Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài cuối: Còn mãi tuổi thanh xuân

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI 10/04/2015 08:38

  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 4: Cứ đi và đến
  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 3: Theo bước chân chiến dịch
  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 2: Chiến thắng mở màn
  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 1: Thử thách tinh thần

Nhớ trận đánh hội đồng xã Kỳ Xuân ngày 7.3.1975, cả đại đội hừng hực khí thế chiến thắng, những người lính trẻ chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, mặc dù khi trở về trên mình mang nhiều thương tích. Nhắc lại mẩu chuyện “đỏ đỏ, xanh xanh” là chúng tôi không nhịn được cười. Chuyện là trong chiến đấu, nếu đánh chiếm được mục tiêu thì hô “đỏ”, nếu khó khăn, thương vong thì hô “xanh” để đồng đội biết chi viện.

Cậu Dũng xung phong lên giải quyết cái lô cốt còn sót lại, địch đánh trả quyết liệt, bị thương, thoát ra, gặp đồng đội mừng quá Dũng hô “đỏ đỏ”, sực nhớ sai tín hiệu vội hô “quên xanh, xanh”. Rồi cậu Long dính 22 miếng mảnh lựu đạn, lòm ngòm bò ra, gặp đồng đội, cậu ấy bảo “nhanh lên, băng cho tau, bể cái đầu, gãy cái cẳng rồi”. Ôn lại, cười vui, nhưng chúng tôi thầm cám ơn số phận đã dành cho mình một kết thúc đầy may mắn. Bởi, bao nhiêu lần vào sinh ra tử nhưng vẫn sống trở về; còn đồng đội chúng tôi đã vĩnh viễn ra đi - mãi mãi tuổi thanh xuân.

Bắt đầu từ ngày 7.2 đến 24.3.1975, Đại đội V20 đã có 8 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 9 đồng chí bị thương, trong đó có 6 đồng chí bị thương nặng phải điều trị dài ngày. Còn trong suốt cuộc chiến tranh, không biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội chiến đấu trong đội hình đại đội đã ngã xuống trên mảnh đất Nam Tam Kỳ này. Giờ đây đồng đội tôi sắp hàng yên lặng trên các nghĩa trang đầy nắng và gió. Người may mắn còn có tên, họ, quê quán, còn người không may được ghi trên tấm bia màu đá bạc ba chữ “chưa biết tên”.

Lần theo những kỷ niệm để nhớ về một thời binh đao, lửa đạn và cảm nhận rằng so với sự hy sinh của nhân dân, chúng tôi thấy mình quá nhỏ bé. Cố hình dung thử làm cách nào bà con ta có đủ lòng can đảm để che chở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích ngay trong khu dồn, trước những đôi mắt dòm ngó của kẻ thù mà không hề run sợ, dẫu biết rằng mạng sống của mình, gia đình mình có thể bị thủ tiêu. Có sức mạnh nào mà những mẹ, những chị, những cô gái mảnh mai, xinh xắn hàng ngày giấu từng lon gạo, lọ mắm, vượt qua sự kiểm tra nghiêm ngặt của địch để mang lên vùng giải phóng cất giấu, cung cấp cho cách mạng. Và tình yêu nào đã nâng đôi cánh cho lớp lớp thanh niên nối tiếp nhau lên đường cầm súng chiến đấu góp phần giải phóng non sông đất nước.

Sau khi kết thúc chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân 1975, quê hương được giải phóng, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Nhưng đất nước, quê hương lúc này bị tàn phá, vết thương chiến tranh quá nặng nề; kẻ thù ra sức bao vây cấm vận; những đồng chí còn tiếp tục công tác thì nhận đồng lương còm cỏi; có đồng chí vì những lý do khác nhau đã về lại với đời thường, không lương, không trợ cấp. Những chiến sĩ chiến đấu không tiếc máu xương phải chống chọi, vật lộn với trăm ngàn nỗi lo của cuộc sống mưu sinh, từ cái ăn, cái mặc, đến con cái học hành và cho đến nay 40 năm, đồng đội tôi vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo.

Thời gian lùi xa làm cho ký ức của những người tham gia chiến dịch xuân 1975 xáo trộn, nhưng có một điều chắc chắn rằng những năm binh lửa chiến tranh, hình ảnh những người con bình dị, can trường của Đại đội Đặc công V20 đã đi qua với tư thế hiên ngang sẽ giúp chúng tôi vững chãi trong cuộc sống.

Vào viếng nghĩa trang liệt sĩ các xã Tam Hiệp, Tam Mỹ Tây, Tam Anh, Tam Giang..., đốt nén hương, nghiêng mình kính cẩn tưởng niệm đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, chúng tôi tỏ lòng thành kính tri ân trước vong linh những người bạn, người đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại nơi này.

Chiến dịch xuân 1975 đang dần đi vào cổ tích. Nhưng những kỷ niệm đối với những người lính Đại đội V20 của chúng tôi cứ vẫn hằn sâu trong ký ức và có thể nói đó là quãng thời gian đẹp nhất mà tuổi thanh xuân dành cho Tổ quốc. Chúng tôi mang theo nó như một hành trang vô giá đi suốt cuộc đời, dù hôm nay trong nhịp sống ồn ào của thời đổi mới, mở cửa, hội nhập, chúng tôi vẫn canh cánh bên lòng như đang mắc một món nợ lớn với đồng chí, đồng đội.

40 năm đã trôi qua, thời gian đó đủ cho một thế hệ sinh ra, trưởng thành, làm nên những điều kỳ diệu để đất nước, quê hương có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Mặc dù có thể ai đó đã có những cái nhìn khác về quá khứ, về cuộc kháng chiến nói chung, chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân 1975 nói riêng, nhưng giá trị tinh thần đích thực, minh triết, khách quan, giàu ý nghĩa nhân văn và lịch sử thời đại thì vẫn luôn thức tỉnh tâm hồn, nhân cách và lẽ sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Hiện thực lịch sử vĩnh viễn không bao giờ có chỗ đứng cho những kẻ cơ hội, vụ lợi cá nhân, quay lưng lại với quá khứ. Trong cuộc sống thường nhật, những cựu chiến binh chúng tôi đã và đang thấy có một bộ phận những người “công bộc của dân” chỉ biết danh lợi, địa vị mà đạp lên dư luận xã hội, coi thường giá trị đạo đức. Nhưng ta tin rằng có một ngày, lịch sử sẽ phán xét những kẻ ấy còn hơn là “lũ giặc ngoại xâm”. Không có điều ác nào tồn tại vĩnh viễn, ta tin điều đó. Đảng ta đã thấy, đã làm và đang làm để cho Đảng ta trong sạch, để lòng tin của dân ngày càng bền vững, cùng chung tay góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh, giữ yên bờ cõi.

Ai quên đi quá khứ là tội lỗi, không thể dung tha. Còn chúng tôi, dù đời sống khó khăn, nhưng tuổi thanh xuân vẫn còn mãi mãi; nhân dân vẫn tin yêu những cựu chiến binh, những người vào sinh ra tử, đó là niềm vinh dự tự hào chúng tôi luôn gìn giữ. Chúng tôi luôn tâm niệm sống sao cho đẹp như buổi ban đầu tham gia đánh giặc, cứu nước. Thời gian của chúng tôi ở phía trước có thể còn lại rất ngắn, nhưng chỉ một ngày thôi chúng tôi vẫn giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam. Chúng tôi nguyện còn sức còn đóng góp, còn tâm hồn còn gương mẫu cho thế hệ mai sau.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI