Đội du kích Bình Hòa

THÀNH CHÂU - GIANG BIÊN 07/02/2015 08:54

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà thờ tiền hiền Hiền Lương (xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) đã trở thành một địa điểm hoạt động cách mạng. Đặc biệt nơi đây, còn gắn liền với sự ra đời của lực lượng vũ trang hay gọi là đội du kích Bình Hòa.

Cây thị ngày xưa được lực lượng du kích khoét lỗ để bỏ mật thư.
Cây thị ngày xưa được lực lượng du kích khoét lỗ để bỏ mật thư.

Dẫn chúng tôi vào nhà thờ tiền hiền Hiền Lương, ông Võ Văn Thanh - nguyên xã đội trưởng lực lượng vũ trang Bình Hòa, chỉ lại địa điểm bị Mỹ ném bom nhằm phá bỏ căn cứ này năm xưa. Theo ông Thanh, tiền hiền Hiền Lương được dân làng lập nên vào năm 1945 để thờ cúng các vị tổ tiên. Năm 1946, xã Thăng Phong được thành lập. Lúc này, lực lượng vũ trang cũng chính thức ra đời. “Ở đây là nơi giao nhau giữa 3 xã Xuyên Tân, Quế Phú và Thăng Phong rất dễ tập hợp dân. Thêm điểm thuận lợi, xung quanh tiền hiền có một rừng cây bao quanh và phía trước có một bàu sen rộng lớn. Nếu như địch đánh phá thì có thể dễ tìm chỗ ẩn náu. Do đặc điểm vị trí của tiền hiền Hiền Lương nên chính quyền lúc bấy giờ mượn nơi đây làm cơ quan để làm việc và hoạt động” - ông Thanh nói.

Năm 1947, thực dân Pháp lăm le chiếm đóng Chợ Bà và chợ Lạc Câu làm căn cứ của chúng. Chúng mở nhiều cuộc hành quân phá đường sông từ Hiền Lương đến Chợ Được. Trên đường bộ, chúng mở nhiều trận càn quét “giết sạch, đốt sạch”, hãm hiếp phụ nữ. Khi bọn chúng đến Hiền Lương, lực lượng du kích Thăng Phong phối hợp với bộ đội đoàn Quang Trung, quyết chiến với địch, tiêu diệt 60 tên tại Dốc Gọn, Hiền Lương. Ngay sau đó, dân quân du kích Thăng Phong đã phản công địch bằng lựu đạn tự tạo,  tiêu diệt 25 tên địch.

Trải qua 21 năm chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang Bình Hòa đã mở 6 trận đánh Pháp tiêu diệt 131 tên địch, trong đó có 6 tên chỉ huy và 125 tên ngụy quân. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng vũ trang xã đã mở 46 trận đánh lớn nhỏ; tiêu diệt 635 tên địch, tiêu hủy 46 xe các loại; thu giữ 76 khẩu súng; bắn rơi 2 máy bay.

Liên tiếp bị thiệt hại nặng trong các trận càn quét, giặc Pháp điên cuồng bắn giết dân thường, đốt phá làng mạc. Tháng 6.1947, lực lượng du kích dùng đường ray xe lửa vót nhọn cắm từ Cây Mộc, ngăn sông Trường Giang không cho địch lấn chiếm Chợ Bà, Hiền Lương, Thăng Phong, chợ Lạc Câu xã Thăng An và ngăn không cho địch nhảy dù. Ngày 25.10.1947, thực dân Pháp từ căn cứ Hội An càn quét vào xã Thăng Phong, bị bộ đội chủ lực và dân quân du kích Thăng Phong chặn đánh tại Đập Cháy. Với những chiến công đó, quân và dân xã Thăng Phong giữ vững địa bàn và đón nhận một số đồng bào vùng địch tạm chiếm tản cư đến làm ăn sinh sống tại Chợ Bà. Thăng Phong trở thành hậu phương tin cậy của cán bộ và lực lượng vũ  trang tỉnh, huyện.  Đến năm 1948, Thăng Phong sáp nhập Chợ Được, Ngọc Sơn thành xã Thăng Triều. Sau 1954, du kích Thăng Triều đổi tên thành du kích mật Bình Hòa nổi dậy diệt ác ôn, thiết lập chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang mở đầu cho phong trào đồng khởi.

Năm 1966, Bình Giang tách thành 2 đơn vị hành chính là Bình Giang và Bình Hòa thuộc huyện Thăng Bình. Khi được thành lập, xã Bình Hòa trở lại đây mượn lại tiền hiền Hiền Lương để lập cơ quan, củng cố Đảng, chính quyền, mặt trận, lực lượng vũ trang và các ngành đoàn thể. Mở ra nhiều đợt đấu tranh chính trị, binh vận. Lực lượng vũ trang tìm địch mà đánh ở các đồn bốt, cầu, cống trên địa bàn huyện từ Bình Tú đến Hương An tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trong hai năm 1968 - 1969, đế quốc Mỹ và tay sai đánh phá vô cùng ác liệt thực hiện chiến tranh hủy diệt vùng giải phóng xóa thế ở hậu phương, dồn dân bắt lính hòng cô lập nhân dân với lực lượng vũ trang ở địa phương. “Bình Hòa là trọng điểm đánh phá của địch, chúng dùng sức mạnh tàn bạo quyết đè bẹp, khuất phục quân và dân trong xã. Từ đó, lực lượng của ta so với địch không cân sức, nên khi nhận được chủ trương của trên, ta rút ra Xuyên Tân (thuộc thôn An Lạc - xã Duy Thành huyện Duy Xuyên bây giờ) lập căn cứ, tiếp tục hoạt động tại đây”, ông Thanh cho biết.

Một đội du kích 100 người năm xưa, giờ chỉ còn 25 người. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng vẫn còn in hằn trong tâm khảm của những con người ngày đêm sống giữa bom rơi, đạn lạc của kẻ thù. Bà Trần Thị Đào - nữ du kích làng Bình Hòa xưa nhớ lại: “Khi ta rút lui bí mật qua Xuyên Tân, tiền hiền Hiền Lương thành đất trống. Tuy nhiên, địa điểm này vẫn là nơi hoạt động bí mật của lực lượng ta trong việc mật báo.  Xung quanh tiền hiền có 3 cây thị. Trong các cây thị này, chúng tôi khoét một lỗ nhỏ để giấu mật thư, thông báo tình hình của lực lượng ta ở Xuyên Tân. Còn bên tiền hiền Hiền Lương thì thông báo về những chủ trương, kế sách tiếp theo để đánh địch. Tuy nhiên, hiện chỉ còn lại 2 cây thị, một cây đã bị địch đốt phá”.

Lực lượng vũ trang xã Bình Hòa vừa đánh địch bằng vũ trang vừa vận động binh sĩ địch về với ta. Sau khi quân và dân ta rút về căn cứ Xuyên Tân để hoạt động thì lực lượng vũ trang Bình Hòa vừa hoạt động vừa tiếp tế lương thực cho các địa phương khác. “Ngày xưa, khi địch bao vây xung quanh, chúng tôi đã vượt sông, vận chuyển lương thực từ bên kia sông Trường Giang để tiếp tế cho anh em vùng cách mạng và nhân dân trong vùng” - bà Phan Thị Xê, một trong người tham gia lực lượng vũ trang xã Bình Hòa nói. Khi đó, để căn cứ Xuyên Tân hoạt động được an toàn, lực lượng vũ trang xã Bình Hòa đã biến nơi đây thành “tường rào bảo vệ”. Lúc này, lực lượng ta kết hợp đấu tranh chính trị binh vận giữa thế hợp pháp làm nòng cốt cho các cuộc đấu tranh chính trị tập trung tại tỉnh, huyện và Hội An. Từ đó, cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết vào tháng 7.1973, lực lượng du kích xã Bình Hòa tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích và nổi dậy làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị cùng với chính quyền cách mạng, tiến hành xây dựng lại nhà cửa, khai hoang phục hóa, xây dựng công trình thủy lợi, góp phần ổn định đời sống của nhân dân.

Là địa điểm hoạt động cách mạng, nơi bám trụ của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích trong 2 cuộc kháng chiến, và hiện là nơi thờ cúng của 32 tộc họ trong làng. Tuy nhiên, trải qua thời gian, Tiền hiền Hiền Lương xuống cấp trầm trọng mặc dù đã được con cháu các tộc họ nhiều lần trùng tu...

THÀNH CHÂU - GIANG BIÊN

THÀNH CHÂU - GIANG BIÊN