Đánh giặc bằng câu hát, hò vè
Khá bất ngờ khi chúng tôi nghe được câu chuyện “đánh giặc bằng hò vè” của những đội quân tóc dài hay cán bộ Ban văn xã từng một thời nức tiếng ở làng khoai Trà Đõa (Bình Đào, Thăng Bình)...
![]() |
Bà Ba Quyệt - một trong những thành viên “đội quân tóc dài” năm xưa bên căn nhà của mình hiện nay. |
Bà Năm Châu (thôn Trà Đõa 1), còn gọi là má Châu, từng là giọng hò khoan hay, sắc bén nhất trong “đội quân tóc dài” của Bình Đào năm xưa. Theo ký ức của má Châu, sau năm 1954, má và các cô Hai Mới, Ba Quyệt, Trần Thị Hử… cùng lứa tuổi mười chín, đôi mươi trong các tổ sản xuất nông đoàn hình thành các đội văn nghệ, chuyên ứng tác, sưu tầm những bài hò khoan, bài chòi, dân ca, những vở kịch ngắn để phục vụ bà con. Đồng thời sử dụng làm “vũ khí tinh thần” để kêu gọi ủng hộ kháng chiến, làm công tác binh địch vận kêu gọi binh sĩ ngụy bỏ hàng ngũ địch. Khi ấy, hầu như mọi người đều mù chữ, người giỏi nhất cũng chỉ được vài ba chữ lận lưng, thế nhưng đội quân tóc dài ấy đã ứng tác được hàng trăm bài thơ ca, hò vè. Má Châu cười móm mém, nói: “Có giỏi chi mô. Chẳng qua là dân ca quê hương thấm sâu vào máu thịt rồi, ở làng này ai mà chẳng phải biết chí ít dăm bài hò vè để ru con. Bởi rứa mỗi khi có một “hoàn cảnh cụ thể” nào là tự nhiên vần vè nó tuôn ra cho hợp thôi. Chẳng hạn như trong kháng chiến chống Pháp, các má ứng tác ra những câu ca kêu gọi tiết kiệm để ủng hộ kháng chiến như: “…Chị em phụ nữ mình ơi mau mau bỏ gạo vào bình, đủ 7 ngày đem ra cứu quốc. Miếng ăn đó trừ loài Pháp, Nhật. Nhịn ăn đi để mà giúp miền Nam…”.
Thời kháng chiến chống Mỹ, Bình Đào nằm ở vùng giáp ranh, đêm đêm các má nằm ở dưới hầm hướng loa về phía đồn bót địch, ứng tác đủ bài kêu gọi binh sĩ ngụy quay về với chính nghĩa cách mạng. Không ít lần các má bị giặc bắt, đánh đập, tra khảo nhưng rồi cũng phải thả ra vì không moi móc được chứng cứ nào. Những bài ca các má sáng tác, sưu tầm dung dị, nôm na như đang thủ thỉ trò chuyện giữa những người mẹ, người vợ với con cái nên dễ đi vào lòng người. Nhưng khi cần thì dùng lời lẽ sắc sảo để đập tan những luận điệu mị dân của bọn giặc. Khi ấy bọn địch cứ rêu rao “... có chồng bộ đội lấy thằng khùng sướng hơn. Vợ Việt gian đeo vàng đầy cổ, vợ bộ đội cực khổ cả đời”. Nghe vậy, các má bèn đối đáp lại rằng: “… lấy chồng bộ đội là dâu Bác Hồ, vợ Việt gian vàng đeo có lúc, vợ bộ đội hạnh phúc muôn năm…”. Không thể nhớ hết có bao nhiêu lính ngụy vì rung động bởi những câu hò binh vận của các má, các chị mà đào ngũ, quay về tham gia kháng chiến. Nhưng má Châu thì vẫn nhớ như in lần đầu tiên đưa được 2 anh em Trần Mừng, Trần Vui vừa ở Sài Gòn về đóng góp cho quê nhà, nhưng sau này vì không chịu được khổ cực nên đã quay về hàng địch. Bây giờ má vẫn còn tiếc giá như hồi đó có thời gian quan tâm đến họ hơn nữa thì chắc họ đã không quay lưng lại với kháng chiến.
Cụ Trần Xuân Nho (thôn Trà Đõa 1) từ năm 10 tuổi đã gắn đời mình với nỗi đam mê sưu tầm, sáng tác những câu ca, hò vè, bài chòi, dân ca mang âm hưởng hò khoan của xứ Quảng. Hơn nửa thế kỷ theo đuổi tìm tòi những bài ca quê hương, cụ đã sưu tầm và sáng tác hàng trăm bài, đến bây giờ nhiều người dân trong làng vẫn còn truyền miệng nhau những bài ca do cụ sáng tác. Các mẹ, chị đội quân tóc dài của Bình Đào thuộc nằm lòng những câu vè, hò khoan của cụ. Bà Ba Quyệt kể lại: Sau năm 1954, chị em chúng tôi tham gia các tổ sản xuất nông đoàn, suốt ngày tham gia sản xuất, hát hò khí thế lắm. Tôi nhớ hồi ấy động viên chống hạn, ông Nho đã sưu tầm bài hò khoan “Tát nước đêm” phổ biến cho chị em. Rồi ông lại tìm tiếp bài dân ca “Bác X” kể về một cụ già kiên quyết không gả con gái cho địch. Những bài ca này có lời lẽ nôm na, hóm hỉnh, chị em tôi hay hát khi làm công tác binh địch vận. Những năm sau giải phóng, 14 tổ sản xuất đều có đội văn nghệ, mình ông Nho phải lo việc tìm kiếm, sáng tác, dàn dựng tiết mục biểu diễn cho các đội. Năm 1979, vở kịch do ông Nho sáng tác nội dung kêu gọi tăng năng suất giống khoai đặc sản Trà Đõa đã đoạt giải nhì hội diễn văn nghệ hợp tác xã tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Nhiều vở kịch như “Gia đình bác Quán”, dân ca “Mừng ngày hội lớn”... của ông cũng đoạt giải cao ở các hội thi cấp huyện, tỉnh.
![]() |
Bao năm nay, cụ Nho theo đuổi đam mê sáng tác, sưu tầm những bài ca mang âm hưởng dân ca xứ Quảng. Ảnh: LÊ QUÂN |
Ông Nho kể: Vào những năm 1964 - 1969, ở Bình Đào có tờ báo “Trỗi dậy” do những người trong Ban văn xã như ông Nho, ông Nguyễn Hữu Á, Trần Phúc Chỉ... chủ biên. Trong đó ông phụ trách mảng thơ ca, hò vè nên có điều kiện phổ biến những tác phẩm sưu tầm hay tự sáng tác cho người làng. Ngày 14.1.1968, cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân Hà Lam (Thăng Bình) nổ ra, bọn Mỹ ngụy đã đàn áp hàng nghìn người dân vô tội. Cụ Nho đã sáng tác bài dân ca “Thăng Bình nhuộm máu” để ca ngợi về lòng dũng cảm của người dân quê ông, đến bây giờ nhiều người vẫn còn nhớ và xem đấy là một trong số những bài ca “kinh điển” kể về những ngày tháng lịch sử quê hương. Nhiều người trong đội quân tóc dài, trong Ban văn xã như bà Trần Thị Chợ, ông Trần Công Tám, Hồ Văn Diêu... đã hy sinh, nhưng hình ảnh của họ vẫn còn mãi sống qua những lời ca hào hùng ấy.
Những thiếu nữ trong đội quân tóc dài ngày ấy bây giờ đã lên chức bà. Những người như bà Năm Châu, ông Nho, bà Ba Quyệt, Hai Mới... thi thoảng lại tụ tập để cùng nhau hát lại những điệu hò khoan ngày xưa hoặc tập cho lớp trẻ đi thi thố ở các địa phương khác.
LÊ QUÂN