Những đứa con của biển
Con Liễu, thằng Cát nhìn lớp lớp anh chị ra đi, ức lắm. Chúng nó vận động bọn đồng trang lứa “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, nhưng trong thâm tâm lại nghĩ ta phải làm việc của người lớn. Thằng Cát mất chân cứu thương, vì chú ruột sợ hắn chết. Không chịu lép, hắn hằm hè bàn tính với chị Liễu chuyện tòng quân. Ngặt một nỗi, chị em Cát chỉ cao hơn khẩu súng K44 của mấy ông du kích tròm trèm hai gang tay. Ai mà cho chúng nó đi. Ai dám thu nhận chúng nó. Đi kháng chiến chứ đâu phải đi chơi mà thu nhận trẻ con.
Hai đứa bồng bột, lì lợm không để ý đến suy nghĩ và lo ngại của người lớn. Liễu rủ Cát âm thầm chuẩn bị võng, dây dù, dép su, thuốc ký ninh bọc đường chống sốt rét, lon ghi-gô đựng lương khô, ba lô, ruột tượng gạo... Một hôm, có cán bộ của Quân khu 5 về tuyển quân, hai chị em Cát đột ngột xin mẹ, ông bà ngoại thoát ly. Gần một tháng nay, bà Thẩm đã để ý hành động khác thường của các con. Thằng Cát lơ là việc liên đội, hắn rủ chị đi kéo lưới quác, cào nghêu kiếm tiền dùng cho việc gì đó…, bà đâm nghi tìm hiểu nên không bất ngờ khi các con xin thoát ly. Nhưng một điều làm bà thắt ruột, chúng nó vừa van xin, vừa buộc mẹ phải gặp ông Tuân, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng xã Thanh Kỳ đăng ký cho tụi nó tòng quân. Hắn bắt mẹ làm cái việc tự nguyện đưa con ra mặt trận. Chao ôi, làm sao chúng nó hiểu hết tâm trạng của mẹ. Chẳng thà chúng trốn đi, có nhớ có thương thì đành chịu, lâu ngày rồi cũng quen. Đằng này buộc mẹ phải làm chuyện quá bất đắc dĩ. Dù có yêu nước đến đâu cũng hiếm có người mẹ phải hành động như đẩy một lần hai đứa con chưa đủ lớn ra trận. Bà Thẩm chưa biết nói với hai đứa con như thế nào, ông ngoại Dõng đã quát tháo:
- Thằng Cát mới mười bốn, con Liễu mười sáu tuổi, ngó như hai con mèo con mà đòi đi đâu. Kháng chiến đâu chỉ có tinh thần. Mà dù tinh thần thì hai đứa bay đã biết được những gì. Sức vóc của các con làm sao đi bộ năm bảy ngày, có khi cả tháng trời. Núi non, ghềnh thác trùng trùng, đói đau dữ lắm. Hồi kháng chiến chín năm, cậu Năm, chú Sáu tụi bay nằm núi sốt rét chịu không nổi, suýt chết, đơn vị phải cho về quê nửa năm mới lại sức. Mấy đứa đi dân công chỉ vài tháng, trở về có thằng đau trọc đầu, bỏ lưới bỏ mành. Các con không thấy mấy chú bộ đội về làng mình cõng mắm lên chiến khu hả. Nhiều chú cõng hai thùng, cả đồ đạc, gạo ăn có đến sáu chục cân. Thế mà phải đi ban đêm vượt đường 1, rồi cõng về tới Trà My, đi bộ mất mấy ngày. Gian khổ lắm các con ơi. Còn nữa, đi cũng bom đạn, ở nhà cũng bom đạn, nhưng ở nhà còn có ông bà, mẹ, quan trọng hơn là có hầm để trốn. Còn các con đi rồi thì phải mang vác trên đường, biết sống chết giờ nào. Kháng chiến phải hy sinh, tau rất biết điều đó, nhưng ai bảo trẻ con kháng chiến, trẻ con phải hy sinh thay người lớn. Người ta bảo tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Các con đi như vậy có đủ sức theo không đấy, nghĩ lại mà coi, không khéo làm của nợ cho người lớn. Liệu sức mà làm, chứ lên trên đó chịu không nổi bỏ chạy về, mang tiếng mẹ bây.
Tối hôm ấy bà Thẩm nằm tỉ tê với hai con:
- Mẹ biết các con có tinh thần, nhưng còn bé bỏng lắm, các con đi mẹ ngó theo sao đành. Huống chi mẹ lại phải nói với ông Tuân, xin cho các con đi. Xưa rày cũng có vài đứa ngang lứa với các con lên núi. Nhưng không phải lên để làm công tác, họ đưa tụi nó ra miền Bắc đào tạo. Gia đình mình chưa có tiêu chuẩn đó đâu. Mẹ nghe nói có đứa không đi bộ thấu đất Bắc, quá yếu sức, rơi rụng dọc Trường Sơn. Các con ráng ở nhà vài năm nữa, trộng xác, cứng cáp hơn tí nữa, mẹ sẽ cho đi. Ra đi cũng phải khí thế chứ. Ông Tuân hay đến ăn cơm nhà mình, ổng lạ chi hai đứa, sẽ không đồng ý đâu.
Thằng Cát, con Liễu không đủ lý lẽ để thưa với mẹ và ông ngoại. Chúng nó khóc hu hu đòi đi cho bằng được.
Con Liễu vừa khóc vừa nói:
- Người lớn cho hai chị em con bồng bột, thấy người ta mang ba lô lên đường, tưởng như vậy là ngon lắm, chạy theo chứ biết chi. Họ đã nghĩ vậy thì tụi con quyết đi cho bằng được. Bọn con đã đi là phải đến đích, không bỏ chạy về như ông ngoại nói khi chiều. Con biết mẹ, ông ngoại thương và lo cho tụi con. Con xin mẹ hiểu, chúng con biết mình phải làm gì trong hoàn cảnh đất nước thế này. Cách gì tụi con cũng bám theo mấy chú về tuyển quân. Hai đứa tính rồi, hôm nào có đợt tòng quân con với Cát lên bến Lội Mỹ Cang, chờ đoàn tòng quân lên là bu theo, qua được đường 1, họ không thể đuổi tụi con quay lui, buộc thế phải để tụi con lên luôn vùng giải phóng Kỳ Thịnh. Lên đến đó sẽ tính tiếp. Mẹ nói với ông Tuân trước, chứ để tụi con làm vậy thì các ổng khó xử. Hơn nữa nếu tụi con đi theo cách không chính thức như thế, lúc đầu có thể sẽ bơ vơ. Mẹ có muốn tụi con như vậy không.
Thằng Cát lên tiếng, cộc lốc:
- Chị Ba nói đúng đấy. Hai chị em con sẽ làm như vậy.
Bà Thẩm không thể cản, đành làm thinh đi mua gà, hớt nước mắm đứng, làm lương khô cho hai đứa có cái ăn trong những ngày đầu.
Bà Thẩm nói cứng với tụi nó, chứ mấy hôm trước bà đã xin ông Tuân - Bí thư xã Thanh Kỳ có đợt nào lấy người mà hợp với sức của tụi nó thì cho chúng nó đi. Sáng nay bà đi họp phụ nữ thôn, ông Tuân đến nhà thông báo cho hai đứa theo ổng lên Kỳ Thịnh để đưa đi đào tạo một lớp chi đó ở chiến khu. Thời ni, ở vùng giải phóng mà thiếu niên học đến đệ thất đệ ngũ cũng hiếm, dù sao hai đứa cũng có học chút ít so với bọn trẻ cùng trang lứa. Có rất nhiều công việc của cách mạng cần người có chữ, về lâu về dài hai đứa ni có thể đáp ứng được. Chiến tranh vô cùng ác liệt, chiến tranh còn lâu dài, phải có nhiều lớp người kế tục. Có lẽ các ông nghĩ vậy mới đồng ý cho hai chị em Cát, Liễu thoát ly. Chuyện tính toán dài lâu là chuyện của người lớn, chuyện của các ông cán bộ, còn Liễu với Cát là phải đi cho bằng được, phải nhón chân lên để kịp đàn anh đàn chị. Phải xông pha trong thời đất nước phân ly như cha chú nó. Thằng Cát nghe ông Tuân thông báo vậy nó mừng quá chạy, nó chạy lên xóm Đình lôi ngược mẹ nó về nhà để chuẩn bị cho tụi nó lên đường.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG