Những người dẫn đường
Trận đánh thần tốc của Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) và Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 bộ binh đã nhanh chóng giải phóng Tam Kỳ, làm bàn đạp để quân ta tiến công mở rộng chiến trường, góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975. Để có được chiến công đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của những người dẫn đường.
Sau khi giải phóng huyện lỵ Tiên Phước (ngày 10.3.1975) Thường vụ Thị ủy Tam Kỳ, lúc bấy giờ đóng ở thôn 1, xã Kỳ Quế đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp phân công các thành viên trong đội công tác về các địa phương nội ô thị xã để nắm tình hình địch cũng như tàn quân tập trung về thị xã. Trong thời gian này, thành viên của các đội công tác bám cơ sở tăng cường rải truyền đơn, trong đó có thư kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gửi sĩ quan, binh lính, cảnh sát trong quân đội Sài Gòn nhằm tuyên truyền gây hoang mang trong lực lượng địch. Các đội công tác còn phối hợp tấn công tiêu diệt trận địa pháo Nổng Thị (Núi Cấm), đánh sập đầu cầu Kỳ Phú, đánh bứt đồn biệt lập 40, đồn Kỳ Trung, giải phóng các xã vùng đông Tam Kỳ vào đêm 21.3.1975, cắt đứt đường rút lui của địch ra biển, khép chặt tỉnh lỵ Quảng Tín trong vòng vây của ta.
Quân giải phóng làm chủ hoàn toàn từ cầu Tam Kỳ đến bến xe lúc 10 giờ ngày 24.3.1075.Ảnh tư liệu |
Huyện lỵ Tiên Phước thất thủ, tàn quân địch kéo về thị xã Tam Kỳ ngày càng đông, cùng lực lượng tại chỗ phối hợp với quân tăng viện của Trung đoàn 4 Việt Nam cộng hòa và biệt động quân tạo thành vành đai bảo vệ tỉnh đường Quảng Tín. Trước tình hình đó, chiều 22.3 Ban Thường vụ Thị ủy Tam Kỳ và Ban Chỉ huy Trung đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2 bộ binh tổ chức cuộc họp thông qua chủ trương và phương án giải phóng thị xã. Sau đó, Thường vụ Thị ủy phân công 7 thành viên trong các đội công tác làm nhiệm vụ dẫn đường cho Trung đoàn Ba Gia vào giải phóng Tam Kỳ theo 3 mũi. Trong đó, các ông Nguyễn Anh - đội viên đội công tác phường 3, Nguyễn Văn Tâm - đội viên đội công tác phường 2 dẫn đường mũi 1 xuất kích từ hướng Kỳ Bích xuống ngã ba Hòn Tháp để tiến về cầu Tam Kỳ. Các ông Dương Thanh Xuân - cán bộ đội công tác phường 2, Nguyễn Hành - đội viên đội công tác phường 3 dẫn đường mũi 2 với yêu cầu đặt ra là đưa đơn vị có mặt tại ngã ba Trường Xuân trước 5 giờ sáng ngày 24.3.1975 để hợp đồng tác chiến. Các ông Trần Phú Ninh, Trần Công Định và Nguyễn Hoàng dẫn đường mũi 3, xuất kích xuống phía tây sân bay Ngọc Bích, hội quân tại ngã ba Trường Xuân đánh thẳng xuống Tỉnh đường Quảng Tín.
Ông Dương Thanh Xuân - nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, nguyên cán bộ đội công tác phường 2, thị xã Tam Kỳ kể lại, sau khi nhận nhiệm vụ do Thường vụ Thị ủy phân công, các mũi tập trung tại khu vực Vườn Rừng của nhà ông Biên ở thôn 6, xã Kỳ Trà lúc 15 giờ 30 phút ngày 23.3. Mũi 1 và mũi 2 hành quân trước, hướng đi từ thôn 6 xuống thôn 7, xã Kỳ Trà vượt qua phía nam của đèo Dài (nằm cách cửa xả lũ Tam Xuân hiện nay khoảng 150m). Tại đây, 2 mũi tách ra, trong đó mũi 1 do các ông Nguyễn Anh và Nguyễn Văn Tâm dẫn đường đi về hướng nam đồn Trà Quân để tiến quân qua khu vực đồn Bích An về đường sắt xuống ngã ba Hòn Tháp. Mũi 2 do ông Xuân và ông Nguyễn Hành dẫn đường đi về hướng tây, băng qua sông Tam Kỳ để về thôn Phú Ninh cách đồn Ông Chỉ khoảng 300m xuống cầu Bà Ngôn đi về phía đồng ruộng của thôn Đồng Sim (Tam Ngọc ngày nay), cắt trục đường 616, chiếm mục tiêu ngã ba Trường Xuân lúc 4 giờ 30 phút ngày 24.3, trước thời gian quy định 30 phút. Phân công 1 đại đội ở lại chốt giữ ngã ba Trường Xuân nhằm không cho địch tăng viện cũng như không cho địch rút quân về nội ô thị xã, lực lượng còn lại kéo quân về đánh sân bay Ngọc Bích. Lúc bấy giờ sân bay Ngọc Bích có một đại đội bảo vệ thường trực, một tiểu đoàn cộng hòa tăng cường cùng với 6 xe tăng yểm trợ, trong khi đó quân ta chỉ có 2 đại đội. Do không cân sức cho nên trận đánh kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ quân ta mới chiếm được sân bay. Cùng thời gian này, mũi 1 với sự dẫn đường của các đội viên đội công tác đã xuất kích từ Kỳ Bích xuống ngã ba Hòn Tháp, Kỳ Hưng, đánh chiếm cầu Tam Kỳ, Trung tâm Huấn luyện ngụy, Chi khu Quân cảnh, Bộ Chỉ huy Trung đoàn 4 ngụy.
Đại đội 15 công binh Trung đoàn Ba Gia khắc phục ngầm sông Kỳ Trà để xe tăng đánh chiếm Tam Kỳ ngày 24.3. |
Sân bay Ngọc Bích, cầu Tam Kỳ, Trung tâm Huấn luyện và một số cơ quan khác bị thất thủ làm cho binh lính địch hoảng loạn tháo chạy. Thừa thắng xông lên, vào lúc 8 giờ ngày 24.3.1975 quân ta làm chủ hoàn toàn từ cầu Tam Kỳ đến ngã ba Duy Tân. Cùng lúc này các mũi tiến công của Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 từ núi Trà Cai, ngã ba Kỳ Lý đánh vào cùng với các mũi tiến công từ hướng đông của Tiểu đoàn 72 (Tỉnh đội Quảng Nam), và các mũi tiến công của Trung đoàn Ba Gia theo 3 hướng giáp công tiến đánh vào trung tâm đầu não của địch. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 24.3.1975 thị xã Tam Kỳ được hoàn toàn giải phóng, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tỉnh đường Quảng Tín.
Những người dẫn đường năm xưa, nay người còn người mất, người nhớ người quên, nhưng hình ảnh những người dẫn đường cho đoàn quân bách chiến bách thắng thẳng tiến vào giải phóng thị xã Tam Kỳ vẫn còn đó. Họ là những tấm gương anh dũng để giáo dục truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC