Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 4: Cứ đi và đến

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI 09/04/2015 08:10

  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 1: Thử thách tinh thần
  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 3: Theo bước chân chiến dịch
  • Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 2: Chiến thắng mở màn

Thừa thắng, đơn vị phát triển nhanh xuống thôn 3 và đến 9 giờ ngày 24.3.1975, chúng tôi xuống đến thôn 2, khống chế được cửa biển An Hòa. Phía bên cảng Kỳ Hà có một chiếc tàu vận tải lớn và 2 chiếc sà lan, chở rất nhiều người cả quân ngụy và nhân dân. Địch tranh giành nhau lên tàu, tiếng súng vẫn nổ, một số người từ trên tàu rơi xuống sông. Không có loa phóng thanh, chúng tôi phải nhờ một số người dân dùng thuyền áp sát mạn tàu vận động địch đầu hàng vô điều kiện. Một số tên đã theo thuyền của dân vào quy hàng quân giải phóng.

11 giờ ngày 24.3.1975, tại cửa biển An Hòa xuất hiện 2 chiếc tàu sơn màu xanh có 2 chữ “quân vận” chạy vào cảng Kỳ Hà. Có lẽ chúng vào để kéo chiếc tàu và 2 chiếc sà lan ra biển. Địch không hề hay biết quân ta đã khống chế cửa biển. Đại đội trưởng ra lệnh triển khai đội hình chiến đấu. Khi tàu địch vào đến tầm hỏa lực, đồng chí Huỳnh Ngọc Phường bắn quả đạn B41 trúng boong chiếc tàu đi đầu bốc cháy. Cả hai chiếc quay đầu chạy ra biển. Chiếc trúng đạn chìm ở cửa An Hòa. Khi 2 chiếc tàu chiến bị bắn cháy, tháo chạy, hàng trăm tên địch trên tàu và sà lan lũ lượt kéo cờ trắng, nhờ dân chở vào thôn 2 xã Kỳ Hòa xin hàng. Đây là trận đánh cuối cùng của Đại đội V20 trong chiến dịch xuân năm 1975.

Chiều 24.3.1975, nhân dân xã Kỳ Hòa dùng thuyền đưa chúng tôi qua cảng Kỳ Hà, sau đó lên sư bộ Sư đoàn 2 ngụy, bắt liên lạc với đơn vị Đặc công 409 tại sân bay Chu Lai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên một hướng tiến công. Mặc dù chúng tôi đi chiến dịch chỉ có 10 ngày và không có những trận đánh khốc liệt, nhưng trong khoảng thời gian ấy, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chúng tôi luôn tự hào vì đã có mặt trong những thời khắc quan trọng nhất, góp một phần nhỏ bé sức lực của mình vào việc giải phóng hoàn toàn huyện Nam Tam Kỳ.

Ghi lại những chi tiết sôi động này tôi thấy những ngày ấy, cuộc chiến đấu ở chiến trường Nam Tam Kỳ là vô cùng anh dũng. Những chiến sĩ quân giải phóng dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng luôn có ý chí, niềm tin mãnh liệt, không hề chùn bước trước mọi thử thách. Chúng tôi đã chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, linh hoạt, dũng cảm, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu giành thắng lợi, góp phần mang vinh quang về cho quê hương, đất nước. Và thật tự hào, những địa danh Kỳ Chánh, Kỳ Vinh, Kỳ Hòa đau thương mà oanh liệt ngày ấy, bây giờ đã thay da đổi thịt, nhà ngói mọc lên, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sông Trường Giang, cửa biển An Hòa tàu bè ra vào tấp nập, góp phần làm cho Khu kinh tế mở Chu Lai ngày càng phát triển bền vững.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương 24.3, chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ Đại đội Đặc công V20 Huyện đội Nam Tam Kỳ tham gia chiến dịch xuân 1975 lại tổ chức họp mặt. Gặp nhau, chúng tôi như về lại với chính mình, về lại với tuổi hoa niên căng đầy nhựa sống, với những kỷ niệm đau đáu một thời chiến tranh loạn lạc, dữ dội và tàn khốc.

Mỗi năm chúng tôi già thêm một chút, nhưng hình ảnh của một thế hệ thanh niên yêu nước, ra trận với khí thế “Quyết chiến quyết thắng” trên vành đai Chu Lai vẫn còn cháy bỏng. Bốn mươi năm trôi qua, so với sự trường tồn của vũ trụ chỉ là khoảnh khắc, nhưng với cuộc đời một con người là thời lượng rất dài. Từng là người chiến sĩ cầm súng xông pha trận mạc, thời gian ấy là một độ lùi cần thiết để mỗi chúng tôi có được suy ngẫm về những gì mình đã từng nếm trải, đủ quên đi những gì đáng quên và đọng lại những gì cần nhớ.

Thời gian có thể làm lu mờ mọi thứ, nhưng những ngày tham gia chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đối với chúng tôi vẫn luôn hiện hữu trong ký ức. Những trận đánh, những tên núi, tên sông, tên bạn bè, những kỷ niệm sâu sắc về tình đồng đội, về những ngày đối chọi với bom pháo, những lần đột nhập vào vùng địch, nằm hầm bí mật, những bữa ăn cơm vắt, củ sắn lùi, nắm rau ranh, cải tàu bay, rau dớn, ốc đá..., đọng lại lâu dài trong tâm trí mỗi chúng tôi và vẫn mới như hôm nào.

Là lớp người sinh sau đẻ muộn, nên hầu hết chúng tôi đi theo cách mạng trong những năm 1971, 1972, vì thế chưa từng trải những trận bom tọa độ của pháo đài bay B52, đối mặt với tàu gáo, tàu rọ, chưa đụng độ với bọn “Mỹ lết”. Nhưng những câu chuyện từng trải khi từ trên căn cứ xã Kỳ Thạnh đột nhập xuống vùng địch kiểm soát công đồn, chuẩn bị chiến trường, truy lùng bọn ác ôn, hoặc gặp dân kiếm ang gạo, lon muối mang lên căn cứ để ăn đánh giặc, đi lối nào cũng gặp mìn claymore, gặp bọn nghĩa quân, thanh niên chiến đấu phục kích, ngăn chặn… thì không thể nào quên. Chúng tôi bất chấp tất cả, vẫn cứ đi, cứ đến những nơi cần đến, để rồi góp phần viết nên những chiến công oanh liệt, gắn liền với khúc ca khải hoàn của ngày toàn thắng.

Có nơi nào trên mảnh đất Núi Thành này không bị đạn bom giặc Mỹ cày xới, sau ngày giải phóng, vùng giáp ranh các xã Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Anh, Tam Xuân; vùng căn cứ Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Sơn không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, toàn là những đống đổ nát hoang tàn. Thay vào đó là đồn bốt, hàng rào dây kẽm gai, mìn bẫy, vật liệu nổ; kẻ thù đã gieo rắc vô số tội ác, nhưng chúng lại rêu rao rằng đi tìm và mang lại cho đồng bào ta một “thế giới tự do, nhân quyền, bác ái”... Có thể thấy xương máu của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã thấm vào từng ngọn núi, dòng sông, từng đường làng ngõ xóm, từng cành cây ngọn cỏ trên quê hương yêu dấu này.

Hôm nay gặp nhau nói cười vui vẻ, nhưng trong tận đáy lòng chúng tôi luôn nhớ về đồng đội, bởi những người bạn ấy khi hy sinh họ còn rất trẻ. Đêm giao thừa năm Ất Mão (1975) tại thôn 2 xã Kỳ Thạnh, đại đội sinh hoạt chào mừng năm mới, trong tiết mục văn nghệ hái hoa dân chủ, cậu Hiếu Giang diễn trò “con cóc”, vừa hát vừa nhảy; cậu Tranh diễn trò “cắt tóc”, cả đơn vị cười ra nước mắt. Ngày mùng 5 tháng Giêng, các bạn tôi chào mọi người để ra Kỳ Bích, xuống Kỳ Vinh công tác và bạn tôi không bao giờ trở về nữa. Chiến tranh quá khắc nghiệt.

-------------------------
Bài cuối: Còn mãi tuổi thanh xuân

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI