Cơn lốc thần tốc - Kỳ 1: Chớp thời cơ

PHAN THANH HẬU 22/04/2015 08:34

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 được xem như bản hùng ca chói lọi. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, loạt bài này sẽ đưa độc giả trở lại không khí sục sôi những ngày của tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”.

KỲ 1: CHỚP THỜI CƠ

Với chiến thắng Thượng Đức (7.8.1974) trên chiến trường khu 5, đồng chí Võ Chí Công nhận định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này. Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân năm 1975”. Đại tướng Văn Tiến Dũng - tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: “Từ trận Thượng Đức này và các trận tiêu diệt quân chủ lực địch ở Chư Nghé, Đắc Pét trên Tây Nguyên…, Bộ Tổng tham mưu đi đến nhận định và báo cáo với Quân ủy Trung ương: Khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn quân chủ lực cơ động địch. Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi…”. Và tình hình chiến sự trên chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho cách mạng. Đó cũng là cơ sở để Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30.9 đến 7.10.1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 18.12.1974 đến 8.1.1975) bàn kế hoạch hạ quyết tâm trong 2 năm 1975 - 1976 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 31.3.1975 thông qua kế hoạch tiến công vào hang ổ cuối cùng của địch ở Sài Gòn - Gia Định.Ảnh tư liệu
Hội nghị Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương ngày 31.3.1975 thông qua kế hoạch tiến công vào hang ổ cuối cùng của địch ở Sài Gòn - Gia Định.Ảnh tư liệu

Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang tiến hành thì nhận được tin quân ta giải phóng đường 14 và tỉnh Phước Long - tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn giải phóng (6.1.1975) càng củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch 2 năm (1975 - 1976). Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện đến năm 1976 tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị đề ra kế hoạch 2 năm, nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa”, phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Hội nghị Bộ Chính trị cuối năm 1974 đầu năm 1975 có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đã phân tích, đánh giá chính xác sự phát triển của tình hình, đề ra phương hướng hành động đúng đắn, thể hiện quyết tâm chiến lược cao giải phóng hoàn toàn miền Nam khi thời cơ đến. Đó thực sự là nhân tố trước tiên có tính quyết định dẫn đến đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong gần 2 tháng mùa xuân năm 1975 với 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau khi mất hoàn toàn Vùng I và một phần Vùng II chiến thuật trong thời gian chưa đầy một tháng, Nguyễn Văn Thiệu cho rằng phải hai tháng nữa quân ta mới có thể tiếp tục tiến công, nên chúng có thời gian và khả năng để bảo vệ Vùng III, Vùng IV chiến thuật. Chúng tập trung củng cố lực lượng, tổ chức tuyến phòng thủ từ xa hòng giữ phần đất còn lại từ Phan Rang trở vào; ngăn chặn, làm chậm các cuộc tiến công của quân ta cho đến mùa mưa, sau đó phản kích chiếm một số vùng để mặc cả với ta trên bàn đàm phán. Để giúp chính quyền Sài Gòn kéo dài chiến tranh, Mỹ cho lập cầu hàng không khẩn cấp chuyên chở vũ khí, trang bị cho quân đội Sài Gòn.

Ngày 25.3.1975, một ngày sau khi ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Cùng ngày, để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, nhằm động viên sự hỗ trợ của cả nước vào cuộc chiến, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 241-NQ/TƯ thành lập Hội đồng Chi viện miền Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.

Ngày 31.3.1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng tiến công và nổi dậy vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể chậm trễ. Nhiệm vụ của quân đội ta lúc này là gấp rút tăng cường lực lượng vào hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4, áp sát Sài Gòn. Đồng thời nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông, đông - nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa. Tổ chức sẵn những đơn vị binh chủng hợp thành đủ mạnh để khi thời cơ xuất hiện tức khắc đánh chiếm các mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm Sài Gòn. Tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Từ chỉ đạo của Bộ Chính trị, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta đã sống những ngày hết sức sôi động và hào hùng. Cả dân tộc ra quân trong mùa xuân lịch sử với tinh thần “Đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và với khí thế “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

__________________________
Kỳ 2: Lập thế bao vây với “5 quả đấm”

PHAN THANH HẬU

PHAN THANH HẬU