Chiến dịch Xuân 1975 - Một thời nhớ mãi - Bài 2: Chiến thắng mở màn
Cửa mở đã thông, chúng tôi bật dậy lao vào bên trong. Theo nhiệm vụ, anh Chưa và Tiến rẽ sang cánh trái. Tôi rẽ sang phải, rồi nhanh chóng ập vào lô cốt, mục tiêu chủ yếu của tôi trong trận đánh này. Điểm hỏa 2 quả thủ pháo, tôi tống ngay vào cửa lô cốt và lập tức hô mật hiệu “cờ đỏ”. Ở khu nhà trung tâm, đồng đội tôi đã làm chủ hầu hết các mục tiêu được phân công và tiếng hô “cờ đỏ” vang lên nhiều nơi.
Tôi đã bắt được liên lạc với tổ thọc sâu, còn anh Chưa và Tiến tôi không thể nào liên lạc được. Linh cảm mách bảo có điều gì đó chẳng lành.
|
Đúng vậy, địch bắt đầu chống trả, hàng chục quả lựu đạn M67 bay về phía ngôi nhà, nơi ta vừa chiếm được, nổ chát chúa, cát và khói mù mịt. Cậu Dũng vớ được thùng đèn, giật sáng trưng cả trận địa. Chúng tôi phát hiện lô cốt bên trái cửa mở, mục tiêu anh Chưa và Tiến đảm nhiệm chưa bị tiêu diệt. Đại đội trưởng tổ chức lại đội hình tiến công. Tôi và những chiến sĩ mang theo súng tiểu liên AK có nhiệm vụ quan sát tiêu diệt những tên địch thò ra khỏi lô cốt ném lựu đạn về phía quân ta. Sau mấy lần bị bắn, chúng không dám thò đầu lên nữa, cứ thế ở trong ném bừa lựu đạn ra ngoài.
Lô cốt này như một nổng cát, chung quanh được đóng cọc tre và lồng vào 2 lớp rào bùng nhùng. Đạn B40, B41 bắn vào nổ bên ngoài tạo nên một đụn khói to, không có tác dụng. Ba lần chúng tôi xung phong đều vướng vào hàng rào, không tiếp cận được và bị chúng dùng lựu đạn đánh bật ra. Lựu đạn ở đâu mà lắm thế, hàng trăm quả; hầu hết chúng tôi đều dính mảnh, nặng nhất là cậu Long bị 22 mảnh lớn nhỏ cả thảy.
Mũi trưởng Toàn không còn giữ được bình tĩnh, anh vác khẩu B40 lao ra bên ngoài chọn tư thế bắn. Tôi yểm trợ cho anh. Ánh lửa và luồng khói ở đầu nòng khẩu B40 phụt ra thì một ánh chớp khác bùng lên cách nơi anh đứng khoảng 1m. Thấy anh lảo đảo rồi ngã sóng soài xuống đất, tôi lao lại ôm chầm lấy anh lay gọi, nhưng tôi nhận được những tiếng ực ực như lời trăng trối. Mũi trưởng của tôi đã hy sinh.
Trong phương án chiến đấu, chốt điểm này chỉ có 1 trung đội nghĩa quân, 1 tiểu đội nhân dân tự vệ, bọn hội đồng xã và ấp trưởng, ấp phó của 4 ấp. Nhưng khi đánh vào, địch ở đâu mà nhiều đến thế, chúng chạy loạn xạ, ẩn nấp nhiều nơi. Ta lật miếng tôn lên, hoặc xộc vào lùm cây dương liễu thấp tè, bên giao thông hào thì có 2 - 3 tên địch lòm ngòm bò dậy, đưa tay lên trời, run lập cập “em xin hàng”. Đơn vị bắt sống được 10 tên. Về sau tôi được biết là buổi sáng bọn địch ở trên quận lỵ Lý Tín xuống càn quét chưa rút về, vào ở lại đây. Và lựu đạn chúng vừa nhận 4 thùng, chưa kịp cấp phát cho binh lính. Chúng tôi 1 chọi hơn 3, trận đánh diễn ra ác liệt.
Hai giờ sáng 8.3.1975, không còn kịp thời gian để đưa thương binh tử sĩ về vùng giải phóng. Đại đội trưởng ra lệnh đặt mìn phá hủy 2 ngôi nhà và rút ra khỏi trận địa.
Thu dọn chiến trường chúng tôi rút về đường cũ, lúc này pháo 105mm ở quận lỵ Lý Tín cũng đã bắn xuống chung quanh chốt điểm. Hai chiếc thuyền lại nổ máy đưa thương binh, tử sĩ, tù hàng binh và đại đội tôi sang sông, vượt quốc lộ 1 về đến vùng giải phóng thì trời vừa sáng.
Mặc dù trên mình mang đầy thương tích, nhưng những người lính xung trận đã trở về, còn các ngư dân là cơ sở cách mạng, dùng thuyền của mình chở chúng tôi sang sông, phải trở lại sống ngay trong lòng địch. Tôi không biết mặt những con người quả cảm ấy và tôi cũng không biết họ phải đối phó như thế nào với sự truy lùng tìm kiếm của địch. Nhưng tôi tin chắc rằng nếu không có sự hy sinh thầm lặng của họ, chắc chắn đại đội chúng tôi không thể làm nên chiến thắng trong trận mở màn chiến dịch xuân 1975.
Chiều 8.3.1975, chúng tôi về đến doanh trại. Vắng lặng đến nao lòng. Nơi các anh Toàn, Chưa và bạn Tiến mắc võng nằm vẫn còn hơi ấm. Nhưng họ không bao về trở về nữa. Tôi nghe buồn rười rượi, nhưng cuộc chiến đấu này vẫn đang còn tiếp diễn và chúng tôi, những người lính Giải phóng quân sẵn sàng chịu đựng mất mát hy sinh trước những trận đánh dữ dội sắp đến. Bốn mươi năm đã trôi qua, tôi ghi lại chuyện này thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội tôi một thời đạn bom, gian khổ, ác liệt. Và tất cả chúng tôi ngày ấy vì lý tưởng của Đảng, sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, cha mẹ mình khỏi cảnh lầm than, khổ nhục. |
Mãi đến ngày 10.3.1975, trên chiến trường Quảng Nam, các đơn vị bộ đội chủ lực mới nổ súng tấn công chi khu quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm, mở màn chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân 1975. Nhưng đối với Đại đội Đặc công V20 của huyện Nam Tam Kỳ, từ ngày 20.2.1975, chúng tôi đã ra quân chiến đấu liên tục và đến ngày 8.3.1975 đơn vị hy sinh 8 người, bị thương 9 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 6 đồng chí phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện CK130 của tỉnh. “Vốn liếng” của một đại đội bộ đội địa phương huyện gần như cạn kiệt.
Hoàn thành nhiệm vụ đánh tiêu diệt hội đồng xã Kỳ Xuân, ngay trong ngày 8.3.1975, Đại đội V20 về đến hậu cứ ở xã Kỳ Thạnh lập tức bước ngay vào huấn luyện bổ sung chiến thuật kết hợp xung hỏa lực cùng với Đại đội V14, phân đội hỏa lực và công binh của huyện để đánh chốt điểm Núi Miếu. Tối 13.3.1975, chúng tôi diễn tập, kiểm tra lần cuối.
Sáng 14.3.1975, Ban Chỉ huy Huyện đội hạ đạt mệnh lệnh chiến đấu và sau đó làm lễ ra quân đánh đồn Núi Miếu. Khá và tôi trong tổ thọc sâu lên nhận lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Ban Chỉ huy Huyện đội trao để cắm lên đồn địch. Một cảm giác tự hào, xen lẫn lo âu. Bởi, sở trường của đại đội là đánh theo lối đặc công, mật tập đến cùng, “nở hoa trong lòng địch”; nay phải đánh theo một chiến thuật mới, không biết các loại hỏa lực như cối 82mm, 60mm, ĐKZ 82mm, trọng liên 12,7mm..., có ghì được quân địch trong các lô cốt không? Lực lượng mở cửa đánh chiếm đầu cầu có hoàn thành nhiệm vụ? Và không biết mình có thể vượt qua được cửa mở vào bên trong đánh quả thủ pháo vào lô cốt trung tâm để cắm lá cờ chiến thắng lên đồn địch?
------------------
Bài 3: Theo bước chân chiến dịch
Đại tá NGUYỄN ĐỨC THÁI