Người trộm mộ Trần Cao Vân và Thái Phiên

TẦN HOÀI DẠ VŨ 04/09/2015 09:01

Hai nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã vì yêu nước, mưu cầu việc khởi nghĩa để lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp mà phải lên đoạn đầu đài. Sự hy sinh của hai nhà cách mạng này không người Việt nào là không biết. Nhưng việc bí mật trộm xác của hai nhà yêu nước này thì không phải ai cũng biết.

Trong ngày hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên ra pháp trường (tại An Hoà, phía Bắc kinh thành Huế), có một nữ đồng chí đã bí mật theo dõi; và từ đó, đã luôn quan phòng ngôi mộ của hai nhà yêu nước.

Suốt 9 năm (1916-1925), bà Trương Thị Dương, người làng Tân Điền, phủ Hải Lăng, Quảng Trị, đã luôn nung nấu ý nguyện “trộm hài cốt” của hai chí sĩ đã vì Tổ quốc hy sinh. Bà là đồng chí của hai nhà yêu nước trong Duy tân Hội, thường được gọi là bà Bát Mang, giữ nhiệm vụ giao liên giữa nhà vua và hai nhà cách mạng.

Về việc trộm hài cốt, bà Trương Thị Dương cũng kể lại rõ ràng:

“Ngày mùng 5 tháng 5 năm Ất Sửu (25.6.1925), tôi cùng đứa cháu gọi tôi bằng dì, là Đặng Khánh Di, đến chùa Đại Trung gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh, trị sự chùa. Ông Cảnh giục tôi đi ngay. Ba giờ sáng hôm sau, chúng tôi đi thẳng tới chỗ di hài của hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thù Tỵ, y có người con bị bệnh, nên làm chòi ở ngay bên cạnh mộ, vừa giữ mộ vừa trông con. Tới nơi, tôi cho thằng nhỏ bị bệnh ấy 3 đồng, trả cho Thủ Tỵ 6 đồng, và thuê 5 người nữa cùng với Thủ Tỵ, 24 đồng, nói trớ đó là mộ của ông chú tôi. Hốt hài cốt lên, tôi lấy giấy tinh (loại giấy trắng dùng viết chữ Hán) bỏ vào hai thùng đầy, rồi lánh qua cửa Chánh Tây ngồi đợi. Sau đó, ông Thủ Tỵ bảo phải gánh cốt qua cửa Chánh Tây thì mới trả đủ tiền, vì chỉ mới trả trước 12 đồng. Nhận được hài cốt, tôi trả đủ tiền rồi thuê hai chiếc xe kéo; một chiếc chở tôi và hai hũ hài cốt, một chiếc chở Đặng Khánh Di và Nguyễn Hữu Cảnh. Đến chùa Châu Lâm, tôi đặt hài cốt lên bàn, thắp hương ngồi canh giữ. Đến sáng, tôi nhờ Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tinh; lại thuê gánh nước đến, tôi rửa sạch hài cốt hai cụ. Lúc bị chém, cụ Trần mặc áo vải dù, vải còn dính sát vào cốt. Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm mộ, hết 4 đồng. Ai dè, mới cải táng được 11 ngày thì Thừa Phủ hay tin, phái lính đến canh giữ chặt hai ngôi mộ. Nhờ có người báo tin, qua ông Nguyễn Hữu Cảnh, trị sự tại chùa, tôi thừa lúc đêm khuya, thuê 4 người, đào lên, đem hài cốt hai cụ chôn nơi khác, nhưng để tránh sự dòm ngó, chôn thành một nấm. Ở chỗ mộ cũ, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào giậu trở lại kỹ càng, làm như chưa từng có ai đụng chạm đến”.

Bà Trương Thị Dương đã qua đời ngày 27 tháng 6 năm Đinh Dậu (14.7.1957) tại quê nhà. Còn Hòa thượng chùa Châu Lâm là ai? Trong câu chuyện kể, bà Trương Thị Dương có nhắc đến chùa Châu Lâm, là ngôi chùa nằm ở phía sau núi Ngự Bình. Thật ra, Hòa thượng chùa Châu Lâm, ngôi chùa có mộ hai nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên, cũng là một đồng chí trong Việt Nam Quang Phục Hội. Sau vụ khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại vì cơ mưu bại lộ, người đồng chí trẻ này đã tìm cách ẩn thân nơi cửa Phật; đồng thời làm nhiệm vụ săn sóc ngôi mộ của hai nhà yêu nước.

Là lớp hậu sinh, và là người xứ Quảng, quê hương của cụ Trần Cao Vân, chúng ta nên biết một vài chi tiết quan trọng:

Thứ nhất, bà Trương Thị Dương, do lo sợ người Pháp tìm ra ngôi mộ của hai nhà yêu nước, nên đã cải táng ở một nơi chật hẹp, giữa mồ mả của dân chúng, trong khuôn đất chùa Châu Lâm, vào năm 1925. Phải qua 65 năm, mãi đến năm 1990, ngôi mộ của hai chí sĩ Trần Cao Vân - Thái Phiên mới được dời về trên một ngọn đồi nằm ở phía tay phải chùa Từ Hiếu, và được trùng tu theo tiêu chuẩn “di tích lịch sử”, đẹp đẽ, khang trang. (Năm 2012, chúng tôi đã đi tìm và thắp hương kính bái trước mộ hai nhà yêu nước này, và cũng đã khá vất vả mới tìm ra được mộ, nên thiết tưởng ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cần có bảng chỉ dẫn đường vào mộ hai chí sĩ Trần Cao Vân - Thái Phiên, để những người muốn chiêm bái mộ hai cụ không quá mất công sức tìm kiếm).

Thứ hai, các sách báo xưa nay đều cho rằng hai chí sĩ Trần Cao Vân - Thái Phiên, cùng những người có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, đều là người trong Việt Nam Quang Phục Hội. Sự thực, kế hoạch phò tá vua Duy Tân làm cuộc khởi nghĩa được đưa ra vào năm 1915 và thất bại vào năm 1916. Còn Việt Nam Quang Phục Hội là danh xưng chỉ được đưa ra sau đó một năm, tức năm 1917. Cũng cần nhớ rằng, Duy tân Hội có tiền thân là “Hội Cứu Quốc”, là hội được thành lập năm 1904, tại Nam Thịnh sơn trang của ông Ấm Hàm, tức cụ Tiểu La Nguyễn Thành. Tại cuộc đại hội ở Nam Thịnh sơn trang, cụ Tiểu La đã đưa ra một kế hoạch hành động, được tất cả các nhà yêu nước tham dự đại hội tán đồng. Cụ Phan Bội Châu, trước đó, từ năm 1899 đến năm 1900, đã tạm trú tại nhà thân sinh chí sĩ Võ Bá Hạp, người sau đó đã che giấu để chăm sóc cụ Tăng Bạt Hổ tại nhà, vì cụ Tăng bị bệnh nặng; rồi khi cụ Tăng qua đời, gặp lúc lũ lụt, nên cụ Võ Bá Hạp phải mượn chiếc thuyền của một viên lãnh binh yêu nước để đưa quan tài cụ Tăng Bạt Hổ đi an táng ở gò Côn Kê, ấp Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, mà người Pháp vẫn không hề hay biết. Như thế, cho tới ngày cụ Tăng Bạt Hổ qua đời, cũng chỉ một mình chí sĩ Võ Bá Hạp lo việc hậu sự.  Cái tình của người xưa sao mà nặng! Sau thời gian sống tại nhà thân sinh chí sĩ Võ Bá Hạp, cụ Phan Bội Châu mới vào Thăng Bình (Quảng Nam) tham dự đại hội tại Nam Thịnh sơn trang. Đại hội này đã lập ra  “Hội Cứu Quốc”; rồi năm sau (1905), khi cụ Phan Bội Châu gặp Tôn Trung Sơn ở Nhật, mới đổi tên “Hội Cứu Quốc” thành Duy tân Hội.

Nhân ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, chúng tôi xin nhắc nhớ lại giai thoại này, như một nén tâm hương tưởng niệm anh linh nhà cách mạng đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

TẦN HOÀI DẠ VŨ