Về một chiến sĩ cách mạng
Cách đây khá lâu, ông Đào Ngọc Diêu - Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ cung cấp tư liệu đề nghị chúng tôi viết về ông Nguyễn Bá Tuân, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người tù chính trị bất khuất. Tuy đã có tư liệu nhưng đối với chúng tôi thật sự là quá khó, bởi là người sinh sau đẻ muộn vả lại chưa từng được nghe kể về tấm gương này. Dần dà mãi cho đến khi gặp được các nhân chứng và trên tay có thêm cuốn lịch sử Công an nhân dân TP.Tam Kỳ giai đoạn 1945 - 1983 giúp tôi có đủ cơ sở để viết về con người đã từng sống và xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch.
Ẩn trong lòng địch
Ông Nguyễn Bá Tuân, tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, bí danh Ba, sinh năm 1925 tại thôn An Mỹ, xã Tam An, huyện Tam Kỳ, nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh. Được sự giúp đỡ và dìu dắt của cán bộ cách mạng tiền bối, ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ tháng 9.1945. Tháng 5.1955, cùng với việc sắp xếp lại hệ thống tổ chức đảng, Huyện ủy Tam Kỳ lựa chọn một số cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên để làm công tác giao liên, đồng thời tập trung xây dựng cơ sở cách mạng ở xã Kỳ Hương, nay là phường Tân Thạnh, Tam Kỳ. Theo đó, ông Tuân được cơ sở cách mạng cài vào làm Thư ký Hội đồng, sau đó làm Xã trưởng xã Kỳ Hương. Giữa năm 1962 địch chia tỉnh Quảng Nam thành 2 đơn vị hành chính Quảng Nam và Quảng Tín. Cùng thời gian này quận Tam Kỳ cũng chia thành quận Tam Kỳ và quận Lý Tín. Quận Tam Kỳ được chia làm 3 xã gồm Kỳ Hương, Tam Kỳ và Kỳ Nghĩa, trong đó xã Kỳ Hương do ông Nguyễn Bá Tuân làm xã trưởng. Là địa phương nằm ở trung tâm hành chính tỉnh lỵ Quảng Tín, với lực lượng quân đội hùng mạnh, địch tổ chức canh phòng rất cẩn mật, đồng thời thường xuyên vây ráp uy hiếp tinh thần yêu nước của nhân dân ta, song với sự gan dạ và lòng quả cảm, ông Nguyễn Bá Tuân đã bảo vệ an toàn và tuyệt mật cho cơ sở cách mạng ở Kỳ Hương.
Lúc bấy giờ, thấy ông Tuân làm xã trưởng, không ít người dân tỏ ra căm ghét, nhưng đối với cơ sở thì đây là một trong những chiến sĩ cách mạng kiên trung, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng của ta tổ chức thành công nhiều vụ thủ tiêu ác ôn, làm cho quân địch hoang mang. Ông Trần Chí Thành - nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ kể: “Giữa tháng 10.1966, tôi được đồng chí Đỗ Thế Chấp phân công theo dõi, mai phục tiêu diệt những tên gián điệp làm cho Pháp nay tiếp tục làm việc cho Mỹ, đang ở tại xã Kỳ Hương. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và đồng đội. Qua thời gian điều tra và nghiên cứu, tôi quyết định phân công đồng chí Nguyễn Bá Tuân - Xã trưởng Kỳ Hương cho lính nghĩa quân ra canh gác ở đoạn đường từ trung tâm hành chính tỉnh lỵ xuống tới ấp Đoan Trai. Đồng thời phân công một số đồng chí khác ở cơ sở, trong đó có Huỳnh Hoài - Trung đội trưởng nghĩa quân xã Kỳ Hương đưa quân xuống đóng ở ấp Phương Hòa để bảo vệ hành lang và phân công Nguyễn D. dùng ô tô đi tuần tiễu trên trục đường trước khu vực tỉnh đường để đánh lạc hướng của địch. Bố trí lực lượng xong, tối 21.10.1966, tôi cùng đội công tác xuống nằm ở Phương Hòa (căn cứ “lõm” của Ban an ninh thị xã), cùng lực lượng nhanh chóng tiêu diệt tên Bắt và bắt sống tên Thư ngay lại nhà riêng. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, cùng với nhiều lực lượng, nhất là hệ thống điệp báo, chúng ta đã bắt sống tên tình báo đầu sỏ và diệt tên cảnh sát ác ôn trong khi xe tăng và bộ binh ngụy án ngự ở hầu khắp các ngã tư đường và kiểm tra gắt gao người ra vào thị xã”…
Một lòng với cách mạng
Đầu năm 1959, Trung ương Đảng ra nghị quyết khẳng định “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Trên cơ sở đó, Huyện ủy Tam Kỳ tập trung xây dựng cơ sở cách mạng ở xã Kỳ Hương theo phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”. Nhưng do có kẻ bị chiêu hồi phản bội, cơ sở cách mạng bị bại lộ, ông Nguyễn Bá Tuân bị địch bắt vào chiều tối 5.2.1970. Biết không thoát được, ông Tuân dùng dao bấm thủ sẵn trong người để tự sát nhưng địch phát hiện, kịp thời cứu chữa. Hành động gan dạ ấy làm cho địch càng thêm tức tối. Chúng đánh đập ông dã man và đưa đi giam cầm ở nhiều nhà tù khác nhau trên dải đất miền Nam, và điểm đến cuối cùng là Côn Đảo. Trong những năm bị giam cầm tại Côn Đảo, mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn, đánh đập nhưng ông Tuân vẫn kiên quyết chống chào cờ địch, không hô khẩu hiệu phản động, chống lao động khổ sai, đồng thời tích cực bắt liên lạc để tổ chức hoạt động cách mạng trong tù. Năm 1973, ông Tuân được trả tự do tại Lộc Ninh.
Tháng 2.1974 ông về quê nhà, được tổ chức tiếp nhận và bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Thanh niên nội trú Quảng Nam, sau đó điều về công tác tại Ty Giáo dục tỉnh, phụ trách công tác bổ túc văn hóa. Tháng 10.1974, ông được đề bạt giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tam Kỳ, hai tháng sau được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ khối Tổ chức - tuyên huấn Huyện ủy Tam Kỳ. Nghỉ hưu từ tháng 8.1987, thay vì dành thời gian nghỉ ngơi, với tấm lòng vì quê hương và với trách nhiệm của người đảng viên, ông tiếp tục tham gia công tác địa phương từ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đến Chủ tịch Hội Người cao tuổi và nhiều công việc khác ở địa phương.
Ghi nhận công lao đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Hai, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng khác.
Năm 2001, ông Nguyễn Bá Tuân qua đời do tai nạn giao thông. Để thay lời kết cho bài viết này, chúng tôi xin trích đoạn điếu văn do ông Huỳnh Văn Bình - Bí thư Đảng ủy phường Tân Thạnh trình bày tại buổi lễ truy điệu tiễn đưa ông Nguyễn Bá Tuân về nơi an nghỉ cuối cùng: “Cả cuộc đời, sống, chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, mặc dù môi trường hoạt động rất khó khăn nhưng trái tim đồng chí vẫn đầy nhiệt huyết, lập trường, tư tưởng vững chắc, vẫn một lòng trung thành với Đảng. Sau hòa bình, lại hết lòng dốc sức phục vụ nhân dân. Nay đồng chí mất đi, Đảng bộ và nhân dân phường Tân Thạnh thực sự mất một người cán bộ suốt đời trung với Đảng, hiếu với dân. Hội Người cao tuổi mất một người đồng chí, một người anh, người bạn rất chân thành, mẫu mực và đầy trách nhiệm. Gia đình mất đi một người em, người cha, người ông thân yêu và chuẩn mực. Bạn bè, hàng xóm mất đi một người thân thiết và vô cùng kính mến”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC