Khúc tưởng niệm Khánh Thọ - Bài 2: Một thời bi tráng
Câu chuyện về rừng Cấm Khánh Thọ từ lâu vẫn lưu truyền ở quê tôi và khắc sâu trong tâm trí tôi. Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27.7), tôi cố công thu thập thông tin để tìm hiểu những gì đã từng xảy ra tại khu rừng Cấm này.
|
Trưởng ban trị sự chùa Khánh Thọ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Khai. Năm 1949, ông Khai được kết nạp Đảng, làm Chi đoàn trưởng thanh niên thôn Khánh Thọ. Sau Hiệp định Genève, vì không thuộc diện được tập kết ra Bắc nên ông ở lại, thường xuyên bị bắt đến khu Tây sám hối, canh gác. Ông Khai kể: “Nhà tôi ở gần đây nên cũng biết được nhiều chuyện. Thường thì buổi chiều chúng giải tù nhân lên, qua buổi tối là coi như xong. Bọn đao phủ tay sai được chúng cho uống rượu, nhét tiền vào túi, tối đến giao tù nhân đưa ra rừng Cấm hành quyết”. “Thế bác biết gì về giếng Đốc Kết?”. “Hồi đó không ai dám vào, mà cũng không được phép. Chỉ có điều vài bữa lại thấy quanh giếng có dấu đất mới bị đào xới” - ông Khai nói.
Trong cuộc chuyện trò của chúng tôi còn có ông Nguyễn Thái, bị cụt một tay, sống tại khu vực chợ Khánh Thọ. Nghe tôi hỏi đến giếng Đốc Kết, ông lên tiếng: “Chuyện giếng Đốc Kết thì tôi biết”. Rồi ông kể: “Hồi đó tôi bị bắt vào dân vệ, canh gác cơ quan khu Tây. Đôi lần vì tò mò tôi cũng lén đi rình xem. Một lần tôi thấy cụ già có bộ râu dài bị giải đến bên giếng. Hai tên đao phủ tròng dây thòng lọng vào cổ cụ, mỗi tên nắm một đầu dây. Ông ấy liền hô “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tiếng hô tiếp theo chưa kịp dứt đã bị nghẹn lại vì chúng kéo căng dây thừng thít chặt cổ ông. Đợi ông già chết ngạt, chúng hất thi thể xuống giếng”. Nói xong ông Thái đưa tôi ra tận nơi diễn tả lại.
Không chỉ âm thầm thủ tiêu, đôi khi chúng đưa một vài tù nhân ra giếng xem cảnh hành quyết nhằm khủng bố tinh thần. Có lần chúng đưa một đảng viên sống tại thôn Khánh Thịnh ra giếng xem màn giết chóc. Cảnh tượng kinh hoàng làm ông mất tinh thần. Vài hôm sau, ông đã lẳng lặng treo cổ tự tử tại một bộng ép dầu cuối thôn.
Còn ông Trần Trọng Tuyên, từng làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tam Thái những năm 1980, sống tại thôn Khánh Thọ, cho biết: “Khi khu Tây được thành lập, tôi bị bắt làm tiểu đội trưởng dân vệ, đêm thường phải đi canh gác. Hơn nữa có một tên đao phủ thường lui tới nhà cha tôi. Đôi lúc buột miệng, hắn kể những kiểu hành quyết tù nhân rất rùng rợn như thắt cổ, đâm thanh tre vót nhọn xuyên qua mang tai…”. “Vậy bác có biết gì việc địch sát hại cán bộ, đảng viên của ta trong rừng Cấm không?”. Chậm rãi, ông Tuyên kể: “Một đêm tháng mười, trời lạnh, tôi ôm mền đi gác dưới chợ Khánh Thọ. Một lúc sau thấy có hai người bị giải xuống. Trong bóng đêm lờ mờ tôi nhận ra ông Bảy Hàn, người cùng thôn. Lâu sau chỉ thấy một người được giải lên. Đoán ông Hàn đã bị giết, sáng hôm sau tôi giả bộ đi tìm gọng bừa, sục vào rừng Chùa (rừng Cấm - NV) thấy một cái hầm vừa bị lấp, dấu đất còn mới nguyên. Hai bên tôi để ý có cây sơn mã và cây trâm. Sau này, giặc chuẩn bị cày ủi rừng Chùa, dựa vào đặc điểm ấy tôi chỉ cho gia đình ông bốc lên, họ nhận ra đúng hài cốt ông ấy”. Mưu mô giết người của bọn ác ôn đủ trăm phương nghìn kế. Như ông Ung Nho Tường, quê thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, Phú Ninh, bị chúng tra tấn đến chết rồi đem treo lên cây cốc sau vườn Chùa, sáng hôm sau hô hoán ông thắt cổ tự tử.
Từ năm 1955 đến năm 1960, không biết đã có bao nhiêu tù nhân là cán bộ cách mạng bị địch giam cầm tại khu Tây. Đặc biệt, sau tháng 7.1956, khi ta phát động nhân dân ký đơn đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, địch càng ra sức khủng bố, bắt giết. Khánh Thọ trở thành một trong những “địa ngục trần gian” ở miền Nam. Nhưng nơi đây cũng trở thành biểu tượng của tinh thần kiên cường bất khuất, biết bao đảng viên cộng sản và người dân yêu nước trong đêm đen của cách mạng miền Nam vẫn một lòng sắt son với Đảng, chấp nhận cái chết để giữ tròn khí tiết.
Không có con số thống kê cụ thể nào, nhưng người ta cho rằng tại Khánh Thọ có hàng trăm cán bộ đảng viên của ta bị địch ám hại rồi vùi trong các hầm hào quanh rừng Cấm, quanh đình Khánh Thọ Đông. Chỉ riêng giếng Đốc Kết bị lấp đầy cũng cho thấy số người nằm đấy là không ít. Năm 1962, ngụy quyền Tam Kỳ san ủi một phần rừng Cấm, dự định dời trụ sở quận lên đây. Người ta kể máy ủi đã sục lên nhiều xương cốt. Năm 1972, địch lại ủi một lần nữa để xây dựng trận địa pháo. Những biến động đó đã làm sai lệch rất nhiều nguyên trạng khu rừng và chắc chắn không ít hài cốt liệt sĩ đã bị tận hủy trong những lần cày ủi ấy.
Sự đời ác giả, ác báo. Người Khánh Thọ vẫn lưu truyền kết cục thê thảm của hai đao phủ giết người nhiều nhất. Một tên tự nhiên hộc máu chết. Một tên bị những vụ giết người ghê rợn ngày đêm ám ảnh đã phát điên, lang thang trong rừng Cấm, gặp gì ăn nấy rồi chết. Những kẻ bày mưu đốc sử vì mặc cảm tội lỗi cũng bỏ quê đi xa không bao giờ dám quay về.
Sau ngày giải phóng, giếng Đốc Kết được đắp thành ngôi mộ tập thể. Chính quyền và người dân xã Tam Thái hằng năm vẫn viếng hương, tu bổ mộ phần. Nhưng trong một thời gian dài, câu chuyện bi thương về rừng Khánh Thọ vẫn chưa được nghiên cứu xác đáng, chẳng ai biết hết quy mô tội ác mà kẻ thù đã gieo tại nơi đây. Trước khi chia tách tỉnh, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có ý định khai quật giếng Đốc Kết lên để làm rõ nhưng rồi thấy vụ việc có vẻ phức tạp quá nên thôi. Ngày tháng cứ trôi qua, chỉ có đất Khánh Thọ mới biết rõ bao nhiêu máu của những người yêu nước đã đổ xuống nơi đây.
--------------------------
Bài cuối: Khai lộ quá khứ
DUY HIỂN