Chuyện một gia đình kháng chiến (tiếp theo)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 12/08/2014 09:26

  • Chuyện một gia đình kháng chiến

Ông Thẩm đã ra đi hun hút phía chân trời. Bà Thẩm dọn về nương náu cha mẹ ruột là ông bà Hương Dõng.

Nhà Hương Dõng còn có hai người con trai (em bà Thẩm) đi bộ đội. Ngày ký hiệp định đình chiến ông Dõng tưởng con được trở về, nhưng họ lại biệt tăm. Suốt ngày ông luẩn quẩn trong đầu: “Sinh được con trai, nuôi khôn lớn mong có cháu nội để nối dõi, chết thì có thằng cháu đích tôn bưng nồi hương. Nhưng bây giờ hai thằng con từ chiến trường Tây Nguyên lại nhảy tụt xuống cảng Quy Nhơn, lên tàu đi một hơi ra Bắc”.

Ông bực lắm! Ông thường đọc câu chữ Nho “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” rồi lầm bầm: “Nhưng có Gia mới có Quốc, thế mà tụi nó bảy tám năm vì nước lại không có một ngày cho nhà. Thật là không phải đạo!”. Nhìn bà Dõng, ông lớn tiếng: “Tôi chả cần biết cái gọi là quân lệnh như sơn nào cả. Kháng chiến xong, tụi nó đi luôn một mạch ra miền Bắc, không thèm về chào cha mẹ, không hỏi ý kiến tôi là tôi cho nó bất hiếu”.

Bà Dõng ôn tồn: “Tụi nó mà về, đường xa lỡ chuyến tàu thủy tập kết thì sao. Hai thằng con mình mà ở lại tụi nó bắt được đâu có tha. Không đạp xuống hầm heo thì cũng bị bỏ bao tời. Ông đừng có trách tụi nó cho lắm mà tội”. Ông hương Dõng kịp hạ giọng, nhưng mặt còn đỏ: “Còn chuyện hai đứa con dâu nữa. Tội nghiệp, phải chờ hai thằng con trai mình, lỡ duyên con gái thì sao. Kháng chiến, ai mà không hưởng ứng. Bà thấy không, hai thằng con chưa hết lớn tôi đã động viên xung phong vào bộ đội. Đánh Pháp tưởng là xong, nhưng cớ sự ra thế này thì tôi mất hai thằng con là cái chắc”. Bà Hương Dõng nói cứng: “Ông nói chi quấy rứa. Hai thằng con mình ra Bắc để tiếp tục đi con đường của chúng nó chứ có chết đâu mà ông nói vậy”. Ông Hương Dõng không đôi co nữa, nhưng cũng không chịu thua: “Mai mốt tôi lên xóm trên mua hai bộ ván bời lời về gác sẵn trên rầm, rủi tôi hay bà nằm xuống, có cái cho mấy đứa con gái kêu thợ đóng hòm”.

Thực ra ông Hương Dõng là người thẳng như ruột ngựa, nhân hậu, trách nhiệm với nước với nhà. Hồi Pháp thuộc ông làm Hương kiểm nhưng rất thương dân, bênh vực dân. Có lần ông định đánh nhau với mấy tên lính lệ xuống làng chài Tỉnh Thủy bắt nạt dân. Và, chính ông cũng giục bà Dõng gọi bà Thẩm đem thằng Cát, con Liễu, thằng Dương về ở với ông bà. Ông nói: “Cha mấy đứa đi rồi, chẳng biết bao giờ trở lại. Đừng để nhà Thẩm đơn chiếc, người ta ức hiếp. Ở đây có bà thì nhà Thẩm nương cậy được. Nó phải vắt chân lên cổ chạy chợ, ai coi tụi nhỏ. Rồi mấy đứa sẽ lớn lên, sẽ đi học. Mình đừng để người ta xem tụi nó là “con không cha như nhà không nóc”. Đất nước phân chia rồi đất nước sẽ thống nhất. Tôi tin là ông Hồ Chí Minh sẽ không để đất nước mình phân chia mãi đâu. Ráng mà giúp đỡ nhà Thẩm nuôi con khôn lớn, học hành tử tế, đợi cha tụi nó về. Tôi giận mà nói vậy thôi. Bà cứ yên tâm, tôi biết mình phải làm gì. Bà ngó coi ở hai bên nội ngoại của thằng Cát, thằng Dương còn có mình tôi là đàn ông làm trụ cột chứ còn ai đâu”. Ông Dõng vừa nói vừa vuốt chòm râu đã điểm bạc nhìn ra phía biển.

Bà Hương Dõng mắt rưng rưng nói với ông Dõng: “Ông coi giùm nồi cám heo đang bắc dở trên bếp. Tui đi đến nhà chị sui một tí xem nhà Thẩm có về trong đó không. Cái nhà Thẩm ni hay thật, con còn nhỏ, đi bán mua phải lo về sớm, xế rồi mà chưa về”.

Tay bế thằng Dương, tay dắt thằng Cát đến nhà bà Triêm, vừa thấy con gái, bà Hương Dõng đã lên tiếng: “Mẹ biết ngay mà, nhà Thẩm đã về rồi, nhưng ghé vào chị sui. Xin lỗi chị sui, tui sợ nó ngồi nói chuyện với chị lâu nên phải bế thằng nhỏ vào đây cho nó bú tí. Thằng bé khát sữa cả ngày tội quá!”. Bà Triêm vừa cầm bó trầu, mấy trái cau con dâu đưa cho, nói: “Nó mới đặt gánh xuống đưa tôi gói trầu là chị tới. Mẹ con đã nói được chuyện gì đâu. Mà nó có ngồi lại thì tôi cũng hối về. Ba đứa cháu nội của tui phải bu bà ngoại suốt ngày thế này thì cực chị quá. Tui sức khỏe yếu, không giúp gì được thiệt là khó cho chị. Thôi thì chị thương bề nào nhà Thẩm và mấy đứa cháu nhờ bề ấy”. Rồi bà Triêm giục: “Con về lo cơm nước, heo gà đi. Để chị sui ngồi lại đây nói chuyện một tí”.

Bà Thẩm để thằng Dương bú thêm một cấp rồi trao nó cho bà Dõng, quảy gánh, dắt thằng Cát lủn củn chạy về nhà ngoại.

Từ nãy giờ hai sui gia ngồi ngay chỗ hiên nhà. Nhà Thẩm đi rồi, bà Triêm mời bà Hương Dõng vào nhà. Ngôi nhà ngói năm gian của bà giờ đây thật trống trải, vắng lạnh. Sau khi ông Triêm mất, bà nghĩ đời bà đã tụt sâu đến đáy của bi thảm nghèo đói. Bà gượng dậy được nhờ mấy thằng con. Thế rồi kháng chiến trường kỳ, thằng Sáu hy sinh; thằng Bốn, thằng Năm đi tập kết biệt vô âm tín. Trước đó chỉ non một năm, nhà bà có lúc nào vắng người. Nào là họp lão thành, họp chi bộ thôn… bạn bè, đồng chí của Bốn Thẩm vô ra liên miên. Bà tưởng như cái hào khí của kháng chiến luôn được cô đọng, luôn được khuếch trương trong khoảng không tại nhà bà. Mỗi viên đá ong, mỗi miếng ngói, mỗi cây cột mít, từng thớ gỗ của mấy tấm phên lụa cũng thấm hơi thở, tiếng nói chiến thắng, vinh quang. Thế mà bây giờ con trai đã đi hết để lại mình bà với cái ngôi nhà trống hoác.

Nhà sui gia ở cùng xóm, hàng ngày hai bà thường gặp nhau lúc ở bến đò sang chợ Kim Thành, lúc thì ở giếng làng nhưng có bao giờ ngồi nói chuyện được đâu. Lúc này con gái đã về lo việc nhà, bà Dõng mới ngồi lâu được với bà sui. Bà Triêm lên tiếng: “Từ khi Bốn Thẩm cùng với hơn chín mươi đứa con trai làng biển này ra Bắc chị có nghe tin tức gì không chứ anh em ở lại thì nguy thật. Mấy người là cán bộ huyện ủy, bí thư xã, xã đội trưởng, thậm chí có người ở đâu đổi vùng đến đây hoạt động cũng bị bắt cả. Không biết nhà Thẩm có liên hệ gì với mấy người nằm vùng không mà nó nắm được tình hình, biết nhiều việc lắm”.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

Truyện ký của PHẠM THÔNG