May, còn đứa con nuôi!

Ký của HỒ DUY LỆ 19/07/2015 09:15

Được tin Huỳnh Quang Mãi hy sinh ngoài đảo Phú Quốc còn người em tên là Sáu, tôi đi Việt An. Chợ Việt An nhiều người biết Sáu với biệt danh Sáu Xe. Bà con còn biết Sáu là Phó Bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Việt An. Nhìn Sáu - một trung niên tầm thước, đầu tóc hớt carê, tóc đen điểm sợi trắng, tôi hình dung vóc dáng Huỳnh Quang Mãi qua lời kể của bạn tù của Mãi. Trông người chắc nịch vậy mà, nhắc đến anh Ba Mãi thì Sáu rớm rớm nước mắt.

Tâm nguyện của anh Sáu là dành tiền có dịp ra Phú Quốc thắp cho anh Ba Mãi nén hương. Trong ảnh: Nghĩa trang Phú Quốc. Ảnh: internet
Tâm nguyện của anh Sáu là dành tiền có dịp ra Phú Quốc thắp cho anh Ba Mãi nén hương. Trong ảnh: Nghĩa trang Phú Quốc. Ảnh: internet

Khi ở trong tù, anh Ba Mãi từng nói với bạn tù anh có người em tên là Huỳnh Quang Chung. Thời đánh giặc Pháp, xã Thăng Phước thuộc huyện Thăng Bình, thời đánh Mỹ thuộc huyện Quế Tiên, sau hòa bình một thời gian thuộc huyện Hiệp Đức. Sau ngày 30.4.1975, một số anh em ở đảo cùng nhau về Thăng Phước, huyện Quế Tiên tìm thăm người thân của Huỳnh Quang Mãi, tìm người tên là Chung thì không ai biết, huyện, xã cũng không thấy ai có tên Huỳnh Quang Chung, từ đó biệt tin về  Chung và Mãi cho đến khi Sáu tìm về nơi chôn nhau...  

Tháng 7.1963, địch mở chiến dịch Bình Châu, kéo dài cả tháng trời, bom pháo tơi bời, dồn dân vào 13 khu dồn để kìm kẹp, không cho quân giải phóng có điều kiện tiếp cận dân. Trong một trận chống địch càn vào làng, một số chiến sĩ du kích xã Thăng Phước hy sinh. Huỳnh Quang Mãi bị địch bắt, đưa về giam ở nhà tù Non Nước. Ngày 19.5.1971, từ nhà giam tù binh Nước Mặn - Non Nước - Đà Nẵng, chúng còng từng ba anh em tù binh vào một chùm, tống lên một chiếc GMC, cho xe chạy vào miệng chiếc tàu thủy của Hải quân Mỹ đậu ở cảng Tiên Sa, tống anh em xuống sàn tàu, cùng trong một phòng kín bưng. Nằm trên sàn tàu, vẫn bị còng, năm ngày đêm lênh đênh trên biển say mềm, nôn mật xanh, mật vàng. Khi cập cảng Phú Quốc, sóng mạnh, tàu không vào sát bến được, chúng cho sà lan kè vào sát thành tàu, đẩy anh em tù lên sà lan chở vào và đẩy lên bờ, anh em đói, say sóng trông như xác chết đuối. Vừa lên bờ, gặp ngay mấy tên trật tự trông bặm trợn đứng đón, chỉ hai con đường trước mặt anh em chọn: Ai chiêu hồi, vào trại giam theo quốc gia, cũng bị đánh, nhưng đánh ít, ai không chịu chiêu hồi, bị đánh tới tấp, vào trại giam cộng sản. Một tên trật tự, có lẽ là thủ lĩnh trong bọn đe: Đây là Phú Quốc, không phải đất liền. Liệu hồn nghe các con!

 Trong một cuộc đấu tranh kiên cường, Mãi bị đá, đạp rồi bị tống vào hầm đá, bị sưng bóng đái chết...

Tôi đi cùng Sáu về làng Phú Toản để tìm khu vườn của ông nội Sáu và để gặp, nói chuyện với các anh ở Đảng ủy xã Thăng Phước, hy vọng biết thêm đôi điều về những ngày gian khổ, ác liệt ở vùng đất này. Ngày ấy Mỹ hạ trực thăng xuống làng Phú Toản xã Thăng Phước xúc hết mười mấy hộ dân bám trụ, đổ xuống Ngã ba Phú Bình, cách chợ Việt An 6 cây số. Trong số gia đình kiên cường bám trụ đó có ông cháu Huỳnh Quang Đó. Trực thăng bắn rocket, Mỹ lết, xe tăng chà, tàu rà bắn trái khói, vậy mà dân Phú Toản vẫn kiên cường bám làng để du kích có chỗ dựa. Ông Huỳnh Quang Đó làm ăn đóng góp nuôi cán bộ, bộ đội; các con ông là cán bộ, là du kích; các cháu của ông, cả cháu nội và cháu ngoại đều mồ côi cha mẹ. Sau khi cho bớt hai thằng cháu ngoại mồ côi là Quyền và Ba, ông dắt thằng Sáu - cháu trai duy nhất còn sống sót xuống chợ Việt An kiếm việc làm nuôi thân và nuôi cháu. Phải giữ cháu nên kiếm được việc làm không dễ, ông Huỳnh Quang Đó đành lòng cho cháu. Sau hai lần cho người ta, thằng Sáu đều trốn về bên ông nội. Lần thứ ba, ông Huỳnh Quang Đó dắt thằng Sáu đến gần chợ Việt An thì gặp Trần Ngụy - Xã trưởng xã Quế Thọ. Gọi ông Đó bằng cậu, Xã trưởng Trần Ngụy nói cho ai nuôi thằng Sáu thì sẽ nhận ông Đó ở giữ trâu. Đang trong tình thế khó xử thì bà Sáu Có xuất hiện. Bà Sáu Có đồng ý nuôi thằng Sáu. Nhà cạnh chợ Việt An, bà Sáu Có mở quán bán cơm cho khách và nhận nấu cơm cho lính và sẵn sàng nhận nuôi con trẻ bị mất cha mẹ vì bom đạn. Để không ai làm rầy rà sau này, nhân có mấy người lính ở đồn Cao Lao ra quán ăn cơm, bà Sáu Có nhờ lính viết giùm ông Huỳnh Quang Đó cái giấy cho cháu. Từ nhà Xã trưởng Trần Ngụy đến nhà bà Sáu Có chưa đầy cây số, ông Đó thuyết phục thằng Sáu nghe lời ở với bà Sáu Có, khi mô nhớ ông nội thì xin bà Sáu Có chạy lên thăm ông nội.

  Sáu kể, khi anh Ba bị bắt biệt tăm thì chị Bốn rồi anh Năm, người bị bom chết, người bị pháo chết, rồi cha chết, rồi mẹ chết. Không chịu ở trong khu dồn, ông nội không kham nổi ba đứa cháu mồ côi đành đem cho người ta. Nhận em thì mẹ nuôi đặt tên khai sinh cho là Huỳnh Minh Nuôi để có điều kiện cho em đi học. Sáu không tài nào hình dung ra gương mặt của cha. Nhắc đến mẹ, các anh chị, Sáu ứa nước mắt, nghẹn lời và cũng không tài nào hình dung ra khuôn mặt của mẹ, của anh, của chị. Không ai có một tấm ảnh! Sáu chỉ nhớ hai lần gặp ông nội. Lần đầu là hôm ông nội thả bầy trâu ở cánh đồng gần đường, thấy Sáu, ông nội lại ôm Sáu rồi dẫn Sáu xuống quán bà Sửu mua cho Sáu hai viên bi chai. Lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng thấy ông nội vác cây chuối sứ đi ngang qua. Sáu ôm ông nội, ông nội đưa cho Sáu hai chục đồng tiền kên.

Sau ngày giải phóng năm 1975, bấy giờ Sáu đã mười một tuổi thì, một hôm  mẹ lục trong rương lấy đưa cái giấy của ông nội cho em xem. Từ cái giấy ủy quyền của ông nội, em biết quê quán Thăng Phước. Em xin mẹ nuôi cho về quê tìm người thân thì mẹ nuôi nói người thân của em kẻ hy sinh, người chết còn ai đâu về tìm. Rồi một hôm, nghe người ta nói số bà con ra chợ Việt An nhận gạo cứu đói đó là dân trong Bình Huề, Phú Toản..., em lần mò hỏi thăm đường thì mẹ nuôi để em về quê. Từ chợ Việt An vào đến Phú Toản hơn 16 cây số. Ngày ấy đường đất còn hục hang, lên đồi, lội suối, cỏ gai, vậy mà em chân đất lội bộ về tìm quê chôn nhau, tìm người thân. Em hỏi thì người trong làng nói đúng là cháu ông Đó thì là con của ông Huỳnh Quang Đức và bà Trần Thị Chè. Như vậy, Sáu còn người chú ruột là Huỳnh Quang Minh và hai người cô ruột là Huỳnh Thị Ngộ (bà Ngộ được phong Mẹ Việt Nam Anh hùng) và Huỳnh Thị Sáu. Cô chú, bà con rất mừng, nói rằng, tưởng tiệt nòi, may, còn đứa con nuôi của bà Sáu Có mà ông Đức, bà Chè còn có người lo thờ tự, cúng giỗ. Một điều may mắn và vui là khi anh Nguyễn Mậu Kha - một bạn tù của anh Mãi sau ngày hòa bình làm Trưởng phòng Thương binh huyện Quế Sơn tìm gặp em và cho em biết anh đã làm liệt sĩ cho anh Mãi và giao bằng Liệt sĩ Huỳnh Quang Mãi cho em thờ. Ngày 6.10.1978, ông Lâm Sơn Ca, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình ký giấy chứng nhận liệt sĩ và gia đình liệt sĩ cho Huỳnh Quang Mãi, nguyên quán xã Thăng Phước, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Bằng liệt sĩ ghi: Huỳnh Quang Mãi tham gia công tác cách mạng tháng 10.1964, là cán bộ Giao bưu Huyện ủy Thăng Bình. Hy sinh tại nhà lao Phú Quốc ngày 15.8.1971.

 - Em lấy ngày nào giỗ cho anh Ba?  Theo các anh bạn tù của anh Ba thì anh Ba hy sinh trong đợt đấu tranh quyết liệt diễn ra từ ngày 27.5.1971. Nhưng cha mẹ, anh chị đều không còn, không ai nhớ chết khi nào, nên em lấy ngày mất của cha làm ngày giỗ chung cho cha mẹ, anh chị.

 - Làm sao em biết ngày cha chết mà làm giỗ?

- Theo cô, chú và các vị cán bộ cách mạng của xã Thăng Phước thì, hôm ấy là rằm tháng Mười, mẹ em cúng rằm, mang đồ cúng vào khe cho cha và các đồng chí của cha cùng chống càn trong khe. Bọn thám báo bám theo chân mẹ, phát hiện ra chỗ cha ẩn núp báo cho lính vào bao vây bắn chết cha, cậu Chát và một số đồng chí của cha. Còn mẹ em? Sau đó thì mẹ em cũng chết. Theo mợ Chát, hôm ấy mẹ em đang nấu cháo bắp cho du kích ăn, mẹ cùng ăn để đi làm chiều thì bị tàu rọ bắn, một du kích bị thương, mẹ bị viên đạn xuyên hông. Em lấy ngày rằm tháng Mười hàng năm làm giỗ.

 Xã trưởng Trần Ngụy đưa gia đình xuống Cẩm Hà, Hội An, vì vậy ông Huỳnh Quang Đó cũng phải lùa hai con trâu của xã trưởng theo xuống Cẩm Hà.  Sáu nghe kể lại, ông nội lùa trâu đi ăn thì vấp mìn, cả con trâu và ông nội đều chết. Đã hai lần Sáu xuống nơi từng có khu dồn Cẩm Hà, gần khu vực gạch - gốm Cẩm Hà - nơi ông nội và trâu bị mìn, tìm xác ông nội, nhưng chỉ gặp gạch bể, xương trâu, xương bò, cỏ dại, thép gai và đất đen...

Gặp lại, Sáu cho biết hai con trai đã có việc làm. Tròn 50 tuổi, Sáu vừa hoàn chỉnh lý lịch bản thân và gia đình. Hiệp Đức - Quế Tiên - Thăng Bình là quê hương thân yêu của gia đình Sáu. Mừng hơn là nâng cấp được ngôi nhà mẹ nuôi để lại, chuyển quầy bán cơm bình dân - nguyên là cái quán cơm sinh thời mẹ nuôi Lý Thị Có từng bán để nuôi bầy 6 đứa con nuôi - thành quầy bán phụ tùng dân dụng. Nay có chỗ trang nghiêm thờ cúng cha, thờ hai người mẹ, ba anh chị và ông bà. Mai Thị Nga vợ Sáu đưa dãy số: D3 - H12- M4 và giải thích là dãy 3, hàng 12, mộ số 4 - là mộ anh Huỳnh Quang Mãi. Nga nói thật lòng: Tâm nguyện của hai vợ chồng là dành tiền có dịp ra Phú Quốc thắp cho anh Ba Mãi nén hương!

Ký của HỒ DUY LỆ

Ký của HỒ DUY LỆ