Người tù Côn Đảo đeo thẻ bài màu vàng

ĐỖ HÙNG LUÂN 15/09/2014 08:30

Nhà lao Côn Đảo bắt tù phải đeo thẻ bài in sẵn tên và số tù của mình trên đó. Đeo thẻ bài màu vàng là tù thường án (giết người, cướp của...); thẻ bài màu đỏ là tù chính trị cộng sản; nửa xanh nửa đỏ là tù quân phạm chính trị; nửa vàng nửa đỏ là tù chính trị giáo phái. Trong lao, địch dùng chính sách “tù trị tù”. Tức là sử dụng tù thường án, quân phạm, giáo phái... làm trật tự để giám sát, theo dõi, đàn áp, đánh đập tù chính trị.

Từ nhà lao Chí Hòa, tháng 2.1967 địch đưa tôi cùng hàng trăm người tù khác ra Côn Đảo. Lúc ở lao Thừa Phủ, tôi bị kêu án 10 năm khổ sai, 5 năm quản thúc, nên khi ra Côn Đảo chúng đưa tôi và những người có mức án 10 năm trở lên, làm khổ sai trong trại như làm nhà bếp, sở tẩy... chứ không làm ở các sở bên ngoài.

Tôi và một số anh em vào làm nhà bếp trại 3. Công việc thường nhật là khiêng nước, bửa củi, nấu cơm, có lúc đi khiêng thực phẩm. Trưởng trật tự trại 3 (tên Phát) mang thẻ bài màu vàng là người nham hiểm, được bọn cai ngục tin cậy. Phát phân công trật tự viên đi theo kíp tù làm khổ sai để giám sát, theo dõi. Trật tự viên theo dõi kíp tù làm nhà bếp có Kim Chình, người Miên, nước da trắng, tên này khá nguy hiểm và Lý Ti da đen, cũng là người Miên, cả hai đều là tù thường án.

Bỗng một hôm tôi thấy có một trật tự người Nam Bộ, to cao, đeo thẻ bài màu vàng, đứng tuổi hơn, đi đến chỗ chúng tôi nấu cơm. Trông người này có vẻ khác với những tên trật tự kia: không theo dõi chúng tôi mà lo nhặt các hạt gạo rơi để nuôi gà mà bọn cai ngục cho phép. Hình như làm trật tự chỉ là điều bất đắc dĩ và cho qua ngày, còn trong nội tâm ông ắt hẳn có nỗi niềm riêng.

Tôi chú ý ông, khi nghe anh em ở tù lâu kể lại rằng, ông tên Quang, trên ngực có xăm hình Bác Hồ. Một hôm tôi hết sức để ý nên thấy được hình Bác Hồ màu xanh khá lớn lúc ông cởi áo. Ông đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, giết chết một tên giặc trên đường phố và bị bắt. Chúng tra tấn khai thác để moi thông tin về đồng đội và tổ chức của ông. Nhưng trước sau như một, ông chỉ nhận giết tên Pháp đó vì mối thù riêng, không do ai tổ chức. Nhờ sự khôn ngoan khai báo, không nhận là người do Việt Minh tổ chức nên địch ghép ông là tội tư pháp, kêu án tù chung thân đày đi Côn Đảo. Ra Côn Đảo, ông sống và sinh hoạt với tập thể tù chính trị. Hình Bác Hồ trên ngực ông có lẽ xăm từ thời đó và trải qua nhiều biến cố thời gian vẫn không phá bỏ. Ông là người kháng chiến bị địch bắt. Nhưng khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, ông không được trao trả. Thật là oái ăm, Pháp trao trả 3 đợt tù chính trị ở Côn Đảo, nhưng trong hồ sơ, ông là tù thường án nên bị giữ lại. Tháng 3.1955 nhà lao Côn Đảo còn lại 59 người tù kháng chiến không được trao trả và 600 tù tư pháp; Pháp bàn giao cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông tiếp tục bị giam giữ mà đến năm 1967 tôi có dịp gặp ông tại nhà bếp trại 3 như kể trên.

Với bản chất người kháng chiến, ông đối xử với tù chính trị khá tốt. Từ đầu năm 1968 tôi bị đưa đi nhiều trại tù khác nên không còn gặp ông nữa. Không biết sau này ông có được giảm án và trả tự do như những tù thường án khác không?

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng hình ảnh người trật tự mang thẻ bài màu vàng, trên ngực có xăm hình Bác Hồ ấy, vẫn còn trong ký ức tôi với lòng trân trọng mến yêu.

ĐỖ HÙNG LUÂN

ĐỖ HÙNG LUÂN