huy phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng xã Kỳ Xuân; đánh cầu An Tân, chia lửa cho Tiểu đoàn 70 diệt gọn đại đội Mỹ đóng ở Núi Thành; đánh Giang đoàn - Hải thuyền gồm 17 chiếc ở Kỳ Hòa... Cuối năm 1965, Nguyễn Thanh Khối dự lớp tập huấn quân sự do Quân khu 5 tổ chức. Ba tháng sau, hoàn thành khóa tập huấn, ông nhận lệnh về đơn vị Đặc công V16 Tỉnh đội Quảng Nam, giữ chức trung đội trưởng.
Về đơn vị mới, tầm hoạt động rộng, quân số đông, huấn luyện bài bản, trang bị vũ khí khá đầy đủ, chiến đấu trên đủ các loại địa hình, Nguyễn Thanh Khối càng có cơ hội phát huy năng khiếu quân sự. Vẫn ý chí kiên cường, vẫn tác phong sâu sát, cẩn trọng, anh cùng lãnh đạo đơn vị tổ chức công đồn, liên tiếp giành chiến thắng vang dội.
Một hôm, ông Vĩnh - Đại đội trưởng giao cho Nguyễn Thanh Khối - Trung đội trưởng Trung đội 1 đi chuẩn bị chiến trường Chồi Sũng.
Chồi Sũng là một ngọn đồi thấp nằm ở thôn 8 Kỳ Thịnh. Từ xóm nhà bà Lãnh, bà Tư ở đầu chợ Cẩm Khê - Kỳ An, ông Khối cùng hai đồng đội băng xuống thôn 6 Kỳ Thịnh, tá túc ở một nhà cơ sở, cách Chối Sũng vài cây số. Hàng đêm, các ông dùng lá khoai lang vắt nước trộn với bù hóng bôi khắp người, bận độc chiếc quần đùi dù bó sát, giắt trong lưng nắm lạt tre, tiếp cận hàng rào, xâm nhập đồn Chồi Sũng. Các ông phải vượt qua bảy lớp rào cùng với bãi mìn dày đặc. Ngoài cùng là rào lò xo, gồm hai lớp bùng nhùng chồng lên nhau, cao quá đầu người. Vượt cái thứ bùng nhùng này là khó nhất. Nằm sát đất trườn tới, lấy lạt buộc các khoanh bùng nhùng tạo thành khe hở, các ông uốn mình bò qua. Mìn dày đất, mò tới đâu cũng cợm, lỡ một tí là toi. Sạch mìn mới tiến hành các thao tác tiếp theo. Cứ thế, từng tí một mò mẫm trong mưa đêm, các ông âm thầm vượt các lớp rào... Vượt hết bảy lớp rào chừng 600m mà hết hai tiếng đồng hồ. Các ông lọt vào phía trong đồn. Nhẹ cả người! Bò, trườn, khom…, từng nấc một, các ông lần tới ghi nhớ địa hình địa vật, ổ hỏa lực, chỉ huy sở, lều bạt, giao thông hào, bốt canh... Một đêm không thể đi hết các khu vực, phải chia hướng để lọt rào tiếp cận cho hết các mục tiêu khác nhau. Điều tối kỵ là để sót mục tiêu, nhất là các ổ đề kháng, sơ hở sẽ gây tổn thất khôn lường, thậm chí thất bại thảm hại. “Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, sứ mệnh của trinh sát đặc công là ở chỗ này đây.
Trở ra theo đường cũ, xóa dấu vết, các ông phải nhớ đã dùng hết bao nhiêu cái lạt tre, ai thiếu một cái là phải mò vào lấy lại cho bằng được. Các ông đi như thế đã bốn đêm, đều trót lọt. Chỉ một đêm nữa là hoàn thành sứ mệnh.
(Còn nữa)
PHẠM THÔNG