Trên điểm cao lịch sử

TRẦN HỮU 16/04/2015 08:34

Đồng bào miền cao Trà My không thể nào quên chiến thắng trên đồi Xã Đốc (nay thuộc xã Trà Đốc, Bắc Trà My) năm xưa. Điểm cao này đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, đang được quy hoạch, tìm hướng đầu tư.

Dưới ngọn đồi Xã Đốc lịch sử. Ảnh: T.H
Dưới ngọn đồi Xã Đốc lịch sử. Ảnh: T.H

Sân bay trên đỉnh núi

Xã Đốc nằm trong dãy núi cao sát sông Tranh. Đồi có chiều dài 1.700m, rộng 800m, hướng bắc - tây bắc và tây nam giáp với Hòn Sét có sườn dốc thoai thoải; hướng đông - đông bắc, giáp với sông Tranh có sườn dốc đứng. Dưới chân án ngữ khu rừng già. Trên đồi, có hai mỏm chính: Mỏm A - phía đông cao khoảng 150m; mỏm B - phía tây bắc cao 100m. Hai mỏm cách nhau 500m bởi một yên ngựa. Quân Mỹ ở Chu Lai sử dụng máy bay trực thăng đáp xuống Xã Đốc thiết lập căn cứ tiền tiêu, nhằm tạo thế đứng chân khống chế, bịt các hành lang từ căn cứ phía tây của tỉnh xuống đồng bằng và ngược lại. Quân Mỹ đã bạt núi san bằng, xây các lô cốt, sân bay để trực thăng dễ dàng hạ cánh. Toàn bộ cứ điểm chúng bố trí 147 lô cốt, hầm ngầm lớn nhỏ; ở chiến hào ngoài cùng có 28 vọng gác. Ngoài các trận địa hỏa lực được bố trí bên trong cứ điểm, Mỹ còn bố trí 2 trận địa pháo 105mm, 155mm ở Phước Lâm và Tiên Phước sẵn sàng chi viện, bảo vệ Xã Đốc khi bị ta tiến công. Đối với mặt trận trên không, các loại máy bay phản lực ném bom, máy bay trực thăng vũ trang ở Chu Lai, quận lỵ Tiên Phước sẵn sàng cất cánh chi viện cho Xã Đốc. Mọi cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí… lên Xã Đốc đều dựa vào máy bay lên thẳng. Chọn điểm cao này, địch dễ quan sát phát hiện các mục tiêu nghi ngờ, chặn đánh các trục hành lang của ta.

“Tuy là một trận đánh cũng như hàng trăm trận đánh diễn ra trên địa bàn Trà My trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, nhưng chiến thắng Xã Đốc có thể coi là chiến thắng điển hình về quyết tâm tiêu diệt giặc Mỹ, khôi phục, xây dựng căn cứ địa vững chắc cho cách mạng, tạo bàn đạp tiến xuống vùng trung du, đồng bằng”.
(Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My - Nguyễn Thế Tài)

Quyết tâm phá bằng được cứ điểm quan trọng này, Tiểu đoàn Đặc công 409 nhiều lần tổ chức trinh sát, phân tích thế mạnh, thế yếu của địch, chuẩn bị chiến trường. Bộ đội ta xác định cách bố trí mìn, hầm hào, lô cốt, khu chỉ huy, khu hỏa lực, mục tiêu then chốt, khu vực tuần tra canh gác. Theo kế hoạch, trước đó, mọi công tác chuẩn bị cho trận đánh đã hoàn thành trước 16 giờ ngày 27.3.1971. Đêm hôm đó, dù địch canh gác cẩn mật, pháo sáng liên tục bắn cầm canh soi rọi cả một góc trời, nhưng với nghệ thuật ngụy trang tiếp cận mục tiêu của bộ đội đặc công, chỉ sau vài giờ, 8 mũi tiến công của Tiểu đoàn 409 đã bao vây cứ điểm. Thế trận “nở hoa trong lòng địch” hình thành. Lúc này 7 mũi đã lọt vào trong cứ điểm, và mũi chủ yếu còn ở ngoài bờ rào, rồi nhanh chóng dùng bộc phá mở rào. Các mũi, bộc phá, B40, B41, thủ pháo, lựu đạn dồn dập đánh vào các mục tiêu đã định... Chỉ huy chung trận đánh là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Khắc Minh và Chính trị viên tiểu đoàn Lê Thanh Cượng. Hơn nửa giờ chiến đấu, ta đã làm chủ chiến trường, địch bị tê liệt trước đòn tiến công bất ngờ, táo bạo, đầy mưu trí của bộ đội ta. Sau khi ta nổ súng, pháo địch ở Phước Lâm, Tiên Phước mới vội vàng nã đạn theo tọa độ quanh cứ điểm Xã Đốc. Trong khi đó, quân ta đã nhanh chóng rút về hậu cứ. Chiến thắng Xã Đốc xóa sổ căn cứ cuối cùng của Mỹ - ngụy trên mảnh đất Trà My.

Cần một tượng đài

Từ ngày Xã Đốc được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, chính quyền Bắc Trà My đã quy hoạch sử dụng đất để quản lý, bảo vệ di tích. Đầu tiên, giữ nguyên trạng các lô cốt, đường hầm trên ngọn núi; cấm hoạt động phá rừng, phá căn cứ để tận thu sắt thép. Cùng với đó, địa phương huy động, kêu gọi đầu tư tượng đài, tạo thành quần thể tour du lịch liên kết phát triển với Khu di tích Nước Oa. Đường về xã Trà Đốc bây giờ đã thảm nhựa. Dưới chân núi, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đã xây dựng nhiều hạng mục kiên cố, chung quanh cũng được trồng rừng phủ xanh. Mấy năm gần đây, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên đầu tư cho xã Trà Đốc như hỗ trợ phát triển sản xuất, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư kết cấu hạ tầng từ Chương trình 135… Chính quyền đang rà soát, đánh giá lại trạng thái rừng thực địa cũng như hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho nhân dân. Theo ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, tuy còn khó khăn về kinh tế, song đồng bào rất nâng niu và giữ gìn những di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là di tích chiến thắng đồi Xã Đốc - niềm tự hào, tượng đài của lòng dân. Năm nào, đến ngày giải phóng quê hương hay diễn ra lễ hội lớn, các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã đều tổ chức dã ngoại, về “địa chỉ đỏ” này ôn lại quá khứ hào hùng trên điểm cao Xã Đốc.

Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TU, ngày 20.5.2009 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục triển khai công tác sưu tầm, hệ thống và sử dụng tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng, chính quyền huyện Bắc Trà My chỉ đạo các cơ quan chức năng sưu tầm, thu thập tư liệu, hệ thống lại toàn bộ quá trình chuẩn bị và diễn biến chiến thắng Xã Đốc. Trong khi đó, ngành văn hóa - thông tin của huyện đang xây dựng đề án khôi phục, phát triển Xã Đốc cho tương xứng với một Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông Lê Nho Triều - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My cho biết, năm 2015 địa phương sẽ tiếp tục tìm nguồn vốn khôi phục, phát huy giá trị di tích. Chiến thắng Xã Đốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với núi rừng Trà My, cũng như chiến trường Quảng Nam, cho nên đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Trà My mong ước có một tượng đài uy nghi tại di tích để giáo dục cho thế hệ trẻ.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU