Ngày ấy ở Sa Khê

ĐINH VĂN DŨNG 07/09/2015 08:57

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhờ địa bàn nằm gần cánh rừng Hà My hiểm trở, xóm Sa Khê, làng Hà My (cũ), nay thuộc khối phố Tân Khai, phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) là cơ sở hoạt động bí mật, là nơi chở che, nuôi giấu cán bộ từ cấp xã đến tỉnh. Chỉ riêng trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Sa Khê là căn cứ kháng chiến, là chiếc nôi cách mạng của xã Điện Dương và huyện Điện Bàn ngày ấy.

Lược sử

Xóm Sa Khê nằm ở phía tây bắc làng Hà My, xã Điện Dương (cũ), nay thuộc khối phố Tân Khai, phường Điện Dương; phía bắc giáp làng Hà Quảng; phía tây giáp làng Hà Lộc và Gia Lộc; phía nam giáp làng Hà Bản. Sa Khê nằm bên bờ nam của sông Hà Sấu, một đoạn sông hẹp của con sông Cổ Cò đầy trầm tích và huyền thoại.

Ở xóm Sa Khê xưa có khu rừng Hà My cây cối rậm rạp, với nhiều loài chim thú trú ngụ; phía ngoài là dòng sông Hà Sấu bao bọc, với những câu chuyện đẫm đầy huyền thoại, mà bây giờ chỉ còn lưu giữ trong ký ức rời rạc của các cụ cao niên trong làng, trong xóm. Chuyện kể rằng, rừng Hà My có cây sanh cổ thụ 10 người ôm không xuể, có ngôi chùa của làng nằm trong khu rừng liền kề với nhà dân trong xóm. Năm 1965, khi giặc Mỹ đổ quân vào miền Nam, trong đó có Điện Dương, gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho mảnh đất này. Chúng điên cuồng đốt phá nhà cửa, lùa xúc dân vào khu dồn, cày ủi xóm làng, thả bom, rải chất độc hóa học làm cho cánh rừng Hà My xanh ngút ngàn chỉ còn là bãi đất trống mênh mông, hoang vắng. Bao chim thú cũng đã tản mát từ những tháng ngày ác liệt đó.

Vào đời ông Lê Văn Túc (còn gọi là ông Thọ), con ông Lê Văn Thìn, từ xóm tây, làng Hà My lên ngụ cư tại làng Hà Bản. Tại đây, ông Thọ sinh hạ nhiều người con, trong đó có các ông Lê Văn Nên, Lê Văn Lò, Lê Văn Vận. Ông Lê Văn Vận được dân làng Hà Bản cử làm lý trưởng. Sau khi không còn làm lý trưởng, ông Vận đưa cha về ở xóm Sa Khê, được dân làng cử làm lý trưởng làng Hà My.

Trong thời gian cha con ông Thọ ở Hà Bản thì ông Phạm Quang Phước từ xóm Đồng Chè, làng Hà My chuyển lên ở Sa Khê; ngoài ra, còn có ông Phạm Lợi, gốc làng Hà Lộc, là rể của ông Thọ cũng chuyển sang quê vợ sống ở đất Sa Khê. Những người này sau đó đã đề xướng lập nên xóm Sa Khê, gồm 27 gia đình sinh sống bằng nghề nông.

Căn cứ kháng chiến

Cách mạng tháng 8.1945 thành công chưa được bao lâu thì chiến tranh chống thực dân Pháp nổ ra. Sau khi Pháp đổ bộ đánh chiếm Đà Nẵng, tổ chức 3 cánh quân tiến vào Hội An. Cánh quân thứ nhất từ Đà Nẵng theo quốc lộ 1 vào Vĩnh Điện rồi xuống Hội An. Cánh thứ 2 từ Non Nước theo đường xe lửa qua Hòa Hải, Điện Ngọc, Điện Nam xuống Hội An. Cánh thứ 3 theo đường cát ven biển bằng xe bọc thép qua Điện Ngọc, cồn Chờ, Hà My của Điện Dương để đi xuống Cửa Đại, rồi vòng vào Hội An.

Ủy ban Kháng chiến lâm thời làng Hà My ngày ấy đã tổ chức huy động nhân dân Hà My phối hợp với nhân dân làng Hà Quảng đào đắp lũy ngăn giặc từ cồn Chờ, triệt hạ hết rừng dương liễu trồng lâu năm làm cọc ngăn xe bọc thép, làm chậm bước tiến quân của giặc. Đồng thời thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống” đã quyết định đập phá Đình làng Hà My không để cho giặc có nơi trú ngụ. Năm 1948, tổ đảng Sa Khê gồm 12 đảng viên được hình thành, sinh hoạt tại Chi bộ Đàm Mân và cử ông Phạm Dương làm tổ trưởng. Năm tháng sau, ông Phạm Dương được rút lên làm việc ở xã, ông Lê Hồng Châu làm tổ trưởng tổ đảng, vừa làm công tác thanh niên ở xã; sau đó, ông Văn Nho làm tổ trưởng Tổ đảng Sa Khê.

Sau đó, các lực lượng như dân quân tự vệ, thanh niên, mẹ chị cũng đã được thành lập. Tiểu đội dân quân tự vệ xóm Sa Khê có 19 người tuổi từ 18 đến 40, do ông Văn Nho làm Tiểu đội trưởng. Hàng đêm, Tiểu đội dân quân tự vệ phân công tổ 3 - 5 người đi canh gác quanh xóm. Sau đó, trên cơ sở Tiểu đội dân quân tự vệ, Sa Khê thành lập Tiểu đội dân quân du kích, cũng do ông Văn Nho làm Tiểu đội trưởng. Thời gian sau này, Sa Khê hợp nhất với xóm Tây có 2 tiểu đội dân quân tự vệ thành lập Trung đội dân quân du kích do ông Lê Hồng Thị làm Chính trị viên.

Trong thời gian này, Hội Thanh niên cứu quốc xóm Sa Khê cũng được thành lập, hội viên lúc này ngoài lực lượng Tiểu đội dân quân du kích, còn có thêm các chị Phạm Thị Sanh, Phạm Thị Thì, Lê Thị Thiệt, Lê Thị Hương. Bên cạnh việc là lực lượng nòng cốt của dân quân tự vệ, lực lượng thanh niên Sa Khê còn xây dựng được “quỹ thanh niên” với việc khai phá một khu đất hoang khoảng 500m2 thành thổ cư trồng khoai bán lấy tiền gây quỹ hoạt động. Hội mẹ chị Sa Khê gồm các bà Dương, Trí, Ký, Kỹ, Chơi, Tư, Xuân, Dưng, Phát, Chiểu, Khai, Nhiều, Ba Nho, Thích, Thao. Hàng ngày, Hội Mẹ chị chăm sóc, đùm bọc các chiến sĩ du kích, nắm tình hình của địch, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của bom đạn chiến tranh ác liệt.

Có lẽ, do địa bàn Sa Khê có rừng Hà My, có sông Hà Sấu, là vùng đất “địa lợi nhân hòa”, với những tấm lòng thơm thảo, son sắt, thủy chung của người dân Sa Khê với cách mạng, nên Ủy ban Kháng chiến xã và một số cơ quan của Huyện ủy Điện Bàn, Huyện đội Điện Bàn đều chọn mảnh đất Sa Khê đặt cơ quan làm việc, làm nơi giao lưu, quan hệ với tỉnh, huyện, với các xã trong huyện. Đây cũng là nơi đóng quân của một bộ phận Ban Tư lệnh Chiến dịch đông xuân 1952 - 1953 của huyện Điện Bàn, đặt tại nhà bà Kỹ. Ông Lê Hồng Thị đã nảy ra sáng kiến sử dụng chuồng trâu của gia đình để làm hầm cho Ban Tư lệnh ẩn nấp.

Cuộc kháng chiến ngày càng diễn ra khốc liệt, cũng theo đó, lực lượng cách mạng phát triển ngày càng đông đảo, lớn mạnh không ngừng. Cùng với cơ quan kháng chiến của xã đóng tại nhà thờ tộc Lê, cán bộ của huyện, tỉnh chọn Sa Khê làm điểm hoạt động cách mạng mỗi ngày một thêm đông.

(Còn nữa)

ĐINH VĂN DŨNG

ĐINH VĂN DŨNG