Thượng Đức, những điểm nhìn - Bài 1: Trận chiến lịch sử
Bốn mươi năm qua, máu và nước mắt đã khô, màu xanh đã lại phủ trên chiến trường khốc liệt. Tượng đài chiến thắng Thượng Đức (Đại Lộc) sẽ được khánh thành ngay trong ngày kỷ niệm (7.8), không chỉ tôn vinh những người đã khuất mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau..
Bộ đội tiếp quản chi khu Thượng Đức. Ảnh tư liệu |
BÀI 1: TRẬN CHIẾN LỊCH SỬ
Đồi Thượng Đức giờ chỉ còn lại mặt phi đạo sân bay dã chiến loang lổ, tróc lở, vài công sự đổ nát, khuất chìm dưới những bụi sim, mua lúp xúp. Mặt trận ác liệt im tiếng súng suốt 40 năm qua. Ít ai biết được khu đồi đổ nát hiện tại này đã từng là căn cứ kiên cố, trang bị vũ khí hiện đại nhất của chính quyền Sài Gòn với hệ thống giao thông hào liên hoàn gồm 35 lô cốt nửa chìm, nửa nổi. Nhiều công sự có nắp, hệ thống nhà hầm, hầm ngầm kiên cố có sức chứa 16.000 quân, được mệnh danh là “Mắt ngọc của đầu rồng”, một “cánh cửa thép” của Đà Nẵng. Quân giải phóng đã hai lần tiến công vào Thượng Đức năm 1969-1970 đều không thành công. Chính quyền Sài Gòn huênh hoang tuyên bố chỉ “khi nào nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”.
Mười ngày đọ súng
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, đơn vị chủ lực tấn công vào chi khu quận lỵ Thượng Đức kể, lúc 5 giờ ngày 29.7.1974, Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên không trung và tín hiệu “bão táp” được truyền đi các hướng. Pháo binh dồn dập nã đạn vào Thượng Đức. Cả cứ điểm chìm trong khói lửa. Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 nổ súng chậm hơn 15 phút so với toàn mặt trận vì sương mù không rõ mục tiêu. Hỏa lực trung đoàn dội xuống Ba Khe, động Hà Sống, chiếm giữ tiền đồn phía đông Thượng Đức. Bộ đội chủ lực và địa phương đã chốt đường bộ và đường sông, cắt chia Thượng Đức với các vùng lân cận. Tuy nhiên, trận đánh vào chi khu Thượng Đức không thuận lợi như dự định. Sau 3 ngày tấn công, công sự phòng thủ cũng như hệ thống giao thông hào đều sụp đổ dưới những đợt pháo kích liên tục của pháo binh, nhưng Trung đoàn 66 vẫn chưa thể chiếm được chi khu quận lỵ và quân lực tổn thất khá nặng nề. Trung đoàn 66 phải tạm dừng để củng cố lực lượng đến tổ chức tấn công quyết liệt đêm 6.8. Đến 8 giờ 30 phút ngày 7.8.1974, chiến sĩ Sư đoàn 304 đã tràn ngập cứ điểm Thượng Đức.
Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: T.DŨNG |
Sau này, Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, chiến thắng Thượng Đức 1974 đã thuộc về lịch sử nhưng vẫn còn quá nhiều điều để nói. Mấy chục tấn đạn pháo các loại, hỏa lực rải khắp trên bề mặt chi khu, cả cứ điểm Thượng Đức mù mịt trong khói bụi hàng giờ. Nhưng, ngay cả các lực lượng pháo binh cũng không biết mục tiêu nào đã bị tiêu diệt, mục tiêu nào chưa. Khi bộ binh xung phong, do hỏa lực pháo binh không tiêu diệt được những mục tiêu xung quanh các cửa mở. Quân đội Sài Gòn từ các hầm ngầm, dùng hỏa lực bắn quét từ nhiều phía. Hỏa lực phòng không không khống chế hiệu quả máy bay địch, bị ném bom, bắn phá vào ngay đội hình ta trên cửa mở. Bộ đội bị thương vong, hy sinh quá nhiều. Đợt tiến công thứ nhất không thành công. Ngày 30 và 31 dù có thay quân đột phá, đơn vị mới vẫn lặp lại các thiếu sót cũ, đánh không có sự chuẩn bị. Sự kết hợp giữa công binh, pháo binh, bộ binh rất rời rạc, chệch choạc thiếu tỉ mỉ, cửa mở vẫn không thông và bộ đội vẫn thương vong nhiều. Đến 17 giờ ngày 31.7, Trung đoàn 66 phải tạm dừng tiến công, chuyển sang giữ địa bàn đã chiếm, rút kinh nghiệm, chuẩn bị lại tất cả các khâu thật chu đáo trước khi thực hành đột phá tiếp. Đây là một trong những sai lầm lớn, dẫn đến thương vong lớn.
Điểm cao 1062
Ngay sau khi giải phóng Thượng Đức, để sẵn sàng đánh trả cuộc phản công lớn của địch hòng chiếm lại khu vực này, Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 tiến công đánh chiếm khu vực Bàn Tân 2, Hà Nha, các điểm cao 52, 126, 109 (đông Thượng Đức 5km). Tiếp đó Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng Trung đoàn 3 và Trung đoàn 66 tổ chức tuyến phòng ngự kéo dài từ điểm cao 52 qua Hà Nha, Bàn Tân, vượt sông Vu Gia vào tới thung lũng núi Hữu Trinh, cắt đứt hoàn toàn đường tiến quân của địch từ Đà Nẵng lên Thượng Đức. Trung đoàn 24 bộ binh vừa từ Quảng Trị vào được giữ làm lực lượng dự bị.
Dấu vết chiến tranh còn sót lại trên đồi. Ảnh: N.PHONG |
Chỉ một ngày sau Thượng Đức thất thủ, lính dù Sài Gòn đã khẩn cấp không vận đến vùng hành quân Đại Lộc. Cuộc chạm trán đầu tiên giữa lực lượng tinh nhuệ hai bên đã diễn ra ngày 18.8.1974. Cuộc chiến đấu giữa Trung đoàn 24, Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 với Sư đoàn dù của quân đội Sài Gòn đã diễn ra quyết liệt ở khu vực điểm cao 1062 trong suốt tháng 10 và đầu 11.1974. Đây là cuộc đọ sức nảy lửa nhất, ác liệt nhất của hai bên. Hai bên giành giật nhau từng tấc đất, từng mỏm đồi trên cao điểm 700, 383 và nhất là cao điểm 1062. Cuộc chiến đấu trở nên vô cùng ác liệt và gian khổ. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66 nói, những ngày đó mưa lớn kéo dài, các trận địa chốt ngâm trong nước, hầm hào sạt lở. Việc vận chuyển, tiếp tế của Quân đoàn từ phía sau gặp khá nhiều khó khăn. Sức khỏe giảm sút, quân số thiếu hụt, nên ở một số nơi, có đơn vị không đủ sức giữ vững trận địa. Quân đội Sài Gòn đã chiếm được một số cao điểm 109, 700, 383… trong hệ thống phòng ngự phía trước. Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 nói, tháng 8 khởi đầu mùa mưa lớn, các con đường đều sụt lở, lầy lội, suối sâu nước đổ ào ào dữ dội. Hàng ngày, máy bay, pháo binh trút bom dữ dội. Các tuyến hào chiến đấu ngược lên đỉnh 1062 đầy bùn nước sền sệt ngập tới đầu gối. Đi trên đỉnh như đi trong sình lầy, cây cối chỏng chơ không còn một chiếc lá trên cành, nơi đây từng là khu rừng rậm rạp nhưng bây giờ tựa như cánh đồng hoang đầy hiểm họa. Đỉnh 1062 là một nấm mộ tập thể khổng lồ, chôn không biết bao nhiêu sinh mạng của cả hai bên. Mỗi khi quân ta vừa chiếm được 1062, lập tức địch dội pháo, điên cuồng xông lên quyết chiếm lại. Cả hai bên mất đi, rồi dành lại đỉnh 1062 nhiều lần. Pháo, súng, lựu đạn và cả bom napalm đốt cháy cả cánh rừng nguyên sinh, cày nát đỉnh đồi. Cuối cùng, quân dù phải rời bỏ điểm cao 1062, thiệt hại đến 50% quân số sau 4 tháng giao tranh. Thế trận giằng co hai bên còn kéo dài thêm vài tuần nữa, nhưng cuối tháng 11.1974, cuộc “thư hùng” giữa hai lực lượng tinh nhuệ nhất chấm dứt. Chiến thắng Thượng Đức khẳng định sức mạnh của chủ lực ta áp đảo chủ lực địch. Đây là một trong những cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam 1975.
Khói lửa chiến tranh vùng Thượng Đức đã lùi xa. Một ngày đầu thu, vài người khách lạ đến cầu Ba Khe hỏi đường lên đỉnh cao 1062. Những người dân địa phương ngồi nghỉ dưới những bóng cây trùm mát rượi ven bờ khe nói không thể lên đồi cao ấy được vì đường khó đi. Hình như nơi ấy còn nhiều mìn. Dọc khu vực ấy có rất nhiều biển báo cấm người và trâu bò “xâm nhập”! Nhìn khung cảnh thanh bình, nên thơ ấy với khe nước trong veo chảy từ cánh rừng trước mặt, vài con trâu trầm mình giữa nước trong nắng sớm và không ít khách bộ hành mắc võng… nghỉ chân, không ai có thể hình dung nổi, khu vực này, đã từng là dưới chân đồi của một “đỉnh máu” 40 năm trước.
-----------------------
Bài 2: Nhận định từ hai phía
NHẬT PHONG