Dấu ấn du kích Vũ Hùng

HUY HOÀNG 19/08/2015 08:45

Hàng năm, đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, ông Nguyễn Ngọc Tân (Núi Thành) lại nhắc nhớ về thời điểm lịch sử cùng nhân dân khởi nghĩa của Đội du kích Vũ Hùng.

Theo lời kể của ông Nguyễn Ngọc Tân, phản ứng trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 12.3.1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trên tinh thần đó, tại Quảng Nam, Tỉnh ủy giao cho Phủ ủy Tam Kỳ lo công tác tổ chức thành lập đội du kích. Đêm 4.5.1945, tại nhà một cơ sở cách mạng ở ấp 1 xã Xuân Quang, huyện Tam Kỳ (nay là xã Tam Quang, Núi Thành) đội du kích được thành lập lấy tên Vũ Hùng (“Vũ” - vũ trang, “Hùng” - hùng mạnh). Đội du kích ban đầu gồm 30 người được chọn lựa từ 3 xã để bảo đảm bí mật, do ông Nguyễn Ngọc Tân làm đội trưởng, ông Bùi Xuân Hồng (quê xã Tam Nghĩa) làm đội phó. Thành viên đội du kích được tuyển chọn kỹ càng và giữ bí mật tuyệt đối. Bước đầu toàn đội tập luyện cách sử dụng mã tấu, kiếm trường, đoản côn, trường côn và các thế đâm lê, kết hợp tập ném lựu đạn, bắn súng trường, chờ thời cơ cướp vũ khí giặc để đánh lại giặc.

Ông Nguyễn Ngọc Tân xem lại tài liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh tại nhà riêng.    Ảnh: H.Hoàng
Ông Nguyễn Ngọc Tân xem lại tài liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh tại nhà riêng. Ảnh: H.Hoàng

Từ tổ chức vũ trang ban đầu này đã phát triển đại trà thành nhiều đội du kích, hoạt động trong toàn tỉnh. Những đội du kích này làm nòng cốt trong nhân dân, chờ thời cơ vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền. Đến ngày 15.7.1945, Tỉnh ủy Quảng Nam có lệnh rút 10 thành viên đội du kích đưa đến 4 phủ, huyện ở cánh bắc, gồm Hội An, Hòa Vang, Điện Bàn và Duy Xuyên để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cho các địa phương này. Lúc bấy giờ, Ban bạo động áp sát tỉnh lỵ Hội An với phương châm “lấy nông thôn bao vây thành thị” và tiến hành đợt tuyên truyền, chuẩn bị tư tưởng cho quần chúng nhân dân đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An.

Theo kế hoạch của Tỉnh ủy Quảng Nam, đêm 21 rạng 22.8.1945 toàn tỉnh sẽ đồng loạt khởi nghĩa. Bất ngờ, bọn phản động Quốc dân đảng tại Hội An lợi dụng sự sụp đổ của quân Nhật định cướp chính quyền trước Mặt trận Việt Minh. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ra lệnh đột xuất cho Ban bạo động tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hội An ngay trong đêm 17 rạng ngày 18.8.1945.

Trong khí thế sục sôi và với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ trong tư thế sẵn sàng tiến công đồng loạt, có lực lượng vũ trang tại chỗ mà nòng cốt là Đội du kích Vũ Hùng, lực lượng khởi nghĩa đã uy hiếp các thế lực đối phương, chiếm lĩnh những nơi do bọn tay sai Nhật đồn trú. Lực lượng Ban bạo động tiến chiếm ngay đồn Giám binh, thu toàn bộ vũ khí rồi tiến thẳng đến kho bạc, đồn Công sứ Pháp… Với thế trận hùng mạnh, Ban bạo động đi đến đâu bọn giặc đều khuất phục. Ngay trong ngày 18.8.1945, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên ở tòa sứ tại Hội An. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra nhanh chóng và kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi đập tan chính quyền bù nhìn tại Hội An, Ban bạo động triển khai đồng loạt đến các phủ, huyện trong toàn tỉnh, giành toàn thắng về tay nhân dân. Suốt những ngày trước, trong và sau cuộc tổng khởi nghĩa tại Quảng Nam, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Tân đã chỉ huy Đội du kích Vũ Hùng làm tròn nhiệm vụ do Ban bạo động tỉnh giao phó, góp phần cùng nhân dân giành thắng lợi cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Nam.

Đội trưởng Đội du kích Vũ Hùng năm xưa - ông Nguyễn Ngọc Tân nay đã 90 tuổi đời, hơn 60 tuổi Đảng, vẫn còn khỏe mạnh và đang sinh hoạt tại Chi bộ khối phố 7 thuộc Đảng bộ thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành.

HUY HOÀNG

HUY HOÀNG