Lòng dân Tiên Sơn
Đóng chân tại xã Phước Sơn (nay là Tiên Sơn, huyện Tiên Phước) suốt 10 năm, nhưng các căn cứ cách mạng của tỉnh vẫn không bị Mỹ - ngụy phát hiện đánh phá. Đó chính là nhờ lòng dân kiên trung giúp đỡ, bảo vệ cách mạng.
Một ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi tìm về nơi được mệnh danh là “mảnh đất thánh” của Quân khu V trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là vùng Sơn - Cẩm - Hà (huyện Tiên Phước). Theo hồi ức của ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, thì nơi đây trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, Mỹ rải chất độc hóa học khiến đồi núi trơ trụi, nhưng nhân dân vẫn bám trụ, cùng bộ đội chiến đấu, giữ vững an toàn cho những căn cứ của cách mạng. Tỉnh ủy đã chọn nơi đây làm vùng căn cứ địa cách mạng bởi thế đứng chân vững chắc cho lực lượng cách mạng. Trong 3 xã vùng căn cứ địa cách mạng, Tiên Sơn được chọn làm nơi đứng chân của Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến không chỉ bởi địa thế cách mạng thuận lợi mà còn ở lòng dân kiên trung.
Giếng nước mà cán bộ, bộ đội đào để dùng trong thời chiến vẫn còn được giữ lại trong vườn nhà ông Cao Quốc Tuấn.Ảnh: DIỄM LỆ |
Trong một cuộc tọa đàm về vùng căn cứ Tỉnh ủy thời kỳ chống Mỹ, ông Hoàng Minh Thắng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ rõ: “Trong một thời gian dài từ cuối năm 1963 - 1973, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến, Tỉnh đội và các cơ quan đơn vị thuộc tỉnh đã đuợc chuyển về đóng ở 3 xã Sơn - Cẩm - Hà, nhưng lâu nhất vẫn ở Tiên Sơn. Các cơ quan đều đóng chân trong vườn nhà dân, được nhân dân che chở nên dù địch liên tục càn quét nhưng không thể tìm chính xác, nên các cơ quan vẫn giữ được an toàn, chỉ đạo cuộc kháng chiến của tỉnh trong suốt 10 năm, đi đến thắng lợi cuối cùng. Đó chính là nơi quân ta bố trí canh phòng cẩn mật, xây dựng được thế trận lòng dân tốt, bởi nhân dân nơi đây thuần khiết, một lòng đi theo cách mạng, hết lòng giúp đỡ cán bộ”.
Ông Tuấn chỉ một miệng hầm trú ẩn trong vườn nhà. |
Tìm đến với những người đã một thời bám đất giữ làng, bền bỉ giúp đỡ cách mạng, giờ đây không còn nhiều để kể với con cháu những câu chuyện thời chiến, như ông Nguyễn Nhung (ông Huệ), bà Thịnh, bà Hoán, ông Hòe, ông Quý, bà Chấu… Họ là những người đã dành cả mảnh vườn nhỏ của mình cho cán bộ, bộ đội ở, đào hầm trú ẩn. Rồi lại ngày đêm cảnh giới bảo vệ cách mạng, bất chấp hiểm nguy cung cấp lương thực, thức ăn nước uống hay đi chợ giúp cán bộ, bộ đội. Qua lời kể của ông Cao Quốc Tuấn (sinh năm 1930, thôn 3, Tiên Sơn), từ năm 1963 - 1969, ông là du kích, làm cán bộ cách mạng tại chỗ, nên nắm rõ tình hình ở đây. Hồi đó, cơ quan Tỉnh ủy đóng tại xóm ông Huệ (thôn 1, Tiên Sơn). Nhà ông Huệ ở phía trước nên trở thành cơ sở quan trọng cho sự liên lạc giữa người dân với cán bộ cách mạng. Vì thế nên dù tổ chức rất nhiều cuộc càn quét, đánh phá quy mô nhưng địch vẫn không thể đánh vào khu căn cứ. Khi trong khu căn cứ cần gì, chỉ cần báo qua chỗ ông Huệ, ông liền nhờ những người dân như bà Hoán, bà Thịnh xuống chợ Cẩm Khê (xã Tiên Cẩm) mua giúp. Những phụ nữ này muốn đến chợ Cẩm Khê phải qua rất nhiều đồn bốt của địch, bị kiểm soát giỏ đi chợ thường xuyên, nhưng lúc nào cũng đi trót lọt vì mỗi lần đi mua mỗi ít, giấu kỹ tận đáy giỏ hoặc giấu trong người. Ông Tuấn cho biết thêm rằng lúc đó ở Tiên Sơn các cơ quan cách mạng nằm rải rác khắp nơi để bảo đảm an toàn, dễ rút lui vào núi sâu khi có sự cố. Như khu căn cứ Tỉnh ủy nằm ở thôn 1, Ủy ban hành chính kháng chiến trong vườn nhà ông Tuấn (thôn 3), Tuyên giáo ở vườn bà Cúc (thôn 1), Ban kinh tài vườn nhà ông Hòe (thôn 6), Thương binh xã hội vườn ông Quý (thôn 5), Khối dân vận ở vườn bà Dũng Thống (thôn 1), dọc tuyến thôn 2 là công an và quân đội...
Ông Cao Ngọc Cẩm (sinh năm 1933, thôn 1, Tiên Sơn) là người dân bám trụ và sau là cán bộ cách mạng ở địa phương, nên ông Cẩm là người thường xuyên đến khu căn cứ để báo cáo tình hình, tuy nhiên chỉ duy nhất năm 1973 là ông Cẩm vào được khu Ủy ban hành chính kháng chiến để họp thi đua. Ông Cẩm kể: “Hồi đó làm gì cũng bí mật, nên người dân, kể cả cán bộ xã như tôi cũng chỉ báo cáo tình hình địch đi đứng như thế nào, đóng quân ở đâu để ta biết mà canh phòng từ vòng ngoài. Sự an toàn của khu căn cứ phần lớn nhờ vào nhân dân và họ còn giúp sắn khoai cho cán bộ, bộ đội ăn. Nhà tôi hồi đó khoai sắn, lúa gạo nhiều nên thường xuyên cung cấp để mang vào khu căn cứ”.
Phải nói rằng nơi đây được mệnh danh “mảnh đất thánh” chính là nhờ ở lòng dân, chính người dân đã biến một nơi bị phá tan hoang bởi chất độc hóa học, bom mìn thành mảnh đất thiêng của cách mạng, khiến bọn địch dù biết vẫn không thể đánh phá được. Từ “mảnh đất thánh” này, đã có không biết bao nhiêu quyết định, chỉ thị chiến đấu được đưa ra, dẫn dắt đến thắng lợi cuối cùng của cách mạng, đó là ngày giải phóng hoàn toàn quê hương vào tháng 3 năm 1975 lịch sử.
DIỄM LỆ