Mổ bụng đấu tranh
...Trời tháng 5, nắng như thiêu như đốt, chúng tôi một tốp tù khổ sai từ phòng 21 trại 3 Côn Đảo (sau 1973 đổi tên là Phú Sơn) theo tên trật tự kèm bên dẫn đi làm khổ sai.
Làm một lúc, dưới trời nắng chang chang, nóng bức, mọi người bèn đến bụi cây ngồi nghỉ cho đỡ. Tên trật tự hò hét bắt anh em trở ra làm. Tôi từ từ bước ra sau, thế là tên này ghi số thẻ bài tôi “Đỗ Luân 18 701” để báo cáo Ban chuyên môn.
Hôm sau, chúng kêu tên tôi dẫn đến Ban chuyên môn. Tên Lợi ác ôn, tay sai đắc lực của Chín Khương, Trưởng ban khét tiếng là gian ác. Hắn đã từng đánh tôi bao trận đòn nhừ tử. Hôm nay gặp lại. Thế là có dịp để nó thi thố “tài năng”.
Hắn cho tôi là người cầm đầu lãn công, nên không một chút ngần ngừ đưa lên cao cây bá trắc, giáng thật mạnh vào đầu, vào mặt, vào ngực, vào hai mang tai tôi. Liên tiếp mấy đợt không ngừng nghỉ. Mặt mày tôi đã bầm tím, sưng húp, máu tuôn xối xả. Xong hắn đưa tôi trở về phòng để thực hiện thủ đoạn thâm độc, mà không đưa vào hầm đá còng chân như các lần.
Anh em sau một ngày làm khổ sai trở về, thấy tôi bị đánh đập quá nặng, có người tỏ ra e ngại. Chúng đánh cho tơi tả, thương tổn nặng như thế rồi đưa về phòng để uy hiếp tinh thần, triệt hạ uy thế người tù chính trị, để anh em ta nhìn thấy sẽ khiếp sợ không dám đấu tranh, không dám có một cử chỉ nào phản ứng chúng. Dã tâm thâm độc của chúng là muốn tù chính trị thấy đó mà sợ, mọi việc đều phải nhất nhất tuân theo dù bị áp bức hành hạ.
Tôi bị đánh đập tàn bạo quá, nên nằm trong phòng mà lòng ngập tràn căm tức. Tự nghĩ phải có cách đấu tranh gì đây để bọn chúng thấy ý chí người cách mạng không hề giảm sút trước đòn roi tàn bạo của chúng. Để về mặt nội bộ ta thì khôi phục tinh thần anh em, bởi có người khi thấy tôi bị khủng bố đánh đập thì đã bắt đầu dao động, như ý đồ của địch.
Tối hôm đó tôi đang nằm suy nghĩ hình thức đấu tranh như thế nào cho phù hợp, đạt yêu cầu đối phó với địch và nâng cao tinh thần anh em trong phòng, thì anh Nguyễn Văn Chi, một lãnh đạo phòng đến nằm bên tôi trao đổi. Anh bày tỏ suy nghĩ của mình. Tôi rất mừng vì cách suy nghĩ của tôi giống anh. Tức cần đấu tranh bằng hình thức mổ bụng. Chỉ có cách đó mới có thể làm địch chùn tay. Tôi và anh cũng dễ dàng thống nhất với nhau về mức độ mổ bụng. Chỉ để lấy máu phản đối sự tàn bạo của chúng mà chưa đến mức phải mổ bụng hy sinh. Cần hành động ngay trong đêm nay để kịp thời phản đối việc chúng đánh đập tù nhân khi làm khổ sai.
Anh cho biết thêm kế hoạch tiếp theo mà anh đã bàn với một anh lãnh đạo khác là sau khi tôi mổ bụng, anh em la lên “Trong phòng có người mổ bụng!” để trật tự biết đưa đi cấp cứu. Sáng ra cả phòng không chịu xuất trại đi làm khổ sai, đòi gặp trưởng trại vào giải quyết. Có như thế mới chận bàn tay đẫm máu, bạo tàn của chúng lại, đồng thời đưa tinh thần anh em lên, lấy lại khí thế.
Đúng kế hoạch đặt ra: Tối đó, một anh trong phòng đến đưa cho tôi một lưỡi lam. Chờ đến quá nửa đêm, tôi bắt đầu hành động. Lòng đầy căm hận, chẳng một chút e ngại, sợ sệt, tôi lật áo. Không nhìn vào bụng mình, tay phải cầm lưỡi lam rạch mạnh vào bụng bên phải, lưỡi lam không được bén nên tôi phải rạch mạnh nhiều lần để vết mổ sâu xuống cho máu đổ ra thật nhiều. Tôi không cảm thấy đau đớn. Có lẽ vì lòng căm thù về sự dã man, tàn ác của chúng quá mạnh mẽ trong tôi, cũng như sự quyết tâm rất cao của tôi nên không biết đau đớn chăng?
Một anh nằm bên cạnh, thấy tôi mổ bụng đã la lên. Tên trật tự gác cửa gọi y tá vào cấp cứu. Tôi được khiêng đến bệnh xá để băng bó. Anh em y tá là những người tù chính trị có chuyên môn, rất tận tình chăm sóc, thể hiện tình thương yêu đồng đội.
Bây giờ nghĩ lại sự việc mổ bụng năm ấy, tôi lại thấy rùng mình! Bình thường không bao giờ tôi làm được như vậy, thế mà lúc đó tinh thần tuổi trẻ thật là mãnh liệt! Tôi không một chút chùn tay, không một chút ngại ngùng sợ sệt.
Trời đã sáng từ lâu nhưng anh em trong phòng không ai chịu ra khỏi phòng đi làm khổ sai. Trưởng trại vào gặp, nghe anh em nêu yêu sách là không được đánh đập tù nhân và chữa trị vết thương cho tôi, đòi đổi tên trật tự dẫn đi làm khổ sai hôm trước. Trưởng trại chấp nhận tất cả. Như vậy ta đã đấu tranh thắng lợi. Mọi người trong phòng phấn khởi, tinh thần chiến đấu được giữ vững.
Khi vết thương sắp lành, chúng đưa tôi từ bệnh xá đến Ban chuyên môn. Tên Lợi ác ôn gặp lại tôi. Lần này nó hỏi để lấy cung mà không đánh đập như những lần trước. Lợi hỏi tôi tại sao mổ bụng? Mổ như thế nào? Tôi nói tù nhân làm khổ sai mà còn bị đánh đập, không chịu nổi nên phải mổ bụng, vết thương dài và sâu. Tên Lợi nghe tôi nói nhưng lại viết trong bản cung khác đi. Khi Lợi đọc lại để ký, nghe đến câu “vết mổ ngắn cạn ngoài da”, tôi quyết liệt phản đối không chịu, đồng thời kéo áo để lòi tấm băng vết mổ và nói: “Tôi xé băng ra cho ông xem, chứ ông viết như vậy không đúng”. Tên Lợi liền hạ giọng: “Thôi, thôi” rồi viết theo lời khai của tôi là vết mổ dài 5 phân và sâu như tôi đã nói.
Vậy là tập thể tù chính trị và tôi đã giành thắng lợi, không cho chúng có ý đồ xuyên tạc việc mổ bụng đấu tranh của ta. Lòng dũng cảm của người tù cách mạng đã chặn được dã tâm của chúng.
Trật tự dẫn tôi trở về bệnh xá và hai hôm sau chúng lại đưa tôi qua phòng 5 trại II (trại Phú Hải) mà không trở về phòng 10 trại III, nơi tôi đã mổ bụng. Vào với một tập thể mới, mọi người dễ hiểu nhau. Ở đây tôi được gặp một số cán bộ lãnh đạo cấp cao ngoài đời như chú Mười Thanh, chú Bùi Ngọc Diệp và thượng tọa Thích Minh Nguyệt (tên là Lý Duy Kim), cùng nhau chuyện trò thân thiết.
Tháng 8.1970, “Đồng khởi Côn Đảo”, toàn bộ tù chính trị ở địa ngục trần gian này đồng loạt chống khổ sai, chống chào cờ. Lực lượng tù chính trị lại giành thắng lợi to lớn, địch buộc phải bị động đối phó và đành chấp nhận khí thế vùng lên “long trời lở đất” của ta, không thể nào đánh rã phong trào được nữa.
Mổ bụng đấu tranh tháng 5.1970 ở phòng 21 trại III Côn Đảo năm ấy, đến nay đã gần 45 năm, trên bụng tôi hãy còn mấy vết sẹo. Đó là một kỷ niệm trong đời tù của tôi. Mỗi khi nghĩ lại lòng thấy vui. Cái vui lớn nhất là đấu tranh đã giành được thắng lợi, góp phần chặn bàn tay đẫm máu, bạo tàn của địch đối với tù chính trị. Cuộc đấu tranh mổ bụng ấy có sự lãnh đạo, chặt chẽ của tổ chức trong nhà tù.
Tháng 2.1974, tôi hòa trong đoàn “Chiến thắng trở về” của đợt trao trả cuối cùng cho chính phủ Cách mạng lâm thời tại Lộc Ninh.
ĐỖ HÙNG LUÂN (Hồi ký)